Thiên nhiên trong văn chương Nhật Bản dưới góc nhìn mỹ học truyền thống

Nhật Bản là một quốc gia nằm ở vùng Đông Bắc Á, diện tích hơn 377 nghìn km2 với hơn 6.800 hòn đảo, trong đó 4 hòn đảo chính là Hokkaido, Honshu, Shikoku, Kyushu. Do trải dài trên nhiều vĩ độ nên khí hậu ở các vùng trên nước Nhật cũng khác nhau, làm nên cảnh sắc đa dạng. Mùa xuân ngập sắc hoa anh đào, mùa hạ sắc tím hoa tử đằng, ngày thu rợp màu lá đỏ và phủ một màu tuyết trắng khi đông về. Tuy địa hình phức tạp, nhiều thiên tai nhưng phong cảnh núi non, biển cả, sắc hoa luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi nhân xứ Phù Tang. Những bậc thi nhân ấy bằng tình yêu mãnh liệt với thiên nhiên nước nhà, đã tạo nên một nền văn chương mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Nhật Bản, thấm đượm tinh thần mỹ học của dân tộc.
N.I.Korat trong cuốn Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại (1999) đã viết rằng: “Nói rằng tác giả thích thú, thán phục thiên nhiên là chưa chính xác. Đơn giản là vì đối với họ không một hiện tượng nào của thiên nhiên bị bỏ qua, mùa xuân cũng như mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Không bỏ qua vì vào mùa xuân thì hoa anh đào nở rộ, mùa hạ thì chim cu gáy, mùa thu lá phong đỏ rực và mùa đông những bông tuyết rơi phủ kín những nhành cây. Không bỏ qua vì tất cả những cái đó đều quý giá, đều tạo nên một phần đời sống riêng tư. Thành thử đó cũng là tình yêu” – N.I.Korat (1999), Văn học Nhật Bản từ cổ đấn cận đại, NXB Đà Nẵng, trang 37.

Có lẽ thực tế thiên nhiên diễm lệ bên bờ Thái Bình Dương nhưng không ít thiên tai, sóng gió đã khiến người Nhật sớm nhận thức về sự hư vô mong manh của tạo hóa và truyền tải nỗi niềm vào thơ ca của dân tộc. Nhưng đó không phải là nỗi niềm tuyệt vọng hay bi quan đau khổ mà là sự nhắc nhớ niềm trân trọng với thực tại, với vẻ đẹp mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Dù rằng những tác phẩm của Akutagawa, Mishima hay Murakami luôn hiện diện cái chết, cũng như những thi phẩm cổ xưa nhất của Nhật Bản trong Manyoshu đầy ắp các khúc bi ca, lời than khóc, những dấu ấn đượm buồn đó thực chất là được – mất, có – không, danh vọng – hư vô tan trong mộng ảo, đúng với mạch nguồn tinh thần văn hóa, tôn giáo, mỹ học truyền thống,… dẫu cho xã hội Nhật Bản thể kỷ XXI đã không còn vẹn nguyên không gian xưa cổ.

Thơ Haiku - sự tinh tế của tâm hồn Nhật Bản - Redsvn.net

Furyu – 風流 – phong lưu hay niềm vui thú tao nhã

Theo từ nguyên Trung Quốc, “phong lưu” fengliu có nghĩa là “cách hành xử và thái độ tuyệt hảo” 良い振る舞いと物腰. Được truyền vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ tám, từ “phong lưu” được sử dụng mang nhiều ý nghĩa thẩm mỹ hơn, biểu hiện phong cách đã được rèn luyện của người kinh đô và sau đó được áp dụng cho tất cả những vật được xem là có tính nghệ thuật, mang đậm phong vị và cái đẹp ưu nhã. Từ thời Heian (794-1185), khái niệm này trở thành một góc nhìn, một tiêu chuẩn đối với nhiều mặt của cuộc sống vốn chuộng vẻ quý phái tao nhã của giới quý tộc cung đình Heian. Vào thời kỳ Edo, từ “phong lưu” mang ý nghĩa thế tục đã thịnh hành trong các loại tiểu thuyết “phù thế thảo tử” 浮世草子. Và mặt khác cái “phong lưu” đã làm sản sinh ra nghệ thuật trà đạo được tìm thấy trong Hán thi, văn nhân hoạ và các bài haikai, đề xướng nên cách sống của những ẩn sĩ xa lánh cuộc đời. Và khi đã trở thành một ý thức thẩm mỹ căn bản trong tinh thần Nhật Bản, Furyu diễn tả thị hiếu thẩm mĩ của con người tao nhã và tinh tế, đóa anh đào đẹp nhất không phải ở độ mãn khai mà khi không gian ngập tràn cánh hoa mỏng manh lìa bay theo gió, một vẻ đẹp trong chốc lát, vẻ đẹp vô thường của thiên nhiên.

Mono no Aware – 物の哀れ – Niềm bi cảm trước cái đẹp vô thường

Theo văn hóa Nhật Bản, “Mono” nghĩa là “sự vật”, “Aware” được hiểu đại khái là tình cảm, còn “No” thể hiện cho sự sở hữu. Do đó, Mono No Aware biểu thị những xúc cảm nhẹ nhàng, sâu lắng trong sự biến chuyển không ngừng của cuộc sống. Thuật ngữ này cũng có thể được dịch là sự nhạy cảm với những phù du, hay lòng đồng cảm với vạn vật. Đó là một nhận thức về sự vô thường và cảm giác đăm chiêu trước thực tại cuộc sống. Mono No Aware còn được định nghĩa là “the ahh – ness of things” – nỗi buồn phảng phất nhưng ngập tràn trong tâm hồn khi chúng ta nhận ra tính chóng tàn của mọi thứ xung quanh. Có thể nói cảm thức này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo, gói trọn sự nhạy cảm của tâm hồn người Nhật Bản và nỗi buồn sâu thẳm của trái tim con người trước sự vô thường của trần thế. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng: Aware thường được hiểu là bi cảm, một cảm xúc xao xuyến trước mọi cái đẹp của sự vật mà bản chất là vô thường. Do đó aware là một trực giác thẩm mỹ chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Aware nói đầy đủ hơn, mono no aware, dịch sát nghĩa “nỗi buồn của sự vật” – Nhật Chiêu (2000), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB Giáo dục.
Wabi-sabi (侘 寂): Vẻ đẹp vô thường, dang dở

Trong tiếng Nhật, “Wabi” có nghĩa là vẻ đẹp mộc mạc bất đối xứng và không cân bằng, còn “Sabi” dùng để mô tả nét đẹp vô thường và trường tồn theo năm tháng. Có nguồn gốc từ ba dấu hiệu tồn tại trong giáo lý nhà Phật là vô thường – đau khổ – không bản ngã, Wabi Sabi là triết lý sống tập trung vào các khiếm khuyết nhưng không phải để phán xét mà tìm ra và tôn vinh tính tích cực bên trong chúng. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, chấp nhận bản chất vô thường của nó, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Nét khiêm nhường của một bông hoa lẻ loi trong buổi trà đạo, những bộn bề lá rụng trong lối đi của khu vườn nhỏ,… mang lại hình ảnh một thế giới bình thản, không tô vẽ, không rực rỡ mà chảy trôi vô thường, tựa như một cuộc sống không bao giờ hoàn hảo.

Thế giới an yên tịch tĩnh của wabi-sabi có lẽ đọng lại nhiều nhất trong trà đạo – biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần mỹ học Nhật Bản, những hành động bình thường được nâng tầm nghệ thuật như một cách trân trọng cuộc sống. Từ đó, người Nhật bằng lòng với khung cảnh thiên nhiên, biết thưởng thức vẻ đẹp gợi lên từ những đường nét nguyên sơ, thô mộc của đất trời:

Xa trông ngoài tầm mắt
Hoa rụng lá cũng vơi
Am tranh bên bờ cát
Lạng lẽ thu vơi đầy

Bài số 363 – Shinkikinshu, Thích Nhuận Tánh dịch

Nhà mỹ học nổi tiếng Motoori Norinaga (1730-1801) thời Edo từng nói: “Nếu người ta muốn biết tinh thần Nhật Bản Đại hòa hồn, hãy ngắm hoa anh đào ngát hương trên đỉnh sớm mai”.

Tôn giáo bản địa của người Nhật là Thần đạo Shinto, một tôn giáo đa thần có nguồn gốc từ những tín ngưỡng thời cổ xưa ở Nhật Bản. Tín ngưỡng thần đạo như một cuộc tìm kiếm sự thanh khiết và hòa hợp với tự nhiên, khuyến khích các nghệ sĩ Nhật Bản tôn trọng tự nhiên tính, từ đó hình thành các thị hiếu thẩm mỹ đối với chất liệu từ thiên nhiên. Tinh thần mỹ học của Thần đạo được cảm nhận qua tình yêu sâu sắc với thiên nhiên vô nhiễm, dù chỉ với gỗ, đá, tre nứa,… Chính vì lẽ đó mà cái đẹp trong quan niệm của người Nhật cũng trở nên khó biểu đạt với người ngoài, bởi có lúc đó là cái đẹp cao nhã, tỉ mỉ, công phu, có lúc chỉ đơn giản là một hiện tượng tinh thần không phân biệt giữa tồn tại và không tồn tại, giữa rỗng và đầy, giữa đẹp và xấu, giữa sự tinh tế cao sang và cái thô ráp đạm bạc. Tình yêu thiên nhiên gắn với tín ngưỡng bản địa Shinto đã làm nên cốt lõi tinh thần và xúc cảm mãnh liệt của người Nhật đối với thế giới xung quanh. Và thiên nhiên cùng vẻ đẹp của nó cũng vì thế mà trở thành một tiêu chuẩn thẩm mỹ trong đôi mắt của các thi sĩ Nhật Bản.

Mỹ học truyền thống Nhật Bản hướng đến một cảm quan rất riêng về cái đẹp giữa cuộc đời nhân thế, đó cũng là chìa khóa để bước vào toàn bộ nền văn hóa nghệ thuật và tâm hồn sâu thẳm nỗi niềm của con người Phù Tang. Cái đẹp dưới đôi mắt Nhật Bản không phải chỉ là đóa hoa rực rỡ hay ánh trăng sáng không gợn bóng mây, không phải chỉ có đền đài nguy nga vĩ đại hay tiếng rộn rã của các điệu nhảy mùa xuân. Cái đẹp đơn giản có thể chỉ từ một nụ hoa sớm mai, một hòn sỏi cô đơn, một ngọn đèn đá trong vườn, cho đến sắc áo thanh nhã của kimono.

Học giả Lee O Young trong cuốn sách Người Nhật với chí hướng thu nhỏ đã cho rằng, mong muốn của tâm hồn Nhật là thu gọn thế giới bao la vào khuôn khổ bé nhỏ (Lee O Young (1998), Người Nhật với chí hướng thu nhỏ, NXB Chính trị Quốc gia). Có lẽ vì vậy mà thơ haiku, truyện ngắn trong lòng bàn tay với những cánh hoa nhẹ mỏng, tiếng ếch kêu,…tượng trưng cho khuynh hướng giản lược, cắt gọt, chuộng cái nhỏ nhắn trong cảm thức về cái đẹp của người Nhật. Ngay cả nữ sĩ tài hoa của văn học thời Heian, Sei Shonagon cũng từng nói rằng: “cái gì cũng vậy, những vật nhỏ đều đẹp”. Và trong thi học cổ điển, hình ảnh tự nhiên thanh nhã hữu tình của ánh trăng, núi non phong cảnh, chim ca, hoa từng mùa,… xuyên thấm những vần thơ hay những trang nhật ký, những câu chuyện chia ly, mất mát. Cảm quan về cái đẹp như thế đã tạo nên yếu tố giản phác trong mỹ học Nhật Bản, cái hư không, mơ hồ được đề cao hơn là cái thực, tựa như bài thơ haiku nhỏ nhắn ghi lại những khoảnh khắc, những đường nét mong manh của thế gian:

Trên cành khô
Quạ đậu
Chiều thu
Basho, Nhật Chiêu dịch

Nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel văn chương năm 1968 là Kawabata Yasunari đã phát biểu rằng tinh thần phương Đông nằm ở khoảng trống, ở “hư vô” nhưng cái hư vô này khác với chủ nghĩa hư vô nihilism của phương Tây “do những cội rễ tinh thần của chúng ta khác nhau”.

Đi sâu vào các tác phẩm, người Nhật yêu hoa theo cách riêng của họ. Hoa không chỉ là hình ảnh thiên nhiên, hoa còn là không gian sống, là ký hiệu văn hóa đặc trưng của đất nước Phù Tang. Vì thế mà có thể bắt gặp hoa trên những ô cửa sổ, ngoài cổng, trên bàn ăn, trên rèm,… Hoa đi vào đời sống qua những đồ vật bình dị nhưng tinh tế, giàu tính thẩm mỹ. Họa tiết hoa xuất hiện ở bất cứ đồ vật nào, một cánh quạt giấy, một chén trà, một khăn tay lụa,… và đặc biệt trên các tà áo thiếu nữ. Hoa còn gắn với tinh thần tôn giáo, tôn sùng tự nhiên, xem mọi biểu hiện của thiên nhiên đều có bóng dáng của các linh hồn. Người Nhật dâng hoa trong các nghi lễ tôn giáo, có tục “bói hoa”, có tục dâng hoa cho người chết, có tục trấn hoa tế để phòng dịch bệnh. Văn học nghệ thuật cũng sinh ra từ vẻ đẹp của hoa. Hình ảnh hoa và phong tục thưởng hoa đi vào các truyện kể và thơ ca. Trong Ise monogatari có đoạn 29 mang tên Tiệc thưởng hoa:

Xưa kia, khi được mời đến dự tiệc thưởng hoa anh đào ở phủ đệ mẫu hậu của Đông Cung thái tử, có người làm thơ rằng:

Hana ni akanu / nageki wa itsumo / seshi ka domo / kefu no koyoi / niru toki wa nashi /

Bao lần nhìn không chán / Dù hoa chưa độ thắm / Đêm nay ngắm hoa bay / Tình cũ càng thêm say – (Nguyễn Nam Trân dịch)

Hoa không chỉ là hình ảnh xuất hiện xuyên suốt trong thi ca hàng nghìn năm của người Nhật. Hoa còn là quy tắc thơ, là ký hiệu thẩm mỹ quan trọng trong văn học của đất nước. Qua sự xuất hiện của các loài hoa khác nhau, với phẩm chất tự nhiên khác nhau, các tín hiệu về không gian, thời gian của thơ được thể hiện. Nỗi cảm hoài hay niềm thở than của con người cũng hé lộ qua sự liên tưởng về hình ảnh các loài hoa ấy. Các tên hoa gắn với các thời gian cụ thể trong năm, chỉ cần nhắc tới loài hoa ấy, người đọc đã nhận ra mùa nào, thơ vì thế giàu tính liên tưởng và gợi sự cộng hưởng cảm xúc từ đối tượng thưởng thức.

Trong Vạn diệp tập (Manyoshu) của Yamanoue Okura có bài:

Cứ mỗi lần xuân đến
Bên nhà xưa, cành mơ
Vội càng nở thật sớm
Trước cả muôn loài hoa
Phải chăng mình ta ngắm
Hoa cùng xuân trôi qua
Nguyễn Nam Trân dịch

Trong bài nhắc đến hoa mơ tức Ume (梅, うめ), một loài hoa đặc trưng của mùa xuân, vốn là thi liệu nổi tiếng trong thơ cổ Trung Hoa và Nhật Bản. Hoa mơ là một ký hiệu thẩm mỹ chuyển tải thời gian nghệ thuật, đồng thời gơi lên ý tình thanh nhã luyến tiếc sợ màu xuân trôi nhanh.
Một loài hoa nổi tiếng khác là hoa tử đằng tím Fuji (藤) báo hiệu mùa hè:

Mỏi gót lang thang
Đêm tìm quán trọ
Gặp hoa tử đằng
Basho, Nhật Chiêu dịch

Hình ảnh cánh hoa hồ chi hagi (萩) trong tập thơ Manyoshu của Otomo no Sakanoue:

Gió mùa thu nổi dậy
Ve vuốt cánh hoa thưu
Chúng mình chưa kịp giắt
Hoa thưu lên mái đầu
Phải nói câu từ giã
Bao giờ mới gặp nhau?
Nguyễn Nam Trân dịch

Hồ chi hagi (萩) thường được gọi trìu mến là “hoa anh đào mùa thu Nhật Bản”, tuy không có vẻ đẹp sặc sỡ nhưng nét giản dị mộc mạc của hoa lại mang đến niềm rung động. Tập thơ cổ và lớn nhất của văn học xứ Phù Tang là Manyoshu có đến 140 bài về hoa hagi (萩) này.

Hoặc loài cẩm chướng bé nhỏ Nadeshiko (撫子花) trong vườn hay ngoài đồng nội được ví như cô gái quê chưa chồng:

Mỗi lần nhìn cẩm chướng
Đang khoe sắc thắm hồng
Lòng tự nhiên nhớ đến
Cô gái quê chưa chồng
Mặt tươi cười rạng rỡ
Như hoa cỏ trên đồng
Yakamochi, Nguyễn Nam Trân dịch

Những bông hoa đồng nội không tên:

Tôi đi hái
Những bông hoa tím
Trên cánh đồng
Và tôi ở lại
Ngủ giữa mùa xuân
Yamabe no Akahito, Nhật Chiêu dịch

Hoa trong thơ văn Nhật Bản sống tự nhiên ngoài đồi, ngoài đồng, xuất hiện giữa không gian tự nhiên nguyên sơ và tinh khiết. Mọi cái đẹp và rung động thẩm mỹ trong đời sống người Nhật đều được gợi ra trong hình ảnh thiên nhiên, khiến lòng người nhuốm màu bi cảm nhớ nhung, ly biệt và dự cảm mỏng manh trước thân phận và tình yêu đôi lứa.

Những cánh hoa xoan kia
Người vợ yêu từng ngắm
Tan tác với gió hè
Chắc đã từ lâu lắm
Mình ta, dòng lệ đắng
Bao giờ mới ráo cho
Khóc vợ, Yamanoue no Okura, Nguyễn Nam Trân dịch

Nàng có là hoa không
Khi tro tàn hài cốt
Tôi đem rắc trên đồng
Tàn tro bay nhè nhẹ
Hương hoa vào hư không
Tác giả vô danh, Manyoshu, Nhật Chiêu dịch

Nỗi niềm rụng rơi phù du nhân thế trở thành một mỹ cảm đặc biệt trong tâm hồn người Nhật, bởi đó không chỉ là ẩn dụ, là một phép biểu trưng trong thơ, mà là đau khổ có thực, chỉ bởi vì chính bông hoa đã rụng.

“Thế rồi mùa xuân dần dần lộ rõ ra, sương mờ giăng mắc, hoa anh đào bắt đầu hé nụ. Tiếc là lúc đó, thường thì hết mưa rồi gió dập vùi chúng tan tác. Cho đến khi anh đào xanh lá, đời hoa kia đã gây ra cho người biết bao nhiêu cái não lòng.”

Đoạn 19, Bốn màu thay đổi, Đỗ nhiên thảo, Nguyễn Nam Trân dịch

Tác phẩm Genji monogatari 源氏物語 ra đời vào thời Heian và được xem là kỳ quan của văn học Nhật Bản. Tác phẩm có 54 chương và tên chương gần như là hình ảnh của thiên nhiên, đặt tên từ các thực vật, động vật, khung cảnh và các hoạt động của con người gắn với thời gian bốn mùa. Tên nhân vật cũng là tên của các loài hoa: nàng hoa chi hông Kiritsubo, nàng hoa phấn Yugao, nàng hoa quỳ Aoi,… Những tưởng tên hoa gắn với những người phụ nữ đẹp là ngẫu nhiên nhưng hoa và người lại gắn bó với nhau và mang ý vị dự cảm sâu xa. Nàng Yugao mệnh yểu sớm rời xa nhân thế tựa như hoa tịch nhan Yugao có sinh mệnh ngắn nhủi, nở thoáng chốc lúc hoàng hôn. Những nàng Fujitsubo, Murasaki, Aoi,… đều gắn liền với hình ảnh các loài hoa bốn mùa nhưng cũng như sương sớm, như hoa xuân, đời họ rốt cuộc cũng bị hủy diệt bởi thời gian, bởi đau khổ của nhân thế. Nhưng ngay cả khi bị bệnh tật dày vò, các nàng vẫn đẹp vô cùng, “nàng gầy mòn tiều tụy và như đang nằm gần kề cái chết nom nàng thảm thương nhưng vẫn xinh đẹp. Tóc nàng bóng láng mượt mà. Những bím tóc dày buông xuống gối càng đẹp bội phần không gì sánh nổi”. Người Nhật vốn yêu cái đẹp mong manh, phù du và hình ảnh hoa trong văn học Nhật Bản gắn với thế gian vô thường. Tựa như kiếp người nổi trôi giữa thời cuộc, hình ảnh hoa rơi, hoa tàn, trải qua những biến đổi của tạo hóa tạo nên niềm rung cảm mạnh mẽ và chạm đến trái tim của người thưởng thức.

Bên cạnh hình ảnh hoa, thiên nhiên trong văn học Nhật Bản còn có cả những điều bình thường, nhỏ nhoi trong cuộc sống như chiếc lá, tiếng dế mèn, cây chuối,…những điều này có thể tìm thấy trong thơ haiku của Basho.

Cây chuối trồng rồi
Cỏ cây quanh đó
Chẳng còn đáng ưa
Hay:
Lá thủy tiên
Dưới làn tuyết mới
Nhè nhẹ trĩu mình

Thơ haiku của Basho tiếp nối tinh thần mỹ học luôn hướng về thiên nhiên, ngợi ca, trân trọng và chiêm ngưỡng thiên nhiên trong dòng chảy thời gian. Mỗi tác phẩm đều toát lên tinh thần ngợi ca thiên nhiên, đặt sinh mệnh của con người trong thiên nhiên hoa cỏ, thể hiện đôi mắt đắm chìm nơi tạo hóa trong sáng, diễm lệ.

Trên đỉnh sương mù
Đã về đàn nhạn
Bay trong nỗi buồn
Vì sương che giấu
Trăng ngà đêm xuân

Nhiều bài haiku như bức tranh thủy mặc, gợi mở không gian và thời gian bốn mùa, diễn tả sự sống của thiên nhiên, sông núi nhưng cũng lặng lẽ, u hoài, bàng bạc nỗi luyến nhớ, hoài cổ với những cảm thức sâu xa về dâu bể cuộc đời, về sự tàn phai, vô thường, ảo ảnh. Có thể nói, bước vào thế giới của Basho là bước vào thế giới của tâm hồn và cảnh vật. Cái tâm kia đã bao trùm lên mọi không gian của cảnh sắc, vang lên những thanh âm ấm áp, ngời sáng những chân tình đằm thắm. Tác giả hòa điệu tâm hồn mình với vẻ đẹp phù du của tạo hóa nhằm thụ hưởng những vẻ đẹp đơn sơ của bông hoa ngoài đồng, tiếng chim ríu rít hay tiếng lá rơi, tuyết phủ bên hồ.

Mùa xuân ra đi
Tiếng chim thổn thức
Mắt cá lệ đầy

Những cuốn tiểu thuyết của Kawabata Yasunari đều đẫm một “cảm thức màu” – thời gian chảy trôi theo từng biến đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Tất cả các sự kiện diễn ra xung quanh cuộc đời các nhân vật đều gắn với một mùa nào đó trong năm. Xứ tuyết gắn với 3 mùa xuân, thu, đông theo bước chân 3 lần Shimamura đến vùng đất phương bắc lạnh giá, hoang sơ. Cố đô có cả 4 mùa, mở đầu là “hoa mùa xuân” (chương 1), tháng 5 mùa hè (chương 4), lễ Gion tháng 7 (chương 5), “thu muộn, hai chị em” (chương 7), Hoa mùa đông (chương 8). Ngàn cánh hạc dành trọn cho mùa hạ với những cơn mưa và những buổi tiệc trà. Bốn mùa luân chuyển với bao sắc màu và thanh âm đánh dấu quy luật tuần hoàn của vũ trụ và nỗi vô thường nhuốm màu bi cảm. Giữa thiên nhiên bốn mùa ấy, không ai không rung động, các trang văn như bức tranh thiên nhiên giàu màu sắc của đủ loại cây lá, hòa quyện tiếng thác nước, tiếng côn trùng. Tất cả những núi non, cỏ hoa, gió, tuyết, sương đượm chất thơ và sắc màu cổ tích, giúp người đọc thưởng thức hình dung các vẻ đẹp của thiên nhiên xứ sở Phù Tang, đồng thời gieo vào lòng người nỗi u hoài lặng lẽ, như chìm sâu vào ký ức, lạc loài khỏi hiện thực, chìm đắm trong chốn hư vô.

Cụ thể, trong tác phẩm Xứ Tuyết, cuối hạ sang thu được khắc họa bằng cái chết của đàn bướm đêm cùng vũ điệu cuồng loạn của đám chuồn chuồn, dãy núi mùa thu trong bóng chiều đã ngả ánh lên màu đỏ rỉ sét. Trên những dải núi cao, các thảm hoa kaya thếp bạc dần nhường chổ cho màu tuyết trắng, “những giọt nước đã đông lại trên các đóa hoa cúc đã héo rũ vì lạnh”. Một thế giới ưu sầu lắng đọng các cảm thức cô liêu, bình lặng, vương vấn mất mát chia ly.

Còn trong tác phẩm Cố đô, chương 1 mở ra với “những đóa hoa tím đã nở trên cây phong” và sắc anh đào hồng rực rỡ trong khu vườn chùa Heian Dgingu. Đến chương 8, “lá đỏ trên những cây phong đã rụng, mùa đông đã buông xuống các cành cây trần trụi”. Các chương truyện diễn ra trong thời khắc mùa thay áo mới, giữa cảnh sắc là lòng người đắm chìm trong cảnh vật và nghĩ suy về quá khứ, về cuộc đời.

Các thời khắc chuyển giao luôn mong manh, dự báo sự mất mát không tránh khỏi của cuộc sống thế nhân. Cảnh đẹp nhuốm màu bi cảm trong văn chương Kawabata Yasunari chính là thẩm mỹ nghìn đời của con người Nhật Bản, xuất phát từ trái tim biết aware trong tính cách dân tộc.

Bên cạnh đó, những truyện ngắn trong lòng bàn tay mang những cái tên đến từ thiên nhiên như: Sấm mùa thu, mưa phùn, cây hoa trà,… của Kawabata tựa như những bức tranh thuộc trường phái hội họa ấn tượng, cái kết lửng và khoảng trống của những rung động, xao xuyến đọng lại trong người đọc một không khí thâm trầm, hòa lẫn nhiều tri giác. Chất thơ, vẻ đẹp của văn phong Kawabata tạo ra những cảm thức đặc biệt được gợi từ cảnh vật của tạo hóa, phảng phất tinh thần mỹ học aware hay wabi-sabi.

Trích đoạn truyện “mưa phùn”:

“Mưa phùn mùa xuân không đủ ướt vạn vật. Nhẹ như sương móc, chỉ thấm ướt làn da trong sáng. Người thiếu nữ chạy ra nhìn chiếc dù của chàng thiếu niên ngỡ ngàng:

– Trời mưa hay sao?

Người thiếu niên mở dù để giấu che niềm xấu hổ khi đi ngang cửa hiệu có người thiếu nữ đang ngồi, hơn là vì mưa.
Nhưng anh lặng lẽ hướng dù về thân thể cô gái. Và nàng, chỉ một bờ vai ẩn dưới mái dù của anh.”
Khoảnh khắc mưa xuân và đôi nam nữ dưới chiếc dù, thiên nhiên được miêu tả mờ ảo như phản chiếu qua tấm kính phủ đầy mưa. Độc giả rơi vào nỗi bâng khuâng không biết câu chuyện sẽ kết thúc thế nào, đôi bạn trẻ chỉ mới gặp gỡ hay đã biết nhau từ lâu, họ sẽ nên duyên chồng vợ hay cũng chỉ mãi là kẻ lạ trên đường quen.

“Khi hai người bước ra khỏi phòng chụp ảnh, anh nhìn quanh tìm lại chiếc dù. Và anh chợt thấy nàng đã ra trước, cầm dù đứng đợi anh. Khi thấy anh nhìn, nàng mới hay mình đã cầm dù của anh bước ra. Và nàng kinh ngạc. Phải chăng nàng không nhận ra hành vi trong lúc vô tình ấy có nghĩa là nàng cũng đã thuộc về anh sao?

Anh không thể nói để anh cầm dù. Và nàng cũng không thể đưa dù lại cho anh. Nhưng khi rẽ sang đường khác, hai người đột nhiên trưởng thành.
Họ đi về nhà như là vợ chồng.

Chỉ tại chiếc dù mà thôi.” – Hoàng Long dịch

N.T Phedorenko trong quyển Kawabata – Con mắt nhìn thấu cái đẹp đã nói rằng: “theo mỹ học Nhật Bản, trong một tác phẩm nghệ thuật, cái quan trọng không phải là cái có thể nhìn thấy, mà là cái có thể cảm thấy, cái làm cho người ta rung động…”. Do đó, bối cảnh trong tác phẩm là cơn mưa phùn chủ yếu khơi gợi cảm xúc cho những gặp gỡ thoáng qua, những mặt người được đặt trong không gian tâm trạng, một rung động tình cờ lại là chất xúc tác cho những chiêm nghiệm sâu xa, vẽ ra muôn vàn xúc cảm dựa theo sự phát triển của dòng tâm tư nơi người đọc. Và Kawabata Yasunari – nhà văn đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải Nobel đã kế thừa và mang dấu ấn mỹ học truyền thống của dân tộc, viết tiếp những trang văn cô đọng về mặt ngôn từ nhưng không thể thiếu vắng thiên nhiên trong trẻo tươi đẹp của quê hương Phù Tang.

Thiên nhiên trong tiểu thuyết Đẹp và buồn là không gian để cố đô Kyoto hiện ra thật trầm mặc cổ kính trong mắt người đọc. Ngôi chùa cổ Heian Dringu phủ sắc hoa anh đào, chùa Kozanji thắm lá phong non, chùa Nanjenji trầm mặc dưới bóng những cây long não ba trăm tuổi. “Trong đền, một bông hoa rụng trên thảm rêu màu xanh rực rỡ. Giữa những bông hoa dại nhỏ trắng, bông trà như từ rêu nở ra.” Thiên nhiên dược dùng như một đòn bẫy, nhắc nhớ về một cố đô trong veo, tĩnh lặng và an yên cũng như hàm chứa biết bao ân tình của nhà văn với tâm hồn dân tộc trước những biến đổi của dòng đời. Kyoto dẫu có nhuốm màu sắc đô thị, trở nên ồn ào, suy tàn những ngành nghề thủ công truyền thống, nhưng người người vẫn đi dạo ngắm hoa, rộn ràng với màu xanh mát của hàng thông liễu vì đó là thành phố của cây hoa, của lễ hội, của chùa chiền, nơi lưu giữ toàn bộ nền mỹ học ưu nhã đã trở thành tính cách dân tộc của người Nhật Bản.

Ngô Cao Nghĩa