Bài 6: Quan niệm người xưa về bát hương – “căn nhà vô hình” của gia tiên trong mỗi gia đình

1, Việc cầu cúng quan trọng nhất ở cái tâm

Việc cầu cúng trước hết phải có sự thành tâm, sau đó việc chăm sóc bát hương đúng cách sẽ tăng thêm sự độ chứng của gia tiên với gia chủ.
Người xưa quan niệm rằng bát hương là vật linh thiêng nhất trên bàn thờ của mỗi gia đình, là biểu hiện của cõi tâm linh. Mỗi khi thắp nén hương thơm rồi cung kính cắm lên bát hương là sợi dây vô hình giữa cõi tâm linh và cõi dương được thiết lập. Nếu bát hương uế tạp hoặc không có sự hợp lẽ, sẽ ảnh hưởng lớn.

Theo cổ nhân, việc thờ cúng có thể chia làm ba cấp bậc. Quan trọng nhất là thờ Phật để cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia chủ, giải thoát tai ương hướng về cõi Niết Bàn. Tiếp đó là thờ Thần gồm nhiều vị như Thổ Công, Long Mạch, Thần Tài, Tiền chủ Hậu chủ, những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình làm ăn yên ổn. Sau cùng là thờ gia tiên tiền tổ mong được phù hộ, độ trì trên mọi bước đường của cuộc sống.

Để trọn vẹn việc thờ phụng, gia chủ phải có ít nhất hai bàn thờ. Bàn thờ Phật có một bát hương. Bàn thờ còn lại có thể thờ chung thần linh và gia tiên nhưng phải có ba bát hương. Bởi vì ngoài thần linh và gia tiên thì bắt buộc phải có bát hương thờ riêng Bà Cô Tổ, là người đại diện giữa thần linh và gia tiên.

2, Đặt bát hương thế nào cho đúng cách?

Đặt bát hương trên bàn thờ phải theo một nguyên tắc nhất định, bất di bất dịch. Bàn thờ Phật có riêng một bát hương, không cần to hơn nhưng phải đặt cao hơn các bát hương khác. Bàn thờ thần linh có ba bát hương. Khi đứng ở vị trí cúng lễ nhìn lên thì bát hương dành cho Bà Cô Tổ ở bên trái, thần linh chúa đất ở chính giữa (to hơn, cao hơn) và gia tiên bên phải. Không được đặt quá nhiều bát hương trên bàn thờ. Không được dán giấy ghi rõ bát hương nào thờ gì mà phải ghi nhớ trong đầu.

Lập bàn thờ gia tiên nên có mấy bát hương và cách đặt bát hương trên bàn  thờ gia tiên đúng nhất? - Trắc nghiệm - Việt Giải Trí

3, Phong tục bốc bát hương

– Mua bát hương về thì phải rửa qua nước muối, rượu gừng có pha chút nước hoa hay thả vào mấy cánh hoa hồng cho thơm để làm sạch những phần hữu hình rồi phơi khô, đem xông trầm hương. Nước đổ ra sân hoặc vẩy xung quanh nhà.

– Lót ở đáy bát hương một mảnh giấy trang kim vàng, vừa để lót sạch sẽ vừa phòng các đồ yểm trong bát không bị cháy.

– Đồ yểm trong bát hương còn được gọi là “cốt” của bát hương, thường được tượng trưng cho bảy thứ báu vật như vàng, bạc, mã não, san hô… Trong bát hương còn có tiền âm là loại tiền cổ bằng kim loại có lỗ hình vuông ở giữa và tiền dương màu đỏ có mệnh giá mang số 5 (tượng trưng cho sinh) được gấp thành các chiếc thuyền nhỏ xếp thành xung quanh bát hương.
– Phần tro trong bát hương dùng để cắm hương là tro rơm nếp hoặc vỏ trấu.

– Cuối cùng, nhà sư đọc kinh hay chú Mật Tông của nhà Phật để đặt yên vị bát hương; thắp cây hương vòng lên trên cây cắm chữ Thọ. Căn chính xác, ngay ngắn sao cho mặt nguyệt nằm trên trục vuông góc với bàn thờ, bát hương ở vị trí chính giữa so với hai cạnh bên bàn thờ.

4, Một số quan niệm về căn nhà gia tiên

– Ngày giỗ chạp, kỵ nhật cần thiết phải dọn sạch sẽ, sắp xếp để bàn thờ luôn gọn gàng. Trước khi dọn dẹp cần khấn vái, xin phép và chỉ được di chuyển bình hoa, chén nước, đỉnh đồng, đèn… Tuyệt đối không được xê dịch bát hương, bài vị đã được yên vị từ trước. Người xưa quan niệm rằng nếu dịch chuyển bát hương; thần linh, gia tiên sẽ bị kinh động, không tốt cho gia chủ.

Bát hương cúng lễ cả năm, dính nhiều tàn hương bụi bặm, cần phải lau chùi. Khi vệ sinh bát hương phải lấy tay không để bát hương xoay chuyển rồi lấy khăn sạch đã làm ẩm bằng nước, sau đó vảy rượu với gừng giã nhỏ vào lau cho sạch.

– Khi chân hương quá nhiều cũng cần lọc bớt, tiến hành vào cuối năm; tuyệt đối không được rút hết. Người xưa quan niệm rằng phải lọc lại mỗi bát hương 12 chân hương, sau đó cắm trở lại 4 đợt: đợt 1: Niên niên thị hảo niên; 2: Nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt; 3: Nhật nhật thị hảo nhật; 4: Thời thời thị hảo thời. Số chân hương còn lại hoá hết.

– Bát hương sứt mẻ, bàn thờ vong thay rồi thả xuống sông hồ
– Mỗi khi cúng lễ cần mở rộng cửa, thắp đèn, bày lễ vật, rót rượu, rót nước rồi mới thắp hương (số lẻ). Không dùng miệng thổi hương, cắm chính giữa, ngay ngắn.

– Bát hương tự nhiên bốc cháy: nếu cháy dưới chân là điềm âm liên quan đến mồ mả, thờ cúng; nếu cháy trên xuống là điềm dương liên quan đến nhà cửa, cuộc sống hằng ngày.
– Nếu đang cúng mà hương tắt thì để nguyên mà châm tiếp, không nhổ nén hương lên châm; bởi đó được coi như hương thừa, mất gốc. Nếu tắt ở phần trên (Thiên) là liên quan đến nóc nhà, bàn thờ. nếu tắt đoạn giữa (Nhân) là liên quan đến con người trong nhà. Nếu tắt ở đoạn cuối (Địa) là liên quan đến mồ mả, đất cát.

(Theo báo Pháp luật & Thời đại, số 42, ngày 7/2012)