Chiều nay, tôi đang chạy xe trên con đường nhựa, thấy lác đác hai bên người dân tận dụng khoảng trống lề đường để phơi thóc. Đang mùa gặt mà, nhà nào có sân rộng thì được phơi trong sân, còn không thì phơi hết cả ra ngoài đường. Trời nắng, nhà nào cũng tranh thủ mang thóc ra phơi cho thóc được chắc già, thơm hạt. Người ta quét, cào, dũi để những hạt thóc được sạch sẽ, được vàng hơn trong nắng mới.Những hạt mồ hôi rịn ra cả lưng áo, lấm tấm trên khuôn mặt làm cay xè đôi mắt cũng không làm cho nụ cười người phơi thóc bớt tươi. Có lẽ bởi mùa lúa đã không phụ công người, một mùa bội thu lại về để đáp đền công lao con người bao ngày không quản nắng mưa đồng ruộng. Lúa được gặt về nhà, người lại cần mẫn, hăng hái phơi phong cho những hạt thóc ăn căng nắng trời. Có như vậy, thóc mới để được lâu, hạt mới chắc, thơm, không lo bị mủn, bị mọt.
Nhìn những dải thóc được trải ra căng mình trong nắng, tôi lại nhớ tới ngày mình còn bé bên cha mẹ. Nhà tôi cũng cày cấy mấy sào ruộng. Mùa nào việc đó. Những mùa cấy lúa, trồng màu thì tôi theo bố mẹ ra đồng, cũng lui cui làm đủ thứ việc mà mẹ sai bảo. Nhưng cứ đến mùa gặt là tôi được giao nhiệm vụ ở nhà phơi thóc.Từ lúc ánh nắng mặt trời mới là một màu hồng rực từ phía cuối chân núi phía xa tít tắp, tôi đã xúc thóc vào những chiếc thúng từ trong nhà để bê đổ ra sân. Sau đó lấy chiếc cào bằng gỗ, có các răng thưa được đóng cách đều nhau khoảng 5 cm để dàn thóc cho đều. Chẳng mấy chốc tấm thảm thóc óng vàng đã phủ kín mặt sân. Chiếc cào như chiếc lược khổng lồ chải những đường thẳng song song lên thảm thóc. Những chiếc răng cào qua bao mùa phơi phóng đã trở nên nhẵn bóng. Nếu nắng giòn được thuận lợi, thóc chỉ cần phơi hai ba hôm là già; sau khi giê , quạt sạch sẽ những hạt lép, cấn cát là có thể cất vào bao, vào bồ, vào cót. Nhưng đôi lúc một mẻ thóc phải phơi đi phơi lại đến cả tuần mới xong. Bởi không được nắng và cũng có khi gặp những cơn mưa bất ngờ ập đến.

Nỗi cực "chạy thóc" những ngày mưa nắng thất thường: Một phút ngủ quên là  công sức đổ biển, nhanh chân chẳng lại với trời
Tôi bật cười khi nhớ lại những ngày phơi thóc, đang nắng gặp cơn mưa bất chợt. Lúc đó mấy chị em tôi lại vội vàng, cuống cuồng, đứa cào thóc gom thành đống, đứa lấy chổi quét gọn hạt vào, tôi lớn hơn chịu trách nhiệm xúc thóc cho vào chiếc bao đã được em út đứng căng rộng miệng chờ sẵn. Xong rồi mấy chị em lại khệ nệ khiêng từng bao thóc lên hiên nhà, che chắn cẩn thận. Có khi bố mẹ về kịp, bố sẽ đảm nhận phần việc vác các bao thóc xếp lại, mẹ sẽ che đậy. Xong xuôi hết mọi việc, lúc đó mới thấm mệt, nhưng thật vui vì thóc không sao. Có không ít lần, mưa đến quá nhanh, dù có cố gắng đến mấy, chúng tôi cũng chẳng thể cứu nổi đám thóc đang phủ kín mặt sân. Mưa đến ào ào không báo trước. Vậy là để tránh thócbị trôi, tôi chỉ còn biết chặn lại cống sân. Lòng cầu mong trời ngừng mưa; lo lắng cho đám thócđang dầm trong nước nếu không được hong khô kịp sẽ dễ bị mọc mầm, bị mủn hạt. Lo nhất là bố mẹ về sẽ trách phạt vì để thóc bị ướt. Nghĩ lại thấy sao ngày đó mình khờ dại quá chừng. Chỉ vì sợ bố mẹ la mắng, đánh đòn vì mải chơi để mưa ướt thóc mà có lần tôi đã tìm cách trốn thật kỹ, khiến bố mẹ phải lo lắng tìm đỏ con mắt, gọi khản cả giọng…
Những ngày phơi thóc, chị em tôi và mẹ chẳng khi nào ngủ trưa. Thức đó để thi thoảng lại ra sân cào đảo thóc. Nhiều khi tôi bắt chước mẹ không dùng cào mà đi đôi bàn chân trần xuống sân dũi thóc. Cứ dũi dũi thành từng luống nhỏ như những đường cày bé xíu trên mảnh ruộng thóc vàng óng. Nhớ buổi mới tập dũi thóc, hai mua bàn chân tôi bị những bụi thóc, dăm đầu hạt thóc bám cắm vào, ngứa râm ran. Lâu dần thành quen. Nhiều lúc dũi thóc, tôi còn nghịch nghĩ ra đủ kiểu “đường cày” trên sân. Khi dũi thành những luống ngang, lúc lại chạy dọc. Ưng ưng tôi cuốn lại thành những đường tròn chạy dần vào chính giữa sân.
Những ngày phơi thóc, trời nắng như đổ lửa, chỉ mong có cây kem mát lạnh xoa dịu đi cái nắng đang cay xè đôi mắt, đang rát bỏng đôi chân. Nhiều lúc, cầu được ước thấy, tiếng hàng kem từ xa dần dần rõ ràng hơn. Người bán kem với chiếc thùng đằng sau đang đạp xe trên con đường nắng, tay cầm chiếc kèn nhỏ bóp đều đặn theo những vòng quay bánh xe đạp. Chị em tôi vừa nghe đã hí hửng reo lên: “Đấy, kem đến rồi kem đến rồi” và bắt chước tiếng kèn rao bán kem ngân dài “te…ê….ê…tê buô…buốt, tê buốt”. Những lúc đó, mẹ sẽ cho vài đồng để chạy ra ngõ gọi lớn “Kem, kem”. Những que kem ngày ấy đâu có nhiều vị như bây giờ, chỉ đá với đường, ăn thì rắn câng câng, vậy mà lúc nào bọn trẻ chúng tôi cũng háo hức mong chờ; vậy mà vẫn ngon; ngon suốt cả tuổi thơ tôi, ngon tới tận bây giờ – mỗi khi nhớ lại.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, tôi lớn lên, lấy chồng và lập nghiệp xa nhà, quanh năm suốt tháng cứ mải miết lo công việc của mình với những bộn bề, hối hả của cuộc sống mà đôi lúc quên mất rằng nơi quê nhà, bố mẹ vẫn chăm lo cấy cày vài ba sào ruộng. Vẫn những buổi phơi thóc, chạy thóc nhưng thiếu vắng bóng dáng những đứa con. Chợt sống mũi cay cay nhớ nhà. Tôi bỗng thèm da diết ngay lúc này, được trở về quê, được đội chiếc nón lá, bước đôi chân trần xào xạo trên sân thóc, đưa chiếc cào như chiếc lược khổng lồ, kéo những đường thóc thẳng đều trong nắng vàng rực rỡ.