Mua được NHÀ SAU LƯNG PHỐ, nghiền ngẫm từng câu chữ ở ngôi nhà tinh thần này, tôi tự cho rằng mình đã phần nào hiểu được Hải Thanh – một nhà thơ thành danh, lâu lắm rồi đã thành người Phố, nhưng suốt đời vẫn trăn trở, tìm mọi phương cách để níu giữ, che chắn và chấn hưng HỒN CỐT CỦA LÀNG.

Hải Thanh – Nhà thơ thì ai cũng biết. Giới Văn chương nước Nam này đâu lạ lẫm gì cái ông thi nhân có vẻ ngoài cao ngạo, quê một cục, nhưng thơ của anh thì các bậc túc nho cũng phải vò đầu ngẫm ngợi, mới nhận chân được cái ý tứ sâu xa trong từng âm tiết, từng thanh trắc, thanh bằng… Rồi đến khi Hải Thanh “ngoại tình’’ với văn xuôi, thì đến lượt không ít cây bút văn xuôi có thương hiệu, cũng phải ngả mũ, bái nể !

Cũng giống như thơ, tản văn của Hải Thanh ắp đầy những nỗi niềm thế sự – nỗi niềm của một con người luôn thấy mình mắc nợ Quê hương!

Với ba mươi tư tác phẩm, dù phản ánh trực diện hay gián tiếp, chủ đề của nó đều thấm đẫm Hồn Làng – Cái Hồn quê đã sinh dưỡng Hải Thanh; kết tinh trong máu thịt, tâm não anh suốt thời thơ ấu (cái thời cơm chẳng đủ ăn, áo chưa bao giờ đủ mặc) cho đến tận giờ, khi anh đã trở thành một nhà thơ có tên tuổi, một quan chức văn chương, cư ngụ lâu năm giữa lòng phố thị, nhưng hồn vía vẫn neo đậu nơi Làng; mỗi khi viết về Làng thì tất cả sự yêu thương, trân trọng lại dâng trào, mặc dù đôi khi anh thể hiện bằng cái vỏ ngôn từ khá cay đắng, lạnh lùng. Nói như anh tự bạch: “Từ những trang viết trằn trọc, vật vã, kể cả oán trách, tôi đã viết về con người với tất cả sự trân trọng, yêu thương.

Đọc xong Nhà sau lưng phố, tôi nói với Hải Thanh rằng: Tản văn mà chẳng tản mạn, hời hợt chút nào. Mỗi tiểu phẩm đều đậm đặc cốt truyện giàu kịch tính; đủ yếu tố để phân cảnh thành một bộ phim truyền hình dài tập; một cuốn tiểu thuyết ăn khách, mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại… Lời lẽ tuy giàu chất triết lý, nhưng lại giản dị; rất ít những thủ pháp tu từ; cũng không chọn những chủ đề đao to búa lớn, mang tầm vĩ mô vời vợi; mà chỉ với những vấn đề (thậm chí chi tiết ) tưởng như vụn vặt, xưa cũ (tỷ như  chuyện hạt thóc giống, tiếng ếch kêu, tiếng con cuốc cuốc, ký ức về những viên bi, hay cả đến chuyện cái bú tý…) song bằng  cái giọng điệu tưng tửng, bằng bút pháp tả thực, đôi lúc pha chút trào lộng (satire) nhưng bản lĩnh, sâu cay… Hải Thanh đã đưa người đọc đến tận cùng từng số phận người, số phận làng quê Việt trong cuộc thiên di đầy hứng khởi nhưng cũng ăm ắp nỗi buồn ở cõi nhân gian, mà các tiểu phẩm Nhà sau lưng phố; Tên làng; Phút giây huyễn hoặc;  Làng lưng chừng núi; Tết đến, nghĩ về mẹ… là những minh chứng điển hình.

Nhân vật xuyên suốt trong tập sách này, cũng không có ông to, bà lớn nào chiếm trọn vài dòng chữ; mà đa phần là những nông dân chân lấm tay bùn, quê mùa đến cả tên gọi, thật thà tới mức ngây ngô… Trong nhãn quan Hải Thanh, họ tốt bụng như không thể tốt hơn; có khát vọng làm giàu, yêu đất, yêu Làng như yêu người ruột thịt, nhưng cũng không ít thói hư tật xấu ở đời. Và những thói hư, tật xấu ấy đôi khi lại bắt nguồn từ những kiến giải rất hồn nhiên về thân phận, về xã hội… Do vậy, xét ở phạm trù nào đó, những con người như thế, theo Hải Thanh, cần sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, hơn là oán trách họ !

Còn gì xa xót bằng, khi làng sau lưng phố, áp tai nghe rõ tiếng phố cựa mình, thì ngỡ rằng, rồi đây cậy duyên sẽ có má hồng ? Ai dè, má hồng đâu chưa thấy; chỉ thấy thứ phấn son ngoại lai đã sớm lòe loẹt thôn làng; chỉ thấy cái mặt trái: nhố nhăng, lộn xộn, cả tệ nạn nữa của phố phường nhanh chân ập về Làng trước. Bởi thế, dù trên cổng làng đã có rất nhiều lỗ hổng được vá kỹ, nhưng nhìn lâu thì vẫn không thể nào giấu được sự lem nhem.

Từ đây ngộ ra một điều : Không phải ở đâu, với ai, phạm trù nào, vật chất cũng thay thế được văn hóa, cũng mang tới hạnh phúc. Trái lại, nếu thiển cận, hợm hĩnh nó sẽ tạo ra sự kệch cỡm, chắp vá, làm vấy bẩn Hồn Làng. Bởi theo Hải Thanh  “cái gì không gắn với gốc gác xưa, dù có cố ép nài thì vẫn chỉ như là cuộc hôn nhân không giá thú”. Đó là chưa kể “khi thương mại hóa một nền văn hóa tâm linh, nếu không biết gìn giữ và trang trải nguồn sáng yêu thương, một ngày nào đó con sẽ bơ vơ ở chính quê mình”.

Là người trọng Nếp nhà, Hải Thanh đau đớn khi thấy nhân cách Làng bị xúc phạm, bởi có những kẻ dị hợm, muốn đổi tên Làng thành tên dòng họ nhà mình, chỉ vì họ cậy đã tặng Làng một ít tiền để sửa sang đường xá (trong Tên làng ). Cứ cái đà này, nếu không sớm nhận diện, thì đến một ngày nào đó, không ít tên làng, tên xã, tên huyện…sẽ chỉ còn trong cổ sử, bởi một lũ trọc phú, ngộ nhận tiền có thể mua được tất cả .

Khen thay người dám nói những điều này bằng văn tự phải có dũng khí, có cái Tâm đủ lớn, mới chỉ mặt, đặt tên những kẻ ngụy quân tử, háo danh trong cuộc đời này.

***

Đọc kỹ Hải Thanh, mới hiểu anh là người yêu Quê, thương Quê, hiểu thấu khát vọng đổi đời của Quê đến nhường nào. Ngay cả những lúc trà dư, tửu hậu, ngồi giữa  nhà hàng, quán ăn sang trọng,  tiếng đồng quê vẫn thao thiết nơi anh, để rồi ngỡ tiếng ếch kêu là tiếng nấc! Mặc dù có lần anh tự thú: “Thực lòng tôi đã quên gốc gác… Tôi chỉ còn nhớ những nhà hàng cười nói râm ran. Ở đấy, mùi gia vị bốc thơm ngàn ngạt…”. Hải Thanh nói vậy nhưng đâu phải vậy ! Bởi nếu quên gốc gác, thì anh đã chẳng chạnh lòng, lo xa, khi thấy “Tam Đảo đã được đầu tư rất nhiều cho du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, nhưng chính người dân Tam Đảo thì mấy khi qua đấy.Và anh lo lắng : “Khi những điểm đến này chủ yếu phục vụ người có tiền, thì người dân bản xứ dù cuộc sống được cải thiện đến đâu cũng chưa đủ sức. Càng khu du lịch tráng lệ càng là điều xa lạ với họ. Rồi, giữa phố phường đô hội, trái tim anh vẫn thảng thốt khi nhớ vế tiếng cuốc kêu khắc khoải thâu đêm: Tiếng cuốc cứ xoáy vào tri giác tôi câu chuyện về sự khát khao của con người suốt đời đi tìm lại cội nguồn thương nhớ. Mà nơi cội nguồn thương nhớ ấy, ngoại trừ ở làng quê, ở Mẹ, thì còn có ở nơi nao? Bởi gốc gác của Dân tộc này, chín mươi chín phần trăm làm nghề trồng lúa nước! Bởi như Trần Tiến nhạc sĩ đã từng thốt tiếng lòng: “Mẹ ơi thế giới mênh mông/Mênh mông sao bằng nhà mình /Dù cho phú quí vinh quang/Vinh quang sao bằng có mẹ”… Hải Thanh cũng vậy thôi, trong cả tập sách này, dù có những tác phẩm, anh không trực tiếp viết về người mẹ, song tôi vẫn nhận thấy hình dáng người mẹ “thân gầy lặn lội đường trơn/Liêu xiêu dáng mẹ trong cơn gió hàn” bao trùm lên mọi tác phẩm của anh, với tất cả sự biết ơn, niềm thương nhớ, và sám hối đong đầy… Rồi nữa, hình tượng người nông dân quê anh – những người như lão Khỏn, ông Cột, cụ Nóc, lão Nham… chỉ riêng tên gọi thôi đã quê kiểng đến tận cùng, những người mà “ khổ mãi thành quen, nếu có sướng chắc gì đã chịu nổi, nhưng dưới ngòi bút của anh, họ lại là những con người rất đáng trân trọng, đầy cảm mến. Mới hay, phải hiểu quê, hiểu làng lắm lắm, Hải Thanh mới có được sự thấu thị như thế !

***

Đọc Nhà sau lưng phố, thấy Hải Thanh trải cõi lòng mình về nhiều phương diện. Anh trở trăn về sự bất khả thi của những siêu dự án dọc sông Hồng; những đập thủy diện đang định đoạt số phận đồng bằng sông Cửu Long; lũ lâm tặc đang xẻ thịt rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên để vinh thân phì gia; những kẻ chủ mưu đầu độc biển… Anh lo cả chuyện: thân phận tiếng Việt về đâu khi phần nhiều thanh thiếu niên, những chủ nhân tương lai vẫn ăn ngủ cùng tiếng lóng?” Nhưng có lẽ canh cánh nhất trong lòng thi sĩ này là nỗi lo văn hóa làng, những mỹ tục của làng đang dần bị khuất lấp bởi mặt trái của cơ chế thị trường, bởi những mảng tối của phố phường, đêm ngày trùm lên làng xã… Bởi thế, anh thực sự vui mừng khi thấy lâu lắm rồi, làng mình mới có người to trở lại quê, vui vẻ sống những năm tháng cuối đời ở làng quê (trong Nếp nhà). Và anh hy vọng tết này, tết sau, anh, người làng anh, cả cụ nội nhà anh nữa, sẽ gặp lại “cô yếm thắm che môi  cười lặng lẽ trong phiên chợ tết đầu xuân, mà đã bao năm rồi chỉ tìm thấy trong thơ của Đoàn Văn Cừ thi sĩ! Gặp lại “cô yếm thắm”, điều đó đồng nghĩa với việc Hồn cốt của làng quê, văn hóa Làng vẫn còn được lưu giữ, được chấn hưng và trân trọng.

Có người bảo anh toàn lo chuyện bao đồng? Người tế nhị hơn thì mượn Kiều để bảo anh rằng “khéo dư nước mắt”… Tôi thì lại thấy tròn đầy một Hải Thanh giàu lòng trắc ẩn trước những số phận chưa may mắn ở cõi nhân gian bé xíu này; một Hải Thanh không bao giờ có mới nới cũ, không bao giờ chuộng ưa cái thói đời mặn này bõ nhạt ngày xưa. Hải Thanh không hoài cổ, càng không thích “ăn mày dĩ vãng”. Nhưng anh tựa vào những tinh hoa, ánh hào quang của quá khứ, để soi chiếu nó vào cuộc sống đương đại, từ đó gạn đục, khơi trong và hướng tới những điều CHÂN- THIỆN -MỸ trong đời. Bởi thế nếu đọc phiến diện, thấy Hải Thanh khi đặt bút khá nghiệt ngã, chua chát. Song bên trong lớp vỏ chữ nghĩa ấy của anh là một tấm lòng- một nỗi niềm sâu xa về Nhân thế. Bởi với anh, dù đi tận chân trời, góc biển, dẫu có làm bà lớn, ông to thì : “Quê nghèo ơi, thương nhớ tận bây giờ… Một cái nồi bánh chưng có năm đầy năm vơi, nhưng nó lại đưa người thân về sum họp”. Một người đa đoan như thế, chỉ động một chút ngôn từ nói đến chia ly là ai nấy đã đầm đìa nước mắtthì sao có thể vô tâm, vô cảm trước những éo le, bất hạnh của người đời!

***

Hải Thanh ở ngoài đời, cũng không mấy kiệm ngôn. Nhưng khi ngồi trước trang giấy, anh nghiêm cẩn đến từng ý, từng lời. Đọc kỹ 174 trang văn anh viết, tôi thấy thật khúc chiết, mạch lạc ,ý tại ngôn ngoại. Là nhà thơ, anh vốn thận trọng và khe khắt đến từng dấu chấm, dấu phảy, nay Hải Thanh đem theo sự kỹ tính ấy vào cả văn xuôi, nghĩa là tiết chế từng âm tiết. Văn anh giàu hình tượng, nói khác đi là giàu tính ẩn dụ, lấy chuyện vi mô để nói chuyện vĩ mô. Thành ra đọc tản văn của anh phải tư duy, phải soi kỹ hai mươi bốn chữ cái, để xem anh ký thác điều gì ? Nếu hời hợt, vô tâm, người đọc không thể thẩm thấu văn anh. Là người viết văn xuôi, tôi thích và nể trọng cách làm nghề như thế ở Hải Thanh. Và điều đó thêm một lần khẳng định: Trong lĩnh vực nghệ thuật, Hải Thanh rất tôn trọng bạn đọc, coi bạn đọc là tri kỷ của mình. Cũng chính bởi thế, khi mà xã hội đang có xu hướng xa rời văn hóa đọc, thì tôi và không ít bạn đọc lại không đủ dũng khí để bỏ lửng tập tản văn Nhà sau lưng phố đầy cuốn hút của anh.

Một ghi nhận nữa là, dù đã xuất bản từ 2017, nhưng đến tận giờ Nhà sau lưng phố vẫn nóng hổi tính thời sự. Những vấn đề về bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ môi trường; bồi giữ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong một nếp nhà, trong cả cộng đồng… thì muôn năm không bao giờ là xưa cũ. Cùng với Phố trong làng (một bộ phim truyền hình dài tập, của đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, đã công chiếu trên VTV1 từ năm 2021), các truyện ngắn: Đi qua đồng chiều, Trần gian biến cải, Làng Động… của Sương Nguyệt Minh, Xóm chùa Ông của Đoàn Lê, Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp… Nhà sau lưng phố của Hải Thanh đã để lại trong lòng bạn đọc những bài học đáng suy ngẫm về quan điểm xây dựng nông thôn mới Việt Nam, sao cho vừa hiện đại, hòa nhịp cùng cuộc Cách mạng 4.0, song vẫn kế thừa, bảo tồn và phát huy được những mỹ tục văn hóa làng, xã (nói cách khác là Hồn cốt Việt), vốn được cha ông ta từ ngàn xưa dày công vun đắp, giữ gìn.

Và từ suy ngẫm ấy, tôi tin rằng hiệu ứng từ tập sách Nhà sau lưng phố này của nhà thơ – nhà báo Hải Thanh sẽ lan tỏa sâu rộng trong từng ngõ vắng, thôn cùng của làng quê Việt, đặng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới Việt Nam văn minh, hiện đại, nhân bản và đậm đà bản sắc dân tộc.

                   ————————————————-

                   Chú thích: Những chữ in nghiêng trong bài viết này là trích trong tập tản văn Nhà sau lưng phố của tác giả.

Lã Thế Khanh - https://caphethubay.net/wp-admin/post-new.php