Bài 5: Hoá giải “hung” thúc đẩy “cát” cửa chính mỗi ngôi nhà theo quan niệm phong thuỷ

1, Ảnh hưởng của màu sắc cửa

Trong phong thuỷ dương trạch, cửa giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Các gia chủ đều băn khoăn: liệu hướng cửa có đúng vị trí đón cát tinh không ? Vấn đề này, cổ nhân có câu: “Dương trạch tam yếu: Môn, phòng, táo” (Nhà có ba thứ quan trọng là cửa, phòng, bếp). Ngoài ra, chú ý đến khí của cửa chính, sự phối hợp màu sắc cũng vô cùng quan trọng. Cho dù cửa có thể chưa đúng hướng cát tinh, nhưng màu sắc cửa hợp phong thuỷ sẽ làm giảm tối đa (nếu có) những bất lợi về tài lộc cho gia chủ. Luận về phương vị bát quái, mỗi phương vị đều thuộc một hành nào đó trong ngũ hành. Nếu vị trí cửa mở nằm ở phương vị nào, cửa chính sẽ đón nhận được sự tương trợ từ ngũ hành của phương vị đó, điều này đồng nghĩa với may mắn. Ngược lại nếu cửa bị khắc chế thì sẽ là điềm gở.
Người xưa ví cửa chính với miệng của con người, giống như nơi thu nạp khí cho cả căn phòng. Phương vị, màu sắc của cửa cũng như việc sắp xếp bố trí các vật dụng đều có những ảnh hưởng nhất định đến việc nạp khí. Cửa là vị trí then chốt cho hung cát của cả ngôi nhà.

Cổ nhân liệt kê những màu sắc hỷ kỵ của tám phương vị môn khẩu như sau:

– Đông môn (Chấn phương): Hướng Đông thuộc hành Mộc, nên chọn hành Thuỷ để tương sinh và hành Mộc để tương trợ; kỵ hành Kim vì tương khắc, kỵ hành Hoả vì triệt tiêu lẫn nhau, hành Thổ gây ảnh hưởng không lớn nên được xem là trung tính. Màu sắc cửa chính nên chọn là: Mộc: màu xanh, xanh lá cây; Thuỷ: màu đen, xanh da trời. Kỵ Kim – màu bạc, trắng; Hoả – màu đỏ, tím, cam. Trung tính: Thổ – màu vàng, màu cà phê.
– Đông Nam môn (Tốn phương): Tương tự Đông môn.
– Nam môn (Ly phương): Hướng Nam thuộc hành Hoả, nên chọn Mộc tương sinh, hành Hoả tương trợ; kỵ hành Thuỷ vì tương khắc, hành Thổ triệt tiêu lẫn nhau; hành Kim ảnh hưởng không lớn được xem là trung tính. Màu sắc của cửa chính nên chọn hành Mộc – màu xanh, xanh lá cây; hành Hoả – đỏ, tím, da cam; kỵ hành Thuỷ; trung tính hành Kim – màu bạc, màu trắng.
– Tây Nam môn (Khôn phương): Hướng Tây Nam thuộc hành Thổ, nên chọn hành Hoả để tương sinh và hành Thổ để tương trợ. Kỵ hành Mộc vì tương khắc và hành Kim vì triệt tiêu lẫn nhau; hành Thuỷ là trung tính. Màu cửa chính chọn hành Hoả, Thổ; kỵ hành Mộc, Kim; trung tính là hành Thuỷ.
– Tây môn (Đoài phương): Hướng Tây thuộc hành Kim nên chọn hành Thổ vì tương sinh, hành Kim vì tương trợ; kỵ hành Hoả vì tương khắc, hành Thuỷ vì triệt tiêu lẫn nhau; hành Mộc thuộc trung tính. Màu sắc cửa chính nên chọn màu hành Thổ, Kim; kỵ hành Hoả, Thuỷ; trung tính hành Mộc.
– Tây Bắc môn (Càn phương): Thuộc hành Kim, tương tự Tây môn
– Bắc môn (Khảm phương): Hướng Bắc thuộc hành Thuỷ, nên chọn hành Kim để tương sinh, hành Thuỷ để tương trợ. Kỵ hành Thổ vì tương khắc, hành Mộc vì triệt tiêu lẫn nhau. Hành Hoả trung tính. Màu sắc cửa chính theo hành Kim, Thuỷ; kỵ màu hành Thổ, Mộc; trung tính hành Hoả.
– Đông Bắc môn (Cấn phương): Thuộc hành Thổ, tương tự Tây Nam môn.

Phong thủy cửa đi chính – mang tài lộc vào ngôi nhà bạn - Thế giới cửa thép  Koffmann

2, Một số lưu ý về cửa

a, Giữ lại cát khí:

Cửa chính là lối ra vào tất cả khi bước chân vào nhà. Khi đặt cửa chính đúng vào cát phương, gió và không khí thổi vào nhà hướng cửa chính sẽ mang theo may mắn, tài vận cho gia chủ. Khi đối diện với cửa sổ, nếu cửa sổ không quá nhiều, ảnh hưởng không quá lớn; nhưng nếu nhiều cửa sổ lại có kích thước lớn, sẽ ngăn không cho những cát khí tụ lại trong nhà. Phương pháp hoá giải chỉ cần trồng cây xanh trước cửa sổ ngăn không cho cát khí phát tán ra ngoài (lưu ý: không chọn loại cây lá gai)

b, Cửa đối diện cửa ảnh hưởng không quá xấu:

Khi cửa một ngôi nhà đối diện cửa nhà hàng xóm; hoặc trong ngôi nhà có các cửa phòng đối diện nhau, cổ nhân có câu: “Lưỡng môn đối diện vị tương mạ” (Nghĩa là: Hai cửa đối diện sẽ gây tranh cãi) thường gây sự bất hoà trong gia đình. Đa số gọi tình huống này là “môn xung sát” dễ gặp chuyện thị phi, chuyện nhỏ cũng gây mâu thuẫn. Tuy nhiên, cổ nhân cũng cho rằng “môn đối môn” không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng trừ khi cửa chính vốn đã bị xung với hành lang thẳng và dài cộng thêm cửa đối cửa thì mới là vấn đề về phong thuỷ.

Phạm vào “môn xung sát” đồng thời cửa mở theo các hướng Đông, Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc thì người đàn ông trong gia đình dễ gặp thị phi. Nếu phạm “môn xung sát” và mở cửa theo hướng Đông Nam, Tây Nam và Tây thì những người nữ trong gia đình dễ gặp chuyện thị phi. Nếu phương vị của quẻ bát quái thuộc nam giới phạm “môn xung sát”, người đàn ông gặp bất lợi. Nếu phương vị quẻ bát quái thuộc nữ giới phạm vào “môn xung sát”, người nữ sẽ gặp bất lợi. Quẻ bát quái của nam giới là: Cấn, Càn, Chấn, Khảm. Nữ là: Khôn, Tốn, Ly, Đoài

c, Đại kỵ cửa đối diện với cửa nhà vệ sinh:

Người xưa có câu: “cô mạch bất sinh, độc âm bất thành”. Theo nghĩa này, nhà vệ sinh vốn được xem là nơi không sạch sẽ, thuộc về “độc âm”. Trong phong thuỷ, cửa chính gọi là “khẩu tử” (miệng con người). Khi nơi tiếp nhận khí có vấn đề sẽ ảnh hưởng phong thuỷ. Cửa chính thuộc khí thuần dương, nhà vệ sinh thuộc khí độc âm. Hai cửa đối diện nhau sẽ dẫn đến âm dương xung đối gây hậu quả phá tài. Cách hoá giải: treo một bức rèm được kết từ hạt tròn, không quan trọng chất liệu, ở trước cửa nhà vệ sinh để ngăn xung sát.
Tương tự, cửa nhà vệ sinh cũng không được đối diện cửa nhà bếp, sẽ gây cục diện “thuỷ hoả vị tế”, trạch vận không thuận lợi, vận khí người trong gia đình thay đổi thất thường, dễ mắc bệnh hiểm nghèo. Hoá giải tình huống này cũng bằng cách treo rèm hạt tròn trước cửa nhà vệ sinh hoặc cửa nhà bếp.

d, Độ cao ngạch cửa hợp phong thuỷ:

Rất nhiều ngôi nhà làm thêm ngạch cửa ở cửa ra vào. Xét góc độ vệ sinh, ngạch cửa có tác dụng ngăn bụi. Xét góc độ phong thuỷ, ngạch cửa có thể mang lại may mắn và trừ khử khí xấu. Nếu trước cửa là một mảnh đất trống, bằng phẳng, ngạch cửa phải thiết kế cao khoảng 5tấc (25 cm) là tốt nhất vì 5 (ngũ) là chủ số ngũ hành. Như vậy, khí trong nhà sẽ được chặn lại không bị phát tán đi nơi khác. Nếu trước cửa có đường đi thẳng phạm vào “thương sát” chiều cao ngạch cửa nên chọn 3,6 tấc (tương ứng 360 ngày theo quan niệm của người xưa). Còn không phạm vào “thương sát” thì nên cao 1,2 tấc (tương ứng 12 tháng). Còn về mặt kích cỡ dựa vào thước Lỗ Ban để đo.
Ngạch cửa có thể tránh hung tạo cát. Cổ nhân có câu “tỉnh, táo hữu lan” (giếng bếp đều có thành bảo vệ) có lợi cho việc tích tụ tiền tài. Nếu cửa đối diện với cầu thang, ngạch cửa càng phải cao hơn. Nếu phạm thương sát thì cách hoá giải là: làm ngạch cửa, dưới ngạch đặt một bộ tiền cổ Ngũ đế. Làm ngạch cửa chỉ có lợi mà không có hại, miễn là hợp thẩm mỹ.

e, Ảnh hưởng của màu cửa bảo vệ đến phong thuỷ
Nhà xưa thường có cửa chính và cửa bảo vệ nằm phía trước cửa chính. Cần chú ý màu sắc phối hợp giữa 2 cánh cửa.
Xét về “vị vị tương sinh” giữa hai cánh cửa này, màu sắc theo ngũ hành của cửa bảo vệ tương sinh với cửa chính là đại cát. Màu sắc của cửa bảo vệ hỗ trợ với màu sắc cửa chính cũng là may mắn. Xét nghĩa “trùng trùng khắc nhập”, màu sắc theo ngũ hành của cửa bảo vệ khắc chế với màu sắc của cửa chính là đại hung.

f, Sự phối hợp về hình dạng của cửa chính và cửa bảo vệ
Ngoài màu sắc thì hình dạng cửa cũng rất quan trọng. Mỗi hình cơ bản tạo nên cửa đều thuộc một hành nhất định trong ngũ hành.
– Hành Kim: hình tròn, bán nguyệt
– Hành Mộc: đường thẳng, hình chữ nhật
– Hành Thuỷ: hình tròn hoặc bán nguyệt (như hình gợn sóng)
– Hành Hoả: hình tam gác, đa gác
– Hành Thổ: hình vuông
Chú ý đến tương sinh tương khắc của ngũ hành. Nếu cửa chính và cửa bảo vệ tương đồng phương vị ngũ hành thì được xem là cát tường. Ngược lại, nếu khắc chế phương vị ngũ hành là đại hung.

(Theo báo Pháp luật & Thời đại, số 130, ngày 25/11/2013)