Thấy vui!

Vâng, Tao Đàn(TĐ)đang vui. Trang thơ nhộn nhịp hẳn lên. Số lượng bài đăng lên trang hằng ngày tăng đột biến. Phải chia chặng trong ngày để đọc. Đọc liền một mạch thì không thể cảm hết cái thần, cái tình của từng thi phẩm- những đứa con tinh thần của trang thơ. Nâng niu còn bởi…thơ dự thi nguyên đai nguyên kiện, có ghi chú…”hàng dễ vỡ”. Quý lắm, cái không khí thơ…không dễ gì có được!

Nửa chặng đường so với đích- ngày 10 tháng 8, TĐ đã nhận được…300 bài thơ dự thi. Một con số ấn tượng. Song cũng rất tiếc phải loại gần 1/4 số đó.
Số phải loại là vì: bài thơ chưa hoàn chỉnh; bài thơ nói gì không rõ; bài thơ định nói điều này điều kia nhưng diễn đạt không tới- dùng chữ thiếu cân nhắc; bài thơ lủng củng cấu tứ; bài thơ không xác định được chủ thể trữ tình. ( Chủ thể trữ tình là gì? Là tôi, là anh, là em, là ta trong bài thơ- ngôi thứ nhất, cả số nhiều và số ít. Là cái tôi khuyết của tác giả. Còn trong thơ tự sự- có cốt truyện, có nhân vật, xưng tôi hay không xưng tôi được hiểu là tôi- tác giả kể chuyện. Ví dụ: ” Bà Ba đi chợ mua rau/ Cái Lan, cu Tý đi sau lưng bà/ Tiền bà trong túi rơi ra/ Tý, Lan nhặt được trả bà mua rau”. Hoặc: ” Anh ấy đi hỏi vợ và rủ tôi đi cùng/ Đầu tôi còn vương lá cây rừng/ Mà cử chỉ có gì là khéo/ Cô gái đầu tiên phải nói là rất điệu/ Dáng đứng dáng ngồi lựa chọn rất tinh vi…” Đúng đắn ở đây là sự nhất quán- chủ thể chỉ có một và xuyên suốt. Hai chủ thể, hai người kể chuyện trong một bài thơ là phạm quy.

Có thể là hình ảnh về 4 người và văn bản

Ngoài những cái yếu, cái khuyết cơ bản đó, một số tác giả có những sơ suất đáng tiếc như: Đặt tên bài thơ tùy tiện, bị mất điểm. Tên bài thơ nhất thiết phải gắn với tứ thơ. Nó phần nào định hướng cho người đọc nắm bắt nhanh chủ đề tác giả muốn trình bày. Không nên tùy hứng khi chọn tên bài thơ. Rồi tên bài thơ có hai từ đi với nhau nếu nói lái sẽ ra nghĩa không hay, phản cảm- cần chú ý bởi người Việt ta đọc thấy điều đó rất nhanh. Rồi lỗi chính tả, lỗi về dấu, sai phụ âm cuối. Lỗi không viết hoa, viết hoa tùy tiện- ý tác giả là đồ đậm, nhấn mạnh, nhưng ngữ pháp không cho làm vậy.
Đó là những cái yếu cái khuyết bị loại.

Số đông vượt qua “vòng gửi xe” thì sao nhỉ.

Số đông đó là thơ. Thơ có chất lượng nhất định. Thấy được tầng mức bút pháp khác nhau, có thể tách làm ba nhóm thơ. Nhóm vào chung khảo; nhóm gần với chung khảo- cả hai nhóm này còn chờ đồng dạng của chặng sau gộp vào- soát đi xét lại nhiều lần để nâng lên hạ xuống, chọn chính xác 16 bài chung khảo. Làm vậy bởi vì sự nổi trội, khác biệt của các bài thi trong hai nhóm này không lớn. Nhóm còn lại, nhóm ba thì đã rõ- bài được chọn chỉ để đăng- để ngắm nghía rút kinh nghiệm ở phía tác giả sau khi giao lưu cọ xát, biết bút lực của mình ở mức nào hòng tiếp tục trau dồi nâng tầm sáng tạo. Có thể tính toán lại về thể loại thuận lợi cho xếp chữ gieo vần, cách thức tiếp cận, cách bắt đầu, kết thúc bài thơ, chọn tên bài, chọn vần trung tâm đối với thơ cách luật…

Trước khi trưng dẫn đánh giá thơ hay của một số tác giả, những điểm sáng lóe lên trong nửa chặng thi đầu, có lẽ nên nêu lại tiêu chí chung của làng văn chương Việt về thơ hay. Đây là căn cứ, tiêu chí chấm thi của giám khảo. Đây cũng là khung để tác giả dự thi đo đếm xem thơ của mình đã có gì, còn thiếu gì. Đây cũng là lý do để bằng lòng hay không bằng lòng của các tác giả so với cách thức, kết quả chấm thi, xét chọn trao giải của ban tổ chức cuộc thi.
Thế nào là thơ hay?

Thơ hay nói gọn là: Lời hay, ý đẹp, truyền cảm; thơ có âm điệu tiết tấu. Lời hay bởi trong sáng tự nhiên, không gượng ép. Ý đẹp bởi ý thơ hàm súc, giàu hình ảnh. Truyền cảm là đọc lên thấy xúc động nao nao xao xuyến tâm hồn. Có âm điệu bởi hợp vận bằng trắc, gieo vần hợp lý. Có tiết tấu, có nhịp bởi vừa chữ- thừa hay thiếu đều hẫng.

Gọn thế thôi nhưng công phu biết nhường nào. Không dễ để trở thành đóa hương sắc giữa bạt ngàn cây lá.

Đối chiếu với “khuôn vàng thước ngọc” nêu trên thì lục bát là thể loại dễ tiếp cận nhất. Sự nổi trội về chất thuộc về lục bát. Có thể kể ra mấy tác giả như: Phạm Luyến, Nguyễn Bá Hòa, Phạm Oanh Lan, Hải Thụy, Lê Ngọc Thiện, Phạm Huy Liệu…

Với đường luật, hầu hết tác giả gặp khó khăn khi tả cảnh tả tình trong khuôn luật khắt khe. Chưa nhìn thấy sự thanh thoát, có hồn, giàu hình ảnh theo cách của Nguyễn Khuyến- Thu Điếu; của ” Bước tới đèo ngang bóng xế tà…Lác đác bên sông chợ mấy nhà” ( Viết tự nhiên như bước đi, như chơi mà hình ảnh rõ ràng, sinh động).

Việc dùng nhiều cổ tự cho thấy các tác giả bí bách từ ngữ khi diễn đạt, không bật ra cái tình thiết yếu để làm rung động người đọc. Có vẻ như muốn giỏi đường luật phải giỏi chữ hơn thơ khác, và giỏi dụng tính từ. ” Lác đác, lom khom, tẻo teo…” đắc là thế.

Có cố gắng ở thể loại này- thơ có cảnh có tình, nhìn thấy ở hai tác giả: Nguyễn Hữu Trí Trí và Bùi Đắc.

Tương tự như đường luật, ở nhóm cách luật( thơ 7, 8 chữ) giám khảo cũng chưa nhìn thấy thi phẩm nổi bật về tứ hoặc phong cách, bút pháp. Dễ nhận ra các tác giả thiếu kỹ lưỡng trong tổ chức kết cấu bài thơ; độ liên kết giữa các khổ thơ thiếu chuẩn chỉnh; mạch thơ đuối dần về cuối, cái kết thiếu thuyết phục. Thơ cứ đều đều. Thiếu những câu thơ đặc sắc. Ý tứ chưa hàm súc, tinh tế. Thơ chưa giàu hình ảnh, nhạc tính.

Đối với thơ tự do, không gò bó luật, có một số tác giả vận dụng khá tốt lợi thế này để phô diễn ý tưởng của mình, thể hiện được phong cách, manh nha về một lối đi riêng. Ý đồ, dáng dấp của cách tân, đổi mới đã bộc lộ ở các tầng mức khác nhau. Cách tiếp cận, cách diễn đạt đã tạo được ấn tượng ban đầu cho giám khảo. Điều thú vị ấy thấy được ở các tác giả Tú Phụng, Lê Gia Hoài, Nguyễn Minh Quý, Minh Hương, Lâm Phương Thuận, Nguyễn Đức Hòa, Thiên Di.

Tuy nhiên, ở từng tác giả vẫn còn chỗ này chỗ kia vướng vấp, chưa hoàn toàn thuyết phục. Vẫn là lỗi chính tả ( cái cảm giác khó chịu khi đọc thơ); vẫn là từ ngữ thiếu chọn lọc- từ không rõ nghĩa, không ăn khớp làm cho câu thơ bị gãy; rồi từ ngữ thiếu tiết chế, quá đậm chỗ này, nhạt chỗ kia, tạo ra lồi lõm, mất cân xứng ở các khổ thơ; rồi đặt tên- nhan đề bài thơ rất kêu nhưng xét kỹ nó xa vời với tứ thơ, với chủ đề- cái thiếu gắn kết này tạo cảm giác hụt hẫng. Ở hai tác giả thể hiện sự cao tay trong sáng tạo(xin giấu tên), thơ viết theo xu hướng thơ mới- viết thế nào chứ không đơn thuần là viết cái gì, đã tạo ra điểm nhấn trong làng thơ dự thi bởi phong cách. Với kiểu thơ này người đọc phải đi vòng, đi xa hơn mới nhìn thấy cốt lõi của ý tại ngôn ngoại. Thơ không dùng chữ ” buồn” để nói nỗi buồn. Một khổ thơ, đoạn thơ dùng hình ảnh, hành động không liên quan nhưng lại ám chỉ đó là khao khát, đó là chờ mong, đó là nỗi đau…Hoặc cả bài thơ, tương tự như vậy, dài, dích dắc chỉ để đưa ra cái thông điệp rằng, cuộc sống này quá khắc nghiệt, nhiều ước mơ và hoài bảo, sự thánh thiện đã không thể hiện thực.

Tuy nhiên, ở các tác giả này vẫn thiếu phương pháp, bí quyết giúp người đọc, dù chậm chạp vẫn hiểu được vấn đề muốn nói. Hay nói cách khác, thiếu sự cuốn hút, quyến rủ để càng đọc càng ngấm và thán phục. Một cảm giác ang áng, tìm hiểu một cách dọ dẫm đã triệt tiêu xúc cảm. Không hề có nao nao xao xuyến tâm hồn, hay cái râm ran ngấm dần vị cay mà thơm ngọt của ly rượu mời. Rất tiếc.

Cuộc thi rồi sẽ trao giải theo cơ cấu đã thông báo.

Sẽ là thế nào- cảm xúc của người có giải và người thi trượt?

Người viết bài này áng chừng: Chẳng có niềm vui nào nổ trời; chẳng có nỗi buồn nào đến câm lặng. Mọi thứ chưa dừng lại ở đây; còn phải tìm kiếm, phải vươn tới bởi cao và rộng lắm cõi thơ. Sự lặng lẽ và kiên trì, nuôi dưỡng khát khao chinh phục là cần thiết.

Vui vì một chút đồng cảm chia sẻ của bạn thơ trên trang mỗi ngày, những phản quang khích lệ dù nhỏ bé sẽ góp dần vào lửa đam mê, góp động lực để tiếp tục dãi dầu sáng tạo…Và biết đâu đấy!

Trân trọng!

Huỳnh Thanh Liêm