Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói đã trở thành một trong những công trình kiến trúc đặc biệt ở làng quê Việt Nam. Có thể nói, cầu ngói đã đạt đến một ngưỡng cao hơn hẳn, nếu so sánh về nghệ thuật kiến trúc và thẩm mỹ dân gian. Những cây cầu ấy thường được xây dựng bắc qua sông, soi mình xuống dòng nước trong xanh như điểm tô thêm vẻ đẹp đầy tính trầm mặc xưa cũ như những ngôi làng của người Việt xưa vậy. Trải dài từ Bắc tới Nam, giờ chỉ còn 4 cây cầu ngói còn được bảo tồn nguyên vẹn và Chùa Cầu ở Hội An chính là một trong số đó. Nếu một lần được đặt chân đến Hội An, tôi tin chắc rằng các du khách sẽ trầm trồ về cây cầu độc nhất ấy, cả về hình thể kiến trúc độc đáo lẫn tín ngưỡng tâm linh ẩn chứa đằng sau đó, để rồi thương nhớ và ấn tượng sâu sắc như bốn câu thơ:

Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.”

Chùa Cầu, vốn là một loại kiến trúc cổ dạng cầu, nằm ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, nối liền hai con đường là đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai, bắc qua con lạch nhỏ trôi ra sông Hoài. Về mốc thời gian xây dựng cầu thì các nhà sử học vốn đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, nhưng theo đa số tài liệu cổ ghi chép lại thì có thể xác định cầu được khởi công xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân người Nhật Bản. Phố cổ Hội An thời bấy giờ là khu sầm uất các tiểu buôn, thương nhân từ khắp nơi trên thế giới tụ họp lại trao đổi, buôn bán. Người Nhật Bản cũng đã đến nơi đây rất đông. Họ đã trở thành một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến nét giao thoa văn hóa độc đáo bao trùm lên con phố này và góp phần xây dựng nên cây cầu nổi tiếng. Theo truyền thuyết Nhật Bản, thuở xa xưa tồn tại một con thủy quái khổng lồ tên là Namazu, có vóc dáng của một con cá trê đầu ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi ở Nhật Bản. Mỗi lần con cá trê này di chuyển, cơ thể khổng lồ của nó sẽ gây nên trận động đất, lũ lụt kinh hoàng. Bản thân thương nhân người Nhật khi sang Việt Nam giao thương ở phố Hội cũng phải đối phó với cảnh lụt lội thường xuyên, chính vì thế mà họ cùng nhau xây dựng nên Chùa Cầu như một sự trấn yểm loài thủy quái hung dữ. Họ tin rằng Chùa Cầu sẽ như là một thanh kiếm đâm xuống thân Namazu khiến nó không thể tác ai tác quái gây động đất sóng thần nữa. Đến năm 1653, ở sườn cầu phía Bắc dựng thêm phần chùa (làm cho mặt công trình giờ có hình chữ T), từ đó mà người ta gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu ra thăm Hội An đã ngỡ ngàng thích thú trước cảnh tượng giao thương sầm uất nơi đây, mà đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, có nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”. Theo niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì có vẻ đến năm 1817, cây cầu đã được dựng lại dưới thời nhà Nguyễn.

Về mặt kiến trúc, cầu dài khoảng 18m, rộng 3m, có kiến trúc được giao thoa bởi tất cả những nền văn hóa đã từng tồn tại ở nơi đây, chủ yếu ảnh hưởng bởi kiến trúc Nhật Bản, Trung Hoa và Việt Nam. Cấu trúc chủ yếu được chia làm ba phần chính gồm có hai phần đầu cầu và phần thân cầu. Mỗi phần đầu cầu có tổng cộng ba nhịp, phần thân có năm nhịp đặt trên trụ gạch cắm xuống nước. Toàn bộ bộ khung của công trình làm bằng gỗ, lợp ba hệ mái khác nhau cho ba phần cầu. Phần mái khung được lợp bộ ngói âm dương. Ngói âm dương, hay còn được gọi là ngói Lưu Ly ở khu vực miền Trung, Nam Bộ, thường được sử dụng rất nhiều ở đình chùa, lăng tẩm, hoàng cung. Sở dĩ gọi là ngói âm dương, vì ngói gồm có một cặp: một viên âm, một viên dương. Trong đó, viên dương có dạng nửa hình trụ, một đầu to, một đầu nhỏ tráng men ở mặt lồi, còn viên âm có dạng hình chữ nhật, lợp ngửa lên và được tráng men ở mặt lõm. Kết hợp giữa ngói âm và ngói dương trở thành một cặp, khi lợp để lại từng cặp đan xen nhau một cách tinh tế, mang hơi thở hoa mỹ cho những công trình kiến trúc cổ kính để đời. Nếu mái âm dương đem đến một dạng kiến trúc đẹp đến mê hồn, thì những chi tiết trang trí tinh xảo trên bờ nóc, bờ chảy càng tôn thêm sự cá tính, độc đáo cho Chùa Cầu. Ở hai đầu cầu ngự hai linh vật tượng đá, chính là linh hầu (tượng khỉ) và thiên cẩu (tượng chó). Nhiều người cho rằng đôi linh vật này là sự trấn yểm, bảo vệ cho cầu, trong khi có người lại khẳng định rằng đây là ngụ ý về thời gian bắt đầu khởi công và kết thúc công trình, tức từ năm con khỉ (Thân) đến năm con chó (Tuất). Ở một khía cạnh khác, tượng linh hầu và thiên cẩu được dựng lên cũng là theo tín ngưỡng thờ vật tổ của người Nhật, như một sự canh gác, trừ tà ma. Từ hai đầu cầu đi vào thân cầu thì ta sẽ bắt gặp lối vào chùa, cùng với dòng chữ Hán “Lai Viễn Kiều” ở tấm biến gỗ bên trên lối vào gian chờ và hai mắt cửa (môn thần) – một nét kiến trúc đậm tín ngưỡng dân gian Hội An.

Nói về chùa trong cầu phải nói đến tượng Bắc Đế Trấn Vũ được thờ phụng ở nơi đây. Bắc Đế Trấn Vũ hay còn gọi là Huyền Đế hay Huyền Vũ Thánh Quân là một vị thần được thờ phụng ở Trung Quốc và nhiều nước Á Đông. Ông tượng trưng cho sao Bắc Cực, và là một vị thần lớn ở Đạo giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc và thủy thần và chuyên trị phong ba lũ lụt, bảo hộ xứ sở. Xâu chuỗi lại các hình tượng như thanh kiếm trấn yểm Namazu, hai mắt cửa (môn thần) của người dân Hội An cầu mong cho sự sung túc, ấm no, rồi đến Bắc Đế Trấn Vũ của người Trung Quốc, có thể thấy, cả công trình Chùa Cầu là kết tinh tinh hoa tín ngưỡng dân gian cả ba dân tộc, tất thảy đều mong cầu cho những cuộc giao thương suôn sẻ, không gặp lũ lụt, thiên tai. Tượng thần được đặt ở trung tâm chánh điện của chùa, được làm từ gỗ cây mít. Theo thời gian, bức tượng đã được phục chế mới, sơn màu và thể hiện rõ nét những sắc màu tương ứng với chi tiết trên thân tượng còn bức tượng gốc đã được đưa về trưng bày và bảo quản ở Nhà trưng bày truyền thống lịch sử – văn hóa Hội An. Y theo tượng gốc, Bắc Đế được lột tả với một dáng đứng uy nghi, tóc dài buông xõa, đầu đội mũ vàng nạm ngọc, áo buông xuống sát đất, chân không giày dép, đứng trên lưng con rùa lớn có con rắn quấn quanh, tay cầm bảo kiếm hướng xuống biển. Đế tượng mô tả mặt biển những con sóng cuộn dâng, như tôn thêm sự linh thiêng của thần trong việc trị thủy, bảo vệ người dân khỏi thiên tai, thủy quái. Bức tượng của Bắc Đế không mang giày dép, chân đạp rùa rắn có thể được lý giải theo nhiều cách khác nhau. Một số người cho rằng, con rùa và con rắn chính là những thiên tướng trên trời, dưới quyền cai quản của ngài. Một số người khác lại cho rằng con rùa và con rắn đó, chính là đại diện cho những loài thủy tộc thù địch, đã bị ngài đánh bại và chà đạp dưới chân.Tuy nhiên khi lội ngược dòng lịch sử, con rùa và con rắn đó lại chính là hình thức đầu tiên của Thần. Phát hiện mới nhất đã cho thấy hình tượng Bắc Đế đã tồn tại từ thời nhà Hán, khi mà người ta phân chia ra các phương cai trị của thần linh. Lúc đó, rùa rắn màu đen làm chủ phương Bắc; còn chim đỏ ở phương Nam; hổ trắng tượng trưng cho phía Tây và rồng lục tượng trưng cho phía Đông của thế giới. Còn hình người thì về sau này người ta mới thấy xuất hiện.

Hiện nay, với sự gia tăng của số lượng du khách trong và ngoài nước đến thăm quan Hội An, Chùa Cầu đang đứng trước nguy cơ bị tàn phá do không thể trụ vững tải trọng của quá nhiều du khách. Thực tế đã cho thấy phần trụ cầu đã có nhiều vết nứt, bong tróc, khung gỗ nhiều cấu kiện qua thời gian đã mục dần, chưa kể đến việc cột trụ của công trình được cắm xuống dòng nước, liên tục phải chịu những dòng chảy xiết. Đứng trước nguy cơ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều kế hoạch trùng tu lại cầu, cũng như có những biện pháp để hạn chế số lượng khách du lịch cùng lúc tham quan. Tuy nhiên, việc trùng tu lại công trình này lại vô cùng nhạy cảm, bởi đây là công trình mang tính lịch sử, gắn liền với văn hóa và tín ngưỡng giao thoa của ba đất nước. Ngoài ra, xét về mặt tâm linh, cây cầu này còn là vật trấn yểm, việc thi công trùng tu lại các cột trụ gỗ cần hết sức cẩn thận. Chính vì thế vào năm 2016, một cuộc hội thảo về việc trùng tu lại Chùa Cầu đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 120 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực, tất cả đều đồng ý rằng Chùa Cầu đã trở thành một công trình mang tính chất lịch sử và có những giá trị văn hóa lâu đời, việc trùng tu là cấp thiết nhưng không nên quá vội vàng. Trước hết, với các công nghệ kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể tin rằng việc trùng tu, bảo tồn Chùa Cầu sẽ diễn ra suôn sẻ, song cũng cần nhiều thời gian để xem xét, cả trong kế hoạch ngắn hạn lẫn trong tương lai xa hơn. Tuy vậy, dù có trong hoàn cảnh nào, Chùa Cầu vẫn sẽ mãi ở đó, là biểu tượng cho Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, là kết quả của cả một giai đoạn lịch sử giao thương, hội nhập văn hóa, là chứng nhân lịch sử của một thương cảng sầm uất – một đô thị cổ truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn.