Khi ngồi viết những dòng này là lúc tôi nhớ lại kỷ niệm mùa xuân được chứng kiến một buổi hầu đồng ở Đền Sòng Thanh Hóa. Đây là ngôi đền được mệnh danh là thiêng nhất xứ Thanh. Bạn phải trực tiếp chứng kiến những giá đồng cộng thêm một chút hiểu biết về Đạo Mẫu nữa bạn sẽ lý giải được vì sao nhiều người đam mê hầu đồng, vì sao Đạo Mẫu tồn tại qua nhiều thăng trầm của lịch sử.

“Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh sẽ đưa người đọc tới những lý giải rất sâu sắc về Mẫu.Số phận những con người ở làng Cổ Đình xoay quay những biến đổi trăm năm của lịch sử những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Người phụ nữ được tác giả vô cùng trân trọng, yêu thương. Rất nhiều nhân vật dù nhỏ nhất cũng được tác giả khắc họa một cách tài tình qua một vài đường nét. Cách trần thuật vô cùng linh động mang lại sức hấp dẫn cho người đọc. Ông đẩy nhân vật vào bối cảnh ” khi dân tộc phải đối mặt mất còn với thực dân Phương Tây, cái Phương Tây mang đến vừa vũ khí xâm lược hiện đại vừa nền văn minh tân tiến mà xa lạ với Thiên Chúa giáo đi cùng; khi cả đạo Phật bám rễ suốt nghìn năm đã suy tàn, khi Nho giáo chỉ còn thoi thóp… Bỗng bừng sống dậy một tôn giáo nảy sinh và thấm sâu âm thầm có lẽ từ thuở mới hình thành của dân tộc, Đạo Mẫu rất Việt, rất phương Nam, rất dồi dào, bất tận như Đất, như Mẹ như người Đàn bà”.( Nguyên Ngọc)

Sự tích Chầu Bé Bắc Lệ công chúa - Thần thoại Việt Nam

Tác giả đưa vào trong trang sách rất nhiều câu chuyện tình yêu của những người phụ nữ làng Cổ Đình. Mãnh liệt, đắm say, đau thương, chết chóc, phồn thực mà tinh tế, trong sáng mà đầy bi kịch… Tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp về tình yêu, tình người. Những người phụ nữ ấy họ chịu những cay đắng và nghiệt ngã để rồi họ trở về với Mẫu. Chỉ có Mẹ mới có thể bao dung dang rộng vòng tay đón những đứa con của mình.

” Chỉ có Mẫu mới an ủi được họ, mới giải tỏa cho họ khỏi những cơ cực những ẩn ức của thế gian”

Đó là số phận của Nhụ .Từ cô bé xinh đẹp với mối tình trong sáng với Điều đến người phụ nữ bị hãm hiếp có thai. Cha bị chém, ông thì chết, người yêu thì bỏ đi ..bụng mang dạ chửa tìm về quê ” Mẫu đã thương xót đưa dắt con trở về đây tức là người sẽ che chở con.Sống với Mẫu, con sẽ thấy thảnh thơi vơi nhẹ”. Dù trong tận cùng của đắng cay Nụ không hề có ý tưởng bỏ con mà chỉ cầu mong ” cô đã là mục đồng nên cô mong con cô như con bê con. Nếu đem thả vào đàn bò con bê ấy xin đừng khác với mọi con bê”.

Đó là cô Mùi với đường tình duyên lận đận. Mang tiếng sát phu rồi lấy Tây có ai biết được nỗi đau mà cô phải chịu. Cô lấy Tây để đổi tự do cho cha- gia đình có những người con chống lại mẫu quốc sẽ rất khó sống trong hoàn cảnh o ép. Chỉ có cô bao bọc con cháu, khóc thương anh, thương cha trong buổi tao loạn.

Đó là bà Tổ cô với cuộc sống kéo dài gần suốt thế kỷ.Bà chứng kiến những biến động kinh hoàng của lịch sử. Bà được cả người bên lương bên giáo quý trọng tôn sùng. Cuối đời bà lên núi Mẫu sơn để toàn tâm thờ Mẫu. Cuộc đời bà là cả một truyền kỳ từ câu chuyện tình với ông cử người chồng đầu đúng kiểu trai tài gái sắc đến việc tái hôn với mục đích hàm ơn. Người phụ nữ ấy đáng trọng đến mức được tôn là bà tổ cô của cả làng. Chính nhân cách của bà đã tạo nên điều đó. Đức độ của bà tạo nên ảnh hưởng tới cả một vùng.

Đó là bà Ba Váy nghèo khổ về làm vợ lý Cỏn. Mang tiếng là bà Lý nhưng bà vẫn dạy con biết làm ruộng biết vun vén…Đằng sau vẻ lam lũ nhẫn nhịn của người phụ nữ ấy là một trái tim khao khát yêu thương. Bà dấu kín mối tình thời trẻ với Trịnh Huyền. Để rồi khi Trịnh Huyền bị Tây chém đầu người phụ nữ ấy coi như chết. Sức sống hừng hực của bà dường như trong một đêm cạn mất. Người đàn bà mang vẻ đẹp phồn thực ấy trở nên héo mòn. Khi tình yêu đã chết, sống chỉ còn tồn tại mà thôi.

Còn rất nhiều những người phụ nữ khác như Hoa, như bà cả vợ Lý Cỏn, bà mõ…đều mang những vẻ đẹp riêng, những bi kịch riêng.

Câu chuyện dân gian về ông Đùng bà Đùng mang màu sắc phồn thực, cách giải trùng, cách lý giải của ông Lềnh – một người Tàu về văn hóa đem đến cho bạn đọc rất nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa.

” Người dân xứ này tin rằng mỗi vùng địa lý đều có cái thần riêng của nó, cái hồn riêng của nó: đó là Hồn Đất….Người chinh phục chúng ta chiếm được đất tưởng mình là chúa tể ở vùng xâm chiếm. Hồn đất thâm hiểm lắm nó sẽ trả thù nhưng đường đi nước bước rất ngoắt ngoéo…Tôi ở đây đã bảy năm nhưng tôi biết tôi không thể huyênh hoang được…”

Và còn có những kiến giải vô cùng thú vị về âm dương, về tình dục về văn hóa tâm linh. Gần nghìn trang sách sẽ cho chúng ta khám phá vẻ đẹp đặc trưng xứ Bắc qua làng Cổ Đình những hát văn, lễ hội, phong tục,cách ứng xử của những nhà Nho với thời cuộc. Hình ảnh người con của Trịnh Huyền âm thâm trả thù cho cha như một minh chứng cho sự kiên cường của dòng dõi gia đình; một minh chứng cho sức sống âm thầm mà mãnh liệt của những người dân nơi đây. Hồn đất linh thiêng phù hộ tiếp sức chống lại những kẻ là khách mà lại muốn làm chủ.

Có thể nói rằng Nguyễn Xuân Khánh với những tác phẩm của mình đã đóng góp rất lớn cho việc tìm tòi đổi mới tiểu thuyết lịch sử đương đại Việt Nam.Với cách viết nghiêm túc,chỉnh chu của người làm khoa học ông đã mang tới những tác phẩm văn học có tính khảo cứu cao. Mẫu thượng ngàn là một trong cuốn sách thực sự nên đọc và đáng đọc.