Tôi không nhớ rõ lần đầu mình nghe Hopefully sky ở đâu, tôi chỉ biết trái tim tôi đã run lên vì những lời ca ấy. Và khi cái se lạnh nơi đất khách kéo về, trên nền Hopefully sky da diết đến cháy lòng, khoác vội chiếc áo bông màu ghi mới mua từ trung tâm, tôi lao vội ra ban công và phóng đôi mắt về phía vầng sáng đang lên như một hạt mầm chớm nở đỏ ối nơi góc trời. Phía bên kia Mặt Trời, có một vùng đất tôi yêu đến cháy lòng- nơi mà giờ này chắc hẳn bóng cha tôi đang cặm cụi bên những viên gạch nát, lầm lũi dát đỏ cả tuổi thơ và cuộc sống tôi bằng đôi bàn tay tấy sưng, nứt nẻ dấu tích của một đời nhân công.

Mảnh đất tôi sinh ra- nơi không có những con đường phủ nhựa đen bóng, nơi chỉ có những hàng sỏi cùng đám cúc dại ngày ngày bon chen với sự sống cằn cỗi; nơi không có những tòa nhà cao ngất ngưởng với ánh đèn hoa lệ khi đêm về. Nơi chỉ có mái ngói đỏ loang lổ vết xám của rêu phong và khi đêm tới tất thảy mọi lối ngõ đều sóng sánh cái chất vàng óng ả của trăng xanh cùng tiếng dế râm ran khúc đồng dao ngày mùa… Và hơn mọi điều, nơi ấy tôi có mái ấm nhỏ của riêng mình, nơi cha tôi mỗi sáng thức dậy khi lũ gà còn ngái ngủ, nơi khởi nguồn cho mọi yêu thương đẹp đẽ nhất của tôi trên cõi đời vô cùng này.

Tôi nhớ Đông ghé về trên sắc trời mờ sương, ngày mới của cha là bữa ăn sáng vội vàng với tô bún hay gói mì. Trên chiếc Dream không thể cũ hơn, tiếng xe sùng sục bon bon bắt đầu hành trình kiếm sống thường nhật. Tiếng xe máy là âm thanh tôi quen thuộc thứ hai trong đời sau tiếng hát của mẹ. Nếu lắng tai nghe chăm chú chút thôi biết ngay cái tấm chắn bùn gạt nhẹ đầu bánh xe tạo cái âm thanh sàn sạt, cót két. Chỉ cần nghe tiếng xe từ xa vọng tới, tôi như ngửi thấy ngay mùi nắng cát phủ đầy trên chiếc áo công nhân của cha và đầu óc tôi tức khắc mường tượng bóng cha về với khuôn mặt ửng đỏ ánh trời chiều nơi đầu ngõ ….

Cuộc đời cha là những quanh quẩn với gạch, vữa, với những tháng năm lặn lội trên đồng nước. Cuộc đời ấy làm bạn với nắng mưa, kết thân với đất trời, với cả những âu lo xa xăm về hạnh phúc. Và bao năm vẫn thế, hằn in trong tâm trí tôi lúc nào cũng là đôi bàn tay chai sần nứt nẻ của cha. Tôi nhớ như in, đôi bàn tay ấy chưa một lần đủ ấm bởi chút sáng le lói của ngọn lửa nhỏ và chỉ chực chờ khi đông tràn về thì lại âm ỉ, tứa đau, đôi bàn tay đã lấy đi của ông bao đêm không ngủ và nỗi lo cơm nước phải hòa cùng cái đau dai dẳng suốt cả tháng trời. Nhưng tôi yêu đôi bàn tay ấy, yêu bàn tay vỗ về chúng tôi vào những giấc mơ; bàn tay vẫn ngày ngày lấm lem cát bụi, xi măng, hóa chất để vun vén tuổi thơ của chúng tôi trở nên đủ đầy; bàn tay đã ươm mầm và thắp sáng trong tôi nhiều lắm những yêu thương và xúc cảm.

Hà Tĩnh: Những vui buồn đời thợ xây | Xã hội

Mùa Đông vẫn cứ âm ỉ không nguôi, kéo lê cái sắc lạnh từ đầu tháng Mười đến cuối tháng Ba năm sau, cha tôi trằn trọc trong những giấc ngủ chập chờn với nỗi lo thường trực về miếng cơm manh áo. Vẫn lúc mặt trời còn chưa hé đã nghe tiếng cha dậy lúi húi trong căn bếp, hì hục giúp mẹ chuẩn bị bữa ăn đầu ngày, tiếng bước chân rón rén vì sợ đánh thức lũ con còn im lìm trong chăn ấm. Cuộc sống ấy thừa mứa những lo toan, nhọc nhằn. Cái nghèo đói không chỉ là thiếu thốn nhu yếu phẩm cần thiết mà còn là những phút giây thảnh thơi, ngơi nghỉ. Nhiều lúc nheo mắt nhìn bóng cha đi về giữa trời chập choạng, để mặc gió rít bên tai, cái rét như thấm trong từng đường gân, thớ thịt; tôi chợt thấy xót, xót cho tình yêu vô cùng của người đàn ông nhỏ bé ấy, xót vì nỗi lòng cha cho đến tận hôm nay tôi vẫn chưa một lần báo đáp, dù là một tiếng thương đơn sơ, bình dị nhất. Tận sâu bên trong tôi hiểu, lấp đầy trái tim cha là khát khao vượt lên trên cảnh đời khốn khó như những hàng thông xanh sừng sững giữa ngọn đồi cằn khô sỏi đá, là giấc mơ cuộc đời con mai này như sắc rực đỏ của quả gấc chín khi xuân kéo về trên giàn sắt trước ngõ và là nuôi yêu thương để kiếm tìm hạnh phúc như lũ chim non thả tiếng ca để nhặt hạt nắng vàng. Bởi rằng cha không muốn một mai cuộc sống chúng tôi cũng chỉ là đám hoa dại lấm lem bụi đường. Tôi thấu cảm được điều đó- nỗi lòng của một người đàn ông trụ cột. Bao nhiêu nước mắt, mồ hôi của cha đã đổ xuống đất cát bạc màu, vun nắn nên hình hài những mái nhà ngói đỏ nhấp nhô, cho mạ non xanh ngắt lá, cho lúa chín vàng bông và cho trái lành kết thành ngon ngọt nuôi chúng tôi lớn lên trên mảnh đất quê hương cằn cỗi khói sương này. Có người cha nào chẳng mong con mình hạnh phúc, lớn khôn, có người cha nào chẳng mong thời áo trắng của con không vướng chút bụi cơm tiền. Cha tôi cũng thế, là những bâng khuâng miên man trong cả cái ăn, cái ngủ…

Thuở ấu thơ, cha vẫn hay ru tôi bằng những làn điệu ví dặm của quê hương, hồi ấy tôi chẳng hiểu gì và dù sau này có lớn lên một chút tôi vẫn không ngấm nổi những lời ca ấy. Khác với tôi, ông yêu những làn điệu này. Nghe lời cha hát tôi xuyến xao con sông Lam tư lự suốt bốn mùa nước chảy hiền hòa- nơi đã bồi nên phù sa những cánh đồng mải miết về phía chân trời đầy nắng, có cả những hàng tre trưa chiều hát khúc đồng dao rì rào cùng tiếng gió và có cả điệu hò tiếng trai làng bên gái làng dưới bên nhau tình tứ, câu í ới tiếng mẹ gọi lũ con về khi trời đã nhá nhem . Vì có cha, tôi đã yêu mảnh đất quê nghèo này và giờ tôi yêu cả điệu hát thân thương của xứ Nghệ- điệu hát mang hơi thở của cha và hương mồ hôi của những con người dân quê đen đúa quanh năm chân lấm tay bùn.

Đậm tình cha con trên màn ảnh - Báo Người lao động

Và lúc này đây, khi cách xa cha cả nửa vòng Trái Đất, tôi ngồi nghe Hopefully sky thay cho những làn ví dặm đơn sơ cha từng hát:

Con phải nên đi đâu đây
Để sống một cuộc đời tràn đầy tình thương như bố
Thị trấn của riêng con- nơi con có thể thấy những vì sao to lớn nhất
Mặt trời mọc trong khí xuân ấm áp và muôn hoa đua nở
Con sẽ luôn an ủi bố
Sẽ luôn yêu bố thật nhiều
Bài hát này chỉ dành cho riêng bố mà thôi…*

Thả hồn miên man trong tiếng kèn da diết của bài hát ấy, tôi mơ về lại những ngày chưa từng cũ. Từ phía xa xa, tôi đã loáng thoáng thấy ngôi nhà sơn vàng khuất sau hàng na già rực quả. Và bên cánh cổng nhỏ đã cũ màu sơn, một bóng hình quen thuộc đến nao lòng- cha đang đứng với đôi vai trĩu nặng cuộc đời.
…………
*Trích Hopefully sky (Jeong Eun Ji)