Đã là những ngày cuối tháng chạp – tháng củ mật rồi mà cái nắng vẫn cứ hanh hao khiến cho người lớn mệt bơ phờ mà trẻ con thì cứ khụt khịt mũi. Thế rồi bỗng sáng nay ngủ dậy đã nghe cái rét tái tê của đợt không khí lạnh tăng cường ùa về.
Mẹ già vừa run cầm cập vừa xuýt xoa bảo:
– “Thế mới đúng không khí tết quê mình chứ !”. Ừ nhỉ, mẹ nhắc ta mới nhớ và bâng khuâng tự hỏi: “Không khí tết, hương vị tết xưa đâu rồi ?”

Phong tục ngày Tết Nguyên Đán xưa và nay

Mới đó thôi mà đã ngày xưa, đã nghe lăng lắc miên viễn bóng thời gian. Thuở ta còn con nít, thuở cơ bản cuộc sống mọi nhà ở thôn quê còn nghèo đói, tết là cả một sự háo hức đợi chờ, là niềm vui sướng nhất của một năm. Kỷ niệm thật gần mà cũng thật xa, mờ ảo, như thực như mơ khiến lòng ta bùi ngùi thương nhớ.

Ta nhớ hương tết ngày xưa nồng nàn trong nồi nước lá mẹ nấu cho cả nhà tắm tất niên. Nào hương nhu, bồ kết; nào lá sả, lá bưởi thơm vị đất quê. Ta tắm trong cái rét căm căm của ngoài trời gió buốt. Ta nhớ vị dẻo thơm, bùi ngùi của chiếc bánh tét nhỏ cha gói từ nhúm gạo thừa cho con được thưởng thức hương vị tết trước cả tổ tiên. Hạt nếp của phù sa ruộng đồng, hạt đỗ xanh lòng từ mấy luống sau nhà, thêm vài miếng thịt mỡ làm nhân mà như thể cha gói cả mùa xuân.

Ta nhớ phảng phất nén hương thơm trong chiều chạp mả. Nghĩa địa làng thành xóm nhỏ không tên. Mỗi nấm đất là sự tích một kiếp người. Nén hương thay lời muốn nói để cung thỉnh biền biệt chốn cao xanh, để cháu con còn biết nhớ về nguồn cội. Ta nhớ vị mặn mòi của nồi cá thửng (cá mối) mẹ kho từ đầu tháng chạp, qua bao nhiêu lần lửa cứng chắc và bóng mùi đường mật, để chiều nào ta khấp khởi mừng thầm khi lùa trâu về tới đầu ngõ đã ngửi thấy mùi khói thân thương ấy bay lên từ chái bếp bám đầy bồ hóng nhà mình. Ăn bát cơm gạo tẻ với con cá kho trở thành niềm vui no đủ ngày xuân.

Chập chờn kỷ niệm cùng ta với mùi ngai ngái của hoa tàu bay, mùi hăng hắc của hoa xoan rắc đầy ngõ xóm trong chiều mưa phùn, của nụ hoa đào run run chúm chím khoe ngày tết. Sự chưng diện đơn sơ mà đẹp cả không gian làng quê thuở chưa bê tông hóa như bây giờ. Kỷ niệm thơ ngây của vị mật mía thơm lừng trong chiều tháng chạp nào cha chặt từng bó mía đi kéo che, ta thức đợi đến lúc chảo mật thơm sánh lại, cha vớt bọt và cho con được húp thử môi mật đầu tiên.

Ta còn mường tượng được mùi nhang trầm tỏa ấm áp cả mấy gian từ đường trong ánh đèn mờ tỏ. Trong óng ánh những sơn son thếp vàng, nơi cha ta và các bậc cao niên trong dòng họ kính cẩn trang nghiêm, rì rầm khấn vái, ta ngỡ như hai cõi âm – dương gần nhau lắm. Ta còn hình dung được vị ngọt bùi xen cùng ẩm mốc của hộp mứt tết chị mua ở cửa hàng, khi thực phẩm, bánh kẹo chưa tràn ngập như bây giờ.

Ngỡ như tay ta còn khét lẹt mùi khói thuốc pháo của buổi tết nào cùng mấy đứa bạn xúm xít nhặt pháo tịt của anh hàng xóm vừa nổ. Ta thèm vị ngọt chua của hũ dưa hành mẹ muối ăn ghém với thịt đông khi chưa sặc mùi hóa chất.

Còn biết bao nhiêu nỗi nhớ của mùi vị tết xưa. Ai rưng rức khóc khi con tò he, chiếc trống lùng tung vừa mua đã hỏng. Ai hớn hở khoe mùi thơm của chiếc áo mẹ mới may. Ai chen chúc, tranh nhau húp bát nước luộc lòng (nước xáo) khi mấy nhà chia nhau con lợn đụng.

Ai mơ màng ngửi mùi thơm giấy mới từ bức tranh ngũ quả, đôi câu đố đỏ mua được trong phiên chợ cuối năm. Ai hẹn nhau đầu năm xuống đền Đức Hoàng linh thiêng đi hái lộc và cầu nguyện năm mới tốt lành. Ai rủ nhau cùng chơi những trò đánh khăng, đánh đáo trong những ngày nghỉ đầu năm…
Nỗi nhớ chỉ còn là nỗi nhớ.  Kỷ niệm thành dĩ vãng mờ xa. Vẫn cứ tết sau 365 ngày vòng quay mưu sinh chóng mặt. thế mà dường như tết đã không còn những hương vị tết. Cuộc sống càng no đủ, nghĩa tình càng dần vơi. Trẻ con không còn háo hức nhìn hoa tàu bay ngóng đợi tết về, không còn nôn nao đợi bữa cỗ tinh tươm chiều tất niên. Người lớn không phải tất bật, gom góp cho ngày tết trước cả tháng trời. Cô Tấm không còn vọng tiếng hát hội quê mà đã thành công nhân xí nghiệp, ngại chuyện tàu xe nên chẳng muốn về quê… Nét cổ truyền dân tộc rồi sẽ mai một lúc nào ? Ta bỗng mơ màng trong giấc ngủ, chập chờn với truyền thuyết Lang Liêu…