1. Vị trí của tản văn trong dòng chảy văn học Việt Nam

Chữ tản văn có nguồn gốc từ Trung Quốc để chỉ một kiểu văn bản trong văn học cổ. Thời đó, tản văn là tất cả những gì thuộc về văn xuôi, tức là thứ văn không vần, đối lập với thơ ca là thứ văn có vần; ngôn ngữ tản văn gần với lời nói hằng ngày (so với thơ ca đã được cách điệu). Tuy nhiên, ngay buổi đầu ra đời (thời Xuân Thu – Chiến quốc), tản văn đã gắn với văn chương “luận thuyết” của những triết gia nổi tiếng như Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử,… (được gọi chung là tản văn chư tử), cho nên cái nghĩa của chữ tản văn để chỉ tất cả văn xuôi trở nên mờ nhạt dần mà nổi lên cái nghĩa văn “luận thuyết”. Ở Việt Nam, nói đến tản văn, từ lâu người ta chỉ nghĩ đến một thứ văn ngắn gọn, súc tích dùng luận bàn thế sự hoặc văn chương. Văn xuôi tiểu thuyết (như Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí) không bao giờ gọi là tản văn.

Tản văn trong văn học trung đại Việt Nam nhìn chung là nghèo (phải chăng kẻ sỹ Việt Nam không thích luận thuyết?). Những tác gia nổi tiếng thời phong kiến của nước ta hầu hết là thi gia. Các ông quan – thi sỹ khi có hứng thì làm thơ chứ ít khi ghi chép sự việc hay biểu đạt tư tưởng. Cho nên cuối cùng chỉ có một số bài văn bia (bi ký) và một số bài tựa cho các tập sách được viết theo thể tản văn.

Tản văn là gì? | News Tản Văn Hay | Lý Luận

Tuy nhiên, đến văn học hiện đại, nhất là từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, tản văn phát triển rực rỡ cùng với sự phát triển của báo chí và xuất bản. Tản văn hồi ấy cũng như bây giờ còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác, như tạp văn, đoản văn, tạp bút, tạp luận, tiểu luận,… Những cây bút viết tản văn nổi tiếng là Tản Đà, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Vũ Bằng,… Tính chất tự do của tản văn, sự kết hợp giữa các yếu tố nghị luận, tự sự, miêu tả, biểu cảm của tản văn trên báo chí thời ấy có thể cảm nhận ngay ở tên chuyên mục của nó như Nói chơi, Nói mà chơi, Nói hay đừng, Thật hay bỡn, Chuyện giữa giời, Lý luận của tôi, Gặp đâu nói đấy, Chuyện hằng ngày,…

Giai đoạn 1945 – 1985, có lẽ do đời sống chiến tranh quá khắc nghiệt, văn chương cũng quá “khuôn phép” mà tản văn ở miền Bắc tuy vẫn có nhưng kém hấp dẫn. Từ phong trào Đổi mới trở đi, tản văn mới có sức sống trở lại. Giai đoạn đầu của Đổi mới, tản văn cùng với phóng sự là hai thể ký sôi nổi và hấp dẫn. Nay thì không còn sôi nổi và hấp dẫn như giai đoạn đầu nhưng theo quan sát của chúng tôi, tản văn vẫn được đọc nhiều hơn cả so với thơ và tiểu thuyết, truyện ngắn. Trong khoảng ba mươi năm qua có nhiều nhà văn viết tản văn dồi dào và hấp dẫn như Nguyễn Ngọc Tư (trẻ nhất nhưng có lẽ phải kể đầu tiên vì theo chúng tôi đó là người viết tản văn hay nhất), Nguyễn Quang Lập, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Quốc Hải, Đỗ Phấn, Hồ Anh Thái, Trần Đức Tiến, Hữu Ngọc,… Gần đây mạng xã hội ra đời giúp cho “người người viết tản văn, nhà nhà công bố tản văn”. Có người chưa viết văn bao giờ nhưng nay vẫn có thể viết được những bài, những “mẩu” tản văn sắc sảo. Ngược lại, tản văn vẫn là nơi “thử sức” cho nhiều cây bút lão luyện, như Tô Hoài, Nguyên Ngọc. Đặc biệt, Tô Hoài về già rất dồi dào bút lực ở thể này. Ông cứ như là người kể chuyện không bao giờ hết chuyện và người bình luận hóm hỉnh không bao giờ cạn ý, khiến người đọc vừa được giải trí lại vừa tìm được rất nhiều kiến giải sâu sắc.

2. Đặc trưng của tản văn

Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá (…) Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính của tác giả”. (Từ điển thuật ngữ văn học, Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Nxb. Giáo dục, 2009).

Tuy nhiên, khi triển khai, các tác giả của từ điển trên lại coi “tản văn hiện đại bao gồm các thể ký, tuỳ bút, văn tiểu phẩm, văn chính luận, tạp văn, ngụ ngôn, chân dung văn học” (Sđd). Khái niệm tản văn như thế là quá rộng, xóa nhòa nhiều ranh giới thể loại và không còn làm giảm ý nghĩa công cụ thực tiễn. Nhiều tập sách xuất bản những năm gần đây ghi chú thể loại là “tản văn” nhưng trong đó có thể phân ra các loại: tản văn, tuỳ bút, bút ký, du ký… Trong Giáo trình lý luận văn học, tập 2 (gọi tắt là Giáo trình), Trần Đình Sử chủ biên, ĐHSP, 2012, phần Ký văn học do PGS.TS.La Khắc Hòa viết, đã coi tản văn là một tiểu loại trong thể loại ký.

Chúng tôi sẽ phân tích tản văn như định nghĩa khái quát của Từ điển thuật ngữ (Sđd) nhưng chỉ coi tản văn như một tiểu loại trong thể loại ký như tác giả của Giáo trình và sẽ có các kiến giải phân biệt.

a) Tính tự sự

Một bài tản văn luôn được xây dựng trên một câu chuyện hay một vài hiện tượng có thực trong đời sống. Đây là “nguyên liệu” không thể thiếu cho bài tản văn. Câu chuyện hay hiện tượng thường đơn giản, phổ biến, phần nhiều ai cũng từng thấy nhưng lại không mấy ai để ý và càng ít khi “cắt nghĩa” nó. Nhà văn, ngoài biết cách kể làm cho câu chuyện, hiện tượng trở nên sinh động, hấp dẫn thì cái chính là phát hiện ra vấn đề đằng sau câu chuyện hoặc hiện tượng đó. Câu chuyện hoặc hiện tượng của đời sống kể trong bài tản văn không “đánh đố” người đọc như tiểu thuyết, truyện ngắn mà thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả.

b) Tính luận đề (chính luận)

Một bài tản văn bao giờ cũng xoay quanh một chủ đề thuộc về tư tưởng, chính trị hoặc về lẽ sống, triết lý nhân sinh, triết lý văn chương và nghệ thuật,… Tính luận đề của bài tản văn được “công khai hóa” qua giọng kể, qua những lời bình luận ngắn gọn nhưng sắc sảo hoặc có khi bằng một vài câu nhận xét ý nhị. Tính luận đề của bài tản văn thú vị ở chỗ nó luôn gắn với câu chuyện. Như trong bài Nhái, Tô Hoài sau khi kể thời nay các nhà làm bánh cốm nhái chữ “Ninh”, chữ “Nguyên” của bánh cốm Hà Nội, các nhà làm bánh đậu xanh nhái chữ “Hương” của bánh đậu xanh Hải Dương, sau khi kể chuyện các hãng nước uống đóng chai nhái nhãn hiệu nước khoáng Lavie, v.v…, ông liên hệ tới chuyện một lần ông đi tàu mua phải cái bánh chưng bằng đất sét – “cục đất nặn bằng đất sét cũng nong nóng như vừa mới vớt ở trong nồi ra” – nhà văn đưa ra nhận xét: “Từ cái bánh chưng, bánh dầy, lọ tương, lọ nước khoáng cỏn con đến chuyện to như dự án B, dự án C và những công trình lớn thì thế nào, có ăn cắp, có làm giả không, có chứ; bởi vì nó cũng là dây dợ họ hàng của những kẻ mua người bán ngoài chợ quen ăn không nói có và cái thói quen thề bồi xoen xoét đương xảy ra” (Giấc mộng ông thợ rìu, Nxb. Hội Nhà văn, 2006).

c) Tính đối thoại

Tính luận đề thường đi kèm tính đối thoại. Thông qua lời kể, lời tả, ta thấy hiện lên nhiều tiếng nói, nhiều giọng điệu, nhiều thái độ đối lập nhau. Nhân vật “anh” trong tập Thả hy vọng (Trần Đức Tiến), hầu như bất cứ chuyện gì, “anh” đưa ra một quan điểm này thì vợ anh, con anh, bạn anh,… lại bác bỏ, khiến “anh” nhiều khi phân vân, bối rối.
Nhiều khi các quan điểm đối lập đều là của tác giả, được đưa ra như là để hoài nghi, để đặt một dấu hỏi về một thời đại đầy “hỗn mang”, các giá trị bị đảo lộn. Bài Hướng nào Hà Nội cũng sông (ở tập sách cùng tên của Hồ Anh Thái, Nxb. Trẻ, 2013), kể một làn sóng người Hà Nội về các làng quê, núi rừng lùng mua đất làm trang trại, song song với nó, lại có làn sóng người các tỉnh kéo về Hà Nội hoặc xây biệt thự khoe phú quý, hoặc tất tả mưu sinh. Tác giả dẫn một bài hát của nhạc sỹ Trần Tiến để khuyên các cô gái nhà quê hãy quay về nông thôn, bởi kiếm được đồng tiền nơi thành thị không chỉ có mồ hôi mà còn cả nước mắt. Nhưng nhà văn lại không tin lời khuyên ấy. Chính nhà văn lại cãi lại mình: “Em quay về thì đói, ai cho em công ăn việc làm ở nơi đồng quê tươi đẹp kia?”. Có thể nói trong tản văn, nhất là tản văn chính trị – xã hội, luôn có hai luồng ngược nhau: một mặt, người viết rất tin vào chủ quan của mình, nhưng mặt khác lại hoài nghi hoặc sánh với ý kiến ngược lại.

Người viết tản văn đôi khi dùng giọng của người viết tiểu thuyết đa thanh, tức là lối trần thuật hai giọng. Về điểm này, nhà văn Tô Hoài đã làm mới lời văn của mình khi viết tản văn với một giọng “tưng tửng”, khác với giọng “cổ điển” ông thể hiện trong tiểu thuyết.

d) Tính hàm súc

Tính hàm súc của tản văn thể hiện sự cô đúc trong ngôn từ, nói ít gợi nhiều, vì vậy tác giả dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, trùng điệp,… Những bài tản văn hay do đó, giàu chất thơ, ví dụ Nguyễn Ngọc Tư trong bài Chợ của má viết: “Tôi gọi những cái chợ dân dã này là chợ của má. Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài như thương má vậy” (Tản văn Nguyễn Ngọc Tư, Trẻ, 2006).

Nhưng không phải chỉ có thế. Tản văn khó chấp nhận bài có dung lượng dài (trong khi đa số các thể ký khác có thể dài). Có lẽ vì để phù hợp với thời đại con người quá bận rộn, và mặt khác, tản văn giàu tính triết lý, cần gọn, nếu phân tích nhiều sẽ mệt óc người đọc. Các bài tản văn hay nhìn chung không quá 4 trang sách khổ trung (14cm x 20cm).

e) Tính tổng hợp

Trong tản văn thường có sự hòa trộn của nhiều phương thức: miêu tả, tự sự, trữ tình, nghị luận, thuyết minh. Sự hòa trộn này mang tính tự do, không theo một ước lệ nào, như là sự đưa đẩy tự nhiên của ngòi bút: thấy cần tả thì tả, thấy cần kể thì kể, cần luận thì luận, cần biểu cảm thì biểu cảm,… Ví dụ: “Mỗi lần nghe tiếng rao “Ai khúc đây” trong đêm thị xã Hà Đông vào những đêm mùa đông, tôi lại nhớ về cánh đồng rau khúc xưa của làng tôi (…) Thường thì vào cuối tháng Mười Một âm lịch, rau khúc đã bắt đầu nở lác đác trên cánh đồng. Nhưng phải sang tháng Giêng, tháng Hai rau khúc mới nở rộ. Đó là khoảng thời gian những làn mưa xuân ấm áp thường trở về cánh đồng lúc gần sáng. Hồi còn nhỏ, trong những đêm gần sáng như thế, không hiểu lý do gì mà tôi thường thức giấc. Bà nội kéo chiếc chăn chiên nhiều lỗ thủng ủ kín tôi và nói “Mưa ấm thế này, khúc lại nở trắng đồng”. (Nguyễn Quang Thiều, Mùi của ký ức, Trẻ, 2017). Có thể mượn nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến khi nói về ét-xe – một thể ông coi là thể tản văn đặc biệt – để nói về tản văn nói chung: “Bố cục tự do là một đặc trưng riêng của thể ét-xe. Trong bài ét-xe, những ý tứ được triển khai, dẫn dắt theo cung cách nói như Nguyễn Tuân – ý này nhằng vào ý kia theo hứng của sự tưởng tượng miên man”.

3. Phân loại tản văn

Như đã nói ở trên, tản văn là sự tổng hợp nhiều phương thức phản ánh, vì vậy, dựa vào phương thức nào chiếm ưu thế, ta có thể chia tản văn thành các thể nhỏ hơn: tản văn trữ tình, tản văn tự sự, tản văn nghị luận, tản văn miêu tả, tản văn khắc họa nhân vật. Tuy nhiên, cách khác, có thể tiếp cận theo đề tài thì ta có: tản văn chính trị – xã hội, tản văn học thuật, tản văn văn hoá,… Chúng tôi chia theo cách thứ hai vì có lẽ dễ nhận diện với đa số bạn đọc.

a) Tản văn chính trị – xã hội

Thể tản văn này gần đây có khi được gọi là tiểu luận. Gọi là tiểu luận cũng có lý, bởi vì ngoài đề tài của nó là các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, lối sống,… thì mảng “luận” của nó là nổi bật và thường là các vấn đề có tính thời sự. Tuy nhiên gọi là tiểu luận dễ nhầm với thuật ngữ đã có từ lâu dùng để chỉ các công trình nghiên cứu – phê bình văn học khá “dài hơi” (chứ không hề “tiểu”), như của Xuân Diệu viết về Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà,… Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đề nghị gọi loại này là ét-xe (essay, có thể dịch là ký chính luận), chúng tôi sẽ nói thêm ở 3.e.

Thời trước 1945, Phan Khôi, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng,… đã viết hàng trăm bài tản văn chính trị – xã hội đăng báo như đã nói. Khoảng 30 năm qua, các tản văn của Nguyên Ngọc, của Hồ Anh Thái (Hà Nội chỗ nào cũng sông), Vương Trí Nhàn (Nhân nào quả ấy), của các nhà trí thức thuộc nhiều lĩnh vực trong tập Giục giã từ cuộc sống,… một số bài của Hoàng Quốc Hải (Kẻ sỹ trước thời cuộc), Nguyễn Quang Lập (Ký ức vụn, Chuyện đời vớ vẩn) và khá nhiều tản văn của Tô Hoài thuộc loại này.

Các tập sưu tập, biên dịch thuộc loại sách “Tinh hoa xử thế” kể những câu chuyện có tính ngụ ngôn kèm theo lời bình cũng có thể xếp vào đây. Các câu chuyện là chuyện cũ bên Tàu hoặc bên Tây nhưng được lược kể và có lời bình mang hơi thở thời đại, như tập Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân, Đông Tây cổ học tinh hoa của Vũ Bằng hồi trước 1945.

b) Tản văn học thuật

Là loại tản văn viết về các thể loại và các tác phẩm văn học (thường là lời “tựa”), nghệ thuật, phác hoạ chân dung nhân vật (chủ yếu là chân dung nhà văn, nghệ sỹ). Thời trước 1945, thể tản văn này khá phổ biến trên các báo với các tác giả là các nhà văn, nhà báo như Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Thạch Lam, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,…

Trên văn đàn đương đại, thể tản văn này gần đây cũng tái sinh mạnh mẽ mà tác giả có thể là nhà văn, nhà báo, nhà khoa học: Dương Tường (Chỉ tại con chích chòe), Cao Xuân Hạo (phần Người Việt và văn hóa Việt trong tập Tiếng Việt – văn Việt – người Việt), Hoàng Quốc Hải (nhiều bài trong Kẻ sỹ trước thời cuộc), Trần Đăng Khoa (Chân dung và đối thoại), Nguyễn Xuân Diện (một số bài trong Vàng son trên giấy gấm), Vũ Tuyên Hoàng (Tản mạn đường dài),…

c) Tản văn văn hóa

Là những bài tản văn viết đất nước và con người Việt Nam nói chung và các vùng miền nói riêng. Loại thứ hai có lẽ nhiều hơn, đó là việc khảo cứu và cảm nhận các hiện tượng văn hóa mang sắc thái địa phương, bao gồm cảnh quan địa lý, cung cách sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, các đặc sản tự nhiên và nhân tạo, các công trình văn hóa,… của một vùng, miền.

Nước ta không lớn lắm nhưng đa dạng về địa hình tự nhiên, và về xã hội, Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, điều đó đã tạo ra sự phong phú về xã hội và con người. Đặc biệt, lãnh thổ chạy dài theo chiều Bắc – Nam, từ vĩ độ 23º23′ Bắc đến 8º34′ Bắc, trải qua 15 vĩ độ, lại ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa, cho nên khí hậu thay đổi theo chiều dài đất nước, tạo nên các hệ sinh thái và các ”vùng văn hóa” hết sức phong phú, đó thực sự là mảnh đất màu mỡ cho người viết tản văn, nhất là người có khiếu quan sát, liên tưởng và giàu tri thức đất nước học.

Các tác giả và tác phẩm như Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội và món lạ miền Nam), Hoàng Phủ Ngọc Tường (Ai đã đặt tên cho dòng sông), Nguyễn Ngọc Tư (Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư), Nguyễn Quang Thiều (Mùi của ký ức), Băng Sơn (Tình yêu từ Hà Nội), Đỗ Phấn (Hà Nội thì không có tuyết), Nguyễn Trương Quý (Hà Nội bảo thế là thường), Phan Trung nghĩa (Khách thương hồ), Trương Chí Hùng (Miền Tây lạ lắm à nghen), Hữu Ngọc (Lãng du trong văn hóa Việt Nam),… và Tô Hoài với hai tập Chuyện cũ Hà Nội cộng với gần một nửa số bài tản văn ở các tập ký khác thuộc loại này. Một số bài ký của Nguyễn Tuân thường được xếp vào tuỳ bút nhưng có lẽ nên coi là tản văn văn hóa thì chính xác hơn (Nhớ Huế, Nam Định, Phở, Cốm,…)

4. Phân biệt tản văn với một số thể loại khác

a) Phân biệt tản văn với tùy bút

Tùy bút thuộc văn biểu cảm, lấy trữ tình làm mạch chủ đạo, còn trong tản văn, trữ tình chỉ là một yếu tố. Tản văn trữ tình khá giống tùy bút (một số tác giả coi là một) nhưng theo đuổi luận đề vẫn là cái đích của bài tản văn, trong khi mục đích của tùy bút là phô bày tình cảm, cảm xúc.

b) Phân biệt tản văn với bút ký, ký sự

Bút ký, ký sự nặng về ghi chép, tái hiện sự kiện, sự việc và các sự kiện, sự việc phải có đầu có cuối rõ ràng, tức là tính tự sự cao hơn tản văn; trong khi với tản văn, sự kiện, sự việc chỉ là cái nền (tư liệu) để triết lý, bình luận, bày tỏ thái độ. Sự kiện, sự việc trong tản văn chỉ cần chấm phá, không cần đầy đủ.

c) Phân biệt tản văn với tiểu phẩm

Tản văn hay tiểu phẩm đều chứa câu chuyện hoặc hiện tượng xã hội nhưng người viết tản văn cần phải phân tích, bình luận trong khi tiểu phẩm thì không cần. Câu chuyện trong tiểu phẩm thường rất ngắn gọn, nó giống như một truyện tiếu lâm, cũng có khi như một màn hài kịch trong đó tính ngụ ngôn, tính “biểu tượng hai mặt” của nó đã rõ, không cần phân tích, bình luận gì thêm.

d) Phân biệt tản văn với nghiên cứu – phê bình văn học

Thể tản văn học thuật khá gần với nghiên cứu – phê bình văn học, đặc biệt với chân dung văn học (một nhánh của nghiên cứu – phê bình văn học). Cái khác nhau ở đây là: Nếu bài nghiên cứu – phê bình văn học (trong đó có bài chân dung văn học) cần một diện mạo đầy đủ, được biện luận chặt chẽ thì bài tản văn chỉ nắm bắt cái “thần thái” rồi phác họa bằng vài nét chấm phá, mang đậm cảm nhận chủ quan của người viết, không biện luận nhiều.

Khó phân biệt chủ yếu ở thể chân dung văn học. Chân dung văn học như thể trung gian giữa tản văn (thuộc ký) và nghiên cứu – phê bình văn học (thuộc khoa học văn học). Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt khi đứng trước một bài cụ thể. Bài chân dung văn học nếu thiên về phong cách phóng túng, tự do thì xếp vào tản văn, còn nếu theo tính nghiêm ngặt khoa học thì xếp vào nghiên cứu – phê bình văn học.

e) Phân biệt tản văn với nghị luận xã hội

Tản văn chính trị – xã hội khá gần với nghị luận xã hội. Chữ essay (Anh) hay essai (Pháp) để chỉ một thể văn thường được dịch sang tiếng Việt là tiểu luận (nghị luận). Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đề nghị để nguyên chữ ét-xe, coi đó là một thể ký đặc biệt mang tính triết luận cao, rất gần với tản văn. Chúng tôi cũng nghĩ để nguyên thuật ngữ ét-xe nhưng vẫn nên coi ét-xe thuộc tản văn. Ét-xe phân biệt với nghị luận (tiểu luận) ở chỗ nghị luận trình bày vấn đề một cách đầy đủ, toàn vẹn, chặt chẽ còn tản văn chỉ phác hoạ vấn đề, giống như là một bức ký hoạ. Đọc tản văn “nhàn” hơn đọc nghị luận vì tiếp nhận trực cảm, không phải vận dụng nhiều lý trí.

g) Phân biệt tản văn với phóng sự

Nổi bật của phóng sự là tính thông tin (tư liệu) – những thông tin về sự kiện, hiện tượng, con người làm thành một vấn đề xã hội. Trước một vấn đề (thường là vấn đề thời sự đang nhức nhối) cần minh chứng bằng thực tế và mổ xẻ thực tế đó, người viết phóng sự “dồn nhiệt hứng vào thông tin nhiều hơn việc nói lời cảm xúc trữ tình” (La Khắc Hoà, Giáo trình, ĐHSP, 2012), trong khi đó thông tin chỉ là một mạch trong nhiều mạch của tản văn. Đa số thông tin trong phóng sự phải xác thực, cụ thể, có địa chỉ rõ ràng (trừ tên người có thể cần giấu hoặc viết tắt), còn thông tin trong tản văn không cần đầy đủ, chi tiết, tính xác thực cũng chỉ cần ở một mức độ nào đó (có khi chỉ là “nghe nói”, “nghe đồn”).

Thay lời kết

Tản văn hiện đại là thể văn vừa bình dân vừa bác học. Nó ngày càng đa dạng và phong phú. Có người nói thời nay là thời của tản văn kể cũng không ngoa. Tuy nhiên tỷ lệ tác phẩm tản văn hay trên tổng số tản văn được công bố cũng không phải là nhiều.

Thể tản văn ngày nay vừa vẫn mang những nét đặc trưng có từ khởi thuỷ vừa vẫn tiếp tục biến đổi. Xu hướng là tản văn ngày càng thu nhận các phương thức phản ánh của các kiểu văn bản khác, kể cả những kiểu văn bản ngoài văn học, như thuyết minh (khoa học), báo chí. Vì thế một số tác giả coi tản văn vừa ở trong thể ký, vừa đi ra ngoài thể ký, thậm chí đi ra ngoài phạm vi văn học. Tuy nhiên, với những gì trình bày ở trên của chúng tôi, có thể nói rằng tản văn vẫn thuộc thể ký, tức là loại văn học phi hư cấu.

Đ.T.T

Đào Tiến Thi