Trên tay bạn là tập thơ “Mùa lá thức” – Tập thơ thứ hai của Lương Mỹ Hạnh, một cây bút nữ tiêu biểu của đội ngũ các nhà thơ ở Sơn La đã dần quen thuộc với bạn yêu thơ cả nước. Cảnh sắc thiên nhiên và chân dung con người ở vùng cao Tây Bắc hiện lên dưới ngòi bút của Lương Mỹ Hạnh đầy bản sắc, sinh động. Chị vẽ bức tranh quê bằng thơ mà càng chiêm ngưỡng càng thêm yêu nét huyền diệu của vùng đất này.

Không có mô tả ảnh.

Với lối phản ánh trực cảm, Lương Mỹ Hạnh viết về những gì thân thuộc với cuộc đời chị. Núi rừng, sông suối, bản làng vùng cao Tây Bắc trong thơ chị đều mang hồn người, tình người. Thật có lý khi tác giả chọn tên tập thơ này là “Mùa lá thức”. Có khá nhiều khổ thơ khiến chúng ta không khỏi xúc động và

đồng cảm với tác giả:
“Núi xếp chồng lên núi
Đường một rẻo chông chênh
Người vấp vào bóng đá
Chạm ước mơ bao đời”
(Mùa lá thức)

Người dân Tây Bắc có ước mơ bao đời là sớm được thoát cảnh đói nghèo, có cuộc sống ngày thêm no đủ trên quê hương mình. Bởi vậy, những tiềm năng của con người và thiên nhiên nơi đây cần được đánh thức mau chóng. Tâm nguyện đó cũng chính là ý thức trách nhiệm công dân của cây bút thơ đằm thắm và đáng yêu này. Sẽ bắt gặp trong thơ chị, hình ảnh quê hương hiện lên rất thân thuộc và cụ thể:

“Mẹ gói xôi, gói vụng cả sương chiều
Cha bẩy đá, mở đường lên dốc núi
Em trở về xây thêm lối cha mong”.
(Anh chưa về chớ thương vội Sơn La)

 

Thơ Lương Mỹ Hạnh lôi cuốn bạn đọc trước hết nhờ sự mở rộng biên độ cảm xúc chân thực thông qua các tứ thơ bày tỏ tình yêu thiên nhiên, quê hương, Đất nước, con người. Tác giả đã dồn hết tình yêu máu thịt của mình cho nơi chôn rau, cắt rốn. Phải yêu và gắn bó lắm chị mới tái tạo ngôn từ thành chất liệu hội họa đầy mỹ cảm. Miền đất Sơn La trong thơ chị chính là niềm tự hào về vẻ đẹp của các nàng sơn nữ đủ say mọi lối nhìn:

” Môi thơm hương mật ong núi
Áo thơm vỏ gỗ rừng chiều”.
(Sơn nữ)

Cả thảy 63 bài trong tập thơ “Mùa lá thức”của Lương Mỹ Hạnh mang đến cho bạn đọc sự thích thú khi được khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của phong cảnh, tâm hồn con người nơi thượng nguồn sông Đà. Tác giả gửi gắm tâm hồn người dân nơi này vào mỗi dòng thơ. Tình yêu quê còn là nỗi xót xa của chị dành cho đất đai, cây cỏ :

“Đất phơi lưng trắng bạc màu
Đồi nương trơ trọc núi nhàu cỏ lau”.
(Nhớ rừng)

Đó cũng chính là nỗi lo lắng của con người nơi đây trước cảnh ngộ tàn phá tài nguyên môi trường đang diễn ra từng ngày làm cho đất, cho rừng cạn mòn sự sống.

Mở ảnh

Đến với thơ Lương Mỹ Hạnh, bạn đọc được cùng tác giả trải nghiệm và trào dâng cảm xúc trước những chất liệu đầy vẻ hồn nhiên tươi mới như nước suối, mây ngàn, chân chất thật thà của tình người nơi đây. Có không ít những câu thơ lay động lòng người. Những bài thơ khá dung dị ngôn từ của chị đưa bạn đọc đến với nhiều mảng màu cuộc sống sinh động, bắt mắt, như bức tranh vẽ chợ chiều trên sông đầy màu sắc:

“Sông nghiêng vào bóng núi
Thuyền là chấm sáng đang bơi
cánh chim rỡn xanh màu nước
Đáy trong soi áng mây trời”
(Chợ chiều trên sông)

Cảnh thiên nhiên, đan cài bản sắc văn hóa các dân tộc vùng caoTây Bắc, được Lương Mỹ Hạnh phác họa khá sắc sảo sinh động:

“Người Mông thích làm hơn nói
giữ lời hứa như giữ lửa cháy lâu
Đục đá gieo ngô
kiếm nước từ mồ hôi của núi”.
(Người đàn ông ru mình trên núi)

Mãi tươi đẹp giữa đại ngàn hùng vĩ, áo cóm, khăn Piêu luôn gắn bó như tấm chân tình thủy chung với các cô gái dân tộc Thái:

“Dài như dải sao trời
thương ai thắp ngàn đêm ánh sáng”
với lời hẹn hò không thể cưỡng của
“Tiếng sáo giục trên lưng ngựa
váy xòe trải nắng lối hoa”.
(Tiếng sáo)

Mở ảnh

Thấu hiểu những dòng thác chảy dữ dội giữa đại ngàn, tác giả lắng lọc hồn mình và thêm tự hào về nơi có rừng, có đá biết hát:

“Giữa đại ngàn mênh mông và sâu thẳm
những hang đá
tựa bóng Sư
u uẩn
Giấu trong mình bao tàng tích cổ xưa”.
(Thác)

Sinh ra tại thành phố Sơn La, năm 1979 khi mới năm tuổi Lương Mỹ Hạnh theo cha mẹ vào sinh sống, lập nghiệp nơi vùng quê mới bên tả ngạn con sông Đà, thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Âm thầm yêu văn chương từ lâu, nhưng vốn cẩn trọng trong mỗi việc làm, lại có chút e dè của một cô gái vùng cao, Lương Mỹ Hạnh lần đầu thử sức cầm bút viết văn và làm thơ khi vừa qua những năm tuổi trẻ. Sự trải nghiệm cuộc sống đã ùa ra trang viết. Cơ duyên đến với chị từ năm 2017 bằng những bài thơ và tản văn trình làng trên tạp chí Suối Reo của hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La và trên một số sách báo văn nghệ ở Trung ương và nhiều địa phương khác. Duyên thơ ấy cũng mang đến cho chị hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ của một số cuộc thi sáng tác văn học ở nhiều nơi. Đặc biệt, với chùm thơ 5 bài đăng báo đầu tay Lương Mỹ Hạnh đã đoạt giải B – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La lần thứ nhất giai đoạn (2015- 2018), khi đoạt giải chị mới được kết nạp vào hội Liên Hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La được bốn tháng. Cuối năm 2021 tập thơ “Đá hát” (Nhà xuất bản hội Nhà Văn – 2019) của chị vinh dự nhận giải A thơ tiếng phổ thông, giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La giai đoạn (2019 – 2021)

Trong tập thơ “Mùa lá thức” Lương Mỹ Hạnh khẳng định rõ mình là cây viết hướng ngoại, theo âm hưởng hiện đại, thiên về lý trí. Chị làm nhiều thể loại thơ khác nhau và có nhiều bài nhuần nhuyễn. Nhất là dám đột phá thử thách vào mảng thơ hiện đại. Những cú vượt thoát của Lương Mỹ Hạnh đã đạt được thành công ít, nhiều, như những bài: Tiếng đập cánh, Giấc mơ mây trắng, Vết chai, Gặp bạn cũ… Lương Mỹ Hạnh có những câu thơ thật đẹp, mềm mại như lụa, đầy ánh sáng. Để tả loài hoa xuân ấn tượng ở quê mình, chị chỉ cần hai câu cũng dệt nên tấm thảm say lòng người:

“Hoa ban mượn gió thả bùa
Đá trầm hóa nắng thêu thùa đồi hoang”.
(Hoa ban)

Bài thơ cuối tập như một lời mời du khách lên thăm Ít Ong, Chiềng Đen, thăm cao nguyên Mộc Châu đầy hương sắc của tỉnh Sơn La quê hương tác giả.

“Hoa mận trắng lưng trời
Cô em diện váy mới
Dắt mây cùng đi chơi”
(Mùa lá thức)

Tập thơ “Mùa lá thức” của Lương Mỹ Hạnh đủ để lưu dấu ấn nhà thơ trong lòng bạn đọc và coi đó là cơ hội cùng tác giả dắt mây đi chơi.

Hải Phòng, mùa phượng vĩ 2022

Hoài Khánh – Hội Nhà văn Việt Nam