Nhìn chung ngôn ngữ truyện dân gian người Việt Nam bộ ngoài những từ ngữ mang đậm sắc thái Nam bộ còn thể hiện ở lời kể, giọng kể của từng truyện. Xét về phương diện ngôn ngữ, yếu tố tạo nên sắc thái phương ngữ phần nhiều phải nhắc đến lời kể, giọng kể. Về mặt này, nhóm truyện sinh hoạt, hai truyện trạng: Ông ÓBác Ba Phi là tiêu biểu hơn cả. Gắn chặt với những sự kiện diễn ra hằng ngày trong đời sống gia đình, xã hội, ngôn ngữ trong nhóm truyện sinh hoạt có lời kể, giọng kể rặt Nam Bộ: ngắn gọn, đơn giản, chơn chất. Vả lại đối với nhóm truyện thuộc đề tài này, tần số xuất hiện những từ, ngữ thuộc ngôn ngữ địa phương khá đậm đặc. Vì rằng nội dung, tình huống, lời nhân vật trong truyện gắn thật sát với đời sống sinh hoạt của nhân dân. Một số truyện kể sau sẽ chứng minh cho những ý trên:

Đoạn sau truyện “Thèm bánh” kể:

Mưa tạnh, anh ta bảo vợ ra đường xem ướt át thế nào. Chị vợ về nói:

-Anh ơi, mưa tạnh nên đường cũng khô rồi, duy chỉ có ổ gà, có nước vũng sâu như ổ bánh bò, chỗ ổ gà cạn nước xem xém như ổ bánh bèo.

Anh chồng nạt nộ:

-Đàn bà gì mà mở miệng ra bánh này bánh nọ.

Chị vợ than:

-Gặp phải chồng tánh nóng như cái bánh cam mới chiên thì chắc chết!

Anh chồng nghe vậy, nổi quạu, vớ được khúc cây phang trúng vai vợ. Chị vợ mếu máo:

-May mà mới phang trúng vai, chứ phang trúng đầu nứt ra chắc giống như cái bánh thừng.

Anh chồng tức quá, không chịu được, rượt chị. Chị vợ vừa chạy vừa la um sùm:

-Trời ơi, chạy vầy đây (thế này) mà vấp té một cái chắc trẹo cái bánh chè luôn chớ không phải giỡn chơi.

Câu chuyện trên, với giọng kể và từ, ngữ địa phương xuất hiện rõ ràng mang đậm sắc thái Nam bộ, không thể lẫn vào các câu chuyện khác.

Truyện Cười - Truyện Tiếu Lâm | Đọc Truyện - Đọc Sách Miễn Phí

Dẫu sao, những truyện thuộc nhóm sinh hoạt phần lớn đã qua tay “gia công” của nhiều người, ngôn ngữ nguyên bản chắc hẳn đã có thay đổi ít nhiều, nhân vật trong các truyện chỉ chung về quần chúng nhân dân. Hai dòng truyện trạng: Ông Ó Bác Ba Phi, nhân vật trong truyện là hai nhân vật nông dân Nam bộ có thật. Từ dáng vẻ ngoài đời bước vào tác phẩm folklore, cho là có sự hư cấu, biến đổi ít nhiều so với hiện thực, lời nhân vật, ngôn ngữ truyện – nhìn một cách khái quát nhất – vẫn còn giữ lại chất Nam bộ rất nhiều. Nói cách khác, ngôn ngữ trong hai dòng truyện trạng, dù qua tay nhiều người kể, gần như còn giữ nguyên sắc thái phương ngữ Nam bộ. Trong Truyện Ông Ó, vai trò người kể là quần chúng nhân dân. Nghĩa là, đứng vị trí khách quan, các tác giả dân gian kể lại các câu chuyện về Ông Ó. Qua cách kể, ngôn ngữ kể, chúng ta có thể thấy đó là cách kể, lời kể của những người dân Nam bộ:

Có một ông quan nọ, tính ham chuyện lạ, nghe người ta đồn Ông Ó nói láo hay nên cho đòi đến xem tài nói láo đến đâu. Ông Ó trả lời:

-Bẩm quan, tôi nói láo không phải tự đặt ra mà phải có sách vở. Nếu ông muốn nghe thì tôi về lấy sách.

Quan tưởng thiệt, cho Ông Ó về nhà lấy sách. Chờ hoài, không thấy ông trở lại, quan cho người đến đòi Ông Ó định quở mắng. Ông ung dung trả lời:

-Quan biểu tôi nói láo thì tôi đã nói láo rồi đó, chứ nói láo làm gì có sách!

Quan biết mình bị gạt, làm thinh cho Ông Ó về.

(Truyện “Nói láo có sách”)

Ở Nam bộ mình thích cái gì người ta gọi là “ham”, nghe nói về một ai đó là mình chưa gặp người ta gọi là “đồn”, mình nói một việc gì đó không có thật mà người ta tin mình cho là người ta “tưởng thiệt”… Vốn từ Nam bộ xuất hiện trong truyện Ông Ó góp phần tạo nên sắc thái địa phương cho dòng truyện này.

 

Nếu như Truyện Ông Ó, người đứng ra kể lại câu chuyện là một người hàng xóm của ông (ta có thể cho như thế), hay nói cách khác, người kể là quần chúng nhân dân thì trong Truyện Bác Ba Phi, người kể lại câu chuyện đó chính là nhân vật chính – Bác Ba Phi. Sử dụng đại từ nhân xưng “tui”, cộng với lối kể dí dỏm, ngôn ngữ kể đậm chất Nam bộ, Truyện Bác Ba Phi là dòng truyện trạng Nam bộ rặt. Từ lối dẫn truyện, sử dụng từ, ngữ, đến cử chỉ, hành động nhân vật, đồ vật nhân vật dùng, chúng ta khỏi truy nguyên bởi bản thân ngôn ngữ truyện đã cho chúng ta nhận ra rất cụ thể. Bác Ba Phi kể về truyện “Cọp xay lúa”:

Miệt rừng này hồi mới khai mở, tối nào cọp cũng vô xóm rình mồi. Một bữa tối nọ, tui đang ngủ trên sàn gác, chừng lối canh ba, bỗng nghe con heo nái ngoài chuồng kêu eng éc. Biết là “ổng” tới viếng rồi, tui liền vác cây phảng phóng xuống nhà rượt nà theo. Rượt tới sáng bảnh mới giành lại được xác con heo. Về tới nhà, bỏ con heo ngoài sân, đương lui cui nhóm lửa nấu nước, tui lại nghe rột rẹt ngoài bụi ráng. Thì raổng” lại tới. “Ổng” đang có chửa, tận mắt nhìn con heo mà tiếc hùi hụi. Từ đó, con cọp chửa để bụng thù tui.

Bữa nọ, vợ chồng tui đương xay lúa thì nghe phía sau có tiếng động rột rẹt. Tui quay lại, thấy cũng chính là con cọp đó. Tức mình tui nghĩ trong bụng: “phen này, tao cho mày xay lúa cho mày tởn tới già”. Tui biểu bà xã xúc sẵn hơn hai chục giạ lúa để kế bên, giả bộ như không biết gì, tui cứ mải mê xay. Đợi một lúc con cọp nhảy ra chụp, tui hụp xuống, lách ngay. Hai cái chưn cọp vồ trúng ngay cái giàn xay, gỡ hoài không ra, cứ kéo tới kéo lui như  người ta xay lúa. Hơn hai chục giạ lúa nó xay cấp kỳ, chỉ một lúc là xong. Tui biểu bà xã xúc thêm. Ngó bộ con cọp bụng mang dạ chửa, vợ tui thấy thương nên kêu tha. Tui giựt tay cối thật mạnh cho dừng trớn quay. Cọp hụt đà, tuột chưn ra khỏi cối xay, cắm đầu xuống đất. Nó lồm cồm bò dậy lết vô rừng không dám hó hé gì nữa.

Lời kể, cách kể của Bác Ba Phi đúng là lời của bác nông dân Nam bộ chơn chất, thiệt thà, hài hước. Bác Ba Phi đã tận dụng tối đa phương ngữ Nam bộ (trong việc sử dụng từ xưng hô, từ địa phương. Làm phép thống kê, chúng tôi được kết quả: Từ xưng hô và từ địa phương xuất hiện ở truyện kể trên tổng cộng là 28 lần), khiến câu chuyện trở nên sinh động lôi cuốn. Có thể nói, Truyện Bác Ba Phi ngoài những tình tiết phóng đại, hấp dẫn, thành công của truyện còn phải kể đến ngôn ngữ được dùng trong truyện. Những từ quen dùng trong lối giao tiếp hằng ngày được đưa vào truyện một cách tự nhiên, tạo nên tiếng cười vui vẻ, giải trí mà không kém phần sảng khoái.

Đọc Truyện Bác Ba Phi phải chú ý đến ngôn ngữ truyện vì đó cũng là một yếu tố quan trọng tạo ra tiếng cười. Diễn tả một hành động, cử chỉ, thái độ hay miêu tả một đặc điểm, tính chất nào đó, Bác Ba Phi diễn tả, miêu tả bằng  những từ, ngữ như lời ăn tiếng nói hằng ngày, như của phần đông những người dân Nam bộ thường nói. Đây chính là điểm mạnh của dòng truyện trạng Nam bộ nói chung, của truyện Bác Ba Phi nói riêng.

Lữ Tảo