Tự ngày xửa, ngày xưa
Từ lâu lắm rồi không ai nhớ nổi
Tổ tiên tôi đã biết làm thơ khi nuôi tằm dệt cửi
Ông bà tôi đã biết làm thơ lúc cày cấy ngoài đồng
Cô chú tôi đã biết làm thơ trên đường đi đánh giặc
Cha mẹ tôi cũng tập tành câu lục bát chờ mong.

Tự trăm năm
Tự ngàn năm
Thơ đã mọc xanh rì trên những cánh đồng lúa nước
Thơ chảy tràn qua những con suối, dòng sông
Thơ réo rắt tiếng chim, thơ mịn màng vải lụa
Thơ dịu dàng thiếu nữ, thơ rực rỡ hoa hồng.

Tôi đã từng nghe thơ khi cha mẹ còn huê tình đối đáp
Lúc lọt lòng đã nghe hát ầu …ơ…
Ông tôi nằm võng ngâm Bình Ngô Đại cáo
Bà tôi khâu áo diễn đọc Truyện Kiều

Cha mẹ tôi đã nói như thế
Ông bà tôi cũng kể như thế
Người Việt mình ai cũng sinh ra từ lục bát, ca dao
Ai cũng lớn lên từ câu hò, điệu lý
Ai cũng có chút hơi thở, chút tâm hồn thi sĩ
Như tự bao đời thơ đã nhiễm vào cốt, vào xương .

Tôi làm thơ, bạn làm thơ, anh làm thơ
Vì những giọt mồ hôi, những nụ cười, những trăn trở
Như tổ tiên ông bà lam lũ cả đời nắng gió
Vẫn bầu rượu, ly trà, câu đối, tràng thơ.
Nhưng tuyệt nhiên mấy ai thành văn nhân, thi sĩ
Cây cuốc, lưỡi cày cũng có cái để mà say
Nhà thơ vườn dăm ba bài nặng mùi rơm rạ
Cũng “mơ theo trăng và vớ vẩn cùng mây”. *

Có nhà thơ chửi đổng: Thơ bây giờ đã loạn
Thơ gì lắm thế, thơ như nấm mọc sau mưa
Nông dân làm thơ, tiểu thương cũng làm thơ
Cũng chỉ làm thơ phải đâu giật giành mua danh, cầu lợi.
Cũng chỉ là thơ như máu thịt mà thôi
Nếu phải ung nhọt ai mà không muốn rứt
Thơ chẳng là lãnh địa riêng những người cầm bút
Thơ rất gần trong sâu thẳm mỗi trái tim.

Thơ là hàng tre, thơ là cánh chim
Là giếng nước, bờ ao, cái cày, đồng ruộng
Là nụ cười xua tan những ngày nắng nóng
Là chiếc khăn choàng lau giọt mồ hôi.
Ai bảo chúng ta sinh ra làm người
Trên mãnh đất nghìn năm văn chương thi phú
Trong sản xuất, trong lao động, trong chiến đấu
Có nơi nào không cảm xúc thành thơ.

Tôi làm thơ, bạn làm thơ, anh làm thơ
Cũng giống như chim thì biết hót
Đời trót là thi ca, hồn phải làm ngọn bút
Trút nhiều lần rượu cũng rót ra thơ “

Nguyễn Xuân Tịnh

Có thể là hình ảnh về 2 người

(LỜI BÌNH)

Nguyễn Xuân Tịnh đến với Tao Đàn bằng bài thơ trình làng “Vì đời là thi ca”- một bài thơ nói về thơ- đời thơ – tình thơ.

” Vì đời là thi ca” đã mang lại cho tôi cảm xúc mới lạ ( giữ trong tôi khá dai dẳng), thôi thúc tôi viết đôi điều cảm nhận về nó. Thật lòng tôi chưa từng viết cái tương tự như bình luận cho bất kỳ bài thơ nào, nhưng lần này, tôi mong muốn hướng sự chú ý của bạn bè đến một bài thơ…rất đáng chú ý.

” Vì đời là thi ca”, một cái tên thơ rất ấn tượng vì hơi hướng triết lý của nó- có được từ trải nghiệm, từ bề dày nhận thức của người đặt ra nó. Đặt cái tên kêu như vậy bắt buộc tác giả phải lý giải quan điểm chủ quan của mình một cách thấu đáo. Và bài thơ bắt đầu hay từ cái tên ấy.

Hay vì ngôn từ tác giả sử dụng, dẫn người đọc đi từ đầu đến cuối với cảm giác dễ chịu, thích thú. Đọc dòng nào, khổ nào cũng rõ ràng, dễ hiểu- không thấy hoa mỹ hay màu mè diêm dúa rối mắt, hoặc lên gân lên cốt tạo khác biệt một cách gượng ép như một số bài thơ thường gặp. Với sự chắt lọc từ ngữ công phu cho màn ” trình diễn” dung dị, mộc mạc này có lẽ tác giả đã mất không ít thời gian để hoàn chỉnh bài thơ của mình.

Chọn lối thơ tự do, không bị gò bó về niêm luật, tác giả đã kể và lý giải “Vì đời là thi ca” một cách chậm rãi, mạch lạc và trữ tình. Thơ giàu hình ảnh, nhịp thơ chắc; vần điệu được đặt để có tính toán từ bút pháp già dặn, có thể nói là chuyên nghiệp.

Nhân vật trữ tình của bài thơ- cái tôi ( là anh, là em trong các bài thơ ) đã kể tường tận: thơ có từ bao giờ ( khổ thơ 1,2), thơ có từ đâu ( khổ thơ 3 ) không gian sống của thơ ( hầu hết ở các khổ thơ), giá trị tinh thần, ý nghĩa của thơ trong đời sống ( khổ thơ 7); rồi kết lại bằng một lý giải đầy thuyết phục ( khổ thơ cuối). Tất cả được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, logich. “Tôi”- tác giả kể chuyện từ lúc nằm nôi, đến khi biết nghe ông bà cha mẹ kể lại- ” cha mẹ tôi cũng tập tành lục bát chờ mong”, đến khi bước ra cộng đồng- cọ xát với đời, với thơ, rồi nghiền ngẫm và thốt ra : …”thơ đã nhiễm vào cốt vào xương “; ” …làm thơ không vị danh vị lợi“; ” chỉ vì thơ là máu thịt mà thôi”. Cái chấm phá gọn gàng mà sâu sắc, chính xác nên cái hay cái thú vị của bài thơ đến được với người đọc một cách tự nhiên. Cái tình của bài thơ đã gây xúc động cho người yêu thơ từ sự đồng cảm, chia sẻ. Hay đến vậy! Thích thú đến vậy!

Sẽ là thiếu sót khi không đề cập đến khổ thơ 6. Tác giả kể ra những quan sát, chứng kiến về thực trạng thơ hiện nay. Đời sống của thơ được miêu tả rất đời với đủ đầy hỷ, nội, ái, ố…Đã là đời thì có đủ thiện, ác, hiền, dữ, đẹp, xấu, văn minh và thô tục…Bắt đầu bằng câu chửi đổng của một nhà thơ nào đó về loạn thơ- “Thơ gì mà lắm thế, thơ như nấm mọc sau mưa“. Thoạt nhìn, những tưởng tác giả bị gãy về bố cục và nội dung ở khổ thơ này. Nhưng đọc kỹ thì nhận ra nó đắc. Nó bảo đảm sự toàn diện cho cái nhìn của tác giả đối với thơ. Rất đời vì có thật. Toàn diện vì đủ cả cái đẹp của nhân văn thơ, cái chưa đẹp- mặt trái của sự vật hiện tượng trong đời sống mà thực tế thơ không tránh khỏi. Toàn diện vì đưa ra mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn một cách rất tự nhiên, rất quy luật từ trải nghiệm…” thơ không là lãnh địa của riêng ai”; ” thơ rất gần trong sâu thẳm mỗi trái tim”. Tác giả muốn khẳng định: thơ sống mãi với con người. Người Việt còn làm thơ khi còn nói tiếng Việt.

Tác giả tiếp tục nhấn mạnh và đúc kết: “… cũng giống như chim thời phải hót; đời đã trót thi ca, hồn phải làm ngọn bút”. Bài thơ được kết lại bằng cái cách rất thơ. Một màu thơ tràn ngập tâm hồn được kích hoạt từ lý giải có phần triết lý mà người đọc thơ nào cũng cảm nhận được và ngấm ngầm đồng thuận, chia sẻ.

” Vì đời là thi ca” là như vậy.

Anh làm thơ, tôi làm thơ, bạn làm thơ” là vì vậy. Bài thơ là vậy, một hòa quyện tự nhiên giữa tác giả và độc giả, cùng quyện trong không gian, hơi thở của thơ từ ngàn xưa đến đương đại của văn hóa Việt. Cái thần của bài thơ là đó.

Mọi thứ hạt phải gieo vào đất. “Hạt” thi ca lại gieo vào mảnh đất tâm hồn, gieo cùng lúc con người hiện diện, lớn lên, chết đi. Một vòng tròn được trang điểm bằng mơ ước, ngưỡng vọng cái đẹp cái cao cả- ” thơ là cánh chim” – luôn muốn vượt lên những nhỏ bé tầm thường; che giấu, khỏa lấp những buồn đau, bất hạnh…Rồi cũng phải thở than, bi lụy trước bất trắc, trái ngang của người đời.- ” Ai bảo chúng ta sinh ra làm người” – Người là thơ, thơ là người, và “Đời là thi ca ” là vậy. Có thể vô tình, có thể cố ý, nhưng Nguyễn Xuân Tịnh đã viết ra rồi lời thì thầm của trái tim yêu thơ ca, lời rủ rê, cổ súy yêu thơ ca, yêu lấy chính mình và con người.

“Thơ đã mọc xanh rì trên những cánh đồng lúa nước”; …”Ông bà tôi đã kể như thế, cha mẹ tôi đã kể như thế”…

Tôi, anh và bạn đã, đang và sẽ kể như thế, Tao Đàn nhỉ!

****
HuThaLi