Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ đề cập đến hình ảnh con trâu. Hình ảnh ấy phần lớn thể hiện vai trò của con trâu đối với đời sống, sinh hoạt của người Việt. Đồng thời, nó còn mang tính biểu trưng.

Từ xưa, người dân Việt Nam chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Trong quá trình lao động sản xuất, người dân làm bằng thủ công. Những công cụ, dụng cụ lao động còn thô sơ. Nhờ có con trâu mới giải quyết được công việc đồng áng. Do đó, con trâu được xem là yếu tố quyết định sự thành công trong lao động sản xuất, cũng như quá trình lập nghiệp của người nông dân.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, trâu là con vật rất cần thiết và quan trọng hàng đầu. Vốn là loài vật khỏe mạnh nên nó thích hợp cho việc nặng nhọc như cày, bừa, kéo,…

Trước khi gieo sạ, người nông dân đã sử dụng con trâu để cày, bừa ruộng làm cho đất tơi xốp. Có như vậy, cây lúa mới nhanh bén được rễ và phát triển tươi tốt.

Trâu ơi, ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia,

Ta đây, trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Hình ảnh con trâu trong bài ca dao trên rất gần gũi với người lao động. Tiếng gọi “trâu ơi” như xóa đi ganh giới giữa con vật và người. Người nông dân xem con trâu như người bạn, người thân thiết của mình. Cùng nhau ra đồng, cùng nhau làm việc. Công việc cày bừa là công việc rất nặng nhọc. Nếu chỉ dựa vào sức người thì không thể nào làm nổi. Nhờ có con trâu chia sẻ, giúp đỡ thì người trồng lúa mới vượt qua khó khăn, vất vả, có được hạt lúa chín vàng ươm.

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và thủy vực

Con người muốn làm nên sự nghiệp thì phải có sự giúp đỡ của con trâu. Người nông dân làm ruộng mà không có con trâu thì kết quả sẽ không thành công, không mang lại được thành quả như mong muốn:

Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc

Câu tục ngữ so sánh công việc làm ruộng với làm giàu. Ngày xưa, người nào trong nhà có nhiều lúa thì được xem như nhà giàu. Ai làm ruộng mà không có sự trợ giúp của trâu thì sẽ trở nên công cóc, giống như “làm giàu không thóc”.

Trong cuộc sống, con người làm bất cứ chuyện gì cũng nghĩ đến con trâu đầu tiên nhất. Bởi, ngày xưa ông cha ta quan niệm, nhà có con trâu thì sẽ làm được rất nhiều thứ. Con trâu được xem như là điều kiện “cần”. Khi có trâu rồi mới hòng tính tiếp đến chuyện khác. Ngay cả những việc quan trọng của đời người như cưới vợ, xây dựng nhà cửa cũng thế.

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong câu tục ngữ trên không phải ngẩu nhiên mà tác giả dân gian đặt việc “tậu trâu” lên vị trí đầu tiên. Đó là một dụng ý nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của con trâu. Vốn dĩ, những việc như cưới vợ, làm nhà là những việc quan trọng đối với con người, nhưng lại không quan trọng bằng việc mua trâu. Có trâu rồi, trâu giúp con người làm ra của cải vật chất. Khi đó mới có nhiều điều kiện để cưới vợ, xây dựng nhà cửa.

Không những thế, con trâu cũng mang đến nhiều giá trị khác như nuôi lấy thịt, da trâu làm đồ trang trí, trang sức, vật dụng, sừng trâu làm đồ mỹ nghệ… Đúng như ca dao xưa đúc kết:

Thời sống mày đã thương tao

Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày

Thịt mày tao nấu linh đình

Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

Sừng mày tao tiện con cờ

Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa.”

Con trâu quan trọng như thế. Nó có giá trị như thế. Cho nên, mọi người ai cũng muốn sở hữu được con trâu. Càng nhiều càng tốt. Một khi có được trâu thì người nông dân luôn dày công chăm sóc, bảo vệ tài sản của mình.

Đêm qua kẻ trộm vào nhà,

Làm thinh chợp mắt để mà mất trâu.

Nằm đây chớ chẳng ngủ đâu,

Thức mà giữ lấy con trâu, con bò”

Nhà có trâu, đêm người nông dân không dám ngủ, thức giữ trâu, tránh để sơ hở kẻ xấu phát hiện lẻn vào trộm trâu. Trâu là con vật có giá trị, nên kẻ gian thường hay nhòm ngó, để ý đến. Nếu người nông dân sơ hở là để mất trâu. Khi mất trâu thì xem họ như trắng tay. Không còn vốn luyến, không thể lao động sản xuất.

Con trâu không những có giá trị về vật chất, mà nó còn có về mặt tinh thần. Điều này thể hiện rõ qua bài ca dao:

Dù ai buôn đâu bán đâu,

Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.

Lễ hội chọi trâu diễn ra vào ngày 09/8 (Âm lịch) hàng năm được tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Thông qua lễ hội người ta tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, ý thức cộng đồng, khẳng định tinh thần đoàn kết; cầu nguyện cho một mưa thuận gió hòa. Đây là lễ hội mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải.

Bên cạnh đó, hình ảnh con trâu xuất hiện trong ca dao, tục ngữ còn mang ý nghĩa biểu trưng. Trước hết, nó thể hiện tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người nông dân Việt Nam.

Lao xao gà gáy rạng ngày,

Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng?”

Để có được “bát cơm đầy”, người nông dân phải trải qua quá trình lao động, làm việc vất vả trên đồng. Họ thức dậy từ sớm để ra đồng cùng với con trâu đi cày ruộng với niềm hy vọng vào ngày mai sẽ có được thành quả tốt đẹp. Đây là phẩm chất đáng trân quý của người nông dân Việt Nam.

Trong ca dao, tục ngữ, hình ảnh con trâu con biểu trưng cho tình cảm lứa đôi.

Trăm năm còn có gì đâu,

Miếng trầu liền với con trâu một vần

Trầu là vật không thể thiếu trong ngày cưới. Đó là một nghi lễ có từ ngày xưa và cho đến ngày nay vẫn thế. Ông cha ta thường bảo “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Có trầu mới khai khẩu. Ở đây “Miếng trầu liền với con trâu một vần” thể hiện tầm quan trọng của con trâu giống như miếng trầu trong ngày cưới. Nó như là một sính lễ mà đàn trai dành cho đàn gái.

Ngoài ra, người nông dân còn mượn hình ảnh con trâu để nói lên kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ trong cuộc sống.

Trâu buộc ghét trâu ăn

Câu tục ngữ không đơn thuần chỉ nói về con trâu, mà thông qua hình ảnh con trâu để nói lên tính cách của con người. Người thua kém, không có điều kiện thường ganh tỵ với người hơn mình.

Hay “Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi” khuyên người con trai cách lựa chọn người vợ để cưới. Đó là xem dòng họ của cô gái có tốt không. Nếu họ tốt, thì cô gái cũng tốt, xứng đáng được chọn lấy làm vợ. Còn ngược lại thì không nên chọn làm vợ.

Nguyễn Văn Dô