Thầy tôi- nhà thơ Cầm Giang, có 6 người con. Khi Thầy dạy chúng tôi ở trường cấp 2 Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, các em đều còn nhỏ. Sau này, biết Lương Nguyên, con gái thứ hai và Lương Cầm Vĩnh, con trai thứ tư của Thầy có tham gia viết một số tản văn và thơ trên tạp chí Văn nghệ Vĩnh Phúc và một số báo khác, tôi đã mừng. Ngày ấy tôi thường gặp hoặc điện thoại động viên các em. Bởi tôi vẫn thấy hình bóng Thầy thấp thoáng đâu đây qua các trang văn ấy!

Rồi do cuộc sống xô đẩy, do những lo toan thường nhật của nghề dạy học, ( hai em đều làm giáo chức ở huyện nhà) mà các em ít viết rồi lặng dần; tôi xa quê, không có nhiều dịp gặp lại. Gần đây, khi về quê dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ xã( 1947-2017), tôi gặp con trai út của Thầy Cầm Giang. Một chàng trai có sức vóc vạm vỡ và vẻ ngoài điềm tĩnh của Thầy tôi ngày xưa. Đó là Lương Cầm Hoá, em Hoá lấy họ gốc của Thầy làm bút danh. Đó là Lê Gia Hoài. Em đang là giáo viên Văn ở một trường Trung học . Lê Gia Hoài ngồi gần tôi rồi thì thầm tâm sự: “ Em có làm thơ từ thời sinh viên, giờ tập hợp lại cũng được kha khá anh ạ!” Tôi mừng quá, hỏi ngay: “ Liệu được một tập không?”. Hoài cười có vẻ ngập ngừng rồi nói: “ Một tập riêng thì em vẫn chưa tự tin lắm. Em đang định in chung với mấy bạn của em nữa…” Tôi chợt nhớ lại đức tính cẩn trọng và vẻ điềm đạm rất mẫu mực của Thầy ngày xưa mà thầm khen cho Hoài. Thường người thơ hay huyễn hoặc về mình. Hoài có độ trầm lặng như thế quả là đáng quý! Rồi một tuần sau tập thơ chung của bốn bạn đã có trên tay tôi. Tập thơ MÙA SAY ĐẮM. Tập thơ đầy đặn với 99 bài. Đó là 99 cung bậc của sự đắm say.

Mở ảnh

Một người xa quê, đang sống ở Hoa Kỳ, luôn cồn cào, thổn thức nỗi nhớ quê,nỗi nhớ về mối tình đã qua; những mối tình có khi không phải với người ở quê hương Việt, nhưng giờ vẫn khắc khoải trong tim người xa xứ. Lạ kỳ là ở nước ngoài từ nhỏ, thế mà Kim Thoa lại say với thơ Lục Bát, thể thơ đặc trưng của người Việt. Phải chăng đó cũng là một “ Mùa say đắm” của riêng Kim Thoa chăng? Vậy thì cái mùa say đắm ấy đã ra thành những con chữ, ngay từ những trang đầu tiên rồi…Nghe câu :

Tôi xin trả mối tình khờ
Người gieo năm tháng, đợi chờ trong tôi...”
(Thay lòng- Kim Thoa)

Đã thấy một sự dỗi hờn đầy nữ tính của của một người đã từng yêu say đắm! Và, giờ đây đâu đã tắt lửa lòng? Chúng ta có thể tin với Kim Thoa lúc nào chị cũng say đắm, say đắm thường trực chứ không chỉ dào dạt theo mùa hay theo từng đợt cảm xúc.

Nguyễn Khoan lại trầm lắng với những trải nghiêm. Anh là người cao tuổi nhất trong nhóm bạn vong niên này. Anh có vẻ đi nhiều, viết nhiều và thể nghiệm trên nhiều thể loại thơ. Ở bài nào của anh cũng toát lên sự yêu đời, yêu người. Dù đó là bạn đồng ngũ, là bạn qua facebook, là hàng xóm, là người… chưa hề quen biết. Anh có sự đắng đót qua những dòng nói về tình yêu, về thế sự:

Nhâm nhi chén rượu trên tay
Nỗi niềm nặng trĩu những ngày chiến tranh…
( Mùa xuân nhớ về đồng đội- Nguyễn Khoan)

Anh cũng có một dạng đắm say rất triết học. Yêu nhau rồi mà đêm ngày vẫn khát khao, một ngày nào đó, nắng hay gió sẽ đưa Tình Yêu đến. Theo đó ta thấy rằng cái say đắm hôm qua, hôm nay vẫn chưa là gì so với cái say đắm của ngày sắp tới!

Với những gì đã có trong vốn sống, vốn thi ca, chúng ta có quyền hy vọng ở Nguyễn Khoan những mùa say đắm nồng nàn ở những năm tháng tiếp theo.

Ta gặp trong MÙA ĐẮM SAY một sự dịu dàng nhưng không kém phần cháy bỏng của tâm hồn thi sỹ Mỹ Hạnh. Mỹ Hạnh có cái lãng đãng của một người thả mộng. Lại có cái lơ ngơ đặc trưng của kẻ mộng du…

Khi thì Mỹ Hạnh như thở dài:

Cung điện mênh mông hoang vắng tứ bề
Trong lộng lầy hạt tình yêu chẳng nở…”

Khi thì Mỹ Hạnh như run lên với Hoa cỏ:

“ Một chút thôi gặp mùa xuân cũng nhú
Vẫn rộn ràng khiêu vũ cùng bướm ong…”

Thế rồi Mỹ Hạnh thả hồn thơ với tiếng khèn, với cỏ lông chông, với thác, với múa xoè, với yếm thắm… Một tâm hồn đa cảm, đa sắc, đa thanh – với sự đắm say của thi sỹ như thế, chắc rằng Mỹ Hạnh sẽ còn nhiều duyên nợ với thơ và ta tin rằng chị sẽ có những bước tiến dài trong thơ.

Với Lê Gia Hoài, tác giả đã có ý thức chọn tứ rõ ràng và chọn hình ảnh khá tiêu biểu cho các bài thơ của mình. Khi tác giả còn là sinh viên, đã ngẫm nghĩ rất nhiều khi ngày chia tay bạn học, quyết không ghi một dòng lưu bút nào để tờ giấy trắng trong. Để rồi vào thơ, nên thơ chính là “…mối tình trắng trong, yêu lặng thầm nhưng quá đỗi nồng say…”. Để rồi đến sau này tác giả đã không còn thời lặng thầm nữa, đã có nhiều va vấp trong đời, nhưng vẫn có cái nhìn rất thơ đối với tình yêu của mình:

Khi bước chân em về ngang lối vắng
Cả trời chiều như cũng muốn qua sông...”
(Mùa xuân trong em- Lê Gia Hoài)

Tiếc rằng thơ Lê Gia Hoài đôi bài vẫn trĩu xuống vì bị những câu, nhất là một số câu kết, chưa thơ, cần có sự cất cánh hơn lên.

Bây giờ phát hành thơ thì nhiều cách lắm. Poto rồi truyền tay, nhắn tin rồi lưu trên mạng. Lại tung lên facebook và họa thơ nhau… Bốn người bạn cũng quen nhau qua mạng Facebook, rồi tự kết nối, tự động viên nhau làm thơ, rồi rủ nhau in chung một tập. Như một kỷ vật. Tôi nghĩ rằng TÌNH BẠN, TÌNH THƠ, TÂM HỒN THƠ đó chính là những hạt vàng của những người yêu thơ và sống với thơ.

Vậy khi tình bạn ấy, tình thơ ấy cất nên lời thì sao không thể là một mùa say đắm làm say đắm lòng bạn đọc? Tôi mừng cùng họ và cũng mừng cho thơ Việt. Qua bốn người bạn cẩn trọng chọn lọc thơ mình để có một tập thơ in chung, đủ nói lên họ không dễ dãi trong công việc sáng tạo đầy thi vị nhưng cũng đầy nhọc nhằn này.

Tôi muốn mượn 2 khổ thơ trong bài Tiễn Thu của Lê Gia Hoài để kết thúc bài viết này. Bởi đọc xong tập thơ, tôi có cảm giác sắp chia tay một mùa đẹp nhất trong một năm- Mùa Thu.

… Em về qua ngõ vắng
Cho thu chiều nhạt phai
Nón chênh chao nhịp nắng
Lòng em thương nhớ ai

Một mình ta buông lơi
Trên sân trường im vắng
Cơn mưa lòng trĩu nặng
Tiễn mùa thu qua trời…
(Tiễn thu- Lê Gia Hoài)

Chúc các tác giả tiếp tục say đắm vì thơ. Mừng cùng Lê Gia Hoài nối được nghiệp của Thầy. lại còn mở rộng biên độ cả trong thơ và cả trong đời. Chúng ta hy vọng và lại chờ một mùa thu – Mùa say đắm của các bạn thơ- của năm sau.

Vĩnh Yên, đầu tháng 7 năm 2017

Đỗ Hàn