Rồi chúng tôi cũng đến mảnh đất Tiểu Cần anh hùng, dù trễ hẹn mấy tháng vì lí do khách quan. Nhưng biết đâu, sự trễ ấy lại thành một nỗi thao thức lớn hơn trong đoàn văn nghệ sĩ Trà Vinh được về thăm lại. Đúng thế! Trong cuộc đến này, với nhiều người, là sự trở về. Không kể mấy anh em vốn quê Tiểu Cần. Còn lại, nhà văn Trần Dũng từng trải gió phơi sương những ngày mảnh đất Tiểu Cần còn cùng cực. Bao chiều anh đã ngắm ánh hoàng hôn lẳng lặng chìm “Theo sóng Cần Chông” để “Trò chuyện cùng dòng sông” nước lớn nước ròng. Nhà thơ Hồng Băng nhớ mặt đặt tên mỗi con đường tấc bóng. Như đã thành quen, ai cũng nhại mấy câu hát của nhạc sĩ Huy Phương trong “Tiểu Cần một khúc tình ca” trước khi khám phá mảnh đất này, trước khi được chìm đắm miên man bất tận theo nhịp chảy của sóng Cần Chông:
Tiểu Cần ơi, quê em nắng chảy trên sông.
Xôn xao tiếng ru giọng hò,
Nghiêng nghiêng những rặng dừa xanh
Anh về tìm em trong nắng,
Trao nhau lời hẹn ngày xưa,
Mang hình dòng sông thương nhớ,
Thêm thương hạt lúa Tiểu Cần.
Những năm 12, 13 tuổi, ngồi trên chiếc xà lan theo chân một người chú bà con chở máy xới dời cánh đồng này sang cách đồng khác, cũng mấy lần đắm mình trên dòng Cần Chông để nghe hơi thở quê hương rung nhịp. Bất chợt những cơn mưa trên sông đổ ụp ướt ngoi ngóp. Thú nhất là nhìn sông qua màn mưa, cứ mênh mông chênh chao thế nào! Bập dừa, lục bình bơi cùng xà lan cảm thấy thân thiết thương thương sao. Đâu năm 1988 gì đó, Huyện Tiểu Cần còn mời cả đoàn văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh về Tiểu Cần đi thực tế sáng tác. Những tác giả Thanh Vũ, Minh Thùy, Thanh Hiền,…sáng tác nhiều bài ca cổ hay về quê hương Tiểu Cần. Có cả quay video bài ca cổ với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Minh Vương, Phượng Liên, Hoài Thanh, Thanh Nhanh…Phong cảnh trong video thì khỏi nói – cảnh sắc biển lúa Tiểu Cần rập rờn xanh biếc, dòng sông Cần Chông thơ mộng, thanh bình. Nhắc mới nhớ! Có cả đám bạn tôi đang ngụp lặn tắm sông, câu cá, thả diều, chăn đàn bò béo ngậy. Chiều nay, ngồi trong một quán cà phê, trên bờ kè “dòng sông thương nhớ”, nghĩ về con nước trên dòng sông Cần Chông ngược xuôi dòng chảy bao đời dời đổi vẫn đều đặn mang phù sa bồi đắp cho quê hương. Ao cá, vườn cây của từng hộ gia đình biết đâu đã không ít một lần tận hưởng hương vị phù sa của dòng sông này.
Cuốn sách “Huyện Tiểu Cần – những chặng đường lịch sử vẻ vang” do Ban Thường vụ Huyện ủy Tiểu Cần biên soạn, ấn hành năm 2002 cho biết thêm thông tin về tên gọi và sự ra đời của vùng đất Tiểu Cần: Như nhiều vùng đất khác của đất nước, tên gọi Tiểu Cần gắn với câu chuyện dân gian: cái thời mà vùng đất này còn rất hoang vu, có một con rạch chảy qua, con rạch này có tên gọi tiếng Khmer “Kal Chon”, tiếng Việt biến âm thành “Cần Chông”. Về sau vùng đất có con rạch chảy qua này được gọi là “Xẻo Cần Chông”. Rồi dần dà âm đọc chệch thành “Tiểu Cần Chông” và rút gọn lại còn “Tiểu Cần”… Như vậy, địa danh “Tiểu Cần” xuất hiện trong thời kỳ đầu khai phá miền đất này. Thời đó, “Miệt xẻo Cần Chông” là cách gọi dân gian, chỉ một vùng đất có một xẻo băng qua mà trên xẻo đó, cư dân thường bắt cá, tôm bằng một loại ngư cụ được người Việt gọi là “Vó” và người Khmer gọi là “Cần Chông”… Theo cách gọi dân gian Nam bộ, thì “xẻo” có nghĩa là rạch nước tự nhiên, chảy ra một dòng sông lớn (MêKông), phân biệt với “Ô” để chỉ bào nước hoặc đường nước nhỏ hơn, chỉ chảy ở nội đồng, không trực tiếp đổ ra sông lớn, do vậy mà có tên “xẻo Cần Chông”, rồi “xẻo Cần Chông” được biến âm thành “Tiểu Cần Chông”, sau đó rút gọn chỉ còn “Tiểu Cần”. Như vậy, địa danh “Tiểu Cần” không chỉ là kết quả của quá trình đọc chệch âm, biến âm và rút gọn âm tiết theo quy luật của ngôn ngữ, còn là kết quả của một quá trình tiếp xúc giao lưu văn hóa trong thời kỳ đầu chung sống của các tộc người Việt, Khmer, Hoa định cư trên vùng đất này.
Lịch sử hình thành vùng đất Tiểu Cần còn cung cấp thêm: Cũng theo cách gọi dân gian, trước thế kỷ XIX, vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận Vang Tứ của xứ Trà Vang. Đến đầu thế kỷ XIX, theo sự sắp xếp tổ chức hành chính của triều đình nhà Nguyễn thì vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận huyện Tuân Ngãi thuộc phủ Lạc Hóa, trực thuộc Gia Định thành. Từ giữa thế kỷ XIX, vùng đất Tiểu Cần nằm trên địa phận tổng Ngãi Long và tổng Thạnh Trị thuộc huyện Tuân Ngãi, phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long. Tuy vậy tổng Ngãi Long hay tổng Thạnh Trị chỉ là tên gọi hành chính theo sự phân định của chính quyền phong kiến đương thời, còn “Tiểu Cần” vẫn cứ là tên gọi dân gian, sống mãi trong lòng dân.
Từ năm 1867, thực dân Pháp đặt ách thống trị ở đây, vùng đất Tiểu Cần vẫn nằm trên một phần đất thuộc hai tổng Ngãi Long và Thạnh Trị nhưng thuộc về Sở tham biện Bắc Trang (Inspection Bactrang). Từ giữa năm 1871 Sở tham biện Bắc Trang được sát nhập vào Sở tham biện Trà Vinh, vùng đất này lại thuộc vào Sở tham biện Trà Vinh. Từ đầu thế kỷ XX tỉnh Trà Vinh được thành lập (Province de Trà Vinh), vùng đất Tiểu Cần nằm trên phần đất thuộc về địa lý hành chính Bắc Trang (delégation administrative de Bắc Trang) và địa lý hành chính Càng Long (delégation administrative de Càng Long) của tỉnh Trà Vinh. Từ năm 1917, thực dân Pháp chính thức chuyển đổi cấp địa lý hành chính thành cấp quận, vùng đất Tiểu Cần nằm trên một phần đất thuộc quận Bắc Trang (District de Bắc Trang) và quận Càng Long (District de Càng Long). Đến năm 1928, thực dân Pháp tiếp tục sắp xếp và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp quận ở tỉnh Trà Vinh, quận Tiểu Cần được thành lập (District de Tiểu Cần). Từ đây, quận Tiểu Cần chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp quận, là một trong 05 quận của tỉnh Trà Vinh. Quận Tiểu Cần lúc mới thành lập có 08 xã: Đại Mong, Đại Cần, Quảng Dã, Tập Ngãi, Tiểu Cần, Trinh Phụ, Hiếu Tử, Long Định. Quận lỵ nằm trên địa bàn xã Tiểu Cần.
Thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tỉnh Trà Vinh là một trong 69 đơn vị hành chính cấp tỉnh của cả nước; quận Tiểu Cần là một trong 07 đơn vị hành chính cấp quận của tỉnh Trà Vinh. Theo Sắc lệnh số 148-SL ngày 25 tháng 3 năm 1948 của Hội đồng chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, quận Tiểu Cần được gọi là huyện Tiểu Cần. Theo Nghị định số 199/NĐ-51 ngày 17 tháng 8 năm 1951 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, huyện Tiểu Cần và thêm một số xã của các huyện khác như: Xã Thanh Mỹ (huyện Châu Thành), xã Phước Hưng, Tập Sơn, An Quảng Hữu (huyện Trà Cú) sát nhập vào huyện Càng Long thuộc tỉnh Vĩnh Trà (tức Vĩnh Long và Trà Vinh sát nhập lại theo Nghị định số 174/NĐ-51 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ ngày 27 tháng 6 năm 1951). Sau năm 1954, tỉnh Vĩnh Trà lại tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh như cũ, huyện Tiểu Cần cũng được tách ra khỏi huyện Càng Long, trở thành 01 trong 07 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Trà Vinh. Đến năm 1977, theo Quyết định số 59-CP ngày 11 tháng 4 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tiểu Cần một lần nữa được giải thể để sát nhập vào một số huyện thuộc tỉnh Cửu Long (xã Long Thới và xã Tiểu Cần sát nhập vào huyện Cầu Kè; xã Hiếu Tử sát nhập vào huyện Càng Long; xã Tập Ngãi, xã Hùng Hòa và xã Tân Hòa sát nhập vào huyện Trà Cú). Đến năm 1981, theo Quyết định số 98-HĐBT ngày 29 tháng 9 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện Tiểu Cần được tái lập.
Huyện Tiểu Cần thuộc cụm đô thị phía Tây của tỉnh Trà vinh, cách trung tâm tỉnh lỵ. 24 km theo Quốc lộ 60, thuộc tả ngạn sông Hậu. Phía đông giáp huyện Châu Thành, phía tây giáp huyện Cầu Kè, phía Nam giáp huyện Trà Cú và sông Hậu, phía bắc giáp huyện Càng Long. Toàn huyện có 09 xã, 02 thị trấn, gồm: Phú Cần, Long Thới, Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hoà, Hùng Hoà, Hiếu Tử, Hiếu Trung, Tân Hùng, thị trấn Tiểu Cần và thị trấn Cầu Quan. Diện tích tự nhiên của huyện: 22.723 ha; dân số: 112.008 người. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy (Quốc lộ 60, 54; đường tỉnh 912, 915; sông Hậu, sông Cần Chông); là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Trà Vinh với tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh ven biển phía Nam qua Quốc lộ 60, cầu Đại Ngãi; là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh trong kháng chiến; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lương vũ trang nhân dân.
Những năm 1992, khi tỉnh Trà Vinh được tái lập, huyện Tiểu Cần cũng như nhiều huyện khác trong tỉnh, đương đầu nhiều khó khăn. Nhất là các tuyến đường, từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã (không kể đường liên xã vì rất khó đi lại) toàn là đường đất rải sỏi nhếch nhác vài chỗ, hoặc rất lưa thưa. Vừa được nghỉ hè năm lớp 10, tôi chạy một chân làm thuê cho đội làm đường rải nhựa trung tâm huyện. Ngày ấy, nhìn xe bang, xe lu, xe cuốc như lạ lắm vậy?!
(Chắc tại từ trước tới giờ hiếm gặp). Dân kéo ùn ùn ra coi làm đường. Thân mới làm thuê nên bị sai vặt đủ thứ! Xe ben đổ đất xong phải bang ra, hai bên lề ốp đá hộc có khi mưa nước ứ phải khai dòng nước thoát, đá 1/2 đổ thành đống, xe bang vừa xong nhiệm vụ còn lổ chổ mấp mô cao thấp phải sà xuống bê ki sắt tới lụm bỏ vô đổ đi nơi thấp. Vui nhất là lúc các lớp đất, đá cán phẳng yên ổn, tới công đoạn rải nhựa. Mùi nhựa nóng chảy hắc lên khó chịu, khói tung mù mịt, sau lượt mấy anh mang giày bảo hộ xách thùng nhựa tưới lên lớp đá 2/3, là tới lượt công nhân (gọi cho oách chút!) bê ki đá mi rải lên trên lớp nhựa. Chưa từng thực hiện động tác rải đá mi lần nào, tôi bê nguyên ki đến rải dài dài ngang dọc, đá đùn một chỗ không đều đặn. Một bà làm chung đến nhắc khéo và tập ngay cho tôi động tác rải đá mi, như quăng chài chài cá, như bón phân trên đồng, cũng phải cho tay vung đều thành vòng tuyệt đẹp trước khi rơi xuống đất. Đôi lúc ngẫm nghĩ, tôi thấy làm việc gì cũng có yêu cầu đạt đến độ nghệ thuật của nó.
Đúng là khi trải nhựa đường là giây phút thích thú lắm! Từ ba, bốn giờ sáng mấy anh phụ trách củi lửa nấu nhựa đã lo “ứng chiến”, 6 giờ đội ngũ công nhân đã có mặt, rồi mấy vị lãnh đạo, bà con xung quanh vây xem. Cảm giác như bước vào “cuộc chiến” trải nhựa đường. Háo hức. Phấn chấn. Sảng khoái. Hồi hộp. Xong một đoạn đường, hạnh phúc như người nông dân vừa cắt xong thửa ruộng, như người chài cá thâu chài túm cá lựa vào giỏ.
Đường sá thông thoáng thì kinh tế sẽ phất, hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp, sự “lên hương” của từng hộ gia đình đến sự phát triển kinh tế của cả huyện. Quả thật như thế! Đường nhựa nội ô hoàn thành xong, đến ba, bốn năm sau mới khởi công cải tạo tuyến đường nhựa Quốc lộ 60 từ Trà Vinh về Tiểu Cần. Lúc đang học đại học năm nhất ở Trà Vinh, cuối tuần về Tiểu Cần thăm nhà trên chiếc xe đạp màu xanh lá mạ, nhiều đoạn rải đá ½ mấp mô chưa cán phẳng, tôi phải dẫn xe cuốc bộ đến mấy bận. Thời gian hoàn thành trải nhựa tuyến đường kéo dài đến ba bốn năm, từ lúc tôi vào học đại học năm nhất đến trước khi ra trường.
Năm 2001, ra trường đi dạy được hai năm, tham gia chuyến tình nguyện hè về ấp Phụng Sa, xã Hùng Hòa (nay thuộc xã Tân Hùng), mới thấy hết nỗi cơ cực của đường giao thông liên ấp, liên xã. Thầy trò ì ạch đèo nhau mỗi sáng mỗi chiều vượt đoạn đường chừng sáu, bảy cây số từ trung tâm huyện Tiểu Cần vào ấp Phụng Sa. Vất vả nhất phải tính từ đầu đoạn đường Te Te 1, chỉ toàn đất thịt mềm, đạp xe rất khó đi. Lại thêm mùa mưa khiến đường thêm lầy, trơn trợt. Đi mùa hè tình nguyện năm ấy còn có sinh viên đại học Cần Thơ, những cô giáo tương lai của trường cao đẳng sư phạm Trà Vinh, nên việc vượt khó đến với vùng sâu qua mấy đoạn đường lầy lội, trơn trượt là cả một nỗ lực của tuổi trẻ khát khao. Vậy mà giờ đây, một lần đi lại trên con đường Te Te – Phụng Sa láng nhựa phẳng phiu, thấy không còn dấu tích của con đường đất cát ngày nào?
Mảnh đất Tiểu Cần lớn lên từng ngày trong sự lớn lên của tỉnh Trà Vinh sau 25 năm tái lập. Năm 1996, tỉ lệ điện lưới phủ khắp huyện chưa được 40%, thì đến nay, tỉ lệ điện lưới phủ huyện đã trên 90%. Tôi còn nhớ rất rõ những năm cuối phổ thông và những năm đầu đại học, soi bài vở dưới ánh đèn dầu tối tối học bài, lòng khát khao ánh đèn điện như ánh điện trên những toa tàu điện sáng trưng trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam. Vậy mà năm mười năm trở lại đây, khát khao ấy đã rất đỗi bình thường, nhà nhà sáng điện. Đến năm 2000, 2001, một số hộ gia đình phải mua ổn áp để đối phó với những lúc điện yếu không đủ tải thì giờ đây, ổn áp điện chỉ sử dụng ở những hộ kinh doanh, sản xuất.
Không ai nghĩ rằng, cánh đồng sau nhà tôi, nơi mà những ngày hè lúc học phổ thông, nơi mà trước đây mười năm, còn là chỗ bọn cùng trang lứa với tôi còn ngụp lặn con kinh, vác cần câu nhấp cá rô, rong ruổi thả diều đá bóng trên mấy thửa ruộng mùa khô. Nay đã hoành tráng thênh thang con đường hai làn xe, một chiều, đẹp nhất trong các huyện, thị của tỉnh. Bờ hồ Tiểu Cần, bờ hồ có một không hai của tỉnh vẫn nghênh ngang hàng dương đón gió mỗi ngày, trở thành hơi thở hồn nhiên không thể thiếu của trái tim đô thị. Ngã năm Tiểu Cần, tên gọi quen thân khi xưa, nay cũng có thể gọi ngã sáu, ngã bảy, với hai vòng xoay bung hoa nở sắc đón chào. Xa xa là cánh đồng mẫu lớn Phú Cần, xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiểu Cần. Nhịp hối hả của nếp sống công nghiệp với lượt lượt xe công nhân giày da Mỹ Phong, của khu công nghiệp Cầu Quan mỗi sớm mỗi chiều. Chiếc cầu Cần Chông bắc qua dòng Cần Chông (khiến tên gọi ngã ba Cầu Kè phải thành ngã tư Cầu Kè) tưởng như chiếc cầu Long Bình 2 bắc qua sông Long Bình của thành phố Trà Vinh.
Xây dựng huyện Tiểu Cần trở thành mô hình điểm để nhân rộng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trên các phương diện: Phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ vi sinh, hữu cơ vi sinh thay thế dần phương thức canh tác hóa học truyền thống; Xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương; Ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Quy hoạch, quản lý, giám sát vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn (cánh đồng lớn) tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu bản đổ nông nghiệp, chỉ dẫn địa lí cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao… Đó là một cơ hội không thể tốt hơn nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ để nâng tầm đô thị cho Tiểu Cần, từ đô thị loại V, vươn lên đạt các tiêu chí đô thị loại IV và sau năm 2020 thành thị xã trực thuộc tỉnh. Lòng rộn ràng xiết bao trước sự lớn nhanh, vươn mình mạnh mẽ của vùng đất Tiểu Cần kiên trung anh dũng trong chiến tranh, linh hoạt năng động trong xây dựng cuộc sống.
Chiếc cầu Tiểu Cần bằng bê tông vững chãi đã thay thế hoàn toàn chiếc cầu ván khung sắt cũ kĩ rệu rã năm nào. Dòng nước Cần Chông vẫn bao đời miết chảy. Chỉ khác, hai bên bờ sông giờ đã là bờ kè ngút dài ôm lấy tấm lụa sóng mềm mại lóng lánh:
“Anh về tìm em trong nắng,
Trao nhau lời hẹn ngày xưa,
Mang hình dòng sông thương nhớ,
Thêm thương hạt lúa Tiểu Cần”./.