Ai đã từng xem các bộ phim truyền hình “Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ” của đạo diễn Trần Phương; “Gió qua miền tối sáng” của Phạm Thanh Phong; “Gió làng Kình” của Nguyễn Hữu Phần và Bùi Thọ Thịnh, đều liên tưởng tới nội dung cuốn tiểu thuyết “Gió làng” – Tác phẩm đã đưa nhà văn Phùng Kim Trọng (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc) lên hàng “các nhà văn lớn” của tĩnh Vĩnh Phúc những năm đầu thế kỷ XXI.

Có thể là hình ảnh về sách

Thực không ngoa khi nói như vậy, bởi tiểu thuyết “Gió làng” – Một ấn phẩm “tâm lý xã hội” đặc sắc, dày 242 trang do NXB Phụ Nữ ấn hành quý I/2008 đã nhận 3 giải thưởng văn học danh giá sau khi được phát hành. Đó là giải B cho sáng tác thuộc lĩnh vực văn học năm 2008 của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Giải A cuộc thi “Viết về nông dân, nông thôn thời kỳ đổi mới” do Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phúc phát động; Giải C, giải thưởng văn học 5 năm cho các đóng góp của các văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc (2005 – 2010).

Có thể nói “Gió làng” là tiểu thuyết không mới về thể tài, không đột phá về kỹ thuật nhưng nó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc bởi tính thời sự rất nóng hổi của xã hội Việt Nam thời kỳ hậu chiến, bắt đầu công cuộc đổi mới của Đảng và chính phủ cuối thế kỷ XX. Không gian nghệ thuật của tiểu thuyết là làng Ngô Xá (ngôi làng ước lệ) của một miền quê vùng trung du Vĩnh Phú cũ (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ), nơi có dòng họ Phạm được chia ra làm hai nhánh khác nhau. Đó là nhánh Phạm Ngọc với người đứng đầu là Phạm Túc (nhân vật chính) và nhánh Phạm Đình với người đứng đầu là Phạm Đình Quỳ. Mọi truyện vui buồn, vinh nhục của các nhân vật đều liên quan đến cuộc cạnh tranh khốc liệt về mọi mặt của hai nhánh dòng họ Phạm này.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh Phạm Túc ngồi suy tưởng về cuộc đời đầy cơ cực nhọc nhằn của mình từ lúc còn nhỏ, bị đày đọa hắt hủy vì là con trai của một địa chủ có tiếng giàu có trong làng. Túc đau đớn vì phải sớm cô đơn trong cuộc đời do cha mẹ bị cách mạng xử tử; thật vui sướng và hạnh phúc khi được cô gái tên Đào là thành phần “bần nông chính hãng” yêu thương và ngỏ ý muốn làm vợ; đau đớn đến cùng cực khi biết tin con gái đầu lòng Phạm Hậu không phải con của mình; hạnh phúc đến nghẹn ngào khi sinh ra Phạm Thành – quý tử chống gậy trước khi “sản xuất” ra ba cô con gái nữa sau Hậu. Túc chịu thương chịu khó, không nề hà việc gì để quyết tâm thoát nghèo và trở nên giàu có. Cuộc chiến đấu và những mưu tính hết sức chi tiết, thiết thực, hiệu quả đã làm Túc trở thành một “ông chủ làng quê” với của ăn của để làm nhiều người phải ngưỡng nể. Đó là diễn tiến của “Gió làng”. Kết thúc truyện là cái chết của con trai Túc – Phạm Thành do ăn chơi đua đòi mà nhiễm phải căn bệnh thế kỷ HIV – AIDS. Nỗi đau quá lớn đã làm Phạm Túc tưởng như không thể sống nổi nhưng rồi được sự động viên của các con gái, con rể Túc đã vượt qua. Kết cấu tiểu thuyết theo kiểu đầu cuối tương ứng như vậy làm cho sự háo hức của người đọc tăng lên gấp bội.

“Gió làng” đã phản ánh một cách đầy đủ và sinh động về đời sống nông thôn Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. Những ngọn gió từ Hải ngoại thổi về Việt Nam, những ngọn gió từ thành thị thổi về nông thôn đã làm thay đổi, biến dạng những nếp nghĩ, nếp sống của một bộ phận không nhỏ giới trẻ thời mở cửa. Cuộc đời Phạm Túc là hiện thân của những mảng đời, những số phận đã từng đi qua bao nhiêu giông bão của lịch sử đất nước, từ cải cách ruộng đất đến cải cách Tư sản rồi đổi mới nền kinh tế từ Bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở đất nước ta. Có thể thấy đời sống vật chất của nhân dân đã thay đổi và kéo theo đó là các giá trị văn hóa cũng thay đổi theo. Tình làng nghĩa xóm, giá trị đạo lý… cũng bị thay đổi do sự chi phối của đời sống vật chất ngày càng tăng lên.

Chúng ta hãy tìm đọc “Gió làng” để thấy được những tác động tích cực và tiêu cực của nền kinh tế thị trường mang lại từ đó rút ra cho mình những bài học về lẽ sống ở đời. Thông điệp mà “Gió làng” muốn mang tới cho thế hệ trẻ hôm nay là “Không thể đánh đổi sự tiện nghi về vật chất mà đánh mất chiều sâu văn hóa của tâm hồn dân tộc Việt Nam” là thông điệp có ý nghĩa vô cùng giá trị để mỗi chúng ta có một phương châm mới, hành động mới trong cuộc đời của mình, từ đó định hướng tương lai của đất nước!

Cầm Sơn