Cuộc sống vẫn loay hoay trong vòng mưu sinh chóng mặt. 365 ngày toan tính những vụn vặt đời thường. May còn có tết để người ta sống chậm lại, biết ngoái nhìn quá khứ để mà yêu thương nhiều hơn. Một đất nước bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước, của văn hóa Á đông; nếu không còn vị tết rồi sẽ như thế nào?! Từ thuở vua Hùng dựng nước, Lang Liêu với giấc mơ tiên mà có bánh chưng, bánh giầy dâng cúng tổ tiên để cởi bỏ chiếc áo nhuộm bùn nâu mặc áo quân vương thì tết đã ngọt ngào hương vị. Đâu chỉ là dịp để tưởng nhớ cội nguồn, quây quần sum họp. Đâu chỉ là dịp vui chơi, thăm viếng nghĩa tình. Cao hơn những thứ niềm vui vật chất và tinh thần ấy, tết đã trở thành linh hồn Việt. Chẳng phải thế mà có bao nhiêu từ phái sinh từ nó như ăn tết, chơi tết, chúc tết, vị tết… Và cũng không dưng mà lòng ta, đã mấy chục năm qua, mỗi lần tết đến, lòng lại không nguôi tưởng nhớ về hình ảnh người chị gái đã khuất trong sự bùi ngùi xót xa.
Thuở ấy, là cuối những năm 80 đầu những năm 90 thế kỷ trước, làng quê mình còn nghèo lắm. Đường làng vẫn dáng mẹ bấm bàn chân Giao Chỉ tóe máu những ngày mưa trơn trượt. Hoa xoan vẫn rắc tím ngõ quê. Cha ta vẫn tước lá mía khô để đan vài tấm tranh vá lại mái nhà dột nhiều sau mùa mưa bão. Lũy tre làng vẫn oằn cong trĩu xuống như những toan tính mưa nắng cùng kiếp người. Và những người con gái làng ta đã bắt đầu lác đác rũ bỏ chân bùn tay lấm tha hương làm thân cò thân vạc xứ người, bỏ mặc hội làng vắng ngẩn ngơ tiếng hát. Và sau mùa xuân năm ấy, chị gái ta cũng cùng đám bạn cùng lứa ra đi, đi mãi chẳng thấy ngày về. Tết lại sắp đến, chị có nghe lời em khấn nguyện, có biết lần theo mùi khói hương nồng ấm để về quê đón tết hay không ?

TẾT" Vietnam Lunar New Year Festival - Vietnamese cultures | Vietnam, Vietnam travel, Visit vietnam

Có phải con người khi càng lớn, niềm vui càng ít đi nên thường hay sống bằng hoài niệm để rồi những lúc ăn cơm mới nói chuyện cũ càng thêm nhớ quắt quay. Người xưa bảo: “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết. Giàu có đến ba mươi tết mới hay”. Nhà mình xưa nghèo lắm, nghèo đến nỗi chị em mình ước ngày thường được ăn bữa cơm trắng không độn khoai cũng thành điều xa xỉ. Con đông, việc ít, chỉ trông chờ vài ba sao ruộng khoán nên cả nhà luôn đầu tắt mặt tối quanh năm. Chị em mình cứ mong ngóng đến mùa hoa tàu bay nở, đợi tết về để được ăn một bữa cơm có cá thịt, mặc chiếc áo tinh tươm cất trong rương cả năm.
Tết năm ấy, nhà mình vui khi chị gái đầu lấy chồng. Anh rể tài hoa khéo léo của nghề làm mộc đi khắp nơi trở về cùng chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới tinh, cho các dì và cậu mượn đi chơi tết. Mấy chị em, ai cũng muốn được sở hữu chiếc xe để du xuân vơi tất cả sự thèm thuồng và hãnh diện. Dù đã được cha phân công theo từng buổi thế nhưng chiều mồng 3 tết, vì lỡ khoe và hứa cùng đám bạn nên em đã dành lượt của chị. Em khóc lóc, mè nheo cha nên cuối cùng chị phải nhường cho em. Em hí hửng đi chơi mà đâu biết rằng ở nhà chị ngẩn ngơ buồn. Đâu biết rằng hôm ấy chị đã hẹn sang nhà “người ấy” để xem tình hình và thăm dò ý tứ trước khi chia tay để vào Nam xin việc.
Rồi chị ra đi. Lên xe, chị còn ngoái lại chào cha mẹ, nhìn em với ánh mắt vừa bao dung vừa buồn bã. Có ngờ đâu đó là khoảnh khắc em được nhìn chị lần cuối cùng. Vụ tai nạn ở xứ người đã cướp mất người chị dịu dàng, xinh đẹp, giỏi giang của em. Lúc ấy em chưa đủ lớn khôn để hiểu được tận cùng nỗi đau của sự mất mát, chưa hiểu được tiếng khóc thút thít đêm đêm của mẹ, chưa hiểu được vì sao trong khuya khoắt khi em chợt tỉnh dậy, vẫn thấy bóng cha ngồi trầm ngâm trước hìên nhà.
Mỗi khi tết về, dù đã già yếu, mắt mờ chân chậm, vậy mà mẹ vẫn dành tâm sức nấu món cá thửng (cá mối) kho mật, làm món bánh biến mà chị yêu thích thuở sinh thời. Mỗi khi tết về, trong tiếng rì rầm, nghẹn ngào khấn vái của em, chị có nghe những lời thương nhớ ? Ở cõi khác, với lòng bao dung, chắc chị không còn trách em nữa mà sao lòng em cứ day dứt không nguôi. Rồi mỗi khi tết về, ngoài những hương vị quen thuộc của làng quê, sao em vẫn còn nghe thấy mùi hương bồ kết trên mái tóc chị ngày nào, còn nghe thấy vị nồng ấm của nồi nước lá sả, hương nhu chị chuẩn bị cho em tắm buổi tất niên…
Mùa xuân lại về, bên nhà hàng xóm tiếng nhạc xuân rộn rã lời chúc, nơi đầu làng bao người thân đang ngóng đợi người xa về. Bần thần lòng chạnh nhớ thương, em chợt nghe vang vọng đâu đây lời hát “Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng thăm quê. Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô. Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mênh mông. Chị tôi chưa lấy chồng…” (Chị tôi – Trần Tiến)