Cứ đến ngày 27 tháng 2, nghề y lại được tán dương bằng những mỹ từ cùng những cái tít giật gân trên các báo. Truyền thông chọn ngày tôn vinh thầy thuốc để phanh phui một giám đốc bệnh viện thu mua khẩu trang, chính những cây bút từng viết bài ngợi ca, nay quay lại mổ xẻ người từng được lên trang nhất. Dư luận thường nhớ đến bác sĩ với một chữ “giàu” và mỉa mai thay, hai từ “y đức” chỉ được nhắc đến khi chúng tôi được gọi là lang băm.

Tôi vẫn nhớ lần được phân công phụ mổ ở bệnh viện Chợ Rẫy khi còn là sinh viên năm cuối, ca mổ chỉ vừa bắt đầu thì bác sĩ mổ chính nhận được tin mẹ mất. Bác sĩ ấy đã rất bình tĩnh, kíp mổ vẫn tiếp tục và ca phẫu thuật cũng hoàn tất. Khi mũi khâu cuối cùng kết thúc, bác sĩ xin phép rồi thật nhanh ra khỏi phòng. Tôi bước theo sau, tình cờ nghe thấy tiếng nấc nghẹn ở chân cầu thang và bóng dáng ấy vội biến mất. Hai ngày sau bác sĩ đã trở lại, khoác lên người chiếc áo trắng quen thuộc chăm sóc cho những bệnh nhân đang chờ.

Sau khi đi làm, tôi học được từ các đồng nghiệp đi trước về quyết định chuyển bệnh nhân từ tuyến huyện lên tuyến trên. Không phải ca nào khó cũng buộc phải chuyển đi vì như vậy sẽ gây quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh. Thế nhưng vẫn có nhiều ca bệnh nặng chúng tôi rất muốn chuyển viện phát sinh từ các gia đình nghèo khó, dẫu bảo hiểm giúp họ không mất chi phí điều trị nhưng vì quá thiếu thốn, thân nhân chỉ còn cách xin ký hồ sơ để người bệnh được chết ở nhà.

Không tổ chức tôn vinh ngày Thầy thuốc, nhưng nhân dân không quên!

Một lần nọ, có một bệnh nhân nữ vào cấp cứu, người chồng đưa vợ đến thì quát tháo các cô điều dưỡng và yêu cầu bác sĩ lần trước khám cho vợ anh ta. Người đàn ông ấy không ngần ngại thốt ra những lời thô tục, gọi bác sĩ là thằng này con nọ với thái độ khiếm nhã. Còn chúng tôi thì luôn phải lịch sự và nhẹ nhàng với khẩu hiệu “Hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. Chỉ tiếc là hai chữ “hài lòng” đã không được quy định và giải thích một cách rõ ràng, xã hội chỉ nhớ đến những trường hợp tha hóa y đức, những bài báo tiêu cực làm xấu đi hình ảnh của thầy thuốc. Có lẽ vì vậy mà những cảnh hành hung, những vụ án đầy ẩn khuất đã bôi bẩn màu áo trắng, bệnh nhân và người nhà ngày nay tự cho họ là những thượng đế tối cao khi đứng trước nhân viên của ngành y tế.

Những khi chùn bước, tôi và đồng nghiệp lại nghĩ đến lí do mà chúng tôi bắt đầu: làm bác sĩ là để cứu người. Dù rằng chỉ là kẻ phàm không thể chống lại tạo hóa nhưng lời thề Hippocrates không cho phép chúng tôi dửng dưng trước nỗi đau da thịt của đồng loại. Ấy vậy mà bất cứ lỗi lầm nào trong nhà thương cũng ít nhiều bị quy chụp là tắc trách của lương y.

Trong chúng tôi, những người mà ngày bé từng nhen nhóm trong đầu nghĩ suy về việc làm bác sĩ, đó đều là những suy nghĩ thiện lương. Chỉ tiếc là vòng xoáy của tiến bộ xã hội không tha cho bất kỳ ai, những bất cập trong ngành cùng những thiệt thòi về quyền lợi đã đẩy một số đồng nghiệp của tôi rơi vào sa ngã. Tuy vậy vẫn còn đó những con người tận tâm với nghề khi hằng đêm các kíp trực cấp cứu vẫn làm tròn trách nhiệm. Nghề y đâu chỉ đơn thuần là công việc mà đó còn là nghiệp cứu người, người mặc áo blouse hiểu hơn ai hết về trọng trách của mình, dẫu có đôi lúc chông chênh và ngờ vực, nước mắt chẳng đủ để nhạt nhoà đi mất mát.