Đầu năm 2020, giữa những ngày đại dịch covid-19 đang hoành hành trên khắp địa cầu trong đó có Việt Nam, nhóm tác giả Hà Nội và nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vẫn cho ra mắt bạn đọc tập thơ “Nhịp mùa”. Cùng với những cố gắng ngăn chặn dịch bệnh của người dân cả nước, tập thơ “Nhịp mùa” ra đời như một minh chứng cho vòng quay của nhịp thời gian, cuộc sống vẫn luôn trôi chảy và không bao giờ dừng lại.

Tập thơ “Nhịp mùa” có sự “góp mặt” của 175 bài thơ đa dạng, đủ màu sắc của cuộc sống, đủ cung bậc của tình cảm với bút pháp biến hoá sinh động về thể loại của 35 tác giả. Đó là những bài thơ lục bát uyển chuyển dạt dào âm hưởng dân ca, đó là những bài thơ bát ngôn trữ tình, khoáng đạt, là những bài thơ năm chữ dồn dập, mạnh mẽ nhưng bình dị như khúc đồng dao. Đặc biệt là những bài thơ thể tự do đầy ngẫu hứng đã mang lại cho tập thơ nhiều nội dung phong phú, đem đến cho bạn đọc nhiều cách tiếp cận và cảm thụ mới mẻ.

Tập thơ mang tên “Nhịp mùa” bởi các tác giả quan niệm cuộc sống như một vòng quay tuần hoàn, mùa nối mùa, không bao giờ dừng lại. Các tác giả hướng cảm xúc chân thành và rung động mãnh liệt của mình đến với nhiều đề tài khác nhau của cuộc sống. Đó là đề tài về tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, về cảnh sắc thiên nhiên, về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại và không ít những bài thơ mang triết lý sống sâu sắc.

Ở mảng thơ về đề tài quê hương đất nước, ta có thể gặp các bài thơ mà tác giả hướng những cảm xúc đầy ắp kỷ niệm của mình quay về với hình ảnh của thời thơ ấu, với dòng sông, với luỹ tre quanh làng rủ bóng. Như trong các bài: “Tìm lại tuổi thơ” (Hồ Viết Bình), “Về Tam Cốc (Hương Mrs Le), “Hoa gạo vẫn chờ” (Bùi Thị Quế Anh), “Thăm quê” (Trần Hải Lộc), “Quê mình” (Trần Duy Hạnh).

Cảm xúc, ngòi bút của nhiều tác giả đã vẽ nên những bức tranh sống động về cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Với muôn màu muôn sắc hoa đua nở, thể hiện lòng yêu tha thiết. Ta bắt gặp các sắc hoa tháng ba trong “Lỡ hẹn những mùa hoa tháng ba” của Nguyễn Lan Hương, sắc “phượng tím” trong thơ Hoàng Minh Tuấn, mùa lá rơi trong “Khúc giao mùa của Hoàng Chẩm. “Hương mùa” trong thơ Nguyễn Thị Liên, “Thu rơi” trong thơ Phạm Tân Dân, “Thu chín” trong thơ Phạm Thị Huyền.

Mảng thơ tình cũng khiến cho người đọc có được những rung động nhẹ nhàng, xao xuyến trong những lời thơ giản dị, nhưng sâu sắc của các tác giả Trương túy Anh (Về đi anh), Trang Thanh Xuân (Gọi tên nhau tình cuối), Đặng Quốc Khanh (Tình yêu đó), Cúc Họa Mi (Ngày vắng nhau).

Một nét đặc biệt riêng, rất riêng không thể không nói đến là khi đọc “Trên đỉnh Yên tử” của nhà thơ Chu Minh Khôi. Đó là khi tác giả đem hồn thơ đến với chốn đền đài, cửa Phật, nhưng ngòi bút không thiên về cảnh khói hương nghi ngút, cảnh tấp nập lại qua, cảnh sì sụp quỳ lạy để cầu lộc, cầu tài mà lại hướng về phía tĩnh lặng của nội tâm, của cảnh vật, của sự thanh cao vượt ra ngoài mọi bon chen của cuộc đời.

Tình cảm gia đình có lẽ là nội dung được nhiều tác giả thể hiện nhất trong các tác phẩm của mình. Độc giả sẽ trải qua những cung bậc cảm xúc tuyệt vời trong nối nhớ rưng rưng về bà, về mẹ trong các tác phẩm như: “Gói bánh” của Đỗ Phước Thanh, “Mẹ ơi” của Đào Mạnh Thạnh, “Con yêu mẹ nhất” của Đinh Thị Hiển, “Nhớ mẹ” Lê Mỹ Hường, “Con nợ mẹ” Vương Thị Thanh Lan, “Ngoại tôi” (Nguyễn Minh Triết) hay những lời dặn dò với thế hệ mai sau trong “Ru cháu” (Phạm Văn Tửu), “Lời mẹ dặn” (Lê Thị Nga), “Lên phố” (Lê Gia Hoài). Các tác giả luôn mong muốn hướng con cháu biết quay về với cội nguồn. Hơn thế nữa ta còn bắt gặp nối nhớ quê sâu sắc trong “Nhớ nhà” (nguyễn Khắc Mận), “Đêm nguyên tiêu” (Bùi Thế Uyên)

Qua ngòi bút sắc sảo đầy biến hoá của các tác giả, mảng ca ngợi tổ quốc, Đảng và Bác Hồ cũng được viết rất tự nhiên, khiến người đọc không cảm thấy như đang được nghe tuyên truyền cứng nhắc như “Cờ tổ quốc” (Phạm Thị Hồng Thu), “Nhớ lời người” (Nguyễn Đình Hưng).

Điều đặc biệt khi đọc tập thơ “Nhịp mùa” mà độc giả có thể cảm nhận được là những triết lý sống rất sâu sắc. Đó là sự giác ngộ từ nội tâm để hướng đến cái thiện qua các bài thơ của các tác giả Duy Vũ (Ngộ), Nguyễn Chí Đức (Tri ân và báo ân), Lan Thanh (Thoáng tâm tư chiều tháng chạp). Hay những quan niệm về tình yêu về cuộc đời rất mới trong “Đàn bà là thế” (Nguyễn Thị Hồng Hà), “Tình yêu không cần bản nháp” (Phan Huy Hùng).

Cần mẫn, thâm trầm như con tằm rút ruột để ươm tơ, các tác giả đã lặng lẽ dốc hết tâm huyết của mình để ươm cho đời những vần thơ giá trị. Với “Nhịp mùa” thước đo giá trị chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc. Đặc biệt trong những ngày tháng dịch bệnh khó khăn này “Nhịp mùa” vẫn nối những nhịp thời gian.

Nguyễn Lan Hương