Dẹp cặp sách, thay quần áo, ăn cơm lẹ lẹ đi con, rồi sửa sọan đi soi với cha, chứ để trễ lại bị rầy à! Đó là giọng của mẹ tui vào mỗi buổi chiều khi tui đi học về. Nhà tui là vậy, anh em tụi tui hễ đứa nào 9, 10 tuổi là phải biết phụ giúp gia đình. Hôm nào cũng vậy, tụi tui không đi cắt lúa, làm đồng thì mò cua, bắt óc, hoặc giăng lưới, cắm câu kiếm đồ ăn, bữa nào có nhiều thì mẹ tui bưng theo xóm bán, lấy tiền dành dụm cho anh em tui ăn học.

Tui may mắn hơn anh chị mình, là đứa được học cao nhất, nên ban ngày tui không phải làm việc đồng áng, bù lại vào những buổi tối, tui đi soi cá với cha. Nhiệm vụ của tui là bơi xuồng tiếp ông ở những đoạn mà lục bình trôi nhiều, kẹt cứng lòng kênh hoặc là giở khoang xuồng lên tát nước mỗi khi xuồng bị vô nước quá nhiều. Còn lại đa số thời gian thì tui ngồi học bài. Chiếc xuồng cui tuy nhỏ nhưng mà cha tui vẫn dành riêng cho tui mấy khoang. Mấy khoang này được ông đóng sạp kỹ lưỡng bằng tầm vông già. Cha tui nói, đóng cái sạp này dành riêng cho thầy giáo học bài (cha tui hay gọi tui vậy, cũng như những người dân miền tây khác, hay đặt kỳ vọng của mình vào cái danh xưng dành cho những đứa con cưng). Nhờ vậy mà tui cũng có cái uy, mỗi lần anh chị tui muốn ngồi lên cái sạp đó là phải xin phép, được sự đồng ý của tui thì mới được ngồi. Với tui, cái sạp xuồng tầm vong đó là giang sơn, là chỗ mà tôi có toàn quyền thống trị.

Chiếc xuồng ba lá quê tôi - Văn Chương Phương Nam - Hội Nhà Văn Thành Phố  Hồ Chí Minh

Trên cái sạp đó, tui dần lớn lên, bên sách vở và bên những câu chuyện đời của cha. Ông hay kể tôi nghe về những thăng trầm trong cuộc sống, về tình người và những tâm sự của riêng ông. Đó là câu chuyện về chú Ba Cần, người hay giúp đỡ cha mẹ tui (chú đã cho họ mượn đất để cất trại , lắng lo khi ốm yếu bệnh đau,…) trong những ngày bôn ba vì miếng cơm manh áo, đó là câu chuyện về chú Út Khởi người đã dùng chiếc vỏ lãi chở mẹ tui vượt sông Hậu đi sanh, mà sém chút đã bị bà thủy nhấn chìm bằng dòng nước xoáy,… cùng nhiều những câu chuyện tương tự được tái hiện trên chiếc xuồng và lúc nào cha tui cũng kết thúc bằng cách dặn dò tui về lối sống nghĩa tình, về cách đối đãi tử tế với nhau, bởi lẽ con người sanh ra là để xoa dịu cho nhau trong những ưu phiền, khổ ải. Có khi, ông lại chỉ tui chiêu thức định thời gian bằng cách nhìn trăng, ngó sao, đoán thời tiết bằng cách dựa vào vị trí của mây, hướng gió và tiếng kêu của côn trùng, ếch nhái còn có mẹo để biết chỗ nào nhiều cá đặng đi soi cho trúng mánh. Tất nhiên những kiến thức ấy chưa bao giờ làm tui thất vọng. Chiếc xuồng cứ thế mà đồng hành cùng cha con tui. Trong tâm thức tui nó không chỉ là dụng cụ để kiếm sống cho gia đình mà nó còn là phương tiện chuyên chở những trải nghiệm quý báu của hai thế hệ, là không gian yên bình, mà tại đó lưu truyền những tri thức để đời của bậc cha anh, giúp bọn trẻ như tôi vững vàng tiếp bước.

Sau này lớn hơn, tui là người soi cá. Cha vào vị trí của tui, chỉ có khác là ông không học bài như tui hồi nhỏ, mà những lúc rảnh ông châm một điếu thuốc phì phà, hút với gương mặt trầm tư. Thi thoảng ông lại nhìn xuống khoang xuồng, rồi than phiền như một thói quen, rằng, chiếc xuồng này tới tuổi rồi, không biết còn được bao lâu! Tui biết, cha tui không muốn bỏ chiếc xuồng này, vì ngày trước, để mua nó, mẹ tui đã giấu ông lặng lẽ bán đi mái tóc dài yêu quý của mình. Chừng cha tui đi đồng về, hay tin, ông lủi thủi ra hè ngồi uống rượu một mình. Mẹ tui có lẽ thấu được lòng ông, nên ra sau an ủi, tóc thì từ từ dài, giờ mua chiếc xuồng có cái đi soi, để còn lo cho sắp nhỏ học hành, rồi bà nhẹ nhàng đi vô, như sợ tổn thương lòng tự trọng của chồng.

Vậy là từ đó một phần tuổi thơ tui và công việc của cha đã gắn liền với nó – chiếc xuồng cui, cả ba chúng tui như những người bạn đồng hành không thể thiếu nhau. Nhưng đời người, nặng tình tới đâu thì đôi khi cũng khó lường trước những biến cải của cuộc đời. Sau một trận bão mùa nước nổi, chiếc xuồng già cỗi bị sóng đánh bể ra và trôi đi một nửa. Chúng tui đành mua một chiếc xuồng mới, nhưng mỗi lần đi soi lại có gì đó không quen, cha tui thì hay nhắc về chiếc xuồng ngày trước. Tui không biết ông vì tiếc cái xuồng hay vì muốn giữ nó để hoài niệm về suối tóc của mẹ thời son rỗi , đã đánh đổi trong những giai đoạn khó khăn, cơ cực của đời người để cáng đáng cho gia đình!

Riêng tui, những ký ức tuổi thơ về chiếc xuồng lâu lâu lại hiện về, với hình ảnh những bông lục bình tim tím được rọi sáng bởi ánh đèn bình vàng ấm, nhẹ nhàng lướt qua be xuồng của hai cha con, như nắm níu, như chèo kéo phút giây nhộn nhịp mà chiếc xuồng mang lại giữa nơi đồng không mông quạnh. Và hơn hết, trên chiếc xuồng đó có thằng nhỏ ngồi học bài bên chong đèn dầu gan lì trước gió, có người đàn ông tóc dần bạc đi, ngồi vấn hút từng điếu thuốc lá để hoài niệm và trao tay từng khoảnh khắc trong đời, để mái tóc dù đã cắt ngang nhưng vẫn thướt tha buông dài trong hoài niệm, trong ký ức mãi về sau.