Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang như một bản nhạc cất lên từ tiếng nói và thế giới của những người trẻ trên dưới hai mươi tuổi. Tuy câu chuyện của mỗi người khác nhau, họ đều có điểm chung là mang trong mình những tổn thương đến từ một tuổi thơ kém hạnh phúc…

1. Về tác giả

Có thể nói, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang không phải là một cái tên xa lạ với các độc giả. Ông là chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả viết chính luận, với mong muốn góp phần phá bỏ định kiến và kỳ thị, xây dựng một xã hội có tính phản biện, khoan dung và trắc ẩn hơn. Ông viết cho nhiều báo chí và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình để bàn về các xu hướng xã hội, tư pháp và phát triển. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang có phong cách viết thẳng thắn, không cầu kỳ, nhưng vô cùng sâu sắc, từng dòng viết đều gợi lên cho người đọc nhiều câu hỏi và suy ngẫm. Với vai trò là một tác giả, ông đã vô cùng thành công với hai quyển sách đầu tay Bức xúc không làm ta vô can và Thiện, Ác và Smartphone, quyển sách thứ ba của ông: Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ tiếp tục trở thành một trong những quyển sách “best seller” và được cộng đồng yêu sách đánh giá cao.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết cho cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Trong gần hai năm, ông đã dành hàng trăm giờ để nói chuyện và nhắn tin với nhiều người trẻ, đọc nhật ký của họ, xem tranh họ vẽ, nghe nhạc họ chơi và thực hành lắng nghe không phán xét: “Tôi muốn biết về thế giới của họ, muốn hiểu họ yêu gì, ghét gì, khao khát, hy vọng gì, họ đau buồn, hoang mang ra sao. Bởi vì, ngoài việc buông ra những lời phàn nàn và phán xét rằng người trẻ “lười”, “ích kỷ” và “vô cảm”, đã bao giờ chúng ta ngồi xuống và nghiêm túc lắng nghe họ?”.

2. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ

Cuốn sách giống như một bản nhạc với khúc dạo đầu, ba phần chính, ba khúc chuyển giao và phần vĩ thanh, được cất lên bởi tiếng lòng của hơn hai mươi nhân vật cùng tiếng đệm đàn từ những bài phân tích do Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang viết. Hơn hai mươi nhân vật, với những câu chuyện khác nhau, từ những người bỏ học đại học, cho đến những người học rất giỏi, thậm chí có người còn đạt học bổng du học, từ những người lớn lên không hề có sự quan tâm của bố mẹ, cho đến những người được bố mẹ bao bọc, vạch sẵn con đường tương lai. Khác nhau như vậy, nhưng họ đều có điểm chung là mang trong mình nhiều tổn thương đến từ gia đình, và những tổn thương từ thời ấu thơ ấy vẫn khiến họ trăn trở mỗi ngày, loay hoay với những câu hỏi và sự bất an vô bờ bến.

Những người trẻ trong cuốn sách đều ở trong quãng thời gian mà tác giả gọi là “hậu tuổi thơ”. Tương ứng với khái niệm “late adolescence” trong tiếng Anh , hậu tuổi thơ là một thời kỳ mà người ta đã bước qua tuổi thơ, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình và độc lập về tài chính. Chính ở khoảng thời gian này, những người trẻ bắt đầu hành trình làm người độc lập của họ, với những “vật lộn” để trả lời câu hỏi :Tôi là ai? Tôi muốn gì? Điều gì làm tôi hạnh phúc: “Trong nhiều khoảnh khắc, tôi cảm thấy thiêng liêng. Tôi cảm nhận được gánh nặng của việc làm người trên vai họ.”

Như đã nói, cuốn sách được chia thành ba phần chính, với những cái tên đã tóm gọn lại phần nào câu chuyện của các nhân vật: “Thế giới vắng bóng người lớn”, “Những đứa trẻ nhầm vai” và “Trong ngục tù tình yêu”.

Phần một, “Thế giới vắng bóng người lớn là câu chuyện của những nhân vật lớn lên, tuy có thể đầy đủ về mặt vật chất, được ăn uống và học tập, nhưng lại là những đứa trẻ bị “bỏ rơi” về mặt tinh thần, thiếu thốn và thèm khát sự ấm áp của một gia đình thực thụ. Những nhân vật của “Những đứa trẻ nhầm vai” là những người đã gánh vác vai trò phụ huynh từ rất sớm, về cả mặt chức năng hoặc/và cảm xúc. Còn “Trong ngục tù tình yêu” lại là tiếng nói của những người trẻ chịu áp lực quá lớn từ con đường mà bố mẹ họ vạch sẵn, dưới danh nghĩa tình yêu, để thỏa mãn thể diện của cha mẹ. Không chỉ có những câu chuyện, mà đan xen giữa chúng còn là những bài phân tích tâm lý mang tính khoa học của tác giả Đặng Hoàng Giang. Đây cũng là một điểm tôi rất thích ở Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, vì những bài phân tích của ông rất sâu sắc, đem đến cho người đọc cái nhìn sâu hơn và chi tiết hơn về tình cảnh của mỗi nhân vật, giúp chúng ta hiểu được những điều gì đã tạo nên con người họ, với những nổi loạn và hoang mang như vậy, cũng như thấm thía thêm vai trò to lớn của gia đình trong quá trình hình thành nên căn tính của mỗi người: “Người ta được lập trình bởi trải nghiệm tuổi thơ của mình”.

Phần I: Thế giới vắng bóng người lớn

“Nói thật là tôi thất vọng về ba. Ba tôi biết rất nhiều thứ, thông minh này nọ. Ba đóng tiền học cho tụi tôi, nhưng thế là hết (…) Tụi tôi bị ức hiếp nhiều lắm, bị đánh, bị la hét, bị chửi rất nhiều, nhưng ba không bảo vệ tụi tôi gì hết. Tôi chưa bao giờ thấy hình ảnh một người cha trong ổng.”

Đây là những chia sẻ của Hồng Linh, một người tỏ ra mình cứng rắn nhưng mang trong mình nỗi sợ cô đơn, cố gắng chạy trốn và vùi lấp nó bằng tình dục và những mối tình chóng vánh. Câu chuyện của Hồng Linh cũng phần nào giống với câu chuyện của Hà An và Phương Anh, những người cố gắng giết chết những cảm xúc bên trong của mình, cố gắng trở nên chai lì, trơ sạn để không còn bị tổn thương và thất vọng do ngoại cảnh nữa. “Vừa thèm được tựa vào ai đó, cô vừa sợ họ bỏ đi”. Nỗi sợ bị bỏ rơi và sự trống rỗng bên trong bắt nguồn từ một gia đình lạnh lẽo đã ám ảnh họ từ khi còn bé, khiến họ luôn nghi ngờ giá trị của bản thân và gặp khó khăn trong việc thể hiện tình yêu thương với người khác. Chính Hồng Linh cũng phần nào cảm nhận được vấn đề của mình: “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”.

Phần II: Những đứa trẻ nhầm vai

Những nhân vật trong phần này đều có một đặc điểm chung là bị rối loạn đổi vai. Những đứa trẻ, ngay từ khi còn bé, đã phải gánh vác vai trò vốn lẽ ra phải thuộc về bố mẹ, ở cả mặt tinh thần hoặc chức năng. Ví dụ như ở trường hợp của Li, cô thay mẹ chăm sóc em, sửa đồ đạc, họp phụ huynh,… cùng lúc lại đóng vai trò người an ủi, nguồn đáp ứng chính cho nhu cầu cảm xúc của mẹ. Những đứa trẻ bị đổi vai như vậy thường xuyên đặt nhu cầu của bản thân xuống dưới nhu cầu của người khác, tự giao cho mình trách nhiệm khiến người khác hạnh phúc và đặt mục đích sống của mình vào điều đó. Vì họ không có cơ hội được sống một tuổi thơ đúng nghĩa, họ cũng không có cơ hội để tìm hiểu bản thân, tìm hiểu căn tính của mình – những gì định nghĩa một con người. Những người trẻ này lớn lên với sự khủng hoảng căn tính, luôn cảm thấy đây không phải mình: “Có những lúc mình cảm thấy như tâm hồn đang tuột trôi ra khỏi cơ thể, như là mình đang lưu vong, đang phải lưu đày trong cái thế giới này” – Li chia sẻ.

Phần III: Trong ngục tù của tình yêu

Ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, vẫn còn rất nhiều những gia đình đi theo quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng đi theo con đường mình vạch sẵn sẽ khiến con hạnh phúc, đầy đủ. Thay vì tạo ra một môi trường an toàn để con có thể trải nghiệm và tự tìm ra mình, họ có những hình mẫu lý tưởng riêng và cho phép mình có quyền được can thiệp, bắt ép những đứa trẻ đi theo con đường đó, nhân danh sự yêu thương và “tốt cho con”. Những cha mẹ này thường luôn cảm thấy giá trị của bản thân phụ thuộc vào độ thành công của đứa con của họ, rằng liệu nó có đạt thành tích, sự công nhận của người ngoài, hay lấy chồng đẻ con,… Vì vậy, họ tạo áp lực lên những đứa trẻ, theo dõi và chỉ đạo chúng mà bỏ qua những nhu cầu cảm xúc và được thấu hiểu của chúng. Không khó để nhận thấy đa số những người trẻ trong phần III này đều mắc bệnh tâm lý rất nặng dưới những áp lực đó. Thậm chí khi M.H cố gắng uống thuốc ngủ, phản ứng đầu tiên của gia đình cô là thất vọng, trách mắng cô chứ không quan tâm đến tình trạng sức khỏe tâm lý của cô, coi bệnh tâm lý là sự yếu đuối và không thể chấp nhận được.

Cuốn sách là những tâm sự của người lạ, nhưng ít nhiều, mỗi chúng ta đều thấy những lời tâm sự đó thật quen thuộc. Nó vẫn xảy ra quanh ta, hoặc xảy ra đối với ta. Có lẽ điều tôi cảm thấy may mắn nhất khi đọc Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, là tôi không nhìn thấy nhiều phần của mình trong đó, vì bản thân đã được trải qua một tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng tôi cũng đã có những người bạn, người thân đã khóc vì nhìn thấy hình ảnh và cảm xúc của mình khi đọc cuốn sách. Họ tìm thấy ở trong cuốn sách câu chuyện của bản thân, thấy được sự đồng cảm của tác giả. Họ được nhìn lại câu chuyện của mình dưới một góc độ khác, một góc nhìn hiểu biết hơn. Gấp lại cuốn sách, ta có cái nhìn thấu cảm hơn đối với người khác và cách nhìn toàn diện hơn với người trẻ. Liệu người đối diện mà ta cho là “nổi loạn”, là “bất trị” có từng trải qua một tuổi thơ đầy tổn thương hay không? Liệu những người trẻ mà ta cho là thành công có đang vật lộn để tìm lại giá trị đích thực của bản thân, hay đang trải qua những bệnh tâm lý hay không?

Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ thực sự là một cuốn sách đáng đọc đối với bất cứ ai, từ những người trẻ, cho đến các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ cần đọc, để có thể hiểu được mình cần làm gì dưới vai trò một người bố, người mẹ, để biết được những tổn thương mình có thể đã trải qua trong quá khứ và tránh lặp lại nó với những đứa con của mình, tạo ra một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Còn những người trẻ cần đọc để có thêm thấu cảm và yêu thương đối với những người xung quanh, giống như lời đề sách:

“Tặng những người trẻ đang đi tìm mình và cha mẹ của họ”