Tập thơ (Lời Bác lời non sông) của nhà thơ Lỗ Trọng Bường – Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc được NXB Hội Nhà văn ấn hành vào quý I/2022. Đây là tập hợp của 45 bài thơ viết về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những lần về thăm, nói chuyện với cán bộ Đảng viên và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc; cũng như tình cảm vô cùng to lớn của cán bộ, nhân dân Vĩnh Phúc dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Trong tập thơ tác giả đã dày công nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu để viết, để khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ chí Minh với những câu nói, những lời dạy hết sức ân cần thiết thực với cán bộ và nhân dân Vĩnh Phúc. Câu nói nổi tiếng của Bác vào ngày 2/3/1963 trước 16.000 cán bộ, Đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở Miền Bắc nước ta” đã được tác giả đặt in trang trọng trên đẫu mỗi trang sách.

Hình ảnh “Bác lên Tảm Đảo, Bác về xông đất, Lai Sơn ngày ấy Bác về, Lời Bác dạy…” là những hình ảnh vô cùng xúc động khi tác giả đã khắc họa một cách rõ nét và rất tinh tế về vẻ đẹp mộc mạc, giản dị nhưng rất đỗi thân thương trìu mến của Bác khi về với nhân dân Vĩnh Phúc thân yêu. Hình ảnh Bác hiện lên chủ yếu qua những lời dạy của Người với nhân dân: “Lời Bác là khúc ca dao/ Là câu tục ngữ dệt vào non sông/ Lời Bác chỉ lối dẫn đường/ Nông thôn no ấm, phố phường đẹp tươi”. (Lời Bác). Những lời căn dặn của Người như kim chỉ nam hành động cho mỗi cán bộ lãnh đạo cũng như nguồn sức mạnh to lớn tiếp sức cho mỗi người dân tiến lên phía trước chinh phục những khó khăn gian khổ để đi đến thắng lợi trọn vẹn. “Bác thăm nhà ở bếp ăn/ Bác dặn cán bộ, công nhân ân cần/ Khôi phục đất nước vươn tầm/ Gạt tấm đổ nát hoang tàn chiến tranh”. (Bác lên Tam Đảo) “Tổ đổi công dân phải vào/ Xây nông thôn mới giúp dân xóa nghèo”. (Bác về xông đất) “Bác khen cán bộ đi đầu/ Trẻ, già, trai, gái thi nhau cùng làm/ Làm ăn khấm khá, giỏi giang/ Hợp tác kiểu mẫu nhiều đoàn đến thăm” (Lai Sơn ngày ấy Bác về).

Bên cạnh hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, ân cần với những lời dạy bảo chân tình mà hết sức sâu sắc đã ngấm vào tâm tư duy, suy nghĩ mỗi người dân Vĩnh Phúc thì trong tuyển tập “Lời Bác lời non sông” còn là những tình cảm kính trọng, yêu thương chân thành của mỗi người dân Vĩnh phúc dành cho vị lãnh tụ kính yêu của đất nước, dân tộc mình. “Trái tim rộng lớn bao la/ Tình yêu là bạn là cha muôn nhà/ Là sao Khuê sáng Ngân Hà/ Thân thương vĩ đại đậm đà vĩ nhân” (Cha của muôn nhà). Mỗi người dân quê hương Vĩnh Phúc anh hùng đều cảm thấy rất đỗi vinh dự và tự hào khi được làm công dân dưới thời đại của Người. Mặc dù Bác đã đi xa nhưng những nỗi nhớ thương Bác vẫn luôn thường trực trong trái tim của mỗi người dân nơi đây. “Điển hình miền Bắc nước ta/ Vinh dự được đón cha già về thăm/ Bác dặn trồng cây phải chăm/ Toàn dân ghi nhớ chuyến thăm của Người” (Lạc Trung nhớ Bác). Không chỉ là nỗi nhớ thương mà còn là lòng biết ơn sâu sắc những công ơn to lớn của Bác dành cho quê hương, người dân Vĩnh Phúc. “Vĩnh Phúc đâu cũng xanh tươi/ Làm theo lời Bác người người trồng cây/ Mùa vàng quả chín vàng sây/ Dâng hương ngào ngạt lòng đầy nhớ ơn” (Ơn Người).

Nỗi niềm nhớ thương ấy, lòng biết ơn sâu sắc ấy đã biến thành hành động để các Cấp ủy và nhân dân hôm nay tiến lên xây dựng Vĩnh Phúc trở nên “giàu có, phồn vinh” như lúc sinh thời Người hằng nhắc nhớ. Trong bài thơ (Vĩnh Phúc làm theo lời Người) nhà thơ Lỗ Trọng Bường đã thể hiện rõ nét những thành công của Đại Hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III vào ngày 16/07/1963. Hãy đọc khổ thơ này để thấy rõ niềm vui, niềm hân hoan của toàn Đảng, toàn dân khi lĩnh hội được ý kiến của Bác để xây dựng Vĩnh phúc ngày càng phát triển. “Làm tốt Đại Hội thành công/ Đó là ý Bác non sông mong chờ/ Bác ơi từ đó đến giờ/ Giương cao ngọn cờ Vĩnh Phúc đi lên”. Thật tự hào khi Vĩnh Phúc hôm nay đã là một trong những ngọn cờ đầu trong phát triển trên đất nước ta!

Học tập và làm theo Bác, mỗi tổ chức đoàn thể, mỗi Đảng viên, mỗi người dân Vĩnh Phúc có cách làm riêng thể hiện sự năng động, sáng tạo vốn có của người Vĩnh Phúc để từ đó đạt được những kết quả cao nhất trong công việc. Nếu (Yên Lạc làm theo lời Bác) là hình ảnh một miền quê yên ả, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc nhờ chương trình “Nông thôn mới”:“Năm mươi năm Bác đi xa/ Những lời Bác dạy mãi là nước non/ Trồng cây xanh xóm xanh làng/ Xây nông thôn mới đời càng ấm no”, thì (Một đời học Bác) lại là hình ảnh người mẹ già làm công việc buôn bán phế liệu đã quyết tâm thực hiện lời Bác dạy theo một cách rất riêng và mẹ đã thành công, mẹ đã nuôi ba con của mình thành tài: “Sắt, nhôm, đồng, nhựa, ni lông/ Ai có phế liệu bán không? Mua nào…/ Học Bác mẹ cố vượt lên/ Phải cần phải kiệm kế bền tương lai…/ Mẹ thường hay nói câu này/ Già đây học Bác từ ngày còn thơ”. Một cách thể hiện hình ảnh rất mộc mạc mà sự lan tỏa lại vô cùng to lớn. Có thể nói nhà thơ đã rất may mắn khi được sống và viết bên cạnh những tấm gương cao quý mà bình dị như vậy.

Bên cạnh sự thành công về chủ đề “Học tập và làm theo lời Bác” thì tuyển tập (Lời Bác lời non sông) cũng đã một phần khắc dấu vào lòng người đọc về những giá trị nghệ thuật, thể hiện năng lực sáng tạo khá độc đáo của tác giả. Thể thơ lục bát – thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam được tác giả sử dụng một cách nhuần nhuyễn, chau truốt kết hợp hệ thống thi ảnh mộc mạc giản dị và khả năng tả, cảm hết sức tinh tế đã làm mỗi người đọc cảm thấy hứng thú khi tiếp cận với tác phẩm. Mong rằng, với cảm hứng đã có và với tình cảm thiêng liêng, đặc biệt của người Vĩnh Phúc dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà thơ Lỗ Trọng Bường sẽ tiếp tục cho ra đời những bài thơ hay hơn nữa về Bác Hồ trong tương lai.

Cầm Sơn