Tôi chưa từng gặp mặt Huy Linh cũng như Phố Mưa Bay. Tôi cũng chẳng biết gì về họ cho đến khi đọc tập thơ văn này. Nhưng rồi, đọc xong, tôi biết rằng con người chúng ta sống trong nhiều không gian hơn ta tưởng. Và cái không gian vật lý với những cuộc gặp mặt chỉ là một phần, thậm chí đôi khi nó không còn ý nghĩa nữa, nếu chúng ta có với nhau những mối giao cảm, nếu chúng ta thực sự biết “nhìn” nhau.
Hành trình của những cuộc trở về
Có thể nhận ra trong Tri âm có rất nhiều những cuộc trở về. Từ thơ Huy Linh với cuộc “về lại ngày xưa”, “về ngoại”, về với mẹ khi ngoài trời trở gió, bão bùng, về “hóa nhánh củi khô”, về “guốc mộc rộn ràng”, “về trong tiền kiếp”, “về làm cát bụi”, về “thành người xa lạ”, về nơi “sân đình đầy xác pháo”, về khi “nắng tắt song thưa”, về “giặt chiếu cầu ao”, “về xóm nhỏ”, “về nguồn cội”…, đến Phố Mưa Bay với “về chùa uống giọt từ bi”, “về chùa niệm chữ Di Đà”, “về đến bến chiều hôm”… Những cuộc trở về ấy, dù là về một miền quê có thực, về trong kí ức, tâm tưởng hay về giữa cõi chiêm bao, đều là những cuộc trở về trong nhung nhớ và đau đáu tâm tình. Thơ Huy Linh luôn phủ một màu quá vãng. Có cảm giác như tác giả bận rộn với những ký ức ngổn ngang hơn là sống với thực tại, hay có lẽ thực tại chỉ là một không gian để ký ức dội về.
Cho con về lại ngày xưa
ve sầu quên áo giữa trưa bóng tròn
mẹ ngồi sàng sảy nước non
nhặt lên hạt thóc đã tròn hình quê
Một trong những đề tài chính của thơ Huy Linh là mẹ và quê hương. Mảnh đất Hà Tĩnh hiển hiện trong thơ Linh vừa đẹp, bình yên lại vừa buồn bã. Có thể thấy song song với những cuộc trở về là hành trình của nỗi thương nhớ. Từ “thương” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, và tôi bỗng liên tưởng đến niềm thương của người xứ Nghệ. Cái niềm thương cứ thăm thẳm bám riết, cứ âm ỉ ẩn sâu, cứ mênh mang day dứt như điệu ví đò đưa loang trên sóng sông La, như gió vi vút thổi trên ngọn Hồng Lĩnh. Cái niềm “giận mà thương” ăm ắp tình người. “Thương những buổi chiều thon thả dáng con đê”, “thương tiếng bầm”, “thương lắm ai ơi”, “thương con cá rô lóc mình lên luống cải”, “thương lắm tiếng chày mẹ canh khuya giã gạo”, “thương con cò biền biệt cánh đồng xa”, “thương lắm tiếng nôi đưa”, “thương con gà canh ba gọi bình minh thức giấc”, “thương những lời ru ngào ngọt”… Nhiều lắm những niềm thương như thế trong thơ Huy Linh.
Và, có niềm thương ấy, có những cuộc trở về ấy, là bởi vì đã có những cuộc ra đi. Đôi lần tác giả nói về việc “đi”, nhưng dường như đó chỉ là cái cớ, là khởi nguyên cho những chuyến trở về. Bởi vì, ngay từ khi cất bước, người thơ có lẽ đã luôn mộng mị về một sự quay gót. Phía trước anh là một con đường nhưng phía sau lại là tất cả: yêu thương, hạnh phúc, sự gắn kết mà người ta gọi là cội nguồn, mà thiếu nó con người sẽ trở nên lạc lõng, bơ vơ.
Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác thơ Huy Linh là một mặt hồ. Mọi thứ trong ký ức đều in bóng ở đó, và chỉ cần một làn gió thoảng, một viên sỏi nhỏ rơi, thậm chí một cọng cỏ soi bóng, một con bói cá khẽ khàng đậu xuống chiếc cọc tre…, tất cả đều khiến mặt hồ xao động. Sự im ắng bề ngoài chẳng qua chỉ là một mặt cắt của tầng tầng trầm tích phía dưới. Nhưng sự im ắng ấy, thanh lịch và hào hoa.
Nếu như Huy Linh nặng lòng với quê, thì ở Phố Mưa Bay, tình quê hòa vào một điệu thức chung của cảm xúc mang tên Thiền. Cũng là những cuộc trở về, nhưng là trở về với chính cõi lòng mình. Đó là nơi cửa thiền thanh tao, nơi “đêm nghiêng e ấp lá bồ đề”, nơi “trà thơm… thơm cả tiếng chuông”, nơi “hoa thiêng nở đóa từ tâm thanh lành”, nơi “Phật thiền cùng với gió mây/Bồ đề cũng thể trổ đầy Từ bi”. Những cuộc đi xa của tâm thức, suy cho cùng, là để trở về với bản thể. Thứ khởi nguyên, cội rễ và cũng là cứu cánh của hành trình đời người.
Hành trình từ cô độc đến tri âm
Có lẽ gặp nhau ở nỗi cô độc, để rồi hai hồn thơ ấy khẽ khàng chạm vào nhau, như “tiếng mưa rơi trên mái hiên hòa với tiếng phong linh” trong gió. Dẫu chỉ là một cái chạm khẽ, dẫu chỉ là hai thứ âm thanh mỏng mảnh quyện vào nhau giữa hư không, nhưng ngay từ buổi đầu, trong một nỗi chống chếnh mơ hồ về sự gần gũi phút giây và xa cách nghìn trùng, đó đã và luôn là một cuộc hạnh ngộ. Những tản mạn ngắn của Phố Mưa Bay tràn ngập những linh giác buồn bã, nhưng ở đó thường trực một niềm tin rất nhân văn và nữ tính, về cái đẹp và sự bao dung. Nỗi buồn, nỗi đau, nỗi nhớ đủ để day dứt, nhưng tất cả những cảm xúc đó đều được dẫn dắt tới một miền dịu dàng của yêu thương, nơi con người sẽ nương tựa vào để chẳng thể nào lạc lối. Bởi vì, tận cùng của yêu thương luôn là sự sẻ chia mà xa cách, chia lìa cùng tất cả những bất trắc khác không còn đáng sợ nữa.
Huy Linh cũng vậy, mặc dù buồn tan tác như khúc ca “lạc mất một phím đàn”, nhưng Linh biết rằng đâu đó người con gái đã đến để cứu rỗi linh hồn anh:
Ôi có phải em về trong tiền kiếp
cứu rỗi ta một kẻ đã lạc loài
hay em chỉ…
đến
và rồi ta thấy
mắt em buồn như chiều phố mưa bay
Trong những khúc tình thi của Huy Linh, tôi luôn thấy bóng dáng một người con trai còn trơ lại một mình trên phố. Đó là phố “khói thuốc tan theo khứ niệm nhạt nhòa”, phố thu trút chiếc lá sau cùng, phố bơ vơ, phố nhà thờ noel, phố đêm, phố xưa, và phố mưa bay… Có vẻ như những cơn mưa phố đã làm nhòe ánh mắt người thơ, đã nhuốm sầu “hồn trai trẻ”, đã khiến cho “kẻ tục trần chết giữa phố chiêm bao”. Cái chết của một con thiêu thân hiến mình cho ngọn lửa rực rỡ. Cái chết của con chim lao mình vào bụi mận gai để trước đó được cất lên tiếng hót lảnh lót diệu kỳ. Cái chết của một trái tim biết rằng chỉ có tình yêu mới khiến cho cuộc sống được thăng hoa dẫu không phải lúc nào tình yêu cũng tròn vẹn. Cái chết của một kẻ lang bạt phong trần biết chọn lựa thứ hạnh phúc ngọt ngào mong manh hao khuyết thay vì sự yên ả giả dối an toàn. Cũng như Phố Mưa Bay, “biết trước là sẽ xa nhau”, “những cuộc tình trong đời có phải chính là những cơn mưa đêm, đến rồi đi, nhưng cái lạnh thì thấm vào hồn lâu lắm”. Và “con đường về bên nhau càng thêm mờ mịt”, “một tình yêu như thực như mơ, ngỡ là mất đi nhưng vẫn còn bên ta mãi”. Trên đời có những thứ như vậy, tưởng là mơ nhưng thực hơn hết thảy, tưởng mong manh nhưng dữ dội bền bỉ không ngờ.
Những tình khúc mà Phố Mưa Bay phổ nhạc thơ Huy Linh khiến người ta rung động, bởi ở đó không chỉ âm nhạc đã gặp gỡ thi ca, mà là hai tâm hồn cô độc đã đến với nhau để cùng ngân nga thành những nốt nhạc.
Tôi cứ hình dung thơ Huy Linh là một mặt hồ, rồi đến lúc tôi lại thấy thơ và tản văn Phố Mưa Bay như những giọt mưa nhỏ, se sẽ rơi xuống làm khuấy động mặt nước. Cả hai đã hòa chung nhịp, trong người này có sự phản chiếu của người kia và ngược lại. Giống như phong linh, âm thanh của nó chính là tiếng gió ngoài kia, chuông và gió là một. Giống như tình yêu, một người được soi tỏ trong bản thể chính mình khi bắt gặp người kia, mà sẽ không là ai khác.
Đấy thậm chí không chỉ là tình yêu, mà là tri âm.
Hà Nội, tháng 11 năm 2020
Thạc sĩ Phạm Quỳnh An – Viện Thông tin Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.