Có thể nói, phần lớn thơ trào phúng của Nguyễn Khuyến đều xuất hiện nụ cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh?! Điều này cũng có nguyên nhân của nó. Có người cho vì đứng trên cương vị của môt vị quan Tam nguyên Yên Đổ, lại là một bậc quân tử khả kính nên ông không dám cười người một cách thẳng thừng, sỗ sàng sợ mất danh dự và thể diện người khác; phần vì ông chỉ muốn chỉ trích nhẹ nhàng, để qua đó, người bị cười có tật giật mình mà sửa chữa. Cảnh tỉnh giới quan lại quên việc nước bị mất, chỉ cố an hưởng cho qua ngày, ông viết:

“ Ông đứng làm chi đấy hỡi ông?
Trơ trơ như đá vững như đồng
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?”

(Ông phỗng đá)

Bài thơ vỏn vẹn bốn câu nhưng đặt đến ba dấu hỏi, điều đó khẳng định tác giả muốn đập mạnh vào mắt, vào đầu óc giới quan lại thời đó. Thế cuộc ra nỗi này vậy mà các ông vẫn cứ an nhàn đứng “trơ trơ” thế, có biết nước rơi vào tay giặc không? Trong một bài thơ khác, bài “Đề hai ông tượng cửa đền”, ý gần với nội dung bài trên, Nguyễn Khuyến viết:

“Hai ông đứng đó đã bao lâu?
Sung sướng chi mà chửa bạc đầu?
Thế thái nhân tình là thế thế,
Thế mà giương mắt đứng trông nhau!”

Phải lắm, “thế thái nhân tình” ở buổi này hỗn loạn ra thế thì có gì đâu đem lại “sung sướng” mà các ông lại “sung sướng”. Hoàn cảnh vậy, lẽ đúng là phải nỗ lực xoay ngược hoặc xê dịch thế cờ sao hai ông mãi “giương mắt đứng trông nhau”. “Thế thái nhân tình là thế thế” hay ra hai ông đang bất lực? Nguyễn Khuyến giễu nhại mà thâm thúy biết bao! Nhà thơ đã mượn hai ông tượng cửa đền để nói về giới quan lại tỏ ra bất lực, bất tài trước vận mệnh đất nước. Qua đó, ông muốn giúp họ nhận thức đúng bản chất của sự việc mà điều chỉnh cách nhìn, hành vi của mình. Lời thơ, vì thế, hóm hỉnh, nhẹ nhàng dễ gieo vào lòng bọn quan lại và cả người đọc.

Thử tài am hiểu thơ Nguyễn Khuyến - VnExpress

Trên đời, khó có thể đoán trước được những điều xảy ra. Song, một khi điều ấy đưa đến hậu quả rồi thì tất yếu phải có nguyên nhân. Vậy tại sao nhân vật trữ tình “anh chàng” trong bài thơ của Nguyễn Khuyến lại tự làm một việt rất tức cười – “giả điếc”. Ngay ở tựa bài “Anh giả điếc” xem đã khá hóm hỉnh mà cách dùng từ phóng khoáng trong bài càng hóm hỉnh hơn:

“Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày
Mở lối điếc, sau này em muốn học.

…………………………………………

Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc
Điếc như thế, ai không muốn điếc?
Điếc như anh, dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à”

Cái cử chỉ, động tác “giả điếc” của anh nếu xét về mức độ thành công thì khá hoàn mỹ , không chê vào đâu được: “hỏi anh, anh cứ ậm à”. Anh điếc nên anh chỉ “ậm à” khi có người hỏi chuyện. Có thể coi anh chàng giả điếc trong bài thơ là hóa thân của tác giả. Hơn một lần bọn thực dân muốn mời Nguyễn Khuyến ra làm quan nhằm tăng cường uy tín, củng cố quyền lực thống trị của chúng, bảo đảm sự cai trị lâu dài. Nhưng đừng hòng, ông không bao giờ và chẳng đời nào cộng tác với thực dân, nghe lời dụ ngọt của chúng mà bùi tai. Tam nguyên Yên Đổ sẵn sàng bỏ ngoài tai những rủ rê quyền cao chức trọng và tiền tài danh vọng. Vì muốn giữ mình trong sạch thanh cao, ông mạnh dạn từ chối thẳng thừng lời mời của Pháp. Đó cũng là điều ông tâm sự cùng người bạn đồng niên Dương Khuê của mình – “Biết thôi thôi thế thì thôi mới là” (Khóc Dương Khuê). Nên trong bài thơ “Anh giả điếc”, xét kỹ , nhân vật trữ tình (hay Nguyễn Khuyến) chỉ giả điếc thôi, khi thực dân Pháp để cho ông yên thì “sáng tai họ, điếc tai cày”, “sáng một chốc”; bằng bọn chúng cứ lấn tới thì ông tiếp tục giả điếc “ngơ ngơ, ngác ngác”. Thật là một con người có phẩm chất đáng kính vô cùng. Cách dùng từ trong bài thơ phóng khoáng, tự nhiên, lời thơ nhẹ nhàng, hài hước. Ở đó, con người Nguyễn Khuyến hiện ra là một người tài trí, thông minh trong việc ứng xử với bọn cướp nước.

Nhà thơ Xuân Diệu trong cuốn “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (tập 2), rất có lý khi gọi cái cười chế nhẹ nhàng, hóm hỉnh của Nguyễn Khuyến là một cái cười “không cấu xé vào nhân vật, sự vật” và Xuân Diệu còn đưa ra giả thiết: “phải chăng đây cũng là một thứ uy-mua (humour), một thứ “phớt ănglê”, và đây là một thứ cười “mát”, nói “mát” theo lối của Việt Nam ta, nhưng nói ngọt mà lọt xương, rất sâu sắc”. Theo nhận định đó, Nguyễn Khuyến tạo nụ cười hóm hỉnh, nhẹ nhàng trong một số bài thơ trào phúng chủ yếu là để gây cảm giác khoan khoái cho người tiếp nhận. Từ chỗ tiếp nhận dễ dàng dần dần nội dung bài thơ sẽ thấm chất sâu sắc vào trong tâm trí mỗi người. Vì vậy, tác giả rất chú trọng vào cái cười ấy.

Đỗ đến Tam nguyên, ai cũng biết Nguyễn Khuyến là một người có học vấn uyên thâm. Nên chuyện cư xử tôn trọng, lịch sự với mọi người, mọi việc là không bàn cãi. Song, có lần, ông cũng không cần phép lịch sự với hạng quan lại đục khoét của dân:

“Mày đi khoét lấy của người đây,
Lại có người theo khoét của mày.”
(Kẻ trộm mất trộm)

Ông xưng hô thẳng tuột “mày”, chính mày chứ không ai khác, ỷ quyền cậy thế ra sức vơ vét bóc lột sức lao động người dân. “Mày” làm thế để chi? “Mày” có thể khoét của người chẳng quyền tước nhưng rồi người có quyền tước cao hơn cũng sẽ khoét lại của mày. Cuối cùng cụ Tam nguyên Yên Đổ đúc kết :

“Gẫm chính cuộc đời ai chẳng thế,
Kiếm ăn không những một phường bay!”

Chuyện khoét của, kiếm ăn không chỉ có hai kẻ mà có đến cả xâu cũng nên?! Nguyễn Khuyến thật thâm thúy khi kết: “kiếm ăn không những một phường bay!”. Không gay gắt, trịch thượng – mà hài hước, nhẹ nhàng lắm. Ông cũng không bao giờ ngượng miệng, bởi sự việc hiển hiện như vậy còn chối thế nào:

“Người bảo rằng thầy yêu cháu đây,
Thầy yêu mẹ cháu có ai hay.”
(Thầy đồ ve gái góa)|

Rồi dựa vào chuyện xem như chơi- chẳng có gì ấy: yêu cháu bắc qua yêu mẹ cháu, cụ mỉa mai :

“Ở góa thế gian nào mấy mụ?
Đi ve thiên hạ thiếu chi thầy?”

Nhiều, nhiều vô kể, không chỉ một mình thầy đâu. Giọng cười nhẹ nhàng của Nguyễn Khuyến cứ ngấm từng lúc từng lúc một: thầy yêu mẹ mà mẹ cũng yêu thầy “dạy cháu nên rồi mẹ cháu ngây”. Điểm đặc biệt gây tiếng cười ở bài thơ này là ở chỗ lựa chọn từ ngữ đối lập gây ấn tượng, gây cười cho người đọc: thầy đồ-gái góa, lại thêm từ “ve” đầy lạ lẫm, hiện đại, đầy tính tượng hình. Tại sao chẳng phải là thương, yêu, thích, muốn? Chắc có lẽ vì ngay trong từ “ve” đã chứa sẵn chất hài trong đó, mà thật: đọc lên từ “ve” nghe đã thấy cười. Động từ chỉ một hành động thật hóm hỉnh. Cũng giống như vậy, ở một bài thơ khác, Nguyễn Khuyến viết:

“Đầu trọc lốc bình vôi,
Nhảy tót lên chùa ngồi.
Y a kinh một bộ,
Lóc cóc mõ ba hồi.
Cơm chẳng cần cá thịt,
Ăn rặt oản, chuối, xôi.
Không biết câu tình dục,
Đành chịu tiếng bồ côi.”
(Vịnh sư)

Nội xét cái hình hài, hành vi, động tác của vị sư đã đem lại một nụ cười hả hê. Đó là cái cười về hình thức bên ngoài. Vào nội dung, càng thấy nét hóm hỉnh ở Nguyễn Khuyến thâm hơn nữa. Với con mắt “nhập thế” của nhà nho, cụ Tam nguyên Yên Đổ chê trách cái lối trốn việc quan, bỏ bê mọi thứ để đi ở chùa của mấy anh “đầu trọc lốc bình vôi/ nhảy tót lên chùa ngồi”. Họ vứt áo quan vận vào áo nâu sòng, họ “y a kinh”, “lóc cóc mõ” thay thế những lúc cầm chầu, những lúc bên án thư mài miệt. Họ còn từ cả “cá thịt” mà chỉ cần ăn “oản, chuối, xôi”. Sau cùng phải đành coi như không được kề giai nhân nên “quên” “không biết câu tình dục”. Và chỉ thế thôi, bởi đấy có phải là điều gì to tát lắm đâu so với cảnh nguy vong của dân tộc, so với cảnh đạo lí nghìn đời đang đảo điên, điên đảo.

Vì cụ Tam nguyên chỉ chỉ trích nhẹ nhàng không thôi với cái cười hóm hỉnh nên người ta đồ rằng cụ là người không muốn va chạm, không dám nói thẳng ra nết xấu của ai sợ mích lòng, thù oán, cãi vã mất thời giờ. Song cần phải thấy rằng, Nguyễn Khuyến là một người có tư cách thanh cao, hơn hẳn đám sĩ phu bấy giờ, lại học giỏi nổi tiếng không ai bằng, thế mà không bao giờ cụ tỏ ra kiêu, lên mặt kẻ cả dạy đời, chỉ nhẹ nhàng chỉ trích thói hư, tật xấu của người một cách kín đáo, trầm lặng, thâm thúy