Đêm qua nằm trong chăn chàm ấm mới nhuộm, nghe cây mận bên chái nhà trình tường lợp ngói âm dương đã nở ra lách tách những bông hoa đầu tiên. Sáng ra mở cửa đi lấy cháo ngô cho ngựa trong chuồng, sương giá ùa vào nhà như suối. Sùng Thị Say bước ra ngỡ ngàng nhìn những cánh mận trắng muốt rung rinh trong gió lạnh. Hoa mận báo tin mùa xuân đã về. Thế là mùa xuân đã về trên núi. Mùa con chim queng quy bay đôi. Mùa con hươu nai gọi bạn tình. Mùa con trai cầm khèn đi bắt con gái về làm vợ.

Ngựa ăn xong, Sùng Thị Say cời hòn than đỏ trong bếp tro ấm, dùng cái ống thổi cho lửa cháy bùng lên, rồi ngồi khâu lại cái xà cạp cũ. Lửa giãn mấy nếp nhăn trên khuôn mặt Sùng Thị Say, lửa che mấy sợi bạc trên mái đầu Sùng Thị Say. Có cháu nội, cháu ngoại rồi thì cần gì cái mới, dùng váy cũ với xà cạp cũ cũng được mà, mấy tết trước đã bỏ không xem đi đánh yến, ném pao, có sao đâu.

Tục bắt vợ là gì? Nét đẹp hay vấn nạn của những bé gái rơi vào bi kịch hôn  nhân

Tiếng khèn ai gọi bạn lửng lơ bay qua bờ rào đá, bay qua khe vách nứa, lọt vào tai Sùng Thị Say khiến mũi kim đâm vào đầu ngón tay buốt nhói, người lâng lâng say như rơi tõm vào chum rượu ngô.

“…Khèn thơm như hơi thở
Khèn ngọt như lúa đòng
Chưa gặp mà đã nhớ
Chưa hẹn mà đã mong

Khèn sánh như mật ong
Khèn vàng như nắng mới
Quẩy tấu đầy nhớ mong
Mà chân người chẳng tới…”

Tiếng khèn tha thiết, bồi hồi làm Sùng Thị Say nhớ lại mùa xuân trước. Ngày ấy, Sùng Thị Say còn trẻ lắm như trăng mười sáu, xinh lắm như hoa mận chái nhà. Thứ bảy, mặc váy hoa, địu quẩy tấu đi chợ phiên Cán Cấu bán tam thất trồng trên núi. Đường dốc vừa đủ hai bàn chân bước, nhỏ như sợi lanh đông Sùng Thị Say đang xe thoăn thoắt trên tay. Trời rét như dao cứa mà tự nhiên Sùng Thị Say thấy nóng gáy. Ngoái đầu lại, thấy ánh mắt của một thằng trai như hai hòn than đỏ đang đốt phía sau. Mắt nó truyền hơi ấm làm cho má Sùng Thị Say ửng lên thẹn thò như hoa đào gặp rét. Sùng Thị Say dừng, nó dừng. Sùng Thị Say đi, nó đi. Cứ thế cho đến tận chợ phiên. Mầy phiên rồi vẫn thế. Chắc nó rình cả đêm, chờ gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên, đợi Sùng Thị Say bước ra khỏi nhà là đi theo. Nó là Giàng Mí Lầu, nhà bên Thào Chư Phìn, cách nhà Sùng Thị Say mấy chục quăng dao, đi một lần con ngựa nghỉ chân. Nhà xa lắm mà nó rình giỏi thế, bao nhiêu phiên là bấy nhiêu lần đi theo, cứ như mùa xuân về là hoa mận nở, chẳng sai hẹn bao giờ.

Đến phiên chợ thứ năm, thì Sùng Thị Say không thấy Giàng Mí Lầu đi phía sau nữa. Cứ bồn chồn, lo lắng không yên. Hay là nó ốm nhỉ. Không, nó khỏe thế cơ mà, mắt sáng sao hôm, ngực vồng đá tảng. Hay là nó lấy vợ rồi. Tuần trước, bên Thào Chư Phìn chẳng có đám cưới là gì, có lẽ nào chứ. Cái chân Sùng Thị Say thì vội vã mà cái lòng thì trông ngóng. Thôi kệ đi, hơi đâu mà nhớ người dưng chứ, rõ buồn cười.

Gần đến chợ rồi, Sùng Thị Say rẽ vào bụi cỏ tranh ven đường thay váy áo mới, cuốn xà cạp mới, chải đầu, vấn tóc chặt hơn một tí. Cái gương be bé, xinh xinh cất trong quẩy tấu đem ra soi. Trong gương, mắt ai mà trong như sương mai, môi ai mà hồng như đào phai, da ai mà nõn như măng vầu thế nhỉ. Sùng Thị Say tự hỏi rồi mỉm cười rõ tươi. Bọn con trai, dù cưỡi ngựa thồ hay đi xe máy, dù đi với vợ hay tay không nhìn thấy Sùng Thị Say thì cứ phải liếc trộm một cái đã, Sùng Thị Say lấy làm thích lắm. Có thằng mải liếc quá, bị vợ đi cạnh véo cho vào hông một cái thật đau mới tỉnh, kêu ối lên rõ to.

Chuẩn bị rẽ vào cổng chợ, Sùng Thị Say bất ngờ bị một thằng từ phía sau tháo tuột quai quẩy tấu đang địu, cùng lúc đó một thằng khác ở đâu chạy ra ôm lấy bắp chân rồi bế thốc lên vai, lại còn một thằng nữa lấy dây vải điều buộc tay Sùng Thị Say trong lúc thằng kia vừa vác vừa chạy. Sùng Thị Say hiểu ra mình đã bị bắt về làm vợ, làm con ma suốt đời, trọn kiếp của dòng họ cái thằng đang vác mình. Sùng Thị Say giãy giụa và kêu khóc, mọi người đi chợ nhìn thấy cả, nhưng thật lạ chẳng ai ngăn cản đám trai để cứu lấy Sùng Thị Say yếu đuối, bé nhỏ, và tuyệt vọng. Lúc úp mặt vào vai áo thằng đang vác mình, Sùng Thị Say thấy mùi chàm hăng hắc thuốc lá, thấy mùi mồ hôi nồng nồng quả vả, hai thứ mùi sánh đặc như mật ong, tỏa ra ngây ngất như bùa mê. Ý nghĩ xoẹt ngang đầu Sùng Thị Say như tia chớp, thôi phải rồi thằng bắt mình chính là Giàng Mí Lầu, thằng hay đi theo sau mỗi buổi chợ phiên. Sùng Thị Say vui cái bụng quá, quả tim trong ngực cứ đập rộn ràng theo mỗi bước chạy của Giàng Mí Lầu. Sùng Thị Say chợt nhớ ra, có lần bà nội bảo, nếu yêu nhau thật lòng thì mới bắt vợ, bắt được vợ thì phải bắt được cả trái tim nó và nếu trong cuộc bắt vợ, cô gái nào khóc càng to và phản ứng càng quyết liệt thì sau này vợ chồng sẽ càng hạnh phúc và có bắt vợ thì thằng trai mới chứng tỏ được với đứa gái về tình yêu và lòng dũng cảm của mình. Vì vậy, Sùng Thị Say mặc dù rất thích nhưng giả vờ giãy giụa và kêu khóc to hơn cả lúc bị bắt ở ngoài cổng chợ nữa. Hai thằng trai chạy phía sau thở hổn hển như ngựa thồ vượt dốc, một thằng đeo quẩy tấu, một thằng xách giày thêu tuột ra của Sùng Thị Say. Giàng Mí Lầu cướp được vợ nên chạy nhanh quá, chạy khỏe quá làm cho hai thằng bạn không đuổi kịp. Đến gốc cây pơ mu cạnh chợ trâu, Giàng Mí Lầu bế Sùng Thị Say lên con ngựa đã đóng yên cương, thắt nơ đỏ đợi sẵn. Sùng Thị Say ngồi nghiêng, váy như hoa nở xòe rực rỡ đón nắng. Giàng Mí Lầu ngồi sau, một tay giữ cương, một tay đặt nhẹ vào vòng eo con kiến của đứa gái mới bắt. Ngựa chạy một đoạn, Giàng Mí Lầu khẽ thì thầm vào tai Sùng Thị Say: “Làm vợ anh nhé!”. Lời thương như gió thổi. Lời thương như mây bay. Lời thương như suối chảy. Lời thương như núi đầy. Sùng Thị Say khẽ cúi đầu không nói. Trong lòng có chim hót. Trong lòng có hoa nở. Trong lòng có hội mở. Trong lòng có bướm vờn. Ngồi trên ngựa, mà cảm tưởng vó ngựa không hề chạm đất, trôi bồng bềnh trong sương.

Sùng Thị Say bị bắt về nhà Giàng Mí Lầu ba ngày. Ba ngày không phải cõng nước, chẻ củi, thái cỏ, dệt vải. Đến bữa ăn, mẹ Giàng Mí Lầu đưa cơm canh qua ô cửa sổ lỗ vuông mờ trắng hơi sương. Cửa buồng khóa trái để Sùng Thị Say không thể trốn về nhà, mà nếu không khóa trái thì Sùng Thị Say cũng chẳng thích trốn nữa, chỉ thích làm ma nhà họ Giàng, đẻ cho nhà họ Giàng một đàn con, để con trai lớn lên lại đi bắt vợ như bố, để con gái lớn lên lại đi chợ phiên như mẹ.

Nhà Giàng Mí Lầu cũng nghèo, không đủ bạc trắng, rượu tăm, lợn béo thách cưới theo tục lệ người Mông, nên Giàng Mí Lầu không vội ngỏ lời thương với Sùng Thị Say mấy phiên chợ trước. Lời thương ấy nói bằng mắt, bằng tim chứ không nói bằng lưỡi. Ba ngày sau, Giàng Mí Lầu đưa Sùng Thị Say về nhà bố mẹ vợ xin cưới. Tiền thách cưới được giảm đi một nửa. Bố mẹ vợ ưng con rể lắm, khen mắt nó sáng, mặt nó hiền. Bố vợ bảo nó không bắt con Sùng Thị Say, đến nhà xin cưới tao cũng chỉ thách thế thôi. Mẹ vợ tủm tỉm nói, ngày xưa ông bắt vợ, bố mẹ vợ cũng giảm cho một nửa tiền thách cưới còn gì. Tiềng cười làm tan giọt sương đầu lá quế rơi xuống kẽ đá sau nhà nghe thánh thót, gọi mặt trời lên lấp ló trên đỉnh Quan Thần Sán băng tuyết. Rượu ngô hâm nóng để bố vợ thết con rể. Rượu rót tràn bát sóng sánh, khói xanh bay lên đọng vào mái ngói âm dương, ngấm sang cột gỗ trình tường thứ men xuân ngây ngất.

Sùng Thị Say nhớ lại, vẫn phơi phới như thời còn trẻ. Ngoài đường tiếng khèn gọi bạn bay vào đậu trên cành hoa mận trắng muốt. Mưa bụi giăng khắp trời mỏng tang nét mày sơn nữ đánh thức búp chồi xanh biếc. Con trai út của Sùng Thị Say là thằng Giàng Mí Vàng đang chuẩn bị xách khèn đi chợ phiên, sắp tết rồi. Sùng Thị Say sẽ nói với con trai lời dặn của bà nội khi xưa về phong tục bắt vợ để nó biết, nó lớn rồi mà, biết đâu chợ phiên này…
Lại một mùa bắt vợ đã về trên núi mùa xuân…

Hoàng Anh Tuấn