Chiều nay, bố tôi dẫn tụi trẻ con tôi đi thả thả diều. Bố tôi năm nay hơn 50 tuổi rồi. Dáng người cao gầy của ông chạy theo cánh diều làm tôi thấy ấm áp lạ. Với tôi, bố luôn là người tuyệt vời nhất thế gian này. Bố là thầy giáo của một trường làng. Hồi tôi bắt đầu đi học, chỉ có bố đưa đón tôi đi học trên chiếc xe đạp nhỏ. Tôi ở lớp hay cãi nhau với những đứa con trai trong lớp. Trên đường đi học về, tôi kể bố nghe về những chuyện trong lớp, mách bố về những đứa trai bắt nạt mình. Bố là anh hùng, dừng xe trước mỗi đứa, từ tốn giải quyết nhẹ nhàng mâu thuẫn giữa chúng tôi. Bố hay tổ chức những trò chơi cho tôi và các em. Bố cho chúng tôi một thế giới tuổi thơ trọn vẹn, bằng những câu chuyện cổ tích mỗi đêm, bằng thế giới những chuyện kì diệu trong kho tàng trí nhớ của bố.

Mùa thu hoạch ngô ngoài đồng, bố cho chúng tôi theo chân bố đi bẻ ngô, bố tỉ mỉ dạy chúng tôi cách ngắt ngô, cách luồn lách những lá ngô cứng sắc nhọn như cái kiếm sẵn sàng xẻ da chúng tôi. Mùa gặt bố bận nhưng vẫn không quên bắt cho tôi những chú muồng muỗng béo ngậy. Mùa gặt xong, cánh đồng thênh thang rộng chỉ còn lại những gốc lúa trơ trọi, bố cũng thả diều cho chúng tôi như bây giờ. Nhưng cánh diều hồi ấy không đẹp và tinh xảo như bây giờ. Cánh diều được bố tự làm. Bố tôi lấy những chiếc ni lông không còn dùng nữa, cắt dán, ghép tạo nên cái diều cho chúng tôi. Cánh diều sơ sài màu trắng đục, chống chọi bởi những thanh tre mỏng, nhẹ bố kì công vót từng cái một. Dây diều là những đoạn chắp vá bố lấy từ những bao phân bón lúa, bao cám gà, cám lợn. Công tác cắt dán của bố cũng phải mất mấy ngày liền. Dù bố rất khéo tay nhưng cũng không phải là người chuyên nghiệp.

Diều ơi… - Báo Đắk Lắk điện tử

Chúng tôi từ háo hức đến dài thượt , ỉu xìu thất vọng. Ấy vậy, mà cánh diều của chúng tôi cũng được hoàn thành, chúng tôi lại khấn khởi, hăm hở cùng bố ra đồng thả diều. Và diều của chúng tôi cũng cất cánh trước gió. Tôi tưởng chừng điều đó là không tưởng, như một sự kì diệu vậy. Một đứa con gái như tôi, cả hè đó đen nhẻm vì cứ chiều sau giờ ăn trưa cái là tót ra đồng thả diều rồi. Tôi cũng tự hào với đám bạn trai cùng làng rằng không phải cứ con gái là không được thả diều. Tự hào nói với chúng bạn rằng : “ Bố tôi làm cho tôi đấy, tự tay làm đấy”.Diều của tôi khác xa của chúng nó, to hơn, không dúm dó như chúng bạn. Mấy đứa lúc đầu cũng ghét tôi lắm, can tội tôi hênh hoang khoe khoang với tụi nó, phần nữa là tôi là con gái. Nhưng chỉ mất mấy hôm, chúng cũng xúm lại giúp tôi cho diều bay lên, vì tôi hì hụi mãi chẳng bay cao được như bố hôm đầu dạy tôi. Chúng tôi, mấy đứa trẻ cũng gần nhau hơn, chẳng có mâu thuẫn nào được lâu cả.

Hết mùa diều, cũng là hết mùa hè, bố lại bận đi dạy ngày đêm, chúng tôi thì đi học. Những cánh diều được cất gọn vào trong quên lãng. Bố tôi thì vẫn ân cần dạy chúng tôi ở lớp cũng như ở nhà. Điều đặc biệt ở bố, bố không dạy chúng tôi nhiều như mọi người vẫn nghĩ. Ở nhà, nếu chúng tôi có khó khăn chỗ nào thì hỏi bố thôi, chứ bố không ngồi kèm hay giao thêm bài tập cho chúng tôi. Bố dạy chúng tôi cách tự học, tự tìm hiểu, khó khăn hỏi bố hỗ trợ giải đáp. Bố nói: “ bố dạy các bạn trên lớp cũng bằng ấy thời gian, con cũng thế, mà các bạn vẫn học tốt được, con cũng thế cố gắng là được”. Thế là chúng tôi yên tâm học hành, không để mình phụ thuộc vào bố. Lên lớp bố vẫn là thầy giáo của chúng tôi, về nhà bố vẫn là bố tôi, giống như mọi người khác.

Nhưng bố tôi cũng có một vấn đề nhỏ, là bố nghiện rượu. Một thời gian bố bị khủng hoảng tâm lý, vì những khó khăn trong công việc, trong gia đình. Những bữa cơm thiếu bố, mẹ bảo bố đi ăn ở đâu, đi tiếp khách ở đâu,.. rồi mẹ con cũng tự ăn trước, phần cơm bố. Đêm muộn bố trở về trong tình trạng say khướt. Hồi ấy, tôi đã lớn hơn, học cấp hai rồi. Tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ cãi nhau bao giờ. Tối đó, bố mẹ cãi nhau một trận lớn, bố đập vỡ chiếc máy in của bố giữ gìn bao lâu. Tôi im lặng nằm trong chăn sợ hãi, giật thoát mình khi nghe tiếng đập đó. Sau đó là tiếng khóc của mẹ, bố chập choạng đi lên gác. Tôi chỉ dám hé mắt nhìn bố, thấy bố nhìn tôi một thoáng với đôi mắt đượm buồn. Qua câu chuyện của bố mẹ tôi lờ mờ hiểu được bố bị nghiện rượu từ lâu, nhưng chúng tôi không hề biết.

Đến giờ mẹ không chịu nổi, cả hai tranh cãi nhau về những vấn đề bố đang gặp phải, về bệnh nghiện rượu của bố nữa. Mẹ không cho phép bố sụp đổ như thế. Bố thì vì “sĩ diện” của một người đàn ông, một người con trưởng trong gia đình, không chịu nhẫn nhịn. Không khí im lặng bao trùm cả nhà mất mấy hôm. Bố thì đi sớm về muộn, chẳng ai nói với ai câu nào. Chuyện tệ nhất là bố biến mất một ngày, đêm đó tôi thức cả đêm lo lắng, chỉ mong rằng bố sẽ về, mong nghe tiếng xe máy bố trong đêm. Nhưng tôi ngủ thiếp đi, và bố cũng chưa về đêm ấy. Sáng sau tỉnh dậy, đi học như bình thường, mẹ vẫn im lặng không nói gì với chúng tôi. Chị em tôi biết ý không hỏi han gì về bố nữa. Cảm giác sụp đỏ, chán nản dấy lên khi người hùng của tôi sụp đổ.

Trưa về, tôi thấy bố đã trở về nhà, cùng chiếc máy in được sửa chữa. Bố đang ngồi bàn làm việc, gõ máy lạch cạch gì đó. Mẹ thì lúi húi nấu đó ăn trong bếp. Thấy chúng tôi về, bố ra hỏi han trò chuyện với chúng tôi. Bố dần trở về con người thường ngày, ân cần chu đáo. Chiến tranh im lặng dần dần thay bằng những tiếng cười trở lại của bố mẹ. Từ hồi đó, bố tôi cố gắng bỏ hẳn rượu. Trong các bữa tiệc, bữa cỗ, hay trong gia đình bố từ chối mọi người, thỉnh thoảng chỉ nhấp môi chút lấy lịch sự. Nhiều năm sau, tôi đủ can đảm hỏi bố về chuyện đó, bố lúc đầu hơi e ngại nhưng sau bố cũng thẳng thắn tâm sự với tôi. Bố đã bị dày vò bởi những khó khăn ấy, áp lực trong công việc, áp lực mà ông nội mang cho bố. Đó là những vấn đề của người trưởng thành, ai rồi cũng phải đối diện với những điều khó khăn ấy. Nhưng lương tâm bố vẫn hướng về chúng tôi, tình yêu của bố. Bố chọn gia đình, chọn sự yên ấm cho mẹ con tôi. Lần đập đồ ấy, cũng là lần cuối cùng bố nóng giận như thế. Tiếng đổ vỡ, tiếng khóc của mẹ, và ánh mắt của tôi đêm đó, là sự cảnh tỉnh của bố, đánh thức bố. Bố đứng lên được, bỏ qua được, vượt mọi sự trăn trở của chính mình. Bố trở về bên chúng tôi. Bố cũng từ từ chỉ cho tôi rằng, bố cũng đã mắc sai lầm, nhưng bố cũng đã dũng cảm vượt lên, sửa sai. Bố dạy sau này tôi cũng phải mạnh mẽ như thế, không được lùi bước trước khó khăn, thử thách chông gai của cuộc đời. Tôi im lặng lắng nghe, hi vọng sau này mình cũng mạnh mẽ được như bố.

Bố tôi là thế, không phải là một người hùng hoàn hảo. Tôi không phải là học trò giỏi nhất của bố, nhưng bố là người thầy tuyệt vời nhất của tôi. Một người thầy tận tâm với học sinh, một người bố tận tụy của gia đình. Giờ đây, khi đã trở thành người mẹ tôi cũng thấu hiểu một phần nào những nỗi lòng của bố. Bình an hơn, vững tâm hơn phần nào mỗi lần trở về lại thấy bố mạnh khỏe, vui đùa với các cháu. Hóa ra, hạnh phúc của một người bố mẹ cũng như của một người con đơn giản là nụ cười đó. Ấm áp và đầy yêu thương.