Hôm nay có phải là ngày thích hợp để chết?

Những người trẻ, có bao giờ bạn tự hỏi với lòng mình như vậy chưa?

Nếu chỉ một lần trong đời đã từng, tôi tin chắc bạn hiểu cảm giác của Theodore Finch – chàng nam sinh năm cuối trung học Barlett – luôn nghĩ khi đứng trên chỗ gờ tường tháp chuông cách mặt đất sáu tầng nhà. Tin chắc bạn sẽ hiểu những đau đớn, dằn vặt, khó khăn tinh thần mà ai trong chúng ta cũng đang từng ngày phải vật lộn để kiểm soát và vượt qua. Và thầm cảm ơn, vì bạn vẫn ở lại, đang trở nên tốt hơn như Violet Markey.

Tác giả Jennyfer Niven đã viết cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu niên, với đủ cung bậc cảm xúc, lãng mạn, hài hước hòa lẫn xúc động, đau lòng – “Những ngày tươi đẹp”/ “All the bright places”. Tác phẩm đã được dựng thành phim , phát hành vào ngày 28 tháng 2 năm 2020 tại Mỹ, phác họa hình ảnh hai nhân vật chính đại diện cho một bộ phận những con người đang phải đối diện với vấn đề từ chứng bệnh về tâm lý và tâm thần của chính mình.

Finch – chàng thiếu niên mang những biểu hiện của chứng rối loạn lưỡng cực di truyền, mỗi giây trôi qua với cậu, được miêu tả bằng hai từ: Thức và Ngủ, mỗi ngày trong cậu chỉ là nỗi ám ảnh cay độc về cái chết.

Violet – từ một cô gái vui tươi, rạng rỡ, đam mê viết lách, với bao dự định, ấp ủ. Sau cái ngày chị gái mất, cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn, cô tự dằn vặt bản thân và khó khăn tìm lý do để tiếp tục sống.

Những ngày tươi đẹp - Giới thiệu & Review Sách Nhã Nam

 

Họ thấy nhau trên gờ tường tháp chuông, nơi nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ, để rồi nhờ sự xuất hiện của người kia, kéo nhau trở lại, bắt đầu chuỗi ngày trở nên tươi đẹp nhất trong cuộc đời. Dệt nên một tình đầu rạng rỡ, cùng nhau khám phá những ngóc ngách nơi thành phố mình đang sống, trao nhau những cảm xúc mãnh liệt chân thành.

Cũng như những người mang bệnh tâm lý, tâm thần khác, chỉ một phút trước có lẽ bạn rất vui tươi, một tích tắc sau đã bao chìm trong cảm xúc bất lực, tiếp kéo dài hàng ngày sau đó trong trầm cảm. Một câu thoại rất hay tôi từng được nghe trong phim nói rằng: “Cùng mắc bệnh, cùng không khỏe mạnh như nhau, nhưng người bị ung thư thì luôn nhận được sự thương cảm, xót xa, đau khổ của mọi người xung quanh, trong khi người mắc bệnh tâm lý và tâm thần thì bị xem như những kẻ lạc loài, bị xét đoán như thể chính họ lựa chọn tình trạng bệnh đó của mình vậy.”

Finch luôn bị coi là kẻ lập dị, phải chịu sự ghét bỏ, bắt nạt, xúc phạm và xa lánh của mọi người, kể cả trong chính ngôi nhà, nơi mà đáng lý cậu phải được nhận sự sẻ chia, và quan tâm nhất. Một chàng trai mười tám tuổi luôn nghĩ đến câu văn khắc lên bia mộ của chính mình…

Những người mắc bệnh tâm thần, tâm lý đều mong muốn được công nhận như một con người thật sự, với những khả năng khác nhau cùng suy nghĩ cảm nhận khác biệt.

Tâm lý đổ lỗi, cái nhìn phiến diện, khắt khe và sai lệch của xã hội nói chung đã đẩy Finch, cùng những người trẻ khác như cậu đến với những phản ứng tăm tối, và quyết định tự tử, như là một lựa chọn tìm kiếm giải pháp hạnh phúc cuối cùng.

Cùng những bất ổn của Violet, sự co mình đau đớn, những phản kháng yếu ớt nhưng chứa đựng tội lỗi mãnh liệt bao trùm khi đối diện với khoảng thời gian mất đi người thân yêu.

Những khoảng khắc xấu xí trong tâm hồn, những méo mó trong tâm trí nhưng cũng rất con người của Violet cho ta sự thấu hiểu rõ rệt về những khó khăn mà người mắc bệnh tâm lý đang gặp phải.

Tình yêu – điểm sáng của câu chuyện, đã giúp Finch có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình, thúc đẩy khả năng chữa lành trong con người vốn chịu nhiều tổn thương. Cậu thức tỉnh Violet, và thuyết phục cô, cũng như bất kì ai trong chúng ta đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.

“Tôi đã sống. Tôi đã cháy rực rỡ. Và rồi tôi đã chết, nhưng tôi không chết hẳn. Tôi sẽ luôn ở đây, trong hương hoa và trong lòng người ở lại.” – Theodore Finch

Cuốn sách này không chỉ dành cho tuổi thiếu niên, nó dành cho tất cả chúng ta, những ai sẽ – vẫn – đang quan tâm đến vấn đề bệnh tâm lý, tâm thần và tự tử.

Hãy đọc cuốn sách để hiểu vì sao từng có luận điểm tranh cãi, ‘tự tử không phải là ích kỷ’.
Đọc để thấy mình trong đó, từng mắc kẹt, vùng vẫy, lo lắng trong cuộc sống và những định nghĩa áp đặt xã hội.
Đọc để thấu hiểu, cảm nhận những gì mà người mắc bệnh tâm lý, tâm thần đang phải gánh chịu, và trải qua.
Đọc để nhìn nhận đúng đắn hơn, về chứng bệnh tâm lý, tâm thần, để nhận ra rằng: khác biệt với các bệnh lý thường gặp, bệnh tâm lý tâm thần không có dấu hiệu cụ thể, không có một ‘khuôn mặt’ nhất định, không báo trước, không rõ ràng.

Cái ta cần nhiều hơn là sự quan tâm, và những hiểu biết về kiến thức cơ bản, sự lắng nghe, và kiên nhẫn.
‘Nếu bạn nghĩ có điều gì không ổn hãy nói ra. Bạn không đơn độc. Bạn không có lỗi’ – Jennifer Niven