Khi nói đến tuồng cổ, chúng ta nghĩ ngay đến một lối trình diễn nhạc kịch thịnh hành tại Việt Nam, chủ yếu mang âm hưởng hùng tráng với những nhân vật xả thân vì đại nghĩa, tận trung báo quốc, những nét ứng tác, đối nhân xử thế đương thời phù hợp trong những hoàn cảnh riêng biệt, những tình cảm gia đình và Tổ Quốc cao cả, bi tráng. Nhắc đến tuồng là nhắc đến cả những nét diễn xuất bằng giọng nói, lời ca đanh thép và cả bằng những chiếc mặt nạ tưởng chừng vô hồn nhưng ẩn sau lại giấu nhiều lớp nghĩa dân gian thú vị. Người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật qua lớp mặt nạ, để rồi xướng tấu những vở tuồng truyền thống một cách chân thực mà tự nhiên. Chắc hẳn, ai ai khi đã trót mê đắm loại hình nghệ thuật dân gian này đều nhớ những câu tuồng đầy dứt khoát trong “Ngũ hổ bình Liêu“:
Định Quốc:

Ờ ờ!
Cũng cho ngươi mở miệng
Rồi mỗ sẽ lấy đầu
Những chuyện trước chuyện sau
Khá nói đi nói lại nghe chơi
Trương Trung:
Tôi dám hỏi anh đây
Từ Nguyên nhung thất thủ
Cùng Ngũ Hổ bị cầm
Sao anh không ra sức chém đâm
Mà lại cố tìm phương lánh trốn ới là mần răng hử?

Tuồng là loại hình sân khấu ước lệ, vậy nên để truyền tải thành công cái hồn cái vóc của các nhân vật tạo thành từng mắt xích nhỏ trong câu chuyện, người nghệ sĩ phải được hóa trang một cách đặc biệt, mục đích này cũng tương tự như Hí kịch của Trung Quốc và kịch Kabuki của Nhật Bản. Các tuyến nhân vật của tuồng chủ yếu là: kép, tướng, đào, đào võ, lão,.. với mỗi loại nhân vật lại có cách hóa trang riêng. Việc hóa trang ở đây nằm ở hai phương diện chính, vẽ trực tiếp lên khuôn mặt hoặc sử dụng mặt nạ truyền thống. Dù sử dụng biện pháp nào đi chăng nữa, màu sắc và bố cục của khuôn mặt vẽ hay mặt nạ đều như nhau, chỉ cần lên sân khấu là khán giả có thể biết ngay nhân vật đó là trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay đức độ. Có thể nói, mặt nạ tuồng chính là linh hồn của từng nhân vật trong mỗi vở, mang tính tượng chưng cao và là chìa khóa tiếp cận một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo nhất của dân tộc Việt Nam. Để có lối diễn xuất thuyết phục nhất, hầu như người nghệ sĩ nào khi đã theo nghiệp tuồng thì đều phải học vẽ mặt nạ, hay trang điểm hóa trang mặt nạ. Họ sẽ phải tự mày mò, nhớ thứ tự màu sắc, bố cục, chi tiết các bước vẽ rồi vẽ theo những nghệ nhân đi trước. Việc hiểu rõ nhân vật cũng dần dần được hình thành nếu người nghệ sĩ nắm bắt được những quy luật ước lệ có sẵn, ví dụ như người xưa cho rằng: “Những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người”, hay những kẻ xu nịnh thì thường “râu rìa, lông ngực đôi bên”, v.v. Tất cả những quy ước chung đó đều xuất phát từ quan niệm truyền thống về những loại người khác nhau trong xã hội, được khái quát hóa dưới góc độ nghệ thuật và đưa lên những vở diễn.

Màu sắc sẽ là thứ nổi bật lên đầu tiên khi đi sâu vào chi tiết của một chiếc mặt nạ tuồng, nó giữ một vai trò quan trọng trong nghệ thuật tạo hình mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông. Các mảng màu sẽ được vẽ lên trước rồi mới được vẽ nét lên sau. Nhìn sơ qua, nhiều người sẽ lầm tường những chiếc mặt nạ tuồng Việt Nam sao mà giống kinh kịch Trung Quốc thế, nhưng sự thật thì không phải như vậy. Người Việt sử dụng lối trang trí đơn giản với ít màu sắc hơn hẳn, đa phần còn là màu nguyên chất như đen, trắng, đỏ, cùng với những màu phụ trợ như xanh, vàng, lục kết hợp với lối vẽ mềm mại vừa đủ, còn kinh kịch Trung Quốc dù tận dụng tối đa những màu nguyên bản nhưng vẫn cầu kỳ chấm phá thêm nhiều màu khác như xanh lục, xanh dương, tím, nâu, vàng thư, vàng chanh, vàng đất. Tương quan màu sắc cũng là một nét đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình mặt nạ tuồng Việt Nam khi các nghệ sĩ và nghệ nhân đặt màu sắc cạnh nhau một cách vô cùng khoa học, màu này bổ trợ màu kia, đôi khi kết hợp màu trắng để cả mảng màu như chết đi một độ tươi vậy. Nhìn từ xa, tổng thể các dải màu được pha theo phép xen kẽ tạo nên sự thú vị nhất định.

Đó là độ tương phản, đối chọi mạnh mẽ được hình thành bởi những cặp đen – trắng, trắng – đỏ, đen – đỏ và những cặp phù trợ như đỏ – lục, vàng – lam. Chính những nét đậm nhạt đối màu ấy đã thổi hồn cho từng nhân vật, làm nổi bật tính cách và tâm thế con người trên sân khấu. Có thể thấy ví dụ điển hình như nhân vật Trụ Vương với khuôn mặt đỏ pha thêm màu đen tạo nên màu đỏ bầm, thể hiện là người trí dũng chững chạc. Sự hòa hợp của màu sắc cũng có phần ảnh hưởng từ ngũ hành, khi màu lạnh như: lục, đen đại diện cho chất âm đi cùng với màu đối là màu nóng đỏ, vàng đại diện cho chất dương. Đặc biệt, màu đỏ vốn tượng chưng cho hành Hỏa, phối màu cực tốt với màu đen tượng trưng cho hành Thủy, hai hành tương khắc nhau vì thế mà dung hòa được cho nhau. Chính từ ngũ hành mà ta cũng có thể chỉ ra nhân vật xấu và nhân vật tốt, như Quan Công mặt đỏ là dương, là người chính trực, thiện lành còn nhân vật Tạ Ôn Đình mặt đen rằn đầy khí âm, là kẻ tiểu nhân, mang sắc thái hắc ám, thù địch. Xét về địa lý, màu sắc cũng phản ánh phần nào xuất thân của nhân vật. Các nhân vật có màu da xanh, xám hoặc có màu da đen thường xuất thân từ vùng núi rừng, như các vai yêu đạo mặt mang màu xanh cây hoặc xanh thẫm. Ngược lại, những nhân vật da mặt trắng xuất thân ở thị thành, như các vai công tử bột, quan lại, tiểu thư. Một nhân vật khá nổi tiếng là Đào Tam Xuân có khuôn mặt nửa xám, nửa trắng hồng do vốn sống ở vùng núi nhưng sau này lại về chốn đô thành làm quan nên mới có sự phân chia như vậy.

Bố cục màu sắc là khái niệm tiếp theo chúng ta cần điểm tới khi nói về mặt nạ tuồng Việt Nam. Nếu như những đường nét, màu sắc, hình khối, độ đậm nhạt, … toát lên được cái hồn và tính cách của nhân vật thì việc sắp xếp những yếu tố đó trong một khuôn khổ nhất định theo cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ sẽ khiến cho tổng quan chiếc mặt nạ thêm phần cuốn hút và phù hợp với các vở diễn khác nhau. Trong nghệ thuật tuồng, chiếc mặt nạ khi bắt đầu được trang trí có thể chia thành bốn bố cục khác nhau như bố cục đối xứng, bố cục cân đối 2/3, bố cục theo chủ đề và bố cục theo nhịp điệu. Trước hết, bố cục đối xứng, vốn là kiểu kinh điển phân khuôn mặt ra làm hai phần đối xứng nhau.

Tuy việc trang trí theo bố cục này khá dễ dàng so với các loại khác, để có được yếu tố màu sắc tổng hòa, tạo ấn tượng cho người xem lại vô cùng khó. Người nghệ sĩ tuồng đã phải rất khéo léo chọn lựa màu sắc, phân chia cân đối khuôn mặt theo đường trung trực, chia 2 mắt, 2 tai, chia nửa mũi và miệng để kết hợp các mảng màu sao cho hợp lý. Tiếp tới là bố cục 2/3 hay còn gọi là bố cục tuân theo nguyên tắc cân đối. Với chỉ 4 đường thẳng riêng biệt, khuôn mặt được chia thành 9 phần diện tích, sao cho tỉ lệ giữa chiều rộng của phần nhỏ và chiều rộng phần lớn bằng đúng tỉ lệ chiều rộng của phần lớn so với chiều rộng của chiếc mặt tổng thể. Việc chia cân đối như vậy được gọi là tỉ lệ vàng, để từng bộ phận trên khuôn mặt nằm trên những mảng diện tích khác nhau nhưng tuân theo một quy tắc nhất định.

Những mảng màu phủ lên những phần diện tích đó tạo một cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người xem. Vì tuồng là những vở diễn sân khấu với cốt truyện và ca từ, nên việc lựa chọn chia bố cục mặt nạ theo chủ đề và nhịp điệu cũng là những ý kiến rất hay. Về chủ đề, bố cục của mặt nạ sẽ góp phần truyền đạt tính cách của nhân vật đến người xem. Vì phản ánh chân thực hình tượng của nhân vật, những hoa văn và họa tiết trên mặt nạ theo bố cục này được sắp xếp tinh ý, thường có xu hướng tương phản mạnh về màu sắc, đường nét, có thể lấy ví dụ như một vài nhân vật võ tướng như Đổng Trác hay Tào Tháo. Tuy nhiên khuôn mặt của nhân vật không phải lúc nào cũng cứng ngắc. Đối với việc vẽ trực tiếp mặt nạ lên mặt, mỗi cử chỉ như một cái nháy mắt, một cái nhíu lông mày cũng tạo nên sự uyển chuyển độc đáo. Chính vì vậy, bố cục nhịp điệu ra đời như một giải pháp và cũng như một thử thách với người nghệ sĩ tuồng để họ sáng tạo chiếc mặt nạ của mình có sự thay đổi, biến chuyển, có tính lặp lại mà không nguyên si, có chu kỳ lên xuống. Quả thật, không phải nói quá nếu ta cho rằng mặt nạ hóa trang truyền thống của nghệ thuật tuồng là một bức tranh sống động theo đúng nghĩa, và người nghệ sĩ phải thực sự tài hoa mới có thể truyền tải hết được những giá trị ấy lên trên khuôn mặt.

Có thể thấy, dù trải qua bao thăng trầm nhưng chiếc mặt nạ tuồng xưa nay vẫn thế, vẫn lưu giữ những nét tinh hoa độc lạ mà chỉ môn nghệ thuật này mới có. Ở đó, ta thấy cái hồn của người nghệ sĩ thông qua lớp mặt nạ hóa trang và càng thêm tấm tắc những giá trị cốt lõi làm nên người nghệ sĩ. Họ phải hiểu nhân vật đến nhường nào để vừa có thể truyền tải thông qua vở diễn, thông qua nét mặt và cả chiếc mặt nạ tự tay làm nên. Thấu hiểu chiếc mặt nạ tuồng cũng chính là bước đầu để khán giả chạm đến trái tim của một vở diễn, bởi lẽ khi thưởng thức nghệ thuật với kiến thức nền tảng vững chắc sẽ là một cuộc chơi hoàn toàn mới. Mắt ta nhìn, tai ta nghe nhưng tâm ta lại biết trân trọng, đó mới là điều đáng quý.

Thật đáng mừng khi hiện nay công nghệ thông tin phát triển, các loại hình nghệ thuật số ra đời nhưng tuồng vẫn không hề mai một. Ngược lại, những người trẻ đã biết cách tận dụng lợi thế sẵn có để quảng bá loại hình nghệ thuật này ngày một nhiều, từ các diễn đàn đến các cổng thông tin trên mạng. Mong rằng trong tương lai, tuồng nói chung và mặt nạ tuồng cổ nói riêng vẫn sẽ mãi là tượng đài trong vườn hoa nghệ thuật dân gian Việt Nam, hoa văn trang trí cùng bảng màu đặc sắc của hóa trang nghề tuồng sẽ mãi truyền cảm hứng cho các thế hệ sáng tạo sau này.