Đọc sách là cách nhanh nhất và ít tốn kém nhất để tiếp thu những tinh hoa của nhân loại . Nếu là người thích đọc sách, chắc hẳn bạn muốn có thể đọc được nhiều sách hơn, cải thiện năng suất so với hiện tại? Chúng ta chỉ có khoảng thời gian như nhau, nhưng không phải ai cũng có khả năng này. 4 cách dưới đây có thể giúp bạn đọc được nhiều sách hơn mỗi ngày. Đặc biệt là cách thứ 4 đã được mình áp dụng rất tốt, mình tiết kiệm được nhiều thời gian để làm việc khác.

Có thể bạn sẽ nói: “Tìm cách đọc nhiều sách, chi bằng đọc một cuốn sách mà hiểu cặn kẽ còn tốt hơn” Điều này không sai. Nhưng nếu tại sao không phải là chúng ta vừa có thể đọc nhiều sách hơn, đồng thời cũng có thể tiếp thu chúng một cách chọn lọc? Một việc làm tăng năng suất gấp hai lần. Điều này chỉ có lợi chứ không có hại.

Bật mí phương pháp đọc sách hiệu quả nhất hiện nay!

1, Đọc có chủ đích

Phải làm rõ hơn, đọc nhiều sách không phải bạn thấy cuốn nào là đọc cuốn đó. Khoa học đã chứng minh, đọc cuốn sách mà bạn yêu thích sẽ giúp bạn tiếp thu năng lượng, kiến thức từ cuốn sách dễ dàng hơn và nhớ lâu hơn.
Việc đọc sách có chủ đích là việc bạn chủ động tiếp thu và có hứng thú với việc đọc, đồng thời, bạn có thể đã có kế hoạch từ trước sẽ đọc gì. Bạn liên tục rèn giũa và cải thiện việc đọc của mình.

Vậy còn ngược lại, việc đọc không có chủ đích thì sao? Lấy ví dụ, nếu bạn được tặng một cuốn sách mà bạn không có mấy hứng thú, hay người khác nói với bạn cuốn sách này rất tốt – bạn nên đọc nó đi, bạn cảm thấy không phù hợp với bản thân lắm nhưng vẫn đọc. Bạn cố đọc cho hết cuốn sách nhưng đọc xong chẳng đọng lại được gì. Đọc những cuốn sách không thích, hay không phù hợp sẽ rút đi nguồn năng lượng của bạn, việc đọc càng trở nên bế tắc hơn.

Đọc sách có chủ đích giúp bạn chủ động tiếp thu những thứ bạn cần. Hãy đọc khi bạn sẵn sàng, chọn lựa cho mình những cuốn sách, nội dung phù hợp cho bạn, hay cho sự nghiệp của bạn.

2, Cam kết thời gian

Hãy gắn thời gian với việc đọc của bạn. Ví dụ, bạn cam kết 3 ngày sẽ đọc xong một cuốn sách, 1 tuần đọc xong 2 cuốn sách, 1 tháng, 1 năm,… Giữ cam kết này của bạn và cải thiện dần tốc độ đọc.Mình thường đặt ra mục tiêu 1 tuần đọc được 2 cuốn sách, bằng bất kì hình thức nào cũng cố gắng hoàn thành. Sau 1 tháng lên thành 3 cuốn một tuần, tuần nào bận công việc quá thì mình sẽ đọc được ít hơn, nhưng vẫn duy thì việc đọc sách đều đặn. Việc này đảm bảo khi quay lại mình sẽ không bị lười biếng mà trì hoãn.

3, Ghi chép lại để nhớ lâu hơn

Nếu đọc một cuốn sách chỉ một lần duy nhất thì bạn không thể nào thu nhận được tất cả những bài học giá trị ẩn chứa sau nó. Bạn không thể nào nhớ được đủ những điều thú vị nếu chỉ đọc mỗi một lần.

Nhưng sẽ thế nào nếu bạn có thể đọc mỗi cuốn chỉ một lần duy nhất mà vẫn thu được hết giá trị của cuốn sách đó như thể bạn đã đọc no cả chục lần? Điều này có thể không?

Có thể. Đơn giản là bạn chỉ cần thay đổi chút cách bạn đọc đó là: Ghi chú trong quá trình đọc.

Trước hết, hãy dành vài phút để tìm nơi bạn sẽ lưu trữ bản ghi chép trong mỗi cuốn sách. Có thể là trên Google Drive, Microsoft One Drive, app note trên điện thoại,… Hay note trực tiếp trên cuốn sách của bạn nếu nó là sách giấy. Bất cứ đâu giúp bạn dễ dàng cho việc ghi chép và tìm kiếm để đọc lại.

Tiếp theo, hãy đọc và đánh dấu các phần hữu ích và quan trọng với bạn. Cố gắng chắt lọc thông tin nhé! Nếu không chắt lọc nội dung thì có thể bạn sẽ ghi chép lại cả những phần thừa và khi đọc lại, chúng có thể bị dài và khiến bạn không muốn đọc lại.

Bạn không cần phải viết nguyên văn những gì tác giả đã trình bày. Mục tiêu chung là chắt lọc các bài học. Viết theo cách bạn dễ hiểu và dễ nhớ. Nhưng tất nhiên, những câu trích dẫn mà bạn muốn sau này dùng lại của tác giả thì hãy giữ nguyên nhé.

Trong quá trình đọc, mình thường sử dụng ipad để note lại, có khi là viết và đánh dấu trực tiếp lên sách luôn. Khi muốn tìm lại, mình chỉ việc lấy ra những phần này, khá dễ dàng. Đồng thời, đảm bảo rằng mình không cần thiết phải đọc lại cả cuốn sách (mặc dù có đôi khi mình sẽ đọc lại một vài cuốn sách đã đọc vì muốn tìm thêm nguồn cảm hứng và cách viết từ họ).

4, Tận dụng thế mạnh của sách nói
Theo Thomas C. Corley – Chủ tịch Cerefice and Company, một trong những công ty tài chính hàng đầu ở New Jersey, Mỹ và là tác giả của cuốn sách “Thói quen thành công của những triệu phú tự thân”, nghiên cứu của ông cho thấy 63% người giàu nghe sách nói trên đường đi làm so với 5% người nghèo.

Mình thì không thích việc phân biệt người giàu, người nghèo đọc sách. Cách mỗi người chúng ta đọc sách và tiếp thu như thế nào không giống nhau. Nhưng có thể tiếp thu câu trên rằng, sách nói hiện nay được tiếp nhận rất nhiều và nó dần trở thành xu hướng như một cách giúp chúng ta đọc được nhiều sách hơn và sử dụng thời gian hợp lý hơn.

Trong xã hội mà ai ai cũng tất bật với cuộc sống thì sách nói quả là một phát minh vĩ đại. Với sách nói, bạn có thể nghe mọi lúc mọi nơi: Trong lúc làm việc nhà, đánh răng, rửa mặt, đang tất bật trên đường đi làm, đang dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng,… Hoặc bất cứ khi nào không đòi hỏi sự tập trung. Những lúc như vậy, có thể chúng ta không sẽ bị phân tâm đôi chút vì phải làm hai việc cùng lúc, nhưng không vấn đề gì.

Một trong những ưu điểm của sách nói mà mình rất thích đó là là bạn có thể tăng tốc độ âm thanh. Mình thường sẽ mở ở tốc độ 1,5 lần hoặc 2 lần, điều này khiến cho việc tiếp thu thông tin của mình được nhanh hơn và tốt hơn. Nếu bạn muốn nhanh chóng có nhiều thông tin, đây là một cách tuyệt vời có thể thử.

Việc chọn lựa tựa sách gì để nghe cũng nên cân nhắc. Mình thường tránh nghe những cuốn sách đòi hỏi tư duy cao, cần ghi chép lại nhiều. Với điều này, mình chọn đọc sách giấy hoặc ebook để dễ dàng hơn cho việc ghi chép và suy ngẫm trong lúc ghi chép. Mình thích nghe những dòng sách truyền cảm hứng, những mẩu truyện góp nhặt hay dòng sách văn học thú vị,…

Sách đã giúp mình như thế nào?

Khi còn nhỏ, mình chưa nhận thức được việc đọc sách sẽ giúp ích như thế nào. Mình chỉ đọc theo ý người khác muốn, chủ yếu là đọc sách giáo khoa, sách đọc thêm tại trường, mình cũng đọc truyện tranh, truyện ngắn, tuyển tập,…vì tò mò và thích thú.

Sau khi lên đại học, mình càng hình dung rõ hơn về những thứ bản thân yêu thích và vì vậy, mình coi sách như người bạn luôn bên cạnh. Mình bắt đầu đọc tất cả những cuốn sách mà mình muốn. Với mỗi thời điểm mình lại chọn những dòng sách khác nhau phù hợp với hoàn cảnh, công việc khi ấy, nó đã giúp mình dần hoàn thiện tốt hơn theo năm tháng.
Là một người viết, để có thể viết tốt hơn, mình đã phải đọc rất nhiều. Mình cũng mất rất nhiều thời gian rèn luyện bản thân, trau chuốt câu chữ làm sao khiến bài viết hấp dẫn hơn. Mình đã từng có thời gian đọc tất cả các thể loại sách, không chê bất kỳ thể loại nào và tất nhiên, vẫn có một – hai thể loại sách mình tập trung nhiều nhất. (như hiện tại mình theo đuổi dòng sách Tâm lý và Kinh tế) Cũng chính vì điều này đã khiến cho cách nhìn của mình rộng mở hơn, đồng thời có thể vận dụng và kết hợp nhiều kiến thức khi viết, khi làm việc.

Nếu bạn giống mình, luôn tìm cách để đọc được nhiều sách hơn thì hãy cố gắng áp dụng những phương pháp trên thường xuyên. Chia sẻ cho mình và mọi người phương pháp của bạn, chúng ta có thể thảo luận để cải thiện thêm việc đọc sách nhé!