Truyện ngắn Guyde Maupas sant chứa đựng nhiều mảng đề tài , trong đó đề tài về cuộc chiến tranh Pháp – Phổ là hết sức đặc sắc. Một trong những truyện ngắn đầu tay khiến ông nổi tiếng cũng là một trong những truyện viết về đề tài này. Năm 20 tuổi, chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trung học và đang theo học trường Luật phải sớm đón nhận một sự kiện mà toàn nhân loại không mong – chiến tranh, một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tham gia vào cuộc chiến, Maupassant có điều kiện tích lũy vốn sống, kinh nghiệm để nhìn nhận đúng bản chất cũng như thái độ của các tầng lớp đối với cuộc ctranh; có dịp chứng kiến sự thất bại nhục nhã của quân đội Pháp, sự thờ ơ trước vận mệnh đau thương của đất nước của bọn cầm quyền. Tất cả đã làm nên các truyện ngắn xuất sắc của ông khi viết về đề tài chiến tranh.

“Viên mỡ bò” – một truyện ngắn đưa tên tuổi Maupassant vang dội – đã phơi bày một số sự thật trần trụi về cuộc chiến tranh. Truyện mở đầu với hình ảnh quân đội bại trận Pháp “suốt mấy ngày liền từng mảng binh đòan tan rã diễu qua thành phố…những bầy người ô hợp tán loạn…quân phục rách nát, họ uể oải tiến bước”. Đám tàn quân đi hết thì “cuộc sống dường như ngừng lại, các cửa hiệu đóng kín mít, phố xá câm lặng”. Chiến tranh đã đem lại cuộc sống cái không khí thế đấy: hoang vắng, lạnh lẽo, cô tịch. Chính vì thế Cornuyđê dân chủ – nỗi kinh hoàng của tất cả những hạng người đứng đắn – đã nhận xét: “chiến tranh là một sự dã man khi người ta đánh một người láng giềng đang sống yên lành, nhưng khi ta bảo vệ Tổ quốc thì đó là một bổn phận thiêng liêng(*). Và, một ông già ngoan đạo nêu lên suy nghĩ của mình “giữa những người nghèo khổ cũng phải giúp đỡ nhau chứ…chỉ có những ông lớn là đánh nhau thôi”. Đó là nếp suy nghĩ mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần đả kích. Cảnh hoang vắng như thế đã đành, đằng này bọn thắng thế như muốn chứng tỏ uy quyền của chúng, bởi chiếu theo “luật chiến tranh”: kẻ thắng phải được người thua phục tùng. Nên khi bọn Phổ vào thành Ruăng chúng liền chia thành từng nhóm ập vào từng nhà dân. Chúng ra sức sai khiến và vơ vét tiền của. Trong khi đó, những kẻ quyến quý cao sang, các tầng lớp thượng lưu lại không cảm thấy gánh nặng của chiến tranh, họ “không có lấy một chút tinh thần dân tộc(1). Ruăng bị quân Phổ chiếm đóng, họ chẳng hề lo buồn về số phận thành phố quê hương, thâm tâm họ không trỗi dậy một sự căm hờn, oán giận mà chỉ khư khư quan tâm đến tài sản, chuyện kinh doanh. Vì vậy qua “Viên mỡ bò”, Maupassant cho chúng ta nhận rõ thái độ các tầng lớp khác nhau trong xã hội trước biến cố chiến tranh. Nhà tư sản Carê-Lamađông kịp thời chuyển tiền sanh Anh; nhà buôn rượu Loadô tìm cách bán cả một kho rược cho ngành hậu cần và tỏ vẻ hài lòng vì nhà nước phải trả mình một khoản tiền lớn; bá tước Huybe đơ Brêvin là người mang một trong những dòng họ kì cựu nhất và quý phái nhất xứ Normăngđi vì quyền lợi và tiền tài cũng vội vàng thu xếp chuẩn bị cho chuyến đi xa – đến Lơ Havrơ – giống như hai người kia. Đi cùng họ còn có ba bà vợ.

Guy de Maupassant - Wikiwand

Đối lập hẳn với thái độ của tầng lớp thượng lưu, những con người bình thường, đôi khi là những người làm cái nghề bị xã hội nguyền rủa, sỉ nhục thì lại chất chứa một tấm lòng căm thù giặc sâu sắc. Viên Mỡ Bò dù là cô gái điếm nhưng ý thức căm thù giặc, thêm vào lòng tốt và sự chân thành, đã vượt xa sự hèn nhát, vị kỉ, giả dối của bọn tư sản quý tộc. Có lần không chịu nổi sự có mặt của kẻ địch trong thành phố, cả ngày cô khóc vì tủi hổ và cô phải bỏ đi vì dám “nhảy xổ ra bóp ngay cổ họng thằng lính đầu tiên vào nhà”. Hành động tự phát của cô biểu lộ tinh thần yêu nước tiềm tàng trong nhân dân Pháp, mà chiến công tiêu diệt quân xâm lược được Maupassant ca ngợi ở đầu tác phẩm: “Bùn dưới sông vùi kín những cuộc trả thù bí mật, tàn bạo và chính đáng ấy, những hành động anh hùng không ai biết, những cuộc tấn công thầm lặng, nguy hiểm hơn những trận chiến đấu giữa thanh thiên bạch nhật và không có tiếng vang lừng lẫy của vinh quang”. Lần khác, cô nhất định cự tuyệt yêu cầu “dâm đãng” của tên sĩ quan Phổ “Ông hãy bảo cái thằng chó chết, cái thằng thổ tả, cái thằng Phổ thối tha ấy, rằng không đời nào, không đời nào, không đời nào”. Đối với kẻ thù, cô có hành động chống trả rõ rệt như thê, đối với những người cùng quê hương xứ sở, chung dân tộc, cô sẵn sàng chịu mất mát hết thảy. Cô ra tay hào hiệp cho bọn họ ăn no trên chuyến xe đến Lơ Havrơ vì bọn họ quên chuẩn bị thức ăn, song bọn họ trả ơn cô bằng sự trở mặt trắng trợn đến tàn ác. Rồi vì lợi ích, vì những lới thuyết phục, ca ngợi, tỏ lòng biết ơn của bọn đồng hành vô liêm sỉ, Viên Mỡ Bò đáp ứng yêu cầu của tên sĩ quan Phổ để được sớm lên đường. bọn họ – trong khi đó – lại nói đùa nhau thật bỉ ổi “miễn là nó đừng vần cô nàng đến chết”. Viên Mỡ Bò chịu thiệt thòi nhiều để rồi đổi được gì? Những ánh mắt xa lạ, những cái nhìn sợ sệt, ghê tởm, những khoảng cách muốn thoát xa sự nhơ nhớp, hôi tanh. Những cử chỉ đó – vô hình chung – còn ác hơn những câu chê bai sỉ nhục, những lới phỉ nhổ thậm tệ. Bấy điều đó làm cô đau khổ, căm ghét và phẫn uất. Cô muốn chửi thẳng vào mặt bọn họ nhưng tiếng nấc đã làm cô ứ nghẹn. Ôi “giới xã hội có tiến của, thanh thản và thế lực, những người lương thiện đáng mặt, sùng đạo và sống có nguyên tắc” sao có thể sánh với phẩm chất cao đẹp của cô gái giang hồ.

Truyện ngắn “Viên Mỡ Bò” mang ý nghĩa phê phán sâu sắc thói quen vụ lợi, ích kỉ, tàn nhẫn không chỉ của tầng lớp trưởng giả mà đó còn là một thói quen trong quan hệ giữa người với người. Đây là một tác phẩm tập trung nhiều đặc điểm về tư tưởng và nghệ thuật của Guy de Maupassant. Sự phê phán, ác cảm của ông đối với lối sống ích kỉ của con người. Nghệ thuật lựa chọn chi tiết làm nổi bật dụng ý của tác phẩm: một cô gái giang hồ được đặt cao hơn bọn tư sản quý tộc, cao hơn bọn núp bóng các lý tưởng chính trị, cao hơn những tu sĩ của nhà thờ – nơi tự xưng chứa đựng tất thảy tinh thần bác ái, tự do. Guy de Maupassant gọi chung họ là bọn lương thiện đểu cáng đã lợi dụng sự hào hiệp của một cô gái giang hồ và khi thỏa mãn xong nhu cầu thì quay mặt rẻ khinh, hắt hủi cô “như một cái giẻ bẩn vô dụng”. Tiếng khóc của cô gái ấy hòa lẫn chung với bài quốc ca Pháp như một nỗi sỉ nhục tủi hổ không chỉ của riêng một con người vùi dập, rẻ khinh mà còn là một xấu hổ chung của cả một đất nước vẫn tự hào là quê hương của nhân quyền, bình đẳng và bác ái.

Truyện “Cô Fifi” cũng thuật lại hành động dũng cảm của một cô gái điếm. Ở người đàn bà bị coi là không còn danh dự, vì nghề nghiệp phải nhẫn nhục thù mà tiếp bọn sĩ quan Phổ thô bạo. Lòng phẫn nộ vụt bùng dậy trong cô khi kẻ xâm lược tự cho phép nhạo báng Tổ quốc họ. Cô giết chết tên Phổ. Lòng yêu nước của cô gái này đã cao hơn rất nhiều – xét về tinh thần dân tộc – so với bọn trưởng giả đểu cáng mang trong mình dòng máu vị kỉ và hám lợi.

Xưa nay bị chìm ngập, u mê trong cái dung tục mờ xám của cuộc sống hằng ngày, những con người nhỏ bé bình thường “đột nhiên tỏa ra sức mạnh tinh thần mà chính họ và những người xung quanh không bao giờ ngờ tới(2) khi va chạm với biến cố đặc biệt. Ông cụ Milông trong “Ông cụ Milông” tức giận vì tự dưng phải phục vụ và hầu bọn Phổ. Chúng tự tiện xài đủ thứ vật dụng trong nhà ông, lấy của ông đến hơn 50 đống cỏ rơm, một con bò cái, hai con cừu. Cuộc sống cụ đâu khá giả gì nên “ông căm thù chúng với lòng căm thù ngấm ngầm và mãnh liệt của người nông dân tham lam và cũng yêu nước nữa”. Cuối cùng không chịu nỗi cảnh ấy kéo dài, ông quyết định lập mưu trả thù, lần lượt ông đã giết 15 tên lính kị binh xung kích, đến lượt tên 16 thì ông bị hắn chống trả kịch liệt và dù bị chém bị thương trên má, ông vẫn giết được tên kị binh này. Vì mệt lữ không hoàn thành nốt đoạn cuối nên ông bị bọn Phổ phát hiện. Bọn chúng tra hỏi ông, ông thẳng thừng nói ra tất cả, việc ông làm ông không phủ nhận “chúng mày lấy của tao bao nhiêu lần 20 đồng thì tao sẽ đòi đủ bằng ấy mạng cho mà xem”. Thế nhưng chỉ vì lí do ông không muốn bọn Phổ làm tan hoang khánh kiệt tài sản ông mà ra tay giết bọn họ thì chưa đủ. Điều sâu xa hơn là ông muốn đòi nợ cho cha và cho con ông “tám đứa cho bố tôi, tám đứa cho con tôi, thế là xong nợ” – ông từng nói vậy bởi vì “tôi đây, tôi có đi gây chuyện với các ông đâu chứ!”. Do đó lòng căm thù, oán giận của ông cụ Milông là do chính bọn Phổ gây ra tất. Mặc dù sau lần tra hỏi, bọn Phổ ra lệnh giết ông nhưng ông chẳng hề hối hận và run sợ, Maupassant miêu tả “…ưỡn thẳng cái thân hình đau ê ẩm, ông già khoanh tay lại trong tư thế một người anh hùng bình dị”. Hình ảnh ông cụ Milông giết kẻ thù một cách có ý thức, có phương pháp và hiên ngang đón nhận cái chết chứng tỏ tấm lòng yêu nước nồng nàn và sâu đậm ở con người bình dị này.

Cái hành động “anh hùng bình dị” đó còn được thể hiện qua hai nhân vật Môrixô và Xôvagiơ trong truyện ngắn “Hai người bạn”. Họ đang sống bình yên thì chiến tranh ập đến “đem đổ nát đến cho nước Pháp, đem đến nạn đói” đến nỗi “những con chim sẻ đang hiếm dần trên những mái nhà, còn những cống rãnh thì được noi sạch những con chuột”. Chưa hết, chiến tranh gieo rắc còn “giã nát sự sống, chà đạp những con người, kết liễu bao nhiêu giấc mộng, bao nhiêu niềm vui mong chờ, bao nhiêu niềm hi vọng về hạnh phúc”. Nó phá nát tất cả sự sống mà thủa yên bình người ta đã sống, đã tìm vui trong một công việc giản dị – câu cá. Lúc ngồi câu, nghe tiếng súng nổ rền vang, hai người đã rủa “Đồ ngốc! Chém giết nhau mãi như thế!”, “Tồi hơn súc vật”. Điều đó cho thấy họ là những con người yêu chuộng hòa bình mãnh liệt.

Guy de Maupassant không hề lí tưởng hóa nhân vật. Môrixô và Xôvagiơ hiền lành trong “Hai người bạn” chẳng phải những người can trường. Nhà văn miêu tả rất thực nỗi hoảng hốt tự nhiên của họ khi bị vây bất ngờ. Bị bọn Phổ tra hỏi, họ không có dáng điệu hào hùng, không nói những lời cao cả, chỉ nhất định im lặng. Giữa sống và chết chỉ còn “một phút, không hơn một giây”, mắt Môrixô tình cờ bắt gặp cái túi lưới đầy cá, một tia nắng làm óng ánh mớ cá còn cựa quậy, anh mềm lòng, mắt đẫm lệ. “Hai người bạn” yêu cuộc sống, luyến tiếc những buổi đi câu tuyệt diệu xiết bao. Họ kiên cường nhận cái chết, không phản bội Tổ quốc “Họ siết lấy tay nhau, run rẩy từ đầu đến chân, một cơn run rẩy mà họ không thể chế ngự được”. Thái độ, tình cảm của họ quả tựa như một khúc nhạc không lời ngân dài không bao giờ hết…

Có thể nói, giá trị hiện thực và nhân đạo trong chùm truyện viết về  đề tài chiến tranh cũng đủ nâng Guy de Maupassant lên thành một nhà văn hiện thực phê phán lớn của thế kỉ XIX. Ông đã thấy và chứng kiến những cảnh ghê gớm của chiến tranh nên ông hi vọng, một hi vọng cho cả loài người “mong sao cho con cái chúng ta đừng bao giờ nhìn thấy chiến tranh nữa”. Hi vọng của Maupassant cũng chính là hi vọng của vô số những người sống trên quả đất, họ muốn sống cuộc sống thanh bình, hạnh phúc, không tiếng súng nổ, không tiếng bom rơi, không cả những tiếng khóc.

(*): Những dẫn chứng trong bài viết lấy từ các sách:

– “Viên mỡ bò”, Hướng Minh dịch, NXB Ngoại Văn – Hà Nội 1984

– “Dưới ánh trăng”, Đỗ Tư Nghĩa dịch, Phạm Quang Trung giới thiệu, Sở văn hóa thông tin Lâm Đồng 1986

(1), (2): Văn học lãng mạn và văn học hiện thực Pháp thế kỉ XIX, Đặng Thị Hạnh , Lê Hồng Sâm, NXB Đại học & Trung học chuyên nghiệp 1985, trang 458, 459.