Có thể nói đối với những người dân sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long họ rất quen thuộc với việc buôn bán của người dân thương hồ. Họ dễ dàng nhận biết được những món hàng mà người thương hồ bán thông qua việc rao bán.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động buôn bán, người dân thường hồ ở vùng sông nước Cửu Long thể hiện nhiều phương thức rao bán khác nhau. Tuy nhiên có 2 phương thức rao bán cơ bản được nhiều người dân sử dụng trong buôn bán hàng ngày. Đó là dùng hình ảnh trực quan và âm thanh.

Thứ nhất, rao bán bằng hình ảnh trực quan. Thể hiện thông qua việc cặm cây bẹo. Người bán chỉ cần dựng cây ngay trên xuồng, ghe và treo những hàng hóa, vật dụng mà họ bán. Nhìn vào cây bẹo, mọi người nhận biết ngay là trên xuồng, ghe của người thương hồ bán những gì. Nếu ai có nhu cầu, thì họ sẽ tự tìm đến hỏi mua. Đối với hình thức rao bán này chỉ tổ chức buôn bán được ở những nơi sông nước có đông người qua lại như: chợ nổi, hoặc những nơi gần khu vực chợ có đông người qua lại trên sông. Chúng ta có dịp dao quanh khu vực các chợ nổi miền tây như: chợ nổi Cái Răng (Cần thơ), chợ nổi Cà Mau, chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Cái Bè (Tiềng Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang)…,thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những cây bẹo trên những chiếc xuồng, ghe thương hồ. Tuy nhiên, phương thức rao bán bằng hình ảnh trực quan ít thấy xuất hiện ở vùng nông thôn. Có lẽ ở vùng nông thôn bị che khuất tầm nhìn. Lúc này người dân sẽ không nhìn thấy được cây bẹo để mua.

Độc đáo 5 chợ nổi miền Tây Nam Bộ | Cảnh Đẹp Blog

Thứ hai, phương thức rao bán thông qua âm thanh (tiếng rao). Đây là phương thức rất phổ biến ở khu vực nông nông vùng đất Nam Bộ. Lúc đi bán trên sông nước, đi đến đâu người thương hồ cũng cất lên tiếng rao. Nghe tiếng rao, người dân sẽ nhận biết được họ buôn bán những gì. Qua khảo sát thực tế cho thấy, tiếng rao của những người thương hồ ở vùng đất này thể hiện ở hai khía cạnh:

Một là, hàng hóa, vật dụng mà họ buôn bán đều thể hiện trong tiếng rao. Tức là họ rao gì thì bán đó. Hễ trên xuồng ghe có bán những thì gì thì người thương hồ rao liệt kê ra hết từng loại, thậm chí có người còn rao cả giá của từng mặt hàng. Thông thường, những người thương hồ cất tiếng rao theo những công thức: Liệt kê mặt hàng bán+ giá bán+ từ “hôn” ở cuối tiếng rao, có người kết hợp thêm từ “bà con cô bác ơi!” ở cuối tiếng rao. Hoặc dùng từ “Ai” trước tiếng rao+liệt kê mặt hàng bán+ từ “hôn” (đây) ở cuối tiếng rao… Ví dụ: Người bán khoai lang giá 10 nghìn đồng/2 kg, dưa dấu 6 nghìn đồng/kg, thì rao: “Khoai lang 2 ký 10 ngàn, dưa hấu 1 ký 6 ngàn hôn, bà con cô bác ơi!”.

Không những thế, có những người thương hồ còn rao cả cách thức buôn bán với mục đích là để thu hút khách hàng tìm đến mua. Điển hình như ghe chở cá vồ con đi bán chẳng hạn, họ thường cất tiếng rao là “Ai mua cá vồ hôn. Cá vồ bán chịu tới mùa hôn”.

Trước đây, những thương hồ rao kiểu này thường rao trực tiếp bằng miệng của người bán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều thương hồ đã nghĩ ra cách thu âm lại tiếng rao. Khi đi bán, chỉ cần mở máy casset cho máy tự phát tiếng rao. Đi đến đâu sẽ có tiếng rao đến đó. Với cách này, giúp cho người mua nghe rõ hơn và người thương hồ khỏi phải tốn công sức ra rao.

Hai là, tiếng rao như một tín hiệu có chức năng thông báo. Đó là tiếng kèn, tiếng ca hát của nghệ sĩ được phát ra từ máy casset… Chẳng hạn như khi nghe tiếng kèn thì người dân biết ngay là ghe hàng. Đó là ghe chuyên buôn bán hàng tạp hóa di động trên sông. Những chiếc ghe len lỏi tận các con sông, rạch để bán cho người dân. Hễ đi đến đâu thì người thương hồ bóp kèn làm tín hiệu thông báo. Người dân ở trong nhà hoặc ở đâu đó khi nghe tiếng kèn thì biết đó là ghe hàng bán tạp hóa. Nếu ai có nhu cầu thì đợi ghe hàng đi ngang rồi xuống bến để mua. Còn khi nghe tiếng ca hát của nghệ sĩ được phát ra từ máy casset thì mọi người biết đó là những người đi thu mua ve chai. Khi đi thu mua ve chai, thay gì cất lên tiếng rao, đằng này người thương hồ chỉ cần mở máy casset ca hát là mọi người nhận ra ngay … Đối với những tiếng rao này mọi người đã có sự biết trước. Nó đã được hình thành từ trước trong nhận thức của người dân. Mặc dù không phát ra tiếng rao cụ thể là bán những gì, nhưng khi nghe tiếng là họ nhận ra ngay là trên xuồng, ghe của người thương hồ đang buôn bán những gì.

Tóm lại, thông qua các hình thức rao bán của người dân thương hồ vùng đất Nam Bộ nó thể hiện đặc trưng văn hóa vùng sông nước và tính cách của con người vùng đất này. Đó tính bộc trực, thẳng thắn, ít khi nói chuyện văn hoa dài dòng, rào trước đón sau của người dân Nam Bộ.