Tôi nhận được tập thơ “Chiều say men nắng” của thi sĩ Lương Cầm Hoá, bút danh Lê Gia Hoài vào một chiều tháng năm đầy nắng. Đây là tập thơ thứ hai em tặng tôi. Nếu như tập thơ trước mang tên “Bản tình ca trên bục giảng” là những tâm sự của một nhà giáo yêu nghề, thì “Chiều say men nắng” lại là chất men tình say đắm mà Lê Gia Hoài dành cho thơ.

Chiều say men nắng ngày xưa

Áo ai xanh khúc nắng mưa đợi chờ

Chiều say men nắng ngẩn ngơ

Lòng ai thương nhớ tận giờ vẫn thương

(Chiều say men nắng)

Tập thơ “Chiều say men nắng” ra đời đúng vào thời điểm em quyết định rời bục giảng sau khi đã cống hiến 23 năm công tác để dành trọn tâm huyết cho văn thơ. Tập thơ “Chiều say men nắng” như một lời tỏ tình với nàng thơ của Lê Gia Hoài, mang đến cho bạn đọc một bản tình ca về cuộc sống.

Những cảm nhận đẹp về mùa xuân

Ngay từ những trang đầu tiên “Chiều say men nắng” đã như một dòng chảy trong veo, đầy hương sắc tình yêu. Ở thi tập này Lê Gia Hoài đã đem đến cho người đọc những cảm nhận đẹp về cuộc sống rộn ràng hương sắc mùa xuân.

Mùa xuân bắt đầu từ nắng

Ngọt ngào bay khắp nhân gian

Bướm ong về ngang lối vắng

Gọi bao yêu thương ngập tràn

(Xuân và em)

Mùa xuân như một báu vật của thiên nhiên mà tạo hoá đã bạn tặng cho trái đất. Mùa xuân tượng trưng cho sự bắt đầu, mở ra những khát khao, gieo những tin yêu vào một ngày mai tươi sáng.

Nàng xuân gieo những khát khao hi vọng

Lên cánh đồng khô hạn khắp nhân gian

Rắc lộc biếc vào niềm tin ngày mới

Để muôn loài cũng cất tiếng ca vang

(Khát vọng mùa xuân)

Một bức tranh xuân đầy sắc màu

Viết về mùa xuân, Lê Gia Hoài luôn nhắc tới những sắc hoa. Những sắc hoa xuân muôn màu muôn vẻ. Có cái mộc mạc, dân dã, có vẻ đài các kiêu sa, và có cả sự bình dị khiêm nhường. Cánh đồng mùa xuân trong thơ anh đẹp như tranh vẽ:

Trên vàn cỏ mật mong manh

Vài đôi bướm nhỏ hiền lành rong chơi

Rập rơn đôi cánh buông lơi

Đùa vui rộn khắp đất trời tháng Giêng

(Đồng xuân)

Bức tranh xuân được vẽ bằng thơ của Lê Gia Hoài cứ trải ra rộng mãi. Nó đánh thức mọi giác quan của người đọc. Ta không chỉ nhìn thấy, mà còn cảm thấy hương vị của mùa xuân căng tràn trong lồng ngực.

Ta như hoà vào không khí rộn ràng náo nức của tháng Giêng:

Đến bây giờ ta mới thấy tháng Giêng

Thật noingf nàn như môi em ngọt sắc

Làm rạo rực khúc tình xuân giâng mắc

Lũ bướm ong ngoài trời và cả trong tâm hồn ta

(Tháng Giêng ơi)

Mùa xuân đến từ những điều bình dị

Trong cái náo nức của mùa xuân mới ta đón tết về trong niêm bâng khuâng nhớ về nguồn cội. Cái cảm giác đó thật thiêng liêng và ấm áp biết bao:

Vị tết quê ngát mùi nhang khói

Ủ thơm lòng hiếu nghĩa đầy vơi

Vị quê hương hoá thành nguồn cội

Nâng bước con khắp nẻo đường đời

(Vị tết)

Lê Gia Hoài cảm nhận và thấu hiểu hơn ai hết vẻ đẹp của mùa xuân. Mùa xuân không ở đâu xa, mùa xuân đến từ những gì bình dị nhất

Một sắc trời bình yên

Rưng rưng trong niềm nhớ

Thấy hoa đào chớm nở

Biết mùa xuân đã sang

(Chạm mùa xuân mới)

Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân, bởi vậy trong những vần thơ viết về mùa xuân của anh ta luôn bắt gặp những sắc đào tươi thắm. Đó không chỉ là những cảnh đào thắm, đào phai rộn ràng phiên chợ tết mà có cả những nụ đào chúm chím nở nơi mùa xuân biên giới cùng các chiến sĩ đồn biên phòng

Những nụ đào chúm chím

Sũng ướt màn sương đêm

Rộn ràng khoe sắc thắm

Khi thấy mặt trời lên

(Đồn biên phòng vào xuân)

Tình yêu quê hương qua những mùa xuân trong khu vườn của mẹ

Với Lê Gia Hoài, để miêu tả mùa xuân anh không cần phải dùng những từ ngữ gì to tát, mùa xuân toát ra từ những gì thân thương nhất, từ chính cuộc sống đầy cảm hứng xung quanh anh, từ hương bưởi, hương cau trong vườn của mẹ:

Tháng ba về rồi mẹ ạ

Vườn xưa cây trái ngọt lành

Hình như con vừa mười tám

Giấc mơ đã chạm ngày xanh

 

Tháng ba về rồi mẹ ạ

Con hong tóc giữa lưng chiều

Hương bưởi ngát thơm đầu ngõ

Đợi người về ngỏ lời yêu

(Tháng Ba về rồi mẹ ạ)

Đọc thơ Lê Gia Hoài ta cảm nhận rất rõ một tình yêu tha thiết mà anh dành cho quê hương, cho người mẹ của mình. Có lẽ chính bởi vậy mà mùa xuân đẹp nhất là mùa xuân trong khu vườn của mẹ. Giọng thơ như náo nức reo vui:

Xuân đến rồi vườn của mẹ khắp nơi

Rộn tiếng ca bầy ong đi tìm mật

Nhãn đầu mùa toả hương thơm ngây ngất

Đu đủ chín vàng cho quất cũng vàng theo

(Vườn của mẹ)

Bằng sự phong phú của tâm hồn, bằng sự nhẹ nhàng dịu êm trong cách sắp đặt ngôn từ Lê Gia Hoài đã khéo léo vẽ lên một bức tranh mùa xuân thật đẹp bằng thơ. Trong đó, anh gửi gắm tỉnh cảm của một người con nặng nghĩa ân tình, một người thơ luôn khao khát và cảm nhận cuộc sống bằng cái nhìn tinh tế. Với bút pháp tế nhuần nhị tinh tế, với độ rung cảm sâu sắc, sự chắt chịu gạn lọc và lời thơ nhẹ nhàng khúc chiết, những bài thơ xuân trong thi tập “Chiều say men nắng” đã dệt thêu một bức tranh gấm hoa đẹp đẽ rực rỡ sắc màu về mùa xuân. Không những thế những vần thơ còn là khúc nhạc lòng êm dịu đậm sâu chữ tinh, đọng lại trong lòng người đọc những dư âm ngọt ngào.

Đâu chỉ có nắng mềm như dải lụa

Trải ngút ngàn lên xanh mướt nương dâu

Đâu chỉ có dòng nước nguồn tươi mát

Mang phù xa làm cho đất mỡ màu

( Trên cánh đồng tháng Giêng)

Thơ Lê Gia Hoài là thế, cứ nhẹ nhàng mà cuốn hút, mà khiến người ta thấu cảm và rung động, để rồi cũng say sắc xuân như “chiều say men nắng”.

31/07/2021

Nguyễn Lan Hương