Con người ta càng lớn tuổi càng hoài niệm quá khứ đã đành, nhưng hóa ra trên mạng xã hội cũng đang nở rộ một trào lưu khoe những hình ảnh kỷ niệm cũ. Có những thứ không dưng mà cũng khiến lòng ta bùi ngùi thương nhớ, đôi khi đơn giản như gian bếp ngày xưa…

Nhà bếp, gian bếp xưa; nơi bám đầy bồ hóng, nơi cột kèo ám bóng khói đen; là nơi bà ta, mẹ ta, chị ta tần tảo, chắt chiu vun vén hạnh phúc; niềm vui sum họp gia đình nồng ấm từ những bữa cơm. Chái bếp là nơi những người phụ nữ quẩn quanh ngày tháng mòn lõm những nếp đời; là nơi nâng niu, gìn giữ ngọn lửa hồng sưởi ấm yêu thương. Chái bếp, là nơi tuổi thơ làng quê xưa còn lưu giữ những hồn nhiên, vụng dại một thời… Chẳng thế mà ông cha xưa đã nói: “Đàn ông cái nhà, đàn bà cái bếp”, “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” hay “Vào bếp biết nết đàn bà”… để đề cao vai trò của chái bếp đó sao ?!

Vẫn biết quy luật phát triển của cuộc sống; cái mới, hiện đại sẽ dần thay thế cho cái cũ nhưng lòng sao vẫn ngậm ngùi thương những đồ dùng đơn sơ nay đã không còn đang im đậm trong không gian tâm tưởng của mỗi người. Rưng rưng thương khi bất chợt nhận ra, gọi tên những đồ dùng quen thuộc của một thời khó nhọc giờ đã là dĩ vãng xa xăm.
Cái gắn bó thân thuộc và lâu nhất có lẽ chính là cái chạn bát, phát âm tiếng Pháp là Gạc- măng- giê (Garde manger), còn quê tôi gọi dân dã là cái Cụi; một hàng nội thất được bố trí trong gian bếp để cất trữ thực phẩm, các đồ đạc nấu ăn. Thông thường, Cụi được làm bằng gỗ, có ba ngăn, cao chừng trên 1,5 m. Ngăn dưới cùng đóng những thanh gỗ thưa, to để cất đặt nồi niêu, xong chảo. Ngăn thứ hai đóng những thanh gỗ nhỏ, dày hơn để cất bát đĩa. Ngăn trên cùng được đóng kín hoặc bọc lưới, có cửa để cất giữ thực phẩm, thức ăn. Nóc Cụi thường để cái mâm, cái rổ, rá hay vài chai lọ gia vị. Bên hông treo một chiếc giỏ tre để cắm đũa, thìa, muỗng. Dưới bốn chân Cụi, người ta thường dùng bốn chiếc bát mẻ, cũ để kê, đổ nước vào để chống gián, kiến xâm nhập.

Hoài niệm hình ảnh khó quên về bếp trong nhà Việt xưa - VietNamNet

Ngày ấy nghèo khó nên cũng chẳng có nhiều thức ăn mà lưu trữ lâu dài. Cụi chủ yếu là để tránh kiến, gián, chuột mò vào hay chó mèo ăn vụng. Cái Cụi cũng là chứng nhân cho những “tội lỗi” hồn nhiên của tuổi thơ. Nó như một thế giới kỳ diệu cho ta khám phá, ăn vụng khi chạy đi chơi rông cùng lũ bạn về mệt lử hay khi đi học về đói meo. Có gì đâu ngoài lọ muối vừng, ít tép rang, hũ cà muối thâm hay củ khoai lang mẹ cố tình để trong góc Cụi cho con ăn vụng. Cái đồ dùng thân thuộc, đong đầy kỷ niệm vui buồn của gia đình ấy đã bị phá bỏ, thay thế dần bởi những chiếc tủ bếp nhôm kính tiện dụng, gọn gàng; bởi chiếc tủ lạnh lưu trữ thức ăn lâu dài.

Chiếc Cụi đã vắng bóng hẳn trong đời sống thường nhật thôn quê, chỉ còn hiển hiện trong vợi vời ký ức của tuổi thơ thế hệ 8X trở về trước; chỉ còn trong những câu thành ngữ “chó chui gầm chạn” mà người lớn nhọc công giải thích cũng khó để bọn trẻ bây giờ hình dung.

Cùng với sự vắng bóng của chiếc Cụi là hình ảnh chiếc Mươn cơm. Nếu tra từ điển hay gõ google tìm kiếm sẽ không có bất cứ kết quả nào hiển thị ra bởi “mươn” là một từ từ vựng thuần xứ Nghệ. Mươn cơm chính là chiếc bàn để dọn cơm trong các bữa ăn nhưng được thiết kế vô cùng đơn giản tiện lợi. Mươn chỉ cao tầm 60 – 70 cm, rộng khoảng 40 – 50 cm vài dài khoảng 1,2 m. Bề mặt chiếc mươn được làm từ những chiếc nan tre cật già kết cùng dây mây. Chân và thành mươn được làm từ gỗ nhẹ như xoan đâu. Dùng xong bữa, lau chùi, chiếc mươn lại đước gác lên bờ phên nhà bếp rất gọn gàng. Chiếc mươn là nơi gắn kết quây quần cả gia đình trong những bữa cơm; là nơi mẹ tất bật xới cơm, chia phần thức ăn cho đàn con đang dành nhau chí chóe; là nơi bà dạy chị những lễ nghĩa cần có của người con gái từ “học ăn, học nói, học gói, học mở”; là nơi mọi đứa trẻ quê vịn vào đó để lẫm chẫm tập đi trong ánh mắt rạng ngời hạnh phúc của mẹ cha.

Từ trong dĩ vãng mờ xa, miên man nhớ, nghẹn ngào thương; ta gọi tên từng thứ đơn sơ đã suốt một quãng thời gian buồn vui, no đói với người. Thuở ấy, khi mà các đồ dùng bằng nhôm nhựa chưa phổ biến thì các vật dụng từ đan lát hiện hữu khắp mọi nơi. Những chiếc rá đựng gạo, mủng đựng ngô, thúng đựng khoai sắn, rổ đựng rau chẳng khi nào thiếu trong nhà. Những chiếc rế đặt để xoong nhôm mỏng, nồi đất (quê tôi gọi trách bù) đỡ lem nhọ nồi hay hư hỏng. Những chiếc treo (như gióng thu nhỏ) để cất đặt nồi cá thịt sắm ba ngày tết, khỏi sự bớt xén vì thương con, khỏi chó mèo trong câu tục ngữ quen thuộc “chó treo mèo đậy”… Nỗi nhớ vẩn vơ bâng khuâng cả từ chiếc ống thổi lửa được làm từ một đốt tre ngà thuở chưa có bếp gas bếp điện. Ta còn hình dung tuổi thơ mình phồng mồm lấy hơi thổi cho bén lửa khi lần đầu mẹ cho tập nấu cơm. Chiếc ống thổi bị đôi lần cháy sém lem nhem tro than khiến cả khuôn mặt nấu xong cũng nhem nhuốc theo. Ta nhớ chiếc kiềng đan cao chùng 40 cm mẹ đặt nồi cơm độn để đầu mươn chia đều cho cả gia đình. Nhớ chiếc nừng (đồ đan bằng trúc nứa đập dẹt) trữ muối, chiếc liễn đựng nước mỡ, chiếc bát chiết yêu, chiếc đĩa cây trúc… tất cả đã thành một miền kỷ miệm yêu thương.

Gian bếp ngày xưa chỉ còn trong ký ức. Sự thay thế cái mới, mất đi cái cũ đôi khi cũng khiến ta xao xuyến chạnh lòng. Những đồ vật cũ kỹ, ám đầy khói bếp, bồ hóng lại gắn kết thương yêu để ta thấy hạnh phúc gia đình thật bình dị. Gian bếp ngày nay hiện đại, sáng bóng đồ dùng có khi lại thiếu vắng hơi người, thiếu những tiếng cười cho bữa ăn đầy đủ. Hạnh phúc có khi rạn nứt bởi thứ thật mơ hồ. Vơ vẩn nhớ, ta lại bâng khuâng tự hỏi tựa như câu thơ của Bảng Việt “Sớm mai này bà/người nhóm bếp lên chưa” ?!