Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng viết rằng: “Nỗi sợ lớn nhất là không biết sợ gì”. Điều đó rất đúng. Mỗi người chúng ta đều nên mang trong mình một vài nỗi sợ nhất định để tự “răn” mình. Bởi nỗi sợ ở đây không đồng nghĩa với hèn nhát mà sợ để mình biết cố gắng, sợ để sống tốt hơn.

Thật vậy, khi con người biết sợ sẽ không xảy ra quá nhiều những chuyện thương tâm, đau lòng như con cái bất hiếu với cha mẹ, vợ giết chồng, bố mẹ bạo hành con cái, ngoại tình, cướp của giết người,… mà báo chí hàng ngày vẫn đưa tin.
Vì sợ cha mẹ buồn phiền, lo lắng mà người con biết nghe lời, sống có trên có dưới, có trước có sau, luôn cố gắng phấn đấu, rèn rũa bản thân để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Cha mẹ sẽ vui biết mấy khi có những đứa con ngoan. Gia đình sẽ luôn tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc.

Vì sợ học sinh không hiểu bài nên người giáo viên sẽ luôn cố gắng tìm hiểu, lựa chọn những cách giảng dạy phù hợp, dễ hiểu nhất đối với học sinh của mình. Lớp học sẽ trở nên thoải mái, không còn là những giờ học căng thẳng, nhồi nhét kiến thức mà sẽ là sự tự lĩnh hội.

Đừng thất bại chỉ vì không thể vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân

Người bán hàng ăn sợ ít khách, lo cho sức khỏe của người tiêu dùng nên luôn cố gắng lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, chế biến cẩn thận, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bán hàng bằng cả cái tâm thì chắc chắn chiếm được cảm tình của khách hàng. Anh ta kiểu gì chẳng làm ăn tấn tới.

Nếu biết sợ nhỡ có tai nạn xảy đến với mình khi tham gia giao thông, người thanh niên ngổ ngáo nào đó sẽ đội mũ bảo hiểm hẳn hoi; không đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu; không vừa lái xe băng băng trên đường vừa bấm điện thoại,… Như vậy sẽ chẳng thể có những tai nạn đáng tiếc cho chính bản thân anh ta và người khác.

Sợ gia đình tan vỡ, sợ những đứa con mất đi tổ ấm của mình, những người vợ, người chồng sẽ luôn có ý thức vun vén hạnh phúc, sống chuẩn mực, sẽ không có chuyện bồ bịch, ghen tuông. Một gia đình hạnh phúc sẽ là cái nôi nuôi dưỡng của những tâm hồn thiện lành, là cội nguồn của mọi thành công.

Rõ ràng khi biết sợ con người sẽ sống tốt hơn. Vậy mà nhiều người đã không biết sợ là gì. Họ ngụy biện rằng sợ hãi là hèn nhát để rồi sống buông thả, để tự do cho “bản năng tà ác” ngoi lên, sai khiến họ làm những điều sai trái, gây ra những hậu quả không thể lường trước cho chính họ và những người xung quanh.

Ngày trước, ông cha ta sợ mất nước, sợ sống trong vòng nô lệ nên đã anh dũng đứng lên đánh đuổi giặc thù. Nỗi sợ đó biến thành lòng căm giận ngút trời, thành sức mạnh đoàn kết vô biên. Nỗi sợ sống chết lúc này sẽ chẳng còn là gì so với nỗi sợ sống nhục, sống quỳ. Họ sẵn sàng hi sinh cả tuổi xuân, sự sống của mình để giành lại tự do cho Tổ quốc.

Trong tình hình dịch bệnh đang hoành hành khắp nơi như hiện nay, biết sợ lại càng là điều cần thiết đối với mỗi người dân. Sợ bị lây bệnh, sợ bị cách ly, sợ cuộc sống bị đảo lộn. Sợ để tiết chế mọi hoạt động, kìm nén mình; biết tuân thủ quy định 5K. Sợ để cùng nhau quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tìm lại nhịp sống yên bình như đã từng.