“Thơ ca là niềm vui cao cả nhất mà loài người đã tạo ra cho mình” (C.Mac). Trong muôn trùng bất định của đời sống, trong hạnh phúc và bất hạnh, vui sướng và khổ đau, giữa bao “hỉ, nộ, ái, ố” của cõi lòng, con người tìm đến thơ như một phương thức giãi bày, như một điểm tựa. Nhưng không phải thi sĩ nào cũng gây được tiếng vang trong thời đại Công nghiệp 4.0 – khi văn hóa đọc ở Việt Nam đang đứng trước vạch báo động đỏ của sự xuống cấp, mà người người vẫn làm thơ, in thơ. Vậy mà, có một nhà thơ đã khẳng định được chỗ đứng của mình trong nền thơ trẻ đương đại: Nguyễn Lãm Thắng.

Hẳn người yêu thơ từ những năm 90 của thế kỷ trước đã không xa lạ gì với cái tên Lãm Thắng trên các tạp chí Kiến thức ngày nay, Sông Hương, tập san Mực Tím, Áo Trắng… Phải khẳng định rằng, ở Lãm Thắng là một “nội lực sống, trữ lượng sống cường tráng và vạm vỡ” (Hoàng Đăng Khoa_ Bức tranh “ngược sáng” trong “Phiêu lưu chữ”). Nội lực và trữ lượng ấy, anh chuyển hóa thành thơ. Con số 1487 bài trên www.Thi viện.net là minh chứng sinh động cho nguồn thơ bất tận ấy.

Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Người thơ ở xứ mộng mơn Văn Thành Lê | Báo Công an nhân dân điện tử

Được mệnh danh là “Người thơ ở xứ mộng mơ” (Văn Thành Lê), nhưng Lãm Thắng lại là một người con xứ Quảng đích thực. Mảnh đất Đại Lộc trù phú chính là nơi khởi nguyên của hồn thơ anh. Lại thêm, những rong ruổi Bắc Nam đây đó và những trở trăn, day dứt về cuộc đời, về thân phận con người đã đem đến cho bức tranh thơ Lãm Thắng “la liệt những gam màu” (Hoàng Đăng Khoa). Thơ anh, vì thế, vừa chân chất, mộc mạc, vừa phong phú, tài hoa một cách tự nhiên. Rất nhiều bài đậm đà chất Quảng. Trong phạm vi bài viết, người viết mong tìm được sự đồng điệu của độc giả về một vấn đề nhỏ trong vườn thơ Lãm Thắng: Thơ Lãm Thắng – một điệu hồn xứ Quảng.

1. Những vần thơ đậm đà phương ngữ Quảng Nam

“Thơ là ngôn ngữ chưng cất mạnh mẽ nhất của bản thân tác giả” (Rita Dove). Là sự trau chuốt kỳ công của thi nhân. Maiacôpxki cũng từng khẳng định: “Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ…Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ”. Ngôn ngữ chưng cất và giá cắt cổ ấy, lạ thay, lại là phương ngữ của vùng đất nằm giữa miền Trung – “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Tạo nên cuộc hội ngộ thú vị giữa sự tinh tế và mộc mạc của ngôn từ, hẳn không phải là điều dễ dàng. Mà duyên kỳ ngộ ấy không phải để khoa ngôn. Đó là cảm xúc, là thơ, là nghệ thuật đích thực thì mới có sức sống lâu bền. Thơ Lãm Thắng là sự hòa điệu độc đáo như thế:

Cứ hẹn miết rồi không về, bắt mệt!
Đợi với chờ, nghe ớn họng ông quơi!
Hứa cho cố, để cuộc tình trớt quớt
Mấy chục năm, ông lạc mấy phương trời?

(Thương hoài thương hủy)

Phương ngữ nói chung, phương ngữ Quảng Nam nói riêng, đã là sự phong phú không kể xiết về cách phát âm, dùng từ… Dựa vào đó, Lãm Thắng đã đem đến cho thơ một điệu hồn xứ Quảng, vừa thú vị, vừa thi vị. Có lẽ nhiều người ở các vùng miền khác phải vừa đọc, vừa “dịch” những bài thơ như “Thương hoài thương hủy”. Người Quảng, tất nhiên, rất lợi thế khi thẩm thơ kiểu này. Bài thơ tạo ấn tượng đặc biệt từ nhan đề. Nếu chỉ là “Thương hoài thương mãi” thì sẽ không hợp với lời trách móc vừa thiệt thà, vừa hụt hẫng, vừa đằm thắm yêu thương của cô gái quê sau một cuộc tình lỡ. “Hẹn miết”, “bắt mệt”, “ớn họng”, “quơi”, “hứa cho cố” rồi “trớt quớt”… là khẩu ngữ. Vậy mà vào thơ Lãm Thắng, chúng trở thành ngồ ngộ, đáng yêu một cách bay bổng. Cảm xúc dạt dào của nhân vật trữ tình khi gặp lại cố nhân cứ thế mà tuôn trào, mà bối rối:

Ông đi hoài, có khi mô ông nhớ
Thời trẻ trâu ai cũng nhớp như lồi…
…………..
Khổ, khổ thiệt, rứa mà mình cũng lớn
Đứa mô dòm cũng bự chảng hết trơn
Rồi tới lúc biết dị òm, mắc tịt
Lại rủ rê đi gò gái bên cồn.

Bức tranh thời thơ ấu ùa về rõ mồn một trong những vần thơ tám chữ, như một lời tự sự nên thơ. Xứ Quảng hiện lên qua nỗi niềm sắn khoai, ruộng đồng, than củi; qua hình ảnh “tui”, “ông” rồi cũng lớn “bự chảng”, biết “dị òm”, “mắc tịt”, biết “ lần đầu rung động nỗi thương yêu” (Xuân Diệu). Sự khéo léo của Lãm Thắng cứ thế dẫn dắt người đọc theo tâm trạng cô gái, trách hờn, nuối tiếc và man mác buồn: “Câu hát cũ héo queo từng nút nhạc/ Mấy chục năm, tui cũng đã theo chồng”. Cái từ “héo queo” vốn bình dị, bỗng thăng hoa theo phép nhân hóa của tác giả. Câu hát héo queo, nút (nốt) nhạc héo queo, hay hồn “tui” cũng héo hắt khi trái tim lỗi nhịp? Ai là người có lỗi?

Ông cứ trách, nhưng tui là con gái
Như trái cau non rớt ục xuống bùn
Ai biểu ông chi, tui đâu làm phách
Chỉ tóc dài, mới hiểu được dây thun
Là “Thôi đừng hát ru, thôi đừng day dứt/ Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu?” (ý thơ Giáng Vân). Là thôi, duyên đã lỡ làng, trách nhau làm chi, bởi đường mô chẳng là xa cách. Nên:
Thôi rứa hị! Trách hờn chi bày đặt
Bởi đất trời vốn dĩ quá mênh mông.

Không có mô tả.

Bài thơ khép lại bằng sự an ủi ngọt ngào, cũng đành “thôi rứa hị”. Biết làm sao bày tỏ hết nỗi lòng? Đất trời mênh mông hay là tình yêu lỡ làng còn mãi niềm “thương hoài thương hủy”?

Phải nói rằng, tứ thơ “thương hoài thương hủy” không có gì lạ. Vì biết bao cuộc tình lỡ từ cổ chí kim đã nên thơ nên nhạc. Nhưng tác giả đã đem đến cho người đọc sự thú vị bởi ngôn từ xứ Quảng, bởi vẻ chân chất mà đầm ấm của hồn cô gái Quảng qua cách “dụng công” tự nhiên mà chứa chan cảm xúc.

Cách phát âm “không giống ai” của người Quảng đã đem đến cho thơ Lãm Thắng những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. “Gặp chi cắc cớ rứa trời?” cũng là một bài thơ như thế. Nếu “Thương hoài thương hủy” là lời cô thôn nữ đã bao mùa xa cách, thì “Gặp chi cắc cớ rứa trời” lại là tâm trạng của chàng trai. Nhan đề bài thơ có thể hiểu là: gặp nhau làm gì cho khó xử vậy! Thể thơ lục bát tuôn chảy ngay từ nhan đề. Bất ngờ gặp lại em, rối bời cảm xúc. Quên quên nhớ nhớ, mừng mừng mà cũng đầy tiếc nuối.

Chết cha mệ nội tui rồi
Tự nhiên quên trớt những lời ngày xưa

Câu thơ hốt hoảng vì em “không hẹn mà đến”. Trái tim như nhảy khỏi lồng ngực, nên dĩ nhiên chàng trai “quên trớt” (quên mất) hết những điều đã qua hơn hai chục năm trời. Câu thơ mở đầu như lời tự thú chân thành, mộc mạc mà đáng yêu đến lạ. Gặp lại người xưa, mừng vui, xúc động, yêu thương tưởng đã lặn sâu vào miền ký ức, nay ngỡ vẫn còn đâu đó “lòng thòng bờ ao”. Bài thơ kết lại bằng nỗi bần thần khó tả:

Hai hai năm, gặp, hỏi, chào
Quay lưng, ngó, thở cái phào, và đi
Bước chân chừ, chậm rì ri
Gặp nhau, chẳng biết mần chi rứa hè?

Nhịp thơ lục bát được sử dụng rất linh hoạt, thêm những từ “quay lưng”, “ngó”, “thở cái phào”, “chừ”, “rì ri”, “ mần chi”… Người đọc hình dung nỗi bối rối của lần hội ngộ “chợt đến, chợt đi” theo nhịp đập rất loạn của khổ thơ. Những giai điệu xúc cảm “cắc cớ”, tréo ngoe ấy, chỉ có thể là của chàng trai xứ Ngũ phụng tề phi.
Và cái điệu hồn mênh mang xứ Quảng trong thơ Lãm Thắng còn là biết bao ảnh hình quê hương, trong nỗi nhớ da diết:

Rồi hôm gồng gánh tuổi thơ
Mình đi biền biệt xa bờ tre xanh

(Đêm buồn sờ cái gót chân)

Con trâu đứng cạ cổng làng
Quăng đuôi, đẩy chiếc lá bàng xuống ao
Gió thương nhớ, thổi ngọt ngào
Cỏ đê mê đứng nép vào bờ xanh

(Chiều ngó xa xăm)

Quê hương – lũy tre, cánh đồng, cỏ cây, bãi mía, ruộng dưa… cứ lung linh và xôn xao qua từng câu, từng chữ. Đất Quảng nên thơ trong miền hoài niệm, vì nó là phần tình yêu đã thành mặc định trong tác giả, trong lòng những ai từng sinh ra và lớn lên từ chốn quê nhà…

Bài thơ Về quê Nguyễn Lãm Thắng – Khơi dậy tình yêu quê hương trong bé

Không hiểu sao khi đọc thơ Lãm Thắng, ta lại nhớ bóng dáng các bậc thi nhân tiền bối: Phan Khôi, Xuân Tâm, Trần Huyền Trân… Có lẽ họ cùng gặp nhau nơi “Bao năm, biết mấy nẻo đời/ Làm sao lạc giọng những lời nhà quê”. Lãm Thắng thỏa chí phiêu bồng theo từng con chữ, nhưng vẫn có một miền thơ đậm đà hương vị Quảng, mộc mạc, hồn hậu mà độc đáo từ nhan đề, thi tứ đến ngôn ngữ. Như có lần anh thổ lộ:

Anh chênh chao đào ngũ cuộc vui
Cái giọng Quảng sặc mùi mì Quảng
Mắt Duy Phú bọc hương núi Quế
Anh si mê giọng cục bộ quê mình

(Hiền)

2. Chân chất mà tài hoa

Thi sĩ Du Tử Lê từng gọi Lãm Thắng là “Người thi sĩ trẻ tuổi có ngôn ngữ đường phố trong lục bát, cho tôi niềm hân hoan. Hạnh phúc. Mới”. Thơ lục bát của Lãm Thắng cũng như nhiều thể loại khác, quả thật rất mới, rất lạ. Cái chất Lãm Thắng hiển thị rõ nét trong thơ là nét dí dỏm, mộc mạc. Mà rất tự nhiên. Người Quảng gọi là kiểu khí chất “tưng tửng”. Cứ như anh viết là ra thơ, chẳng cần phải trau ngôn chuốt ngữ. Chân chất đạt đến độ tự nhiên, tinh tế, phải chăng là tài hoa?

Nhiều bài thơ, ấn tượng “tưng tửng” ấy bắt đầu ngày từ cái nhan đề: “Đêm buồn sờ cái gót chân”, “Tau hỏi mi”, “ Gặp chi cắc cớ rứa trời?”, “ Lẩn thẩn chiều quê”. Tưởng như đó là khẩu ngữ, chỉ dùng trong giao tiếp hằng ngày. Nhưng mỗi nhan đề lại dạt dào một tứ thơ duyên. Duyên một cách tự nhiên như nét duyên của cô gái quê, không sang trọng sắc sảo, lại mặn mà đến lạ. Để từ đó, ý thơ như dòng dung nham của một cõi lòng cứ thế cuộn trào. Thử đọc (hình như là) lời tự sự của chàng thi sĩ:

Thằng mất dạy! Mi bỏ rừng bỏ rú
Chạy đi mô? Đã thỏa chí mi chưa?
Ta nghe nói mấy mươi năm mất ngủ
Đêm còn đen, thao thức cũng bằng thừa”
… Hôm gặp lại con bồ trên Gò Vấp
Chở hắn về Tân Phú, biệt tăm luôn
May, lúc nớ, móc đưa ba đồng bạc
Dù chia tay, nhưng cũng bớt đau buồn…

(Tau hỏi mi)

Phương ngữ Quảng Nam, qua lời thơ của chàng lãng tử, thật mộc mạc mà tha thiết. Lời tự sự dài như một quãng đời, đầy thăng trầm, cộng thêm nỗi ngậm ngùi của cuộc tình nghèo: “May, lúc nớ, móc đưa ba đồng bạc/Dù chia tay, nhưng cũng bớt đau buồn”. Ôi, cái “may” của một khoảnh khắc cũng dệt thành nỗi nhớ, để chàng trai tự an ủi mình. Bài thơ là câu chuyện, vẫn mang hoài niệm thiết tha trong mạch xúc cảm tự vấn – Lời xa xót yêu thương!

Không có mô tả.

Có lẽ không khó tìm những vần thơ tự nhiên mà đặc sắc trong kho thơ Lãm Thắng:

Nỗi buồn từa tựa lá tre
Mong manh thôi, mà cứa tê tái lòng
… Bần thần ngồi gốc cây đa
Cơn mưa làm ướt câu ca dao buồn

(Nỗi khuya)

Điệu thơ lạ ở cách dùng từ, ngắt nhịp rất thoáng trong thơ lục bát, lạ ở phép tu từ sánh “nỗi buồn từ tựa lá tre” và nhân hóa “cơn mưa làm ướt câu ca dao buồn”. Tài hoa của tác giả là biến những ảnh hình quen thuộc, chân quê thành phương tiện bộc lộ cảm xúc. Lãm Thắng đạt đến sự tự do của ngôn ngữ như thế đó!

Hay:

Thưa rằng đã mấy ngàn ngày
Từ em quay mặt đã đầy xác xơ
Phố buồn mắc kẹt câu thơ
Trái tim ủy thác cho bờ vô thanh

(Như một phiêu bồng)

Dìu người đọc vào cõi phiêu bồng, đoạn thơ là tâm trạng đau đớn xác xơ, nghẹn ngào đến lặng người, chìm trong chốn vô thanh của một cuộc tình lỡ. Cách “thưa rằng”, “từ em” và những hình ảnh siêu thực trong “Như một phiêu bồng” và nhiều thi phẩm khác khiến người đọc tin rằng: tác giả đã chạm được đến cõi thơ của thi sĩ Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư!

***

“Thơ là sự mặc khải rằng người làm thơ tin rằng cảm xúc của họ chính là tiếng lòng của độc giả” (Salvatore Quasimodo)

Quả thực, thơ của thi sĩ Nguyễn Lãm Thắng đã chạm đến vô vàn trái tim độc giả, nói hộ tiếng lòng họ, đặc biệt là người Quảng. Xứ rượu Hồng đào là chất men say cho cảm xúc. Đó vừa là tâm, vừa là chu vi của một miền thơ, một cõi đi về trong tình yêu, nỗi nhớ và cả niềm day dứt của thi nhân. Người Quảng Nam, dù ở nơi đâu, vẫn tìm được sự đồng điệu dịu dàng trong những vần thơ Lãm Thắng, vẫn thấy thấp thoáng hình bóng quê nhà, và cả bóng mình trong điệu hồn xứ Quảng.

Cái duyên của thơ Lãm Thắng, một phần là sự đậm đà phương ngữ Quảng Nam: mộc mạc mà sâu sắc, tự nhiên mà tinh tế, khéo léo, cụ thể mà siêu thực, và ăm ắp dư âm. Với nguồn năng lượng dồi dào, thơ Lãm Thắng sẽ còn tuôn trào hơn nữa.

gió tung nắng mới trên từng con chữ
từng con chữ sắp hình của tuổi
những tuổi buồn những tuổi vui những tuổi hận
bay lên
với gió

(Bay lên với gió)

Những con chữ thơ Lãm Thắng sẽ còn mãi bay lên. Từ cơn gió chiều Đại Lộc!

Tài liệu tham khảo:

1. Phiêu lưu chữ- Hoàng Đăng Khoa, nxb TH TPHCM, 2017

2. www. Thi viện.net/thơ Nguyễn Lãm Thắng

3. Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng: Người thơ ở xứ mộng mơ – Văn Thành Lê, báo Văn nghệ công an online, 27/09/2016