Cách đây vài năm tôi nhận được tập thơ Tình ca trên bục giảng (NXB Hội Nhà văn 2018) của Lê Gia Hoài (tên thật Lương Cầm Hóa) – con trai bạn tôi – cố thi sĩ Cầm Giang tác giả những bài thơ nổi tiếng từ thời: Kháng chiến chống Pháp: Núi Mường Hung lòng sông Mã (Lời bài hát Tình ca Tây bắc), Nhớ vợ, Em tắm, Em là con gái chân yên… Tôi điện thoại cho Hoài: Chú đã nhận được thơ cháu gửi biếu. Chú đã đọc. Chú không thích cách đặt tên tập thơ…

Sau đó, tôi gửi cho Hoài một số bài thơ của tôi để Hoài chọn in vào những tập thơ Nhiều tác giả do Hoài chủ biên và in vào tập sau Văn nghệ Vĩnh Tường. Với dụng ý Lê Gia Hoài đọc thơ tôi và tự rút kinh nghiệm cho thơ mình.

Đầu năm 2021 Lê Gia Hoài gửi cho tôi bản thảo tập thơ Chiều say men nắng. Tôi đọc lướt nhanh và rất vui. Đã có thơ trong Chiều say rồi! Tôi nhớ đến bao nhiêu định nghĩa về thơ của các nhà này, nhà nọ. Tôi nhận ra rằng: Đến nay vẫn còn không ít người cứ muốn phức tạp hóa thơ ca. Họ coi thơ là một điều vi diệu, rất khó chạm tới được. Thực ra không phải vậy. Trong dòng chảy của lịch sử, của đời người, thơ đến và đi hết sức tự nhiên. Bởi vì thơ luôn gắn bó với cuộc sống. Cuộc sống cũng luôn rất cần thơ. Lê Gia Hoài đã không ngộ ra điều này. Thơ không cần sự kênh kiệu, cầu kỳ. Thơ với chúng ta gần gũi như bát cơm, chén nước hàng ngày. Thơ bình dị như người ta gửi trao nhau một nụ cười, tặng nhau một niềm vui, và nắm tay nhau đi qua mùa trở gió.

Mở ảnh

Qua Tình ca trên bục giảng (2018) và Chiều say men nắng (2021) ta thấy Lê Gia Hoài không triết lý về thơ; không khúc xạ thơ qua nhiều lăng kính mà chỉ đến với thơ như một sự cởi lòng tự nhiên, như một cách nói nhỏ nhẹ rất có duyên với bạn đọc. Khi trao đổi với bạn thơ, Lê Gia Hoài tâm sự: Làm thơ không phải để tranh tài cao thấp, để ganh đo với ai, hoặc mong trở thành nhà này, nhà nọ… Mà đơn giản chỉ là ghi lại nỗi niềm tâm sự, cùng những rung động của con tim, phút xao xuyến của tâm hồn chất phác nơi hương đồng gió nội của quê hương yêu dấu. Thơ dù ở thời kỳ nào, lứa tuổi nào, điều cốt lõi phải là tình là nghĩa. Thơ làm cho tình yêu gần lại; làm cho nghĩa lớn lên. Người làm thơ dù ở đẳng cấp nào, trước hết phải có sự đồng cảm của người đọc.

Cội nguồn tổ tiên Lê Gia Hoài ở Thanh Hóa. Nhưng tác giả lại sinh ra và lớn lên ở Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Sông Mã quê cha, sông Hồng quê mẹ đã khiến cho Lê Gia Hoài luôn đau đáu một nỗi niềm luyến nhớ quê hương. Hồn quê đã tỏa sáng lấp lánh hồn thơ Lê Gia Hoài. Và từ thẳm sâu ký ức, những câu thơ thao thiết đầy tâm trạng vút bay lên như một ca khúc trữ tình nhiều trăn trở:

Chiều say men nắng ngày xưa
Áo ai xanh khúc nắng mưa đợi chờ
Chiều nay men nắng ngẩn ngơ
Lòng ai thương đến tận giờ vẫn thương
Chiều nay men nắng vô thường
Trăm năm hẹn cũ vấn vương một đời
Chiều say men nắng à ơi
Lời ru ai hát mà rơi nỗi buồn.
                                                   (Chiều say men nắng)

Câu thơ hay và rất thi sĩ. Như thế đó, tim ta lăn qua những con đường, những con người, những ngõ nhỏ, những mảnh đời… Lắng lại còn vài cái tên và những bài thơ. Mà thơ thì đầy những ấm áp và nỗi niềm. Thơ có số phận đã bao lần hóa kiếp để bạn hữu hôm nay. Một đời ta biết cười, biết khóc. Vượt buồn đâu để sống rất hiền hòa:

Ngàn xưa vẫn mảnh đời này
Nắng mưa bạc thếch luống cày ông cha
Từ trong gian khó vọng ra
Tiếng ru xanh những khúc ca ngày mùa.
                                                                   (Đất quê)

Mở ảnh

Từ bao đời nay, cuộc sống đã được tạo nên bởi nước mắt, mồ hôi và nụ cười. Từ nước mắt ấy, nụ cười ấy, con người với khát vọng cháy bỏng muôn đời về hạnh phúc, với niềm tin không bao giờ tắt vào sức mạnh của trái tim nhân hậu yêu thương đã vượt qua nghiệt ngã để đi lên – Đi lên với đời và với thơ:

Có một chiều anh ngồi đếm nhớ thương
Nơi quán quen góc đường ngày cuối hạ
Em không về… hoàng hôn mong manh quá
Để tiếng ve cũng hóa những mong chờ
Có một chiều… chiều ấy đã thành thơ!
                                                             (Chiều biếc) 

Thơ tình như chất men say ngọt ngào đầy đam mê, tạo nên cả thế giới diệu kỳ. Thế giới tình yêu trong Chiều say men nắng của tác giả Lê Gia Hoài lắng đọng thẳm sâu, cháy bỏng, da diết và trăn trở. Tình yêu ấy còn là sự sẻ chia, lo lắng, vỗ về cho người mình yêu dấu và đồng cảm…

Phố mùa này hương bưởi vẫn trong veo
Bầy chim trời vẫn theo về làm tổ
Chỉ mình anh với anh với tháng Ba loang đổ
Cứ âm thầm ngồi nhắc mãi tên em.
                                               (Dấu chân tháng ba)

Vẫn những cảnh tình quen thuộc nhưng đầy tâm trạng và chất chứa ký ức. Bao nhiêu điều ở bên ngoài câu chữ chợt dâng lên từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, khắc khoải, da diết và thấm đẫm tình người, tình đời.

Mở ảnh

Thơ cũng như Đời. Đời có bao nhiêu dáng người. Thơ có bao nhiêu dáng chảy. Nào chải chuốt công phu. Nào thâm trầm tinh tế. Nào chân thành mộc mạc… dù dáng nào, dòng nào thì Thơ cũng đem đến cho Đời sự ngọt ngào sâu lắng, đem đến cho người sự thương nhớ không dễ nhạt phai. Đó chính là sức mạnh, là hồn vía của thơ ca chân chính.

Thơ Lê Gia Hoài trong Chiều say men nắng là thơ như vậy. Cao hơn hay thấp hơn của một đời người không thể tính bằng “thước mét” – Mà tính bằng những gì người ấy đã đóng góp cho đời, đã để lại ở cõi nhân gian. Đến với Chiều say men nắng ta như được sẻ chia cùng niềm vui, nỗi buồn… Và cùng tác giả đi về phía ánh sáng.

Nhà thơ BÙI ĐĂNG SINH