Đều đặn, hai buổi sáng chiều, kề cạnh ngôi đình lại tấp nập, rộn rã những bóng người. Phiên chợ hôm bốn mùa nối đuôi nhau theo một chu kì đều đặn như thế, như mặt trăng và mặt trời tuần hoàn hoán ngôi nhau khi đồng hồ về lại vạch xuất phát đầu tiên.
Ngôi làng nhỏ có một khu chợ nhỏ, nói là chợ, nhưng thực chất là một khoảng đất trống dư ra bên hè, khu chợ trải một đoạn ngắn ngủi chỉ bằng ba ngôi nhà san sát bắt đầu từ cây phượng vĩ trước cổng đình đến cây bàng già ở sát ngã tư của trục đường chính. Chợ bắt đầu từ tờ mờ sáng, với những món ăn quen thuộc và dân dã được bày biện đủ đầy để làm no lòng những người đi làm sớm.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thức dậy ở cái khoảng cơn mơ còn lưng chừng ấy để chạy theo mẹ đi chợ và kì kèo đòi mua những thức đồ ngon nhất. Bầu trời buổi sáng mát lành và dễ chịu, đó là lúc mà mọi vật đã rũ sạch mình khỏi những bụi bặm và nhọc nhằn từ ngày hôm qua để vẫn im lìm như một tổ chim non chờ phút vén mở của mặt trời. Ở độ tháng bảy như bây giờ, buổi sáng cũng là lúc mát nhất trong ngày, chỉ chờ vài ba tiếng nữa khi nắng lên, như một lò than hầm hập cháy, tất thảy mọi vật ngâm nhau trong một bầu không khí nóng bức và oi nồng. Chợ phiên buổi sáng bởi thế cũng không vắng người buôn bán, người ta tận dụng tối đa cái niềm may mắn ngắn ngủi của tự nhiên này để nuôi cái suy nghĩ bán nhanh rồi về.

Chỉ là một phiên chợ làng nên thực chất cũng chẳng có đủ tất cả mọi thứ để thoả lòng những ai ngại phải đi xa ra siêu thị hay trung tâm thị trấn, nhưng phần nào hàng hoá ở đây cũng rất đa dạng, phong phú và thiết yếu. Phần lớn là người cùng quê nên đôi lúc sự mua sự bán cũng hoá thành sự cho sự nhận. Nhiều người đến với chợ không phải sự tìm tòi hay kì kèo những đồng tiền lẻ mà chỉ đơn thuần là khoả những nỗi muộn phiền. Tôi thấy rất nhiều những gánh hàng rong nép mình trên vỉa hè, có thể là gánh rau khoai, gánh ngô, gánh bún,…hay có khi là một rổ trứng gà còn ấm và vài ba quả bí, quả dưa còn rỉ nhựa,…

Bồ tát giữa chợ đời

Hầu hết người bán là những bà cụ, người già luống tuổi. Và điều hay ho mà tôi phát hiện chính là gia cảnh của họ chẳng hề thiếu thốn gì lắm, đầy đủ ba bữa con cái đi làm về nấu ăn và chăm lo. Lắm lần tôi tự hỏi sao họ phải cất công ngồi im hàng giờ đồng hồ chỉ để có lấy vài đồng tiền lẻ. Rồi tôi nhận ra, nhận ra hay chính vỡ lẻ về một điều đẹp đẽ hơn từ những con người đã gần đất xa trời ấy: Họ ra chợ bằng tình thân, bằng sẻ san. Càng về già người ta càng muốn sẻ san, càng muốn gần gũi, càng muốn thân thuộc. Ngôi làng tí hon đạp xe một vòng là hết nhẵn đường, một phiên chợ nghèo lởm chởm đá và khói bụi mịt mù khi có một chuyến xe qua, thế nhưng nơi ấy có những con người mà ai đó đã từng gắn cả tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi trung niên của mình để sẻ san, nơi đó có bạn, bạn thơ, bạn từ thuở bím tóc hai ngoe đến khi lầm lũi theo nhau một gánh rau, gánh nước cong lưng bên hè. Có nhiều người sẽ bật cười trước sự hồn nhiên của tuổi già ấy, nhưng sau tiếng cười là sự suy ngẫm.

Còn điều gì đáng quý hơn một người tri kỉ, con cái lớn lên rồi cũng sẽ xa dần bố mẹ, chúng sẽ kiếm tiền, sẽ chăm con và có nhiều lắm đâu thời gian để lắng lòng gạn lấy những tâm tư của người già mọn. Những bậc cha mẹ tuổi xế ấy rồi vẫn đều đặn 24 tiếng mỗi ngày làm gì khi con đi làm, khi cháu đến trường? Người ta đến chợ, như một sự dự phần dù là nhỏ bé để thấy mình vẫn còn được sống, vẫn còn giá trị và vẫn được trân trọng. Người ta đến chợ bằng sự mỏi mong khỏa lấp đi sự chán chường và những nghĩ suy bi quan của tuổi về già. Người ta đến chợ để ngồi buôn bán với nhau cả đôi ba câu chuyện vặt vãnh, để cùng dẫn nhau về miền hoài niệm nào đó đẹp đẽ và đáng nhớ vô cùng, để cùng được một phút thở than hay kể nhau nghe tật xấu của thằng con, đứa cháu mình. Hạnh phúc với những tâm hồn đã có vết chân chim cũng chỉ bình dị đến thế mà thôi. Và khu chợ nhỏ cứ thế, như một tổ ấm lớn, vén cho nhiều người những niềm vui nhỏ bé mà chân thành nhất.

Đã có rất nhiều biến đổi, khu chợ bớt đi một chút xập xệ so với hình ảnh trong kí ức của tôi. Người ta xây lại và đổ đầy con đường đất cát bằng nền xi măng phẳng lì, thay cho những tấm bạt xanh đỏ hay tấm vải hoa nhiều màu bị gió thổi tung khi đông kéo về là những mái tôn bền bỉ và chắc chắn. Khu chợ vẫn một đoạn ngắn ngủi từ đầu ngõ ra ngã tư đường và những con người vẫn đều đặn đến chợ bằng thân tình. Một lớp thế hệ nào đó đã đổi chỗ cho nhau, tôi không thấy một vài bóng dáng quen thuộc như hồi tôi mới lên mẫu giáo, nhưng vẫn con đường đó, vẫn con người nơi đây, và vẫn những tiếng cười đùa đôi lần tranh cãi bên bãi chợ phiên vẫn lặng lẽ thắp lên trên mảnh đất này những điều cao quý, vẫn thắp lên trong tôi một niềm tin mãnh liệt nào đó về tình thương và sức trường tồn vĩnh cửa của hai tiếng bạn bè.

Có những phiên chợ bình yên như thế và cũng có những phiên chợ đời vẫn chờ bình yên. Cuộc đời từ một góc khuất nào đó sẽ không đẹp như những gì trên trang sách hay trong giấc mơ, tôi chưa đi đủ nhiều để dám lớn tiếng nói về những người chạy theo dục vọng để mưu lợi trên đời sống người, nhưng tôi tin chắc sẽ cũng nhiều người như tôi biết buồn và muốn làm gì đó để sống khác đi những điều tăm tối ấy. Tự chính bản thân, chính tôi, chính em, chính chúng ta, đừng làm một người đi chợ chỉ biết mua bán, dù là chợ hàng hay là chợ đời. Khoảnh khắc em ra chợ hàng, một lần nào đó, một lần thôi, lên tiếng cho tất cả cùng tỉnh và cảnh tỉnh về một sự ôi thỉu nào đó của những thứ đồ đóng hộp, trong bịch ni lông, của sự tẩy rửa, của sự diệt trừ. Và phút giây em đi chợ đời hãy bán buôn hoặc thậm chí cho nhận bằng chính niềm tin, bằng sự sẻ san, bằng sự chân thành, để chính ta và đời đời mai sau khi ta hóa thành tổ tiên của một lớp thế hệ nào đó, ta vẫn tin rằng tri âm là có thật và là chuyện thẳm sâu muôn kiếp muôn đời.