“Mấy khi vui vẻ thế này. Vui tày đám hỏi đốt cây nhang trầm. Lòng yêu, yêu vụng nhớ thầm … điếu đổ lăn xe … Yêu ai thì quyết chớ nghe người dèm…”.

Mấy câu quan họ vang lên giữa trời đất Kinh Bắc làm xao xuyến biết bao du khách thưởng ngoạn ghé qua nơi đây. Cùng với Chầu văn, Ca trù, Hát dặm, Hát xoan,… Quan họ như một bông hoa xứ Bắc cùng đua nở trong vườn hoa những làn điệu dân ca Việt Nam. Cái luyến cái láy, cái ngân nga từng nốt ở làn điệu ấy sao mà mê hoặc và bắt tai đến thế. Tâm tình người con Bắc Ninh như được chuyển vào từng câu ca, từng khuông nhạc, để rồi vang lanh lảnh như dịu dàng gọi mời hay hờn dỗi trách móc. Từ đấy mà cả một bầu trời đời sống sinh hoạt văn hóa dân gian đồng bằng Bắc Bộ gắn chặt với làn điệu ấy tựa một chất keo kết dính không thể tách rời.

Quan họ là một làn điệu đặc biệt khởi nguồn và phát triển ở đất Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng sông Cầu chảy qua được gọi là “dòng sông quan họ”. Tuy xuất phát điểm từ cả Bắc Giang và Bắc Ninh, nhưng làn điệu quan họ được mọi người biết đến nhiều nhất ở Bắc Ninh. Đây cũng là địa phương còn gìn giữ và phát huy làn điệu quan họ cho những thế hệ sau này. Đặc biệt, với nỗ lực thúc đẩy du lịch văn hóa, vào năm 2009 Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO đã ghi danh Dân ca quan họ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề nguồn gốc tên “Quan họ”. Nhiều người cho rằng nên phân tích những tiếng cấu thành từ “Quan họ”, từ đó họ suy luận ra làn điệu này gắn với những âm nhạc cung đình khi xưa, hoặc gắn với tích ông quan nọ ghé chơi qua đất Kinh Bắc rồi say mê làn điệu biểu diễn bởi các liền anh, liền chị (họ) nên mới đặt tên như vậy. Tuy nhiên, nếu xét về hình thức trình diễn, cách thức tổ chức và giao lưu, nhiều người lại cho rằng quan họ khởi đầu từ nghi lễ tôn giáo dân gian mang tín ngưỡng phồn thực chứ làn điệu này không phải xuất phát từ âm nhạc cung đình. Nhưng tất cả những ý kiến trên vẫn chỉ là của một bộ phận nhỏ những người nghiên cứu về quan họ. Cho đến nay, Quan họ không chỉ lối hát giao duyên giữa liền anh và liền chị mà còn là một môn nghệ thuật biểu diễn trao tâm tình đến với khán giả. Đặc biệt, quan họ còn có lối hát đối đáp tùy theo kịch bản hay tự ứng biến của hai bên. Trên các lời ca cũ, các liền anh, liền chị có thể ứng tác đặt lời để đổi giọng, đối nghĩa. Với 213 giọng điệu khác nhau, Quan họ có tổng số giọng điệu cao nhất trong các làn điệu dân ca ở Việt Nam.

Quan họ Bắc Ninh là sự sáng tạo nghệ thuật trong việc xử lý mối quan hệ giữa ca từ và âm nhạc, làn điệu. Mỗi đoạn giọng (giai điệu âm nhạc) đều có lời ca riêng phù hợp. Với việc sử dụng thuần thục những kỹ thuật như vang, rền, nền, nảy, dân ca quan họ đã đạt đến một mức độ nhuần nhuyễn nhất định. Khi hát đối đáp mỗi cặp nam hay nữ sẽ phân công người hát dẫn, người hát luồn, song giọng của hai người phải luôn hòa âm, tưởng hai mà một. Riêng với việc hát đối đáp, một cặp nam nữ sẽ là những nhân vật chính đưa đi đối lại những câu hát đầy tâm tình. Trai của làng này hát với gái của làng kia với chất giọng đối nhau và ca từ riêng biệt. Cùng những chủ đề như tình yêu nam nữ, những lời ca mộc mạc ấy đã vượt qua cả ngưỡng độ của trình diễn nghệ thuật mà đi vào đời thực như những lời tâm tình tự sự của chàng trai cô gái đang đương độ xuân nồng, tìm đến nhau và yêu nhau nhưng còn e thẹn khó nói. Nhưng tình yêu không phải là chủ đề duy nhất mà những làn điệu quan họ khai thác. Ở đó, ta được đắm mình vào nỗi buồn man mác sâu lắng khi chia xa, nỗi vui mừng khôn xiết đến thổn thức con tim của những lần hội ngộ. Chính từ việc chạm đến cảm xúc sâu thẳm qua làn điệu dân ca, Quan họ Bắc Ninh đã chinh phục được trái tim của biết bao thế hệ con người. Tuy là vậy, cần phải có sự phân biệt rõ ràng giữa những làn điệu Quan họ truyền thống và những làn điệu mới. Nếu những điệu dân ca mới đây được sáng tạo với mục đích tuyên truyền, trình diễn và thương mại hóa thì Quan họ truyền thống chỉ còn tồn tại ở vỏn vẹn 67 làng trên đất Kinh Bắc ngày nay. Đây là tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am hiểu và tuân theo luật lệ. Vì vậy, người dân thích “thú chơi Quan họ” hơn là “hát Quan họ”. Hát là trình diễn, là phô diễn nghệ thuật, nhưng thú chơi ở đây thì lại là một khía cạnh hoàn toàn khác. Người dân chỉ “chơi” Quan họ trong những dịp lễ đặc biệt, không nhạc, không loa, liền anh liền chị đối đáp nhau qua lại, vừa là người trình diễn mà cũng vừa là người thưởng thức.

Để thưởng thức một làn điệu Quan họ thì ngoài thanh âm luyến láy, trang phục cũng góp phần không nhỏ để truyền tải thông điệp thêm trọn vẹn. Liền anh và liền chị đều sử dụng những trang phục truyền thống mang đậm bản sắc dân gian. Trang phục của liền anh thường đơn giản hơn liền chị rất nhiều, thường là áo dài năm thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Áo dài bên ngoài chủ yếu là màu đen, chất liệu là lương, the hoặc đối với người khá giả hơn thì may áo kép. Quần thường có màu trắng, ống rộng, may dài tới mắt cá chân, chất liệu chủ yếu là diềm bâu, phin, trúc bâu hoặc lụa truội màu mỡ gà. Trước kia nam giới vùng này hay để tóc búi tó nên dùng khăn nhiễu để vấn tóc lên, tuy nhiên xã hội thay đổi, ngày nay liền anh thường mua khăn xếp để vừa tiện mà vừa phù hợp với mọi loại tóc khác nhau. Ngoài ra, liền anh còn tự chuẩn bi những tư trang cho mình như một chiếc ô, một chiếc khăn tay hay một cái lược nhỏ – những đồ vật nhỏ bé, thường nhật nhưng truyền tải câu chuyện vô cùng hợp lý. Trái ngược với các liền anh, trang phục của các chị có phần độc đáo hơn, màu sắc hơn nhưng cũng không kém độ trang nhã và dịu dàng. Trang phục của liền chị thường được gọi là áo mớ ba mớ bảy, có nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo lồng vào nhau, hoặc bảy mớ áo dài lồng vào nhau. Trên thực tế, các chị thường chọn mặc ba áo, lót bên trong là chiếc yếm màu sặc sỡ làm bằng lụa truội nhuộm, bên ngoài là áo dài năm thân. Chiếc áo dài này có cài khuy, khác với kiểu tứ thân thắt hai vạt trước. Áo ngoài cùng mang tông màu trầm và nền nã hơn như nâu, đen, đi kèm với váy sồi, váy lụa. Người biết mặc váy khéo là không để cho váy hớt trước, không để váy quây tròn lấy người, mà phải biết cách thu xếp sao cho phần váy phía trước rủ xuống hình lưỡi trai, dài gần tới mu bàn chân. Ngoài ra, một tư trang quen thuộc của các liền chị mà không thể không kể tới là chiếc nón quai thao, hay như xưa còn được gọi là “ba tầm”. Chiếc nón đặc biệt này thường được lợp bởi lá cọ hoặc gồi, có hình dạng như cái lọng hoặc tai nấm, đỉnh phẳng, đường kính rơi vào khoảng từ 70 – 80cm. Vì vốn là một hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân từ ngàn xưa, chiếc nón ấy cũng đã đi vào những điệu Quan họ nổi tiếng:

“Trèo lên quán dốc ngồi gốc í a cây đa,
Rằng tôi lý ối a cây đa
Rằng tôi lới ối a cây đa,
Ai đem ôi à tính tang tình rằng
Cho đôi mình gặp
Xem hội cái đêm hôm rằm rằng tôi lý ối a cây đa
rằng tôi lới ối a cây đa
Chẻ tre đan nón, kìa nón í a ba tằm
Rằng tôi lý ối a ba tằm
Rằng tôi lới ối a ba tầm
Ai đem ôi à tính tang tình rằng,
Cho cô mình đội

Xem hội cái đêm trăng rằm rằng tôi lý ối a tháng Giêng
rằng tôi lới ối a tháng Giêng”.

Chung quy lại có thể thấy, từ những ca từ mộc mạc, từ đời sống văn hóa tinh thần đầy màu sắc, Quan họ ra đời như một thú chơi, rồi sau này trở thành một loại hình dân ca trình diễn nổi tiếng. Thưởng thức Quan họ là thưởng thức một lối sống thường nhật với thanh âm ngọt sắc đan lát vào từng lời ca, là say mê trước liền anh liền chị áo quần sặc sỡ duyên dáng. Đấy là đỉnh cao của nghệ thuật, là sự thăng hoa của đời sống đến ngưỡng độ cao nhất. Về với Bắc Ninh là về với Quan họ, về với một biểu tượng cổ truyền vẫn đang ngày ngày được gìn giữ, phát huy và lan truyền từ đời này đến đời khác. Là một di sản văn hóa thế giới, làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa đóng góp vào tầm nhìn và nhận thức âm nhạc truyền thống cấp độ địa phương, vừa là cầu nối giữa người dân Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè ngoài nước. Mong rằng trong tương lai, với việc đẩy mạnh truyền thông và bảo tồn làn điệu dân ca Quan họ, giới trẻ sẽ tiếp bước cha ông ta tiếp nhận vốn quý này và đưa nó lên một tầm cao mới.