Có phải bởi ta mang hồn thi nhân nên mùa thu là cơn cớ, là thi tứ cho bao nỗi buồn man mác chưng cất thành thơ ? Có phải bởi ta mang nặng tâm tư nghề giáo nên bâng khuâng mùa thu lại thêm một chuyến đò khi tiếng trống khai trường rộn vang hoài niệm. Có phải bởi ta từ nguồn cội nông dân yêu hạt lúa củ khoai nên lòng ngập niềm vui trước vẻ đẹp, sự giàu có khi làng quê vào thu, khi cánh đồng đã thảnh thơi mùa vụ sau những ngày dâng hiến thì những khu vườn lúc lỉu, ngọt ngào hoa trái dâng hương. Bốn mùa luân chuyển trong vòng quay vĩnh hằng của tạo hóa. Vậy mà trước mỗi mùa thu, lòng ta cứ bâng khuâng nhớ về…
Bâng khuâng mùa thu, ta nhớ về thuở xa xăm khi đang còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường. Tuổi mộng mơ, không đứa học sinh chuyên văn nào là không say mê đến cuồng tín chép vào sổ tay những vần thơ thu kinh điển của các thi nhân tiền chiến như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư… Theo thời gian, cùng với xu hướng của cuộc sống cũng như gánh nặng cơm áo mưu sinh, niềm đam mê đã không còn được thắp lửa dù cho sự ngưỡng vọng vẫn còn. Giờ đây thay cho những vần thơ một thời chuyền tay nhau chép như “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông” (Tỳ bà – Bích Khê) hay “Em không nghe mùa thu/Dưới trăng mờ thổn thức ?” (Tiếng thu – Lưu Trọng Lư)…; ta lại có sự đồng cảm với những vần thơ giản dị mà tinh tế, mộc mạc mà gần gũi ngỡ như tác giả viết ra bằng sự chiêm nghiệm bản thân chứ không phải dụng công g như “Cuối trời mây trắng bay/Lá vàng thưa thớt quá/Phải chăng lá về rừng/Mùa thu đi cùng lá…” (Thơ tình cuối mùa thu – Xuân Quỳnh) hay “Nắng thu đang rải đầy/Đã trăng non múi bưởi/Bên cầu con nghé đợi/Cả chiều thu sang sông.” (Chiều sông Thương – Hữu Thỉnh).
Bâng khuâng mùa thu, ta nhớ trong quãng thời gian gần hai mươi năm cầm phấn, trỏ các em đi về phía mặt trời, đã bao lần đọc những câu văn đẹp trong trẻo mà bâng khuâng da diết của nhà văn Thanh Tịnh cho học trò nghe: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…” (Tôi đi học). Mỗi lần đọc là một lần gợi nhớ. Đã bao ngày khai trường đi qua vậy mà mỗi khi mùa thu đến, lòng ta vẫn xôn xao, bâng khuâng, rạo rực, náo nức. Nhớ một sớm mai thức dậy, khắp phố phường, làng quê bừng lên niềm vui nhộn nhịp, lớp lớp học sinh nô nức tới trường. Nhìn những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, cặp sách mới, lòng ta chợt nhớ về khoảnh khắc mẹ âu yếm dẫn ta tới trường dự buổi lễ khai giảng. Ta quên sao được ánh mắt ngập tràn tình yêu thương của mẹ cùng bàn tay giơ lên vẫy vẫy tiễn ta vào lớp. Vẫn còn nguyên vẹn trong ta nỗi lo lắng, hồi hộp trước bao đổi thay của ngày đầu năm học. Tim ta đập rộn vang tìm bạn bè năm cũ. Ai sẽ chuyển trường, xa lớp, ai tiếp tục sánh bước cùng ta trên chặng đường dài.
Trên bục giảng, đã bao lần ta phân tích cho các em về những mùa thu trong thơ cũ, trong thơ mới, thơ Cách mạng và cả thơ hiện đại sau chiến tranh. Ấn tượng nhất vẫn là vẻ đẹp “Sang thu” trong thơ Hữu Thỉnh. Mùa thu đến bất ngờ từ một làn hương ổi phả vào trong gió se cũng đủ làm đánh thức cả không gian và xôn xao hoài niệm. Là hình ảnh vạt sương thu chùng chình trong vai trò sứ giả của mùa thu đang cố chậm lại, trì hoãn khoảnh khắc giao mùa tuyệt diệu. Là dòng sông được lúc dềnh dàng thảnh thơi của mùa cạn nước sau khi vượt qua những thác ghềnh của mùa hạ nắng lắm mưa nhiều. Là cánh chim bắt đầu vội vã khi nhận ra rét mướt, hơi lạnh luồn trong gió chuẩn bị cho mùa di trú. Vẻ đẹp của bức tranh thu đôi khi như là hình ảnh của một đám mây làm nhịp cầu Ô Thước, mà mùa hạ và mùa thu là hai đầu bến thời gian, một nửa còn rực nắng mùa hạ mà một nửa đã dịu mát sắc thu. Cái ranh giới giao mùa được cảm nhận cả vô hình lẫn hữu hình, từ bất giác đến tri giác. Khi mùa thu dần đi vào trong tâm tưởng, lắng lại trong suy tư để rồi thiên nhiên và con người cùng hòa một nhịp sang thu.
Bâng khuâng mùa thu, ta nhớ, ta ngoái tìm một mảnh vườn xưa kỷ niệm, nơi có lũ trẻ trâu ngày xưa với những niềm vui rơm rạ thuở chưa 4.0 suốt ngày đi săn tìm những đam mê chân chất, dại khờ. Ta nhớ những mảnh vườn um tùm cây xanh nơi cuối xóm thành vương quốc của các loài chim. Lũ chim sẻ, chim sâu lích chích từ sáng tinh mơ. Lũ chèo bẻo, sáo nâu lảnh lót dưới ánh nắng vàng. Lúc chiều tối những đàn cò bay về tìm chốn ngủ. Bao nhiêu chiếc bẫy sập lồng bọn trẻ rình suốt trưa mà chẳng bắt được con nào. May mắn, được anh lớn tuổi cho tổ chim non, cả bọn chăm bẵm mơ ngày chim tập nói. Ta nhớ những khu vườn ăm ắp tiếng cười những lần đột kích. Hương ổi, hương thị như sánh lại nhờ cơn gió lan tỏa khắp đường quê ngõ xóm. Những quả bưởi đung đưa lúc lỉu. Những quả na lim dim mở mắt. Giậu mồng tơi trước ngõ nhà ai nở tím níu chân người. Bên cầu ao lấm tấm màu tím hoa khế rơi vương vãi. Cây bàng trước cổng làng quả rơi đầy vạt áo thơm của lũ trẻ nô đùa. Heo may chùng chình về ngang ngõ. Lòng chợt bâng khuâng giây phút giao mùa. Ta tiếc nhớ mùa Trung Thu náo nức, rộn ràng, bồn chồn khi nghe tiếng trống đêm trăng vọng về từ miền ký ức xa xăm. Cái không khí của đêm hội trăng rằm vẫn còn vương vấn mãi. Ta còn trẻ con đeo những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, tay cầm đèn ông sao, đèn cá chép… theo nhịp trống gõ diễu hành quanh xóm làng chờ đợi trăng lên cao. Vầng trăng và tiếng trống cứ bàng bạc, cứ ngân vang thao thức cùng niềm vui thơ trẻ. Khi tiếng hò reo đã ngớt rồi, tất cả lại quay về nơi trung tâm của xóm, chờ đợi giây phút phá cỗ trông trăng. Những chiếc bánh được các mẹ làm từ chiều. Bưởi, na, ổi, thị… hái ở ngoài vườn bất cứ nhà nào, những chiếc kẹo đủ sắc màu, cả những con tò he nặn từ bột nếp… tất cả những thức quà dân dã ấy được bàn tay thôn nữ chuẩn bị khéo léo, kỳ công tạo nên một cảm giác tò mò, thích thú lẫn mê say. Ánh nến cầm trên tay vụt tắt cùng gửi những lời thì thầm nguyện ước tuổi thần tiên. Giờ đây ta mới chợt nhận ra, ao ước lớn nhất cuộc đời chính là luôn có được những giây phút vui vẻ, vô tư như của thời niên thiếu trong vòng quay xô bồ cuộc sống. Trước vẻ đẹp huyền diệu của thiên nhiên, dường như ai cũng trở nên bé nhỏ dưới đêm rằm Trung Thu.
Những mùa trăng Trung Thu vui tươi, bình dị mà ăm ắp kỷ niệm ấy đã và sẽ đi theo suốt cuộc đời. Giữa dòng thời gian, vầng trăng vẫn vằng vặc soi sáng trên trời cao để bất chợt phút giây nào đó, con người chợt bắt gặp vầng trăng, bắt gặp kỷ niệm để đối diện đàm tâm, để cho mình một chỗ bấu víu để khỏi trôi trượt đi trong những cám dỗ cuộc đời. Mỗi mùa thu đi qua lại ăm ắp kỷ niệm làm ấm lòng ta trước lúc mùa đông về..