Lê Gia Hoài là một cây bút trẻ của hội văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy xuất hiện chưa lâu và viết không nhiều, nhưng thơ anh đã in trên hầu hết các báo và tạp chí văn nghệ trong nước. Ngoài ra anh cũng đã đạt được một số giải thưởng mặc dù chưa lớn nhưng cũng là niềm mong của  nhiều người cầm bút. Tính đến năm 2021 anh đã xuất bản được hai tập thơ là “Tình ca trên bục giảng’’ và “Chiều say men nắng”. Cả hai tập anh đều tặng tôi. Nếu “Tình ca trên bục giảng’’ là một chàng trai trẻ ngây thơ lãng tử với bao khát vọng ước mơ trong sáng bước vào đời. Thì “Chiều say men nắng’’ lại là người đàn ông trung niên thâm trầm, sâu sắc và bình tĩnh, giàu kinh nghiệm hơn.

Tôi rất ấn tượng với tựa đề tập thơ này. Đó là một ẩn dụ đa nghĩa, đẹp và gây được sự tò mò cho người đọc. Họ sẽ hỏi: Tại sao lại là chiều say men nắng? và mở tập thơ ra đọc để tìm câu trả lời. Phải chăng vì chiều là thời gian cuối của mặt trời trong ngày, là ranh giới của sáng và tối nên thường tạo cho con người cái cảm giác sắp đánh mất một điều gì đó. Vì vậy người ta thường hay nhớ, hay hoài niệm, hay nuối tiếc, hay tưởng tượng mộng mơ hơn, so với những quãng thời gian khác?  Nói về men là người ta thường nghĩ đến  một sự chưng cất, một quá trình trong một đơn vị ngắn thời gian, có tác dụng gây hưng phấn, kích thích. Men nắng là gì mà khiến tác giả say thế? Muốn trả lời được câu hỏi này, người đọc phải đi hết chiều dài và chiều sâu của tập thơ. Nghĩa là phải đọc xong tập thơ chúng ta mới biết được ngụ ý của tác giả. Đó là lý do tôi đã đọc một mạch hết cả tập thơ khi vừa nhận được.

Không có mô tả.

Thì ra men nắng không phải đơn thuần là men tình như tôi nghĩ. Men ở đây là biểu tượng ký ức. Còn nắng chính là  những kỷ niệm về con người, vùng đất mà Lê Gia Hoài đã gặp, đã thương, đã ở, đã đi, đã đến và đã đặt dấu chân mình. Cảm thức này là nội dung chủ đạo xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nổi bật nhất là các bài như: “Chiều say men nắng, Ngày xưa, Cốm vòng, Chưa bao giờ anh thực sự quên em, Hát cho mùa thu cũ, Tây bắc xuân anh về, Hồi trống cuối..”

Có lẽ ngoài đời tác giả là người giàu tình cảm. Nên anh thường sống với hoài niệm, lấy dĩ vãng ru mình êm dịu qua những ngày chai sạn mưu sinh, ủ nỗi nhớ niềm thương của cảnh cũ người xưa, mà chắt thành men thơ chăng? Men thơ của anh rất nồng nàn đắm say, đằm dịu, rất riêng. Tuy tôi và anh chưa gặp nhau ngoài đời nhưng hai anh em đã thân nhau từ lâu trên facebook. Anh ít trải lòng, càng ít nghĩ đến những chuyện sân si nhân thế. Khi tôi hỏi anh về thơ, anh bảo: “Mình không nghĩ đến chuyện mưu cầu danh lợi khi viết. Nhưng để có được tác phẩm đạt đến một chuẩn mực nào đó của chân thiện mỹ, mỗi tác giả cần có lòng nhiệt tình, niềm đam mê và một chút năng khiếu. Với tôi viết thơ là để trải lòng với hiện thực tươi đẹp đang diễn ra quanh mình. Mỗi bài thơ dù ngắn hay dài, dù ở thể tài nào tôi cũng mong muốn mang được điều gì đó tốt đẹp, tích cực đến cảm quan thẩm mĩ của người đọc”. Vâng, đa số các nhà thơ là vậy. Họ viết chỉ mong được cống hiến cho đời, được người đọc thấu hiểu, đồng cảm. Chỉ cần vậy thôi. Thơ anh cũng chân tình giản dị như con người anh. Tên tác phẩm được lấy từ tên bài thơ đầu tiên “Chiều say men nắng” của tập thơ. Ngay ở bài đầu tiên tác giả đã đưa người đọc đến cõi nhớ:

“Chiều say men nắng ngẩn ngơ

Lòng ai thương đến tận giờ vẫn thương

Chiều say men nắng vô thường

Trăm năm hẹn cũ vấn vương một đời”

Để nhận ra một Lê Gia Hoài đa cảm sâu nặng ân tình. Dù người xưa đã về bến mới, những dấu yêu cũ đã đi về nơi xa lắm nhưng anh vẫn không thể quên được nồng nàn. Cho dù nồng nàn ấy giờ chỉ còn là tro tàn của mối duyên đứt đoạn. Bởi anh đã yêu bằng tất cả trái tim, hình bóng người con gái xưa đã lấy đi tất cả khát khao mong nhớ, không còn chỗ cho người phụ nữ khác dừng chân. Say mê, hạnh phúc hay mong nhớ bi thương thì cũng chỉ có người ấy thôi:

“Tình khúc cũ những bè trầm mong manh

Cứ ngân lên gọi tên em thao thiết

Từ thẳm sâu trái tim mình anh biết

Chưa bao giờ anh thực sự quên em”

Cứ âm thầm vin ký ức về em mà đi lên những nấc thời gian, bỏ quên ngày tháng cô đơn hiện tại bằng những câu độc thoại nhói lòng:” Ngâu về rồi em có nhớ anh không?( trang 60) Câu yêu thương biết gửi trao ai giờ?( trang 61) Chỉ mình anh với tháng ba loang lổ/Cứ âm thầm ngồi nhắc mãi tên em(trang 21)…” Với những thi ngôn đẹp mà day dứt:

“Thời gian trôi đá bây giờ vẫn vậy

Nở thành hoa như khát vọng bao đời

Em yêu ơi! Có bao giờ em thấy

Nỗi lòng anh hoá đá trước em rồi”

( Đá hát)

Phố dài quá

hương sữa bay phảng phất

Dáng mùa thu xanh thẳm mắt em chờ

Bên kia sông ai ngồi thương hạ cũ

Để anh giờ đi lại giấc mơ xưa”

(Hát cho mùa thu cũ)

Bên cạnh chàng trai  tình si như những con sóng ngày biển lặng, không ồn ào dữ dội nhưng triền miên vô cùng ấy, là một con người nặng nghĩa quê hương. Quê hương bao giờ cũng là chiếc nôi của lòng biết ơn, tình thương và nỗi nhớ. Nơi ấy là gia đình, xóm làng, trường lớp… là tổ tiên, ông bà, thân hữu, là bạn bè thầy cô và những ngày tháng đong đầy kỷ niệm, là bậc thang ta vịn vào đời…Làm sao không nhớ không thương được? Tuy nhà thơ nào cũng có ít nhất là một vài bài thơ viết về quê mình, nhưng không ai lặp lại của ai, kể cả những nhà thơ là đồng hương với nhau. Bởi sự chiêm nghiệm về cuộc sống  của mỗi người một khác nên mặc dù làng quê nào cũng có đồng xanh với những đaường làng ngập nỗi rạ rơm, những cây đa, giếng nước sân đình… nhưng khi đi vào thi giới lại rất khác nhau. Vậy làng quê trong thế giới thơ của Lê Gia Hoài sẽ như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và khám phá qua những bài thơ đặc sắc nhất viết về đề tài này của anh.

Đó là “ Đất quê” với “Nắng mưa bạc phếch luống cày ông cha/ Từ trong gian khó vọng ra/Tiếng ru xanh những khúc ca ngày mùa”. Là người “Mẹ quê” “Thời gian vắt kiệt thanh xuân/Nón mê lam lũ rạc chân lúa đồng”. Đó là”Cốm vòng” “Gói tình vào những đam mê/ Lá sen toả ngát lối về cố hương”. Là mái trường “Anh chạm vào lời thơ trên bục giảng/Lời thơ bay xanh thẳm những chân trời”…

Như trên đã nói, Lê Gia Hoài ngoài đời là người nặng nghĩa trọng tình, sâu sắc thuỷ chung. Người sao thì thơ vậy. Chúng ta không những nhìn thấy trong “Chiều say men nắng” một con người đa cảm chân tình mà còn tìm thấy một phần  tâm hồn của mình trong đó. Bởi vì anh không độc diễn cho bản thân xem. Mà còn muốn tìm sự đồng cảm, tri âm nơi độc giả. Chính vì vậy nên khi khép lại tập thơ rồi, những men nắng ấy vẫn sưởi ấm lòng ta bởi những tiếng gọi  nhân văn mà bản thân đang muốn tìm về.

Thanh Hoá ngày 29/11/2021

Vũ Tuyết Nhung