Cố nhà văn Kim Dung có vốn hiểu biết sâu rộng. Qua các tác phẩm của ông, chúng ta có thể thấy được vô vàn hấp dẫn trong văn hóa các vùng miền. Điển hình như các loại trà, hoa cúc hay triết lý Phật giáo… Ngoài ra, có vô số tên gọi (nhân vật, địa danh, võ công) mang trong mình những điều thú vị. Dưới đây là một số phát hiện nhỏ của người viết!

1. Huyền Minh Nhị Lão

Đây là hai nhân vật xuất hiện trong tác phẩm “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”. Một người tên là Lộc Trượng Khách, người còn lại là Hạc Bút Ông.
Như các bạn đều biết, Lộc (hươu) và Hạc đều là những con vật đại diện cho sự trường sinh. Cũng chính vì vậy mà có câu chúc “lộc hạc đồng xuân”. Nó thường được dùng để chúc mừng năm mới. Như vậy, các bạn có thể thấy tên gọi cặp bài trùng Lộc Trượng Khách và Hạc Bút Ông là hoàn toàn có căn nguyên.
Không những thế, nếu như Lộc được xem là tiên thú thì Hạc cũng được mệnh danh là bậc quân tử, cốt cách thanh cao. Thế nhưng Huyền Minh Nhị Lão lại là hai nhân vật phản diện, tàn ác. Cặp đôi này trứ danh giang hồ với Huyền Minh thần chưởng – thứ chưởng pháp độc địa khiến người trúng chiêu rơi vào trạng thái chịu hàn độc và đau đớn tới chết. Đây là một sự tương phản độc đáo trong hình tượng Lộc, Hạc!
Ngoài ra, Huyền chỉ màu đen, Minh là sáng. Lộc Trượng Khách và Hạc Bút Ông tuy là cặp bài trùng nhưng trong thâm tâm vẫn có sự so sánh phân tài cao thấp. Bề ngoài là sự cộng hưởng nhưng bên trong là sự đối lập, nó cũng giống như ngày và đêm!

2. Giang Nam Tứ Đại Trang Viên (thuộc Cô Tô Mộ Dung Thị Tứ Gia Tướng)

Thiên Long Bát Bộ là một trong những tiểu thuyết đồ sộ nhất của cố nhà văn Kim Dung. Trong đó, nhân vật Mộ Dung Phục thuộc dòng dõi Tiên Ty, mang mộng phục quốc (Đại Yên). Trong truyện, Mộ Dung Phục có sự trợ giúp của Giang Nam Tứ Đại Trang Chủ. Đây là những hậu nhân của tứ đại gia tộc đã phò tá nhà Mộ Dung từ thời loạn Ngũ Hồ Thập Lục Quốc.
Tên gọi của bốn trang viên lần lượt là : Thanh Vân Trang, Xích Hà Trang, Kim Phong Trang và Huyền Sương Trang.
Ở đây, chúng ta thấy được bốn yếu tố có trong tự nhiên, bao gồm mây (Vân), sông (Hà), gió (Phong) và Sương. Thêm vào đó, tác giả cũng đưa vào bốn màu sắc khác nhau là xanh (Thanh), đỏ (Xích), vàng (Kim), đen (Huyền).

3. Đạp Tuyết Tầm Mai

Đây là một chiêu thức kiếm pháp trong bộ truyện Hiệp Khách Hành. Qua tên gọi, chúng ta có thể tưởng tượng đến cảnh người bước đi trong gió tuyết để tìm hoa mai. Bốn chữ “Đạp Tuyết Tầm Mai” cũng xuất hiện trong Cổ thi Trung Hoa. Cụ thể là :
“Sổ cửu hàn thiên tuyết hoa phiêu
Đại tuyết phân phi tự nga mao.
Hạo nhiên bất từ phong sương khổ
Đạp tuyết tầm mai lạc tiêu diêu”.
Xin được chia sẻ thêm, chủ đề Đạp Tuyết Tầm Mai cũng được đưa vào các bộ ấm trà của người Việt. Các quan Văn rất ưa chuộng dòng sản phẩm này!

4. Hắc Mai Côi

Đối với những độc giả yêu thích tác phẩm Thiên Long Bát Bộ thì chắc chắn sẽ rất ấn tượng với con ngựa Hắc Mai Côi của nàng Mộc Uyển Thanh. Có nhiều cách giải nghĩa khác nhau về cụm từ “Mai Côi”. Theo từ điển Hán Việt của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh thì Mai Côi có hai nghĩa. Nó chỉ một thứ ngọc đỏ hoặc hoa hồng. Thông qua tìm hiểu, tôi được biết “Mai Côi” chỉ một loài hoa sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai, hương thơm nồng nàn. Người ta sử dụng nó để chưng cất lấy hơi tẩm ướp vào rượu để tạo ra “Mai Côi Lộ Tửu”. Đây là một loại mỹ tửu của Trung Hoa. Hắc Mai Côi được hiểu là hoa hồng đen. Đặc biệt, nàng Mộc Uyển Thanh cũng xuất hiện với trang phục màu đen. Có thể thấy cách xây dựng nhân vật và con thần mã của Kim Dung rất xuất sắc, tạo nên điểm chung thú vị. Hắc Mai Côi cũng chính là người bạn duy nhất của Mộc Uyển Thanh trên con đường bôn tẩu giang hồ. Một người – một ngựa tựa như bóng đêm u tịch!

5. Lăng Ba Vi Bộ

Đây là tên gọi của một môn khinh công thượng thừa, thuộc bộ Bắc Minh Thần Công. Nó gợi liên tưởng đến hình ảnh Lăng Ba tiên tử bước đi nhẹ nhàng, uyển chuyển, dáng vẻ thướt tha. Khi chiết tự , chúng ta sẽ thấy được sâu xa hàm ý bên trong. Lăng có nghĩa là trải qua, vượt qua; Ba là con sóng nhỏ, Vi ở đây chỉ sự màu nhiệm còn Bộ là đi bộ. Cũng chính vì vậy, cụm từ Lăng Ba Vi Bộ được hiểu là nhẹ nhàng đạp sóng.

6. Kim Ô Đao Pháp

Dân gian có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Ấy thế mà cặp vợ chồng Bạch Tự Tại và Sử Tiểu Thúy trong bộ Hiệp khách hành lại như nước với lửa.
Do mâu thuẫn nên Sử bà bà đã nghĩa ra bộ đao pháp khắc chế Tuyết Sơn kiếm pháp của phu quân. Cái tên Tuyết Sơn đã gợi liên tưởng đến hình ảnh dãy núi được tuyết phủ trắng. Trong khi đó, Kim Ô mang ý nghĩa là mặt trời. Khi mặt trời lên, những tia nắng sẽ khiến tuyết tan. Ngay trong chính tên gọi của bộ đao pháp, Sử Tiểu Thúy đã thể hiện quyết tâm đả bại Tuyết Sơn Kiếm pháp!

7. Thiên Sơn Chiết Mai Thủ

Dãy Thiên Sơn được xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của nhà văn Kim Dung. Trương Vô Kỵ đã đồng hành cùng Dương Bất Hối đến đỉnh Côn Lôn của dãy núi này để tìm Dương Tiêu. Sau này, chàng trai Trương Vô Kỵ quay trở lại nơi đây, bẻ một cành mai để đối phó với đao kiếm vô tình.
Không những thế, nó còn được hiện hữu trong võ công của phái Tiêu Dao. Hoa mai tại Thiên Sơn là một biểu tượng kiêu hãnh, thanh tao và kiên cường. Bởi vậy, người hái hoa cũng cần tinh tế, điềm tĩnh và dứt khoát. Đây chính là nguồn cảm hứng để Thiên Sơn Chiết Mai Thủ ra đời. Tên gọi này có ý nghĩa dùng tay bẻ cành mai trên dãy Thiên Sơn!
Trên đây là những cái tên mà người viết cảm thấy rất thú vị, thể hiện ý tứ sâu xa và khẳng định sự tinh tế, uyên bác của cố nhà văn Kim Dung!