Chưa một lần biết đến anh, chưa một lần gặp mặt, nhưng cái duyên văn chương ắt đã cho tôi cơ hội để biết đến người thầy giáo trẻ rất lãng mạn qua những bài thơ được in chung trong các tập: “Muôn dặm hồn quê”; “Bên bến sông quê”; “Mùa say đắm” do Hội nhà văn Việt Nam, xuất bản năm 2017, 2018. Đặc biệt là “Mùa say đắm” với 03 tập được in chung và đăng trên trang blog cá nhân.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bờ bãi Sông Hồng của quê hương Vĩnh Tường, thầy giáo Lê Gia Hoài, tên thật là Lương Cầm Hóa, được kế thừa niềm đam mê, nhiệt huyết, sự tài ba của một tâm hồn văn chương từ người cha là cố thi sĩ Cầm Giang, là thành viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957, là nhà thơ của: Rừng trắng hoa ban, Tình ca Tây Bắc, Nhớ vợ, Người con gái Châu Yên bắn máy bay…

Không có mô tả.

Ai đó đã từng nói: “Cuộc sống là những trang thơ và mỗi trang thơ là từng lát cắt từ cuộc sống muôn màu”. Khi tôi cầm trên tay tập thơ: “Tình ca trên bục giảng”, tôi đã thấy rõ điều đó ở thầy giáo Lê Gia Hoài. Anh yêu quý, nâng niu từng khoảnh khắc trong cuộc sống, để rồi tiếng lòng được vỡ òa trên những vần thơ đậm đà một tình yêu quê hương, yêu gia đình và đâu đó vương vấn một chút kỷ niệm thuở học trò, một chút lãng mạn của tình yêu đầu đời trong trái tim chàng trai trẻ.

“Vĩnh Thịnh đã cho con
Một quê hương tươi đẹp
Thẳm sâu lòng con biết
Đây quê mẹ, quê cha…”
(Vĩnh Thịnh đã cho con)

Hay, như “Ngõ quê” khiến ai đọc cũng chợt nhận ra về một miền ký ức tuổi thơ với con ngõ nhỏ:

Ta trở về… để nhận lấy tin yêu
Như ngàn năm ngõ chiều quê vẫn vậy
Hằn vết chân tuổi thơ qua sống dậy
Vị nồng nàn hương tóc rối ngủ quên”

Với tình yêu quê hương thiết tha như thế, những tưởng không thể hòa vào cùng dòng chảy với trường xưa, lớp cũ, bạn bè, nhưng trong “Tình ca trên bục giảng” vẫn có sự quyện hòa nhịp nhàng:

Mười năm xa cách trường xưa
Hôm nay trở lại gặp mưa trắng trời
Phượng rưng rưng đỏ sắc ngời
Bằng lăng hé nở nụ cười làm duyên
Hành lang ghế đá bên hiên
Còn vương dấu cũ nỗi niềm ngày qua
Bạn xưa, tình cũ đã xa
Vẹn nguyên trong mắt mùa hoa năm nào…
(Trở lại trường xưa)

Nghe vương vấn chút kỷ niệm thuở học trò khi nhớ tới bạn xưa, tình cũ giờ vẫn vẹn nguyên trong một ánh nhìn. Một sự kết nối thật hoàn hảo khiến thơ anh giàu cảm xúc đa chiều.

Hạ về phượng lại hanh hao
Mỏng manh từng cánh rớt vào nhớ thương
Nặng lòng bao nỗi tơ vương
Người đi bỏ lại sân trường vắng tanh
(Phượng nhớ)

Từ nỗi nhớ trong kỷ niệm ấy tưởng rằng sẽ không còn chỗ cho hiện tại trên bục giảng, nhưng không, bản “Tình ca trên bục giảng” lại càng nổi rõ hơn để ai cũng có thể nhận ra thật dễ dàng một sự kết hợp.

Trên bục giảng tôi dạy các em thơ
Về dáng hình xứ sở núi sông quê
Về những điều ngày xưa mẹ hay kể
Cho tôi nghe trước giấc ngủ yên bình…
(Đất nước tôi)

Hay một sự liên tưởng khá nhẹ nhàng mà sâu đậm trong “Dự giờ thao giảng

Giờ thao giảng anh được làm học trò
Cùng các bạn nhỏ ngồi nghe em dạy
Chưa bao giờ anh thấy vui đến vậy
Khi được em làm cô giáo của mình
Trên bục giảng trong tà áo trắng tinh
Tóc huyền buông như bình minh liễu rủ
Ánh mắt em tựa đôi vì tinh tú
Truyền cho anh bao cảm hứng học bài…

Lời thơ đơn giản, cách gieo vần cũng khá nhẹ nhàng nhưng bài học quý để lại giúp người trong cuộc nhớ và trân trọng tình cảm một thời biết bao. Khác với cảm xúc trường xưa, bạn cũ ấy là tình cảm gia đình thân thương. Đầu tiên là “Con yêu mẹ”:

Con yêu mẹ từ lúc ở trong nôi
Nghe mẹ hát câu ru hời ngọt lịm
Khúc dân ca đằm thương như sắc tím
Tím biếc ân tình, tím mãi lòng thủy chung!
Con yêu mẹ yêu mãi đến vô cùng
Như sắc biếc trời lam yêu cánh én
Như lộc non trọn tình khi xuân đến
Ngày qua ngày lòng càng thấy yêu thêm!”

Câu: “Ru hời ngọt lịm”của mẹ không phải người con trai nào cũng cảm nhận và nói bật lên thành lời như thế được. Nhưng thầy giáo Lê Gia Hoài lại nói ra thật dễ, để bao người đọc thấy như anh đang nói hộ tấm lòng của những người con yêu mẹ. Tình yêu ấy nó như “lộc non”, “Như sắc biếc trời lam yêu cánh én”.

Sau tình mẫu tử là “Tình khúc mười năm” anh dành cho người bạn đời – người vợ rất đỗi yêu thương của mình nhân kỷ niệm mười ngày cưới:

Đã mười năm hai ta cùng chung bước
Trên đường đời đâu chỉ có bình yên
Tình yêu anh chưa bao giờ ngủ quên
Bên giấc mơ đặn đầy ngày mới cưới
Mười năm trôi em bộn bề sớm tối
Lo việc gia đình rồi việc cơ quan
Chẳng bao giờ em buông một lời than
Cũng chẳng bao giờ tắt nụ cười trên môi...”
(Tình khúc mười năm)

Với nhiều tuyển tập thơ, bài thơ mang tiêu đề của tập thơ thường được in ở những trang đầu, nhưng với bài thơ “Tình ca trên bục giảng”, bài thơ cùng tên lại được in ở trang cuối như một bản tình ca vang mãi:

Yêu bục giảng để mỗi ngày tới lớp
Không ngại gì với phấn trắng bảng đen
Em nhận từ ánh mắt đến trò quen
Những tin yêu mà cuộc đời ban tặng
Yêu bục giảng em không nguôi thầm lặng
Gieo cho đời những kiến thức xanh nguyên
Để một mai trở về chốn bình yên
Bao lớp người có thêm nhiều sức mạnh...”

Không giống như cái cảm xúc ban đầu khi tôi nhận món quà quý “Tình ca trên bục giảng”, lúc này đây, sau khi lật từng trang, cảm nhận từng lời thơ, tôi vẫn cứ muốn đọc lại một lần, hai lần nữa. Bởi sự ngọt ngào trong từng ý thơ như gieo vào lòng niềm đam mê văn học luôn thường trực. Rõ là thơ, nhưng sự lột tả lại như những dòng văn mượt mà dễ nhớ đầy cảm xúc chân thực, khiến mỗi người khi đọc như thấy mình đâu đó, thật gần gũi, thân thuộc.

Với 77 bài thơ trong tập “Tình ca trên bục giảng” và 03 bài hát được 03 nhạc sĩ: Nhã Thanh; Anh Tuấn và Mặc Tuân phổ nhạc từ ba bài thơ: Tìm em; Tự tình tháng Ba; Xuân tình yêu, là minh chứng để cho các bạn yêu thơ ví “Tình ca trên bục giảng” như muôn lời ca, tiếng hát rất ngọt ngào, sâu lắng từ tâm hồn nhà giáo Lê Gia Hoài. Xin kính chúc anh luôn dồi dào bút lực để có nhiều sáng tác mới phục vụ cho công chúng yêu thơ!

Hà Thị Hậu/THCS Xuân Hòa – Lập Thạch – Vĩnh Phúc