Hồi còn bé, cả xóm chỉ có tôi và anh là không có quan hệ họ hàng. Ai cũng bảo hai đứa là thanh mai trúc mã. Những trưa hè trời nắng chói chang, thấy anh mướt mải mồ hôi đứng ngoài gốc me đầu ngõ đợi cả đám bạn như đã hẹn. Hồi ấy, làm gì có điện thoại di động để nhắn tin, gọi điện hẹn trước như bây giờ; chỉ biết khi cần gặp nhau, cứ đi ra điểm hẹn là kiểu gì cũng gặp được. Thấy tôi khẽ khàng đóng chiếc cửa gỗ cũ đã bị mối mọt xông, anh cúi đầu cười gượng gạo. Hai đứa ngồi dưới gốc cây me cổ thụ đợi thêm vài đứa nữa trong xóm tới rồi cùng nhau đi câu cá.

Chúng tôi thường câu ở cái ao gần nhà tôi bởi có gốc sung già làm bóng mát. Cái ao này nước nông, nhiều bèo tây và cá nhỏ, thỉnh thoảng còn câu được cả cua. Có lần thấy động chân bèo, lỡ tay giật mạnh vướng cả móc câu vào cành sung, muốn gỡ ra thì phải chấp nhận trèo lên cây toàn sâu róm, bọ lẹt, còn cố giật ra thì xác định là đứt mất lưỡi câu. Nhìn mặt tôi tiu nghỉu ngồi ôm chiếc cần câu đứt lưỡi, tay vẫn cầm chiếc chai nhựa trong veo mang theo để đựng cá thì anh đổ bình cá của mình sang, chia cho tôi một chú cá cờ đuôi trộn màu xanh đỏ rất đẹp. Tôi cầm bình cá về nhà để cạnh cửa sổ gần giường nằm rồi ngắm nghía say sưa. Giờ thỉnh thoảng nhớ lại chuyện xưa cũ, chuyện tôi đặt tên anh cho chú cá nhỏ, tôi vẫn thường hay tự cười một mình.

Tuổi thơ tôi - Trung tâm Đào tạo Lan Anh

Thời xưa, dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng chúng tôi đã có một tuổi thơ êm đềm biết bao. Nhà nào cũng nghe tiếng mẹ: “Cứ làm xong việc đi rồi mày muốn đi đâu thì đi”. Đứa rút rơm, đứa trộn cám cho gà ăn, đứa thái bèo nấu cám cho lợn,.. Hết mùa cày ải là đến mùa bơm nước lồng đất, trong làng có nhà hay thả vịt cỏ ra đồng, đàn vịt lên tới hàng trăm con. Năm đó, lại đúng vào mùa vịt đẻ, đám trẻ trong xóm tôi rủ nhau ra cánh đồng nhặt trứng. Đứa nào đứa nấy đều thủ sẵn một túi bóng nhét trong túi quần đến địa điểm tập kết rồi xuất phát cùng nhau. Thấy quả trứng trắng trắng nổi trên mặt nước, cả đám thi nhau chạy tới vồ lấy làm đàn vịt sợ hãi chạy toán loạn. Có đứa chạy nhanh chúi đầu xuống ruộng, khắp người toàn bùn đất, cũng có đứa vồ mạnh quá làm quả trứng vỡ toét trong tay. Kết thúc buổi đi nhặt trứng vịt, đứa nào đứa nấy người nấm bê nấm bết bùn đất phải nhảy xuống ao tắm, giũ sạch sẽ rồi vừa đếm số trứng nhặt được, vừa hong khô quần áo mới dám về nhà.

Tuổi thơ ấy bây giờ muốn mơ lại chẳng được. Dù nhà nghèo, đến chiếc màn căng lên mỗi tối để chống muỗi cũng vá chằng vá đụp, chiếc chõng tre để ngoài hiên hóng gió gãy một chân cũng phải kê gạch ngói cho bằng phẳng nhưng đó vẫn là khoảng thời gian quý giá nhất. Cuộc sống ở làng quê nghèo, xung quanh họ hàng nhiều hơn người dưng nước lã nên trẻ con nhà nọ chạy sang nhà kia chơi, đến giờ cơm chỉ cần ra đứng ở đầu hồi nhà gọi đổng và ngay lúc sau đã nghe tiếng chân bình bịch chạy về sau tiếng “dạ..” kéo dài. Cứ vậy, bọn trẻ chúng tôi cùng nhau lớn lên trong những giọng ru êm đềm và trong trẻo ở lũy tre làng, là niềm ước ao của biết bao trẻ con thành phố.

Có một buổi chiều tan học, anh đứng đợi tôi ngoài gốc me đầu ngõ nhưng do sợ bố tôi mắng nên không dám gọi. Vừa lúc anh trai tôi đi lùa đàn gà vào chuồng thấy bóng anh đứng ngoài ngõ thì phím lại cho em gái, đợi đến khi bố đi tắm thì chạy ra ngoài. Anh đưa cho tôi túi kem đã tan hết đá lạnh, vẻ mặt như cảm thấy có lỗi. Hóa ra, anh dành dụm tiền ăn sáng để mua kem phần tôi nhưng trời nóng, đi về đến nhà thì kem chảy ra thành nước rồi nên mới ngập ngừng không dám gọi. Tôi cầm túi kem đã chảy ra thành nước ngửa cổ uống một hơi:

– Kem ngon quá, mát quá! Hi hi.

Thấy tôi vẫn uống hết nước kem tan chảy, mặt anh mới giãn ra một chút. Ngày ấy, mỗi lần nghe tiếng xe bán kem đi rao mà đám trẻ tụi tôi chỉ biết ngồi nuốt nước miếng. Cứ thế, chuyện mỗi chiều được ăn một que kem mát rượi chỉ là niềm khát khao của tuổi thơ.

Vào vụ lúa, nhà nào có ruộng thì trẻ con đều biết cầm thau, cầm gầu đi tát nước. Những ngày trạm bơm xả nước, mẹ sai đạp xe lên tận dấp hai gỡ đất be bờ để nước từ máng dềnh lên đầy khắp ruộng. Còn những ngày đồng khô hạn, nước dưới mương máng còn ít thì phải tranh thủ mang thau, mang gầu đi tát. Có khi, vừa ăn trưa xong phải đi ngay, vì đến chiều, cả đồng người ta tát trước thì lại nơm nớp lo ruộng nhà mình lúa chết khô. Vả lại ngày xưa, thời tiết cũng dễ chịu hơn bây giờ nên ra đồng buổi trưa cũng có gió mát, lại thơm mùi lá lúa nên chúng tôi cũng háo hức đi lắm. Trẻ con đứa nào cũng thế, thà đi tát nước buổi trưa rồi được chơi đến chiều chứ không muốn nằm quạt ngủ trưa.

Ruộng nhà anh gần ruộng nhà tôi nên hai đứa thường rủ nhau cùng đi. Ruộng nhà ai nhà nấy tát, thỉnh thoảng ngẩng cổ lên lau mồ hôi lại nhìn nhau cười một cái hoặc ngồi thủ thỉ chuyện trò đợi nước dồn về thì tát tiếp. Vũng nước dồn về có cá đồng, hang cua, anh khoái chí bắt thả vào thau, còn tôi vì sợ rắn nên không dám bắt, chỉ khom lưng hái nắm rau muống về luộc với me chua ăn với cà muối.

Cuối buổi, tôi chia cho anh một nửa phần rau muống hái được, anh cũng thả vào giỏ xe của tôi một mớ cá tép. Tối đó, nhà tôi được bữa rau muống luộc với me chua, bát cà muối, một mớ tép rán giòn rụm chấm với bát mắm cay ngon đáo để. Tôi ngồi lùa nhanh ăn hết ba bát cơm, no căng cả bụng rồi làm nũng mẹ rằng ăn nhiều tức bụng, không ngồi rửa bát được để anh trai tôi hậm hực bê mâm đi rửa.

Dưới khoảng trời đầy nắng, anh đưa tay nhặt những lá me rụng trước gió trên mái đầu tôi thơm mùi lá bưởi, bồ kết khiến lòng tôi bồi hồi nhớ đến những ngày đám trẻ con trong xóm chơi trò cô dâu, chú rể. Có một khoảng thời gian tôi đã ước, sau này lớn lên chúng tôi sẽ trở thành vợ chồng, tiếp tục mối lương duyên từ khi còn là những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu được tình yêu là gì.

Bố mẹ anh làm ăn buôn bán trên Lạng Sơn nên anh ở nhà với bà. Cứ vào hè, anh lại được bố mẹ về đón lên chơi chừng dăm bữa nửa tháng. Trước lúc đi, anh có chạy đến nhà gặp tôi. Anh và tôi, hai đứa trẻ con đứng nhìn nhau, mắt ngấn lệ như trực khóc:

– Anh đi có lâu không?

– Anh đi hai tuần rồi anh lại về mà. Vì có mỗi mình bà ở nhà thôi.

Lời hỏi “anh đi anh có nhớ em không?” khựng lại trong cổ họng không sao thốt ra được. Anh không đi lâu vì sợ bà ở một mình buồn, không có câu chuyện nào về tôi ở trong lời anh nói. Nghĩ vậy, chợt trong lòng dâng lên bao nỗi buồn tủi, tôi chỉ cúi mặt lặng im không nói. Anh kéo tay tôi hứa hẹn:

– Anh về anh sẽ mang quà về cho em.

Đứng nhìn bóng lưng anh chạy nhanh về nhà vì sợ bố mẹ đợi, tôi òa khóc theo bản năng của một đứa trẻ khi bị đứa trẻ khác giằng mất món đồ chơi mình yêu thích. Mùa hè năm đó hình như dài thêm khi anh không ở đây, không đứng dưới gốc me già ngoài ngõ đợi tôi hằng ngày, không dành dụm tiền quà sáng bà cho để mua cho tôi một que kem màu sắc…
Vào ngày rằm tháng Tám, trăng tròn, sáng và trong vắt trên nền trời. Đám trẻ trong xóm vừa đi diễu hành rước đèn, vừa hát vang khắp xóm. Đến cổng nhà tôi, cả đám đồng thanh gọi to tên tôi. Tôi cũng xin phép bố mẹ cho đi chơi cùng trẻ con trong xóm. Đi một vòng quanh làng, anh mời cả đám về nhà mình phá cỗ trung thu. Cả bọn ngồi quây tròn trên chiếc chiếu được trải ra giữa sân. Khi tôi ngước lên trời cao chợt thấy một áng mây xám lãng bãng trôi qua che khuất ánh trăng trong vài giây ngắn ngủi. Giữa đám trẻ đang vô tư nói cười ăn kẹo bánh, hoa quả, tôi ngồi bó gối im lặng trong những suy tư riêng. Lúc anh và đám bạn đợi rủ đi rước đèn ngoài ngõ, anh đã cố tình đi thụt lại phía sau để nói riêng với tôi. Anh nói rằng sắp tới, cả nhà anh sẽ chuyển hẳn lên Lạng Sơn ở. Bố mẹ cũng đã xin cho anh theo học tiếp chương trình cấp một trên đó rồi. Tôi nghe xong mà lòng buồn vô hạn, như ai đó vừa mang cả một bầu tuổi thơ đi một nơi xa.

Sau rằm tháng Tám khoảng ba ngày, cả gia đình anh túi lớn, túi bé chất lên chiếc xe đợi sẵn ngoài đầu ngõ. Tôi đứng nhìn theo, bao điều ấp ủ trong lòng mà phút này chỉ hấm hứ trong cổ họng, không sao nói ra thành lời. Anh cầm tay tôi (đó là lần đầu tiên anh cầm tay tôi theo đúng nghĩa) dặn dò:

– Sau này lớn, anh sẽ về thăm làng, thăm cả em.

Nhiều năm trôi qua trong đời, chúng tôi mất liên lạc. Quen nhau từ bé, nếu anh không về, chúng tôi không có duyên nữa thì coi như đó là một phần ký ức đẹp đã được gói chặt cất ở đáy tim. Không biết, có lúc nào anh nhớ về tôi, cô bé ngày xưa cùng anh trải qua biết bao ngày tháng tươi đẹp của tuổi thơ? Còn tôi, chưa lúc nào quên anh, người lúc nào cũng âm thầm nhường nhịn và quan tâm về tôi.