MẸ NGỒI TÊM NẮNG

Trần Đức Đủ

Mẹ ngồi têm nắng bên thềm
Giọt thời gian rụng ướt mềm ca dao
Lòng mẹ sóng vỗ lao xao
Con thuyền ký ức níu vào bến mơ

Mẹ ngồi têm nắng mẹ chờ
Mấy mùa cam chín, mấy mùa xuân qua
Mà con vẫn chốn thẳm xa
E khi nắng lửa, mưa sa thất thường

Mẹ ngồi têm nắng mẹ thương
Con cò lặn lội bờ sương tháng ngày
Vẫn cao đầu, sải cánh bay
Mênh mang chở nắng cho đầy biển xanh

Mẹ ngồi têm nắng bên mành
Rót hồn xuống đất cội cành nở hoa.

T.Đ.Đ

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người và văn bản

LỜI BÌNH

Trong số nhiều bài thơ hay về mẹ, tôi thích bài “Mẹ ngồi têm nắng” của Trần Đức Đủ, nhà thơ của xứ Kinh Bắc nổi tiếng. Qua bài thơ, tác giả tái hiện chân dung người mẹ già đau đáu nhớ thương, chờ đợi đứa con xa. Tình cảm đó của mẹ đã truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh để các con cháu mẹ phấn đấu vươn lên trưởng thành và giúp ích cho đời.

Nhan đề “Mẹ ngồi têm nắng” của bài gây sự chú ý bởi tính độc đáo của nó. “Nắng” vốn là danh từ chỉ ánh sáng trực tiếp từ mặt trời chiếu xuống. Hiện tượng thiên nhiên này không có hình khối, con người không thể cầm hay nắm bắt được. Còn “têm” lại là động từ chỉ tổ hợp những hành động: bổ quả cau, chia lá trầu thành mảnh nhỏ rồi quệt chút vôi, cuộn lại thành miếng vừa ăn. Vậy mà ở đây, tác giả lại viết “Mẹ ngồi têm nắng”, Tứ thơ mới lạ này gợi liên tưởng về người mẹ ăn trầu, từng trải một đời sương gió, giờ đây già yếu chẳng đi xa nổi. Vốn hay làm, mẹ chẳng thể ngồi không. Mẹ têm trầu hay làm bất cứ việc gì đã thành thói quen. Dưới cái nhìn yêu thương, trân quý của người con, mẹ như đang“têm nắng” trước hiên nhà: “Mẹ ngồi têm nắng bên thềm / Giọt thời gian rụng ướt mềm ca dao / Lòng mẹ sóng vỗ lao xao / Con thuyền ký ức níu vào bến mơ“. Thiên nhiên cũng như có tình cảm trước tấm lòng của mẹ. Thời gian là khái niệm diễn tả trình tự xảy ra các sự kiện, nó vô hình nhưng lại được tác giả cảm nhận như những “giọt” rụng xuống dòng sông dạt dào của lòng mẹ. Hình ảnh “sóng vỗ lao xao” và “con thuyền ký ức”, “bến mơ” “níu” gợi về những kỷ niệm tình mẹ ngọt ngào thuở trước. Giờ đây các con mẹ lớn lên đã bay đi vào bầu trời cuộc sống. Mẹ không thể ở bên chăm lo cho con nhưng lòng mẹ nhớ nhung không lúc nào nguôi.

Chủ thể trữ tình – người con cảm nhận rất rõ điều đó: “Mẹ ngồi têm nắng mẹ chờ / Mấy mùa cam chín, mấy mùa xuân qua / Mà con vẫn chốn thẳm xa / E khi nắng lửa, mưa sa thất thường“. Mẹ đợi chờ tin con mỗi ngày. Mẹ lo cho con nơi xa ấy có được khoẻ và an lành? Nghệ thuật đảo từ “thẳm xa” như gia tăng hơn nữa niềm mẹ nhớ thương con. Cùng khi ấy, người con lại thương lo cho mẹ, e ngại những lúc “nắng lửa”, “mưa sa thất thường” mẹ tuổi cao, sức yếu liệu có ảnh hưởng chăng? Cội nguồn của sự ngóng trông, chờ đợi chính là lòng mẹ thương con: “Mẹ ngồi têm nắng mẹ thương / Con cò lặn lội bờ sương tháng ngày” . Ở đây người đọc gặp lại hình ảnh quen thuộc “con cò lặn lội“. Có điều trong ca dao, hình ảnh đó thường chỉ thân phận của người mẹ. Còn ở bài thơ, hình ảnh này lại xuất hiện trong tâm tưởng người mẹ vận vào người con. “Mẹ ngồi têm nắng” lòng đầy thương yêu đứa con, tuy cuộc sống vất vả nhưng con mẹ có khát vọng sống đẹp “Vẫn cao đầu sải cánh bay / Mênh mang chở nắng cho đầy biển xanh“. Tuy lời thơ không nói cụ thể nhưng người đọc nghĩ rằng con mẹ nơi xa vẫn làm việc không nghỉ để ích nhà, lợi nước. Điều này khiến mẹ càng thương nhớ con không lúc nào nguôi và người con vô cùng cảm kích: “Mẹ ngồi têm nắng bên mành / Rót hồn xuống đất cội cành nở hoa“. Tâm hồn, tấm lòng của mẹ luôn nghĩ suy, thương lo, hy sinh vì con cái và người khác. Mẹ như mặt đất rộng lớn, màu mỡ, nuôi cho cây cối tươi tốt, cội cành nở hoa dâng hương thơm quả ngọt cho đời. Người con như thầm hứa cần sống xứng với lòng mẹ, sống có ích với cộng đồng.

Trong bài, tác giả rất thành công trong việc sử dụng những hình ảnh, từ ngữ sáng tạo, nhiều lần điệp từ “mẹ” (8 lần), điệp ngữ “Mẹ ngồi têm nắng” (5 lần), nhiều từ láy: lao xao, thất thường, lặn lội, mênh mang, cội cành khiến cho hình ảnh người mẹ nhẫn nại đợi chờ, thương nhớ con càng in đậm trong tâm trí người đọc. Cảm ơn tác giả giúp ta hiểu sâu và đầy đủ hơn tấm lòng của những người mẹ giành cho con cái, giành cho cuộc đời./.

Nguyễn Thị Thiện