Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Cây nêu, tràng pháo giờ đây đã trở thành dĩ vãng đẹp, duy chỉ có bánh chưng vẫn là một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu.
Nói về sự ra đời và tập tục gói bánh chưng ngày Tết thì là cả một quá trình phát triển dài của dân tộc. Bánh chưng ra đời khi nền văn minh lúa nước được hình thành và trong ý thức hệ người Việt xuất hiện tập tục thờ cúng tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo dân gian, nguồn gốc bánh chưng liên quan đến truyền thuyêt về hoàng tử Lang Liêu-người con trai thứ 18 của vua Hùng đời thứ 6. Có lẽ, lời dặn dò của vị Thần trong giấc mộng của Lang Liêu đã nói lên ý nghĩa sâu sắc của chiếc bánh chưng: “…Vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”.
Trải qua bao nhiêu tăng trầm của lịch sử, bánh chưng vẫn giữ được vị trí vẹn nguyên trong tâm thức của con người Việt Nam, vẫn gắn liền với nếp sinh hoạt thường ngày của người Việt. Trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc sống và công việc bận rộn, nhất là ở thành phố, không còn nhiều gia đình tự gói bánh chưng ở nhà, giới trẻ chúng tôi cũng không mấy ai được dịp phụ ông bà, bố mẹ gói bánh hay thức đêm Giao Thừa canh nồi bánh chưng nhưng Tết đến, xuân về, không thể thiếu đôi cặp bánh chưng trên bàn thờ nghi ngút khói hương.
Bánh chưng xanh mướt, dẻo và thơm mùi nếp mới đằng sau lớp lá xanh là cả sự kì công và tâm huyết của người gói. Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, phải cầu kì từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới khâu gói bánh, luộc bánh. Thông thường bánh chưng được gói bằng lá dong tươi, lá được chọn phải là loại lá không non cũng không gìa quá. Gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn cũng phải lựa chọn thật kĩ lưỡng, gia vị tẩm ướp phải thật hài hòa, gói bánh chưng phải làm sao cho vuông vắn, đẹp mắt…Trong quá trình luộc bánh, phải canh chừng cho nước luôn ngập bánh ,thi thoảng phải lật giở những chiếc bánh ở trên để bánh chín đều hơn, tránh bị lại gạo. Bởi vậy, mỗi chiếc bánh chưng dâng lên bàn thờ là cả một tấm lòng thành kính, biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Những ngày giáp Tết, người ta tặng nhau cặp bánh chưng làm quà như một cách thể hiện tình cảm chân thành. Đối với những người con xa xứ, hình ảnh những chiếc bánh chưng cùng mâm cỗ tất niên đêm Giao Thừa gợi nhắc họ nhớ về gia đình,về tổ quốc, về quê cha đất tổ.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, Tết của người Việt sẽ chỉ trọn vẹn khi có cặp bánh chưng trên bàn thờ gia tiên. Với tôi, Tết này sẽ trọn vẹn và ý nghĩa hơn khi lần đầu tiên tự tay tôi gói nên những chiếc bánh vuông vắn mà gửi vào đó những ao ước về một năm mới an khang – thịnh vượng trên khắp mọi miền quê nước Việt.