Lê Gia Hoài tên thật là Lương Cầm Hóa. Anh là con thứ của nhà thơ Lương Cầm Giang – Người nổi tiếng một thời với những thi phẩm như: Núi Mường Hung, dòng sông Mã (Lời ca khúc Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh), Nhớ vợ, Em là con gái Châu Yên… Tổ tiên Gia Hoài vốn ở vùng sông Mã xứ Thanh, nhưng nhau rốn của anh lại gửi ở bờ bãi sông Hồng, xã Vĩnh Thịnh, phủ Vĩnh Tường – Nơi có nữ sỹ tài danh, Hồ Xuân Hương. Có lẽ vì thế chăng cái gien thơ phú từ người cha tài hoa truyền lại, cộng với linh khí của một vùng quê văn hiến, giàu chất thi ca, nên tự thuở nảo thuở nào nó đã ngấm vào máu thịt Gia Hoài, chưng cất trong anh những cảm hứng tròn đầy, để rồi nâng bước cho anh từ một thầy đồ của trường quê, thành một thi sĩ, mới ngoài 30 tuổi đời nhưng đã trình làng tới hai tập thơ đầy đặn, mà tập nào đọc cũng đã, cũng ám ảnh.

Lúc đầu cầm trên tay tập thơ đầy ắp tính ẩn dụ Chiều say men nắng của Gia Hoài, nhìn khuôn mặt phong trần của anh, tôi thầm nghĩ: Lại làm xiếc chữ nghĩa đây. Lại cái giọng điệu khụng khiệng, ra vẻ cách tân, thời thượng đây. Hoài thuộc thế hệ của thời @, công nghệ số mà…

Không có mô tả.

Ai dè đọc hết 83 thi phẩm (không kể hai bài phổ nhạc) tôi nhận ra rằng: Mình đã gặp một thi sĩ đồng quê – đồng quê trong từng câu chữ, trong lập ý, lập ngôn và đặc biệt trong việc lựa chọn chủ đề để thể hiện thi hứng. Có những bài thơ, câu thơ, tứ thơ của anh, tôi cứ ngỡ như gặp lại bóng dáng của Nguyễn Bính thi nhân (1918-1966). Không phải Hoài rập khuôn Nguyễn Bính, mà tôi muốn nói rằng: Gia Hoài đã tìm tứ, tìm hình tượng từ chính bờ tre, ruộng lúa, từ những con người mà Hoài quen mặt, thuộc tên ngay từ thuở lọt lòng. Trong cả tập thơ, Gia Hoài không một lần tỏ ra cao đạo, dùng những từ ngữ cao siêu, triết luận, những ảo ảnh chữ nghĩa… để đánh đố bạn đọc như một vài cây bút đồng niên. Trái lại thơ Gia Hoài thật dung dị – dung dị đến mộc mạc, thật thà. Đọc thơ anh, tôi ngỡ mình đang được nhấm nháp ly rượu mía quê anh – thứ rượu quê dân giã vừa cay vừa ngọt, nhưng đã đưa lên môi thì say lửng đửng cả ngày – say không phải vì men rượu, mà say vì cái tình người đất bãi đã chưng cất, gửi gắm vào đó.

Khác với một số cây bút khác, mặc dù được thừa hưởng trọn vẹn ân huệ của đời, của đất nước, song họ vẫn luôn tìm cách cài cắm vào tác phẩm của mình những câu từ xỉa xói, oán trách chế độ, hờn dỗi nhân gian. Với Gia Hoài ở tập thơ này, người đọc cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt, chân thành, một niềm lạc quan phơi phới của tác giả với quê hương, Tổ quốc, một khát khao nồng hậu về sự bình yên của cuộc sống. Gia Hoài có nhiều bài thơ hoài niệm. Song không vì hoài niệm mà trở nên hoài cổ hoặc bi lụy. Trái lại qua những hoài niệm ấy của anh, người đọc nhận thấy ở Gia Hoài một tấm lòng có nghĩa, có nhân, biết tri ân Tổ quốc, lãnh tụ và những người mình đã từng chịu ơn (trong các bài: Khúc ca người mẹ bốn ngàn năm; Người thầy vĩ đại; Nhớ Vĩnh Tường…). Tính thiện, mĩ ở tập thơ này có lẽ vì thế chăng mà lan tỏa, mang tới cho người đọc bài học luân lí về việc muốn làm người tử tế!

Gia Hoài viết khỏe. Thơ anh đa dạng về bút pháp, sinh động về chủ đề. Và ở chủ đề nào, Gia Hoài cũng chắt lọc những ngôn từ, hình ảnh đắt giá để bày tỏ nỗi lòng mình. Vốn là nhà giáo nên Gia Hoài khá cẩn thận khi dùng từ. Việc buông thả, lấy vần điệu lấn lướt từ và nghĩa là điều không có trong thơ anh. Đọc thơ Gia Hoài, dù không phải ngẫm ngợi, suy đoán gì nhiều, song nội hàm của từng lời thơ, bài thơ cứ bắt buộc người đọc phải trăn trở, phải suy tưởng: Chiều say men nắng à ơi/Lời ru ai hát mà rơi nỗi buồn (trong Chiều say men nắng). Câu thơ tưởng như phi lô gic, song nếu người đọc đồng điệu tâm hồn với thi nhân thì đó lại là một rung cảm rất thật, rất tinh tế. Cũng từ những vần thơ như thế, nó làm người ta không thể dửng dưng, vô cảm với cuộc đời.

Không có mô tả.

Đã có nhiều nhà thơ viết về hình tượng người mẹ, trong đó có những thi phẩm đạt đỉnh cao, hằn sâu vào tâm thức bạn đọc, như: Bầm ơi của Tố Hữu; Trông ra bờ ruộng của Hữu Thỉnh; Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy… Vậy mà Gia Hoài vẫn dũng cảm thâm canh đề tài này. Và ở một phạm trù nào đó, anh đã thành công: Bóng làng xưa mãi xanh rêu/Lời ru mẹ vẫn trong veo bốn mùa/Về đâu tiếng hát xa đưa/Cuối chiều tóc trắng gió lùa sơn khê (trong Mẹ quê). Rõ ràng là làng vẫn cũ thế, vẫn xưa ơi là xưa như thế, vẫn lam lũ nhọc nhằn muôn thuở, nhưng trong thơ Gia Hoài, ta thêm một lần hiểu về mẹ, về quê hương, mà ở đó nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.

Là nhà giáo, Gia Hoài dành khá nhiều tình cảm cho nhà trường – Nơi mà anh có biết bao kỷ niệm vui buồn, tự hào và trăn trở. Thông thường viết về đề tài này, rất dễ rơi vào khuôn mẫu của thứ thơ báo tường, nếu như người viết không tài hoa, không phân thân. Rất may Gia Hoài có khá nhiều thi phẩm viết về chủ đề này mà trong đó có những lời thơ cứ bám riết tâm trí người đọc, người nghe: Từ thanh âm tiếng chim chuyền gọi bạn/Hương sữa thơm khúc khích chạy theo mùa/Vẫn vẹn nguyên dấu chân ngày hạ cũ/Áo học trò xô nắng vỡ loang trưa.

Chính cái hình ảnh áo học trò xô nắng vỡ loang trưa trong Ngày thu đến trường của Gia Hoài đã lay thức trong tôi những kỷ niệm đầy thương, đầy nhớ về một thuở tôi là ông giáo của một ngôi trường cấp 3 ở đất Vĩnh Tường.

Đọc Chiều say men nắng thấy Gia Hoài đi nhiều, biết nhiều. Và ở nơi nào anh cũng khắc dấu trái tim mình bằng những lời thơ đầy tâm trạng nhưng giản dị và rất chân thành, tưởng như nơi ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của anh vậy.

Không có mô tả.

Dừng chân ở Hòa Bình, anh viết: Qua Lương Sơn dìu em lên núi Sáng/Gió buông neo hang Khụ Thượng lưng chiều/Hái tặng em bó lau rừng trắng muốt/Như tấm lòng trai bản tặng người yêu (trong Đưa em về Hòa Bình). Hoặc là khi tới Lập Thạch dự một lễ hội dân gian: Lòng ngập tràn niềm vui hạnh phúc/Gặp dáng em giữa đất Xuân Hòa/Chạch trong chum nào ai bắt được/Nhưng trong lòng tình cứ thêu hoa (trong Xuân về Lập Thạch tìm em). Thật là một thi sĩ đa cảm, đa tình, tới nơi nào dù lần đầu gặp mặt cũng muốn gửi lại tình yêu, sự trân quý, ngưỡng vọng của mình.

Đọc kỹ 87 bài thơ của Lê Gia Hoài, tôi thấy anh có thế mạnh ở thể thơ lục bát. Cái thể thơ truyền thống này nó ngấm vào máu thịt người Việt từ muôn năm cũ và đến tận giờ, mãi sau này vẫn ám ảnh, động thấu sâu xa trái tim người nghe, người đọc. Và qua lăng kính cảm xúc của Gia Hoài, nó thêm một lần được thăng hoa, khẳng định vị thế bất biến của mình trong đời sống văn học: Nhọc nhằn mẹ giấu vào trong/Bao nhiêu hạnh phúc mẹ trồng cho con (trong Mẹ quê). Hoặc là: Lưng ong bán cả bùa mê/Áo the thương nhớ mua về mà say (trong Đất quê).

Gia Hoài ơi! Đâu chỉ riêng anh mới bị cô gái quê mặc áo the, có cái lưng ong bỏ bùa mê thuốc lú, mà cả tôi – một người đọc ảo cũng còn mê mẩn, say đến tận giờ. Phải nói đó là những câu thơ, những hình ảnh đắt giá trong Chiều say men nắng của Gia Hoài. Nói điều này, tôi chợt nhớ tới lời phán truyền của một nhà thơ lão làng (xin được giấu tên) rằng: Cả bài thơ hay thì rất tuyệt. Nhưng nếu chỉ được một câu hay cũng đã thành danh. Và thậm chí chỉ một từ, một hình ảnh có sức ám ảnh, lay gọi tâm thức người đọc cũng đáng mặt là thi nhân. Ví như ca dao, tục ngữ, chỉ cẩn hai câu thôi, thậm chí một câu thôi, mà vẫn có sức sống tới muôn đời trong đời sống thi ca. Thơ Gia Hoài trong tập này, có một số câu, một vài hình ảnh thôi miên người đọc, người nghe như thế!

Rất tiếc là, tỉ lệ những bài thơ theo thể lục bát trong Chiều say men nắng không nhiều. Trái lại Gia Hoài thử nghiệm thi phú của mình ở nhiều thể loại khác nhau: thơ tự do, thơ tự sự, thơ chính luận… Và có cả loại thơ mà tôi gọi là thơ nhật ký hành trình, ví như: Đưa em về Hòa Bình, Xuân về Lập Thạch tìm em, Một thoáng Hải Phòng, Cố đô chiều cuối năm… Chưa kể chủ đề trong tập thơ này cũng rất đa dạng, đề cập tới nhiều khía cạnh của cuộc sống chung, riêng, tới những vấn đề vi mô và vĩ mô… Bởi thế khó tránh sự dàn trải, loãng xúc cảm. Nên chăng Gia Hoài chia ra làm hai, ba tập theo bút pháp, theo chủ đề?

Lời cuối muốn nói riêng với Gia Hoài: Trong tập thơ này của anh còn có một số hạt sạn đấy nhé (lỗi chính tả), ví như: rảnh rang chứ không phải dảnh dang (trong bài Đất quê); chạch chứ không phải trạch (trong bài Xuân về Lập Thạch tìm em); truân chuyên chứ không phải chuân chuyên (trong bài Với chị)…
Nhặt hết những hạt sạn này đi (dù rất nhỏ) thì men nắng trong tập thơ chỉn chu này sẽ còn “lên men” trong lòng bạn đọc, để rồi say tới suốt tháng, suốt năm!

Lã Thế Khanh