Xuân sang còn vương gió đông, đào trổ lộc, còn trên những mâm lễ cúng miền Kinh Bắc, màu xanh bánh chưng nở dịu dàng. Thức quà quê vuông vức, chằn chặn trang nghiêm trên ban thờ gia tiên, tự nó thấm vào những tinh hoa, tâm tình và ước nguyện. Nhìn đơn giản vậy mà thế giới nhỏ bằng khuôn tay ấy đã bao chứa cả một vùng tuổi thơ của biết bao nhiêu đứa trẻ.

Tuổi thơ em bé là chạy, nghịch nô, chúng quá thừa thời gian cho những trò chơi, những ước mơ khám phá. Cái lũ trẻ khát là có thứ gì để chúng mó tay vào, vận động, tìm hiểu. Đầu óc chúng muốn mò mẫm, học hỏi và trải nghiệm. Ấy là vì sao lên miền núi, bản làng, lại thấy các em hồn nhiên thế, tự do thế, cái mà có vẻ trẻ em thành phố đang đánh mất. Lý do gì? Phần lớn do hoàn cảnh sống, mà trong đó có sự tác động của cha mẹ, sự quan tâm quá mức đã vô tình thuần hóa bản năng tự do của tụi nhỏ, biến chúng thành tạo vật mong manh hơn thủy tinh, chẳng dám chơi và thử bất cứ một điều gì.

Thời nay bánh chưng được công nghệ hóa, làm nhanh bằng máy, sản xuất tràn lan. Người ta quá bận để tụ họp gói bánh, thành ra cứ tiện tay đi chợ mua bánh về sắp lễ, coi như hoàn thành thủ tục với tiền nhân. Đáng tiếc nhất không phải vì mai một tục gói bánh, mà bởi ngay trong ý thức của nhiều người, từ lâu hai chữ bánh chưng đã bị xóa mờ chẳng còn tăm tích. Nhưng tin vui là không thiếu gia đình còn nhất quyết bảo vệ một nét đẹp văn hóa với lòng thành kính , và mỗi giáp Tết lại hẹn nhau cùng gói bánh.

Ý nghĩa bánh chưng xanh ngày Tết của người Việt Nam

Đứa bé thành phố cầm trái bóng nhựa lên, thấy bày rải ra sân nào lá dong, nào những sàng đỗ đang chờ ráo nước, nào những miếng ba chỉ cứ 2 lạng một xếp dàn trên mâm thiếc. Ban đầu nó nhìn, nó mở to đôi mắt sáng mà theo sát đôi tay cần mẫn và từng giọt mồ hôi của mẹ, rồi nó buông trái bóng, sà vội lại gần. Nó bỏ tay xuyên qua cái khuôn gỗ, như một ô cửa, một con mắt lớn, nó thích thú đội cái khuôn lên đầu như vòng kim cô của Tôn Ngộ Không, giả vờ đau, rồi tự cười vang làm cả nhà cũng phải ngừng tay mà cười với nó.

Mấy tấm lá dong to quá, vừa để nó giang ra làm đôi cánh và cứ thế chạy lòng vòng quanh khoảng sân nhỏ trước nhà. Nó vô tình nhòm lên cái giếng trời, thấy một khoảng ngăn ngắt xanh mà muốn cất cánh, bay vút về phía đó. Bố nó đùa, bảo nằm lên tấm lá đó để bố quấn tròn một lượt, là thành con kén xanh, mai mọc đôi cánh tha hồ bay lượn.

Thằng bé không dễ ngồi yên lắm, nhưng nó sẵn sàng dành cả ngày để ngồi quan sát bố đong từng bát gạo, bóp vỡ từng viên đỗ vàng tươi. Trong đôi mắt trong trẻo của nó, gói bánh là một chuyện mới lạ, hấp dẫn. Thấy cả nhà tự nhiên có một dịp ngồi quây quần, nó thích chí lắm, không khí ấm áp đó cho đến nhiều năm sau được tái hiện trong những đêm lửa trại cùng đám thanh niên ưa lang thang.

Mỗi năm nó một lớn, Tết đến dần phai nhạt dư vị như xưa. Bác cả già yếu, bắt đầu lẫn lộn tên của mấy đứa cháu, việc gói bánh được tiếp nối qua tay lớp trẻ. Bố nó giờ đau lưng, đau chân, gói được đôi chiếc bánh là phải ra nằm nghỉ, tay đã run lên. Thời gian khắc nghiệt quá, nó còn nhớ mấy năm trước ngồi bên bố nhìn từng lớp lá gấp lại đều đặn, nhìn bố miết lá, buộc lạt thật dễ dàng. Giờ nó gói cho bố nhìn, đôi mắt đục nhiều của bố chẳng còn phát hiện được một chút vênh của mặt bánh như hồi xưa, kệ cho nó gói ra sao thì ra.

Nó nhớ vài năm trước mẹ còn bày bánh, hương khói, làm lễ chu toàn cho đêm Ba mươi. Mười mấy năm trời qua đi, mẹ cũng dần thôi thiết tha việc lễ nghi, còn nó lại quá chán việc cúng phụng, vì rườm rà quá. Thế là không nhang khói, chẳng tiền vàng, chỉ còn mâm ngũ quả và gạo muối cho đúng tục lệ. Phần nào đó trong nó cũng trăn trở, hình như đấy là cái giá của việc lớn lên. Không biết từ bao giờ nó thôi nghĩ về bầu trời, về đôi cánh lá dong, về cảm giác chung vui vào dịp Tết. Nó cuốn vào những khó khăn đầu đời, công việc, hy vọng và hàng chục lần thất bại, tâm trí đã hạ cánh và cuối cùng chỉ chọn tin vào những điều gì mắt thấy, tay chạm được.

Vài lần bất hòa với bố mẹ đã đẩy nó ra xa gia đình, nó không mong Tết về như xưa nữa. Ngày Tết càng ngày càng giống một người hề già, cứ mãi diễn lại trò cũ, chỉ làm vui được niềm xuân trong tim con trẻ. Với nó, Tết buồn và lạnh. Nó đôi khi thấy vô vị, kéo đám bạn dăm đứa vào quán rượu uống cho tới sáng. Mấy ngày Tết khép lại nhẵn túi, nửa say nửa tỉnh và nó vẫn chẳng thoát được những nỗi lo buồn trĩu nặng. Tình cảm, vật chất và sự nghiệp bủa vây, đầu óc nó chật chỗ không đủ nhét thêm không gian cho mơ mộng. Nó bắt đầu cợt nhả cuộc đời, như một tên Chí Phèo gàn dở.

“Ngày xưa…”

Đấy là câu mở đầu thường thấy của nó. Nó ghét thực tế là nó đang lớn, đang già đi, nó ao ước được sống như hồi còn nhỏ. Hồi đó Tết được nhận lì xì, bây giờ thì ngược lại. Hồi đó Tết háo hức ra vườn ngắm đào với bố, càng ngày càng giản tiện đi, năm mua cành quất bé, năm chẳng mua gì. Cái ngày bé được coi là nhất nhà, thích khóc lúc nào thì khóc, lớn rồi có đau cũng phải kìm lại, buồn cũng phải cứng cỏi.

Công việc trói nó trong Sài Gòn ngót nghét mười năm, nó đã quen với những cái Tết xa quê. Gần Tết nó mới gọi về nhà, nói vài câu an ủi, chúc mừng năm mới bố mẹ. Đấy cũng là những đối thoại hiếm hoi, quý báu nhất của bố mẹ và con. Ngoài ra nó hầu như không gọi về mà chỉ liên lạc qua người anh họ, nhờ anh việc này việc kia giúp bố mẹ. Môi trường làm việc cạnh tranh đã rèn cho nó cá tính độc lập, nó không muốn để gia đình phải lo phiền vì quá nhiều thất bại, nỗi buồn và tuyệt vọng mà nó phải mang. Năm nay cũng thế…

Chiều 27 Tết, vừa bắt đầu kỷ nghỉ, nó nhân tiện chạy xe ra chợ hoa xem có gì vui không. Con xe cub xanh lam lâu năm, già tuổi còn hơn cả chủ, là xe của bố nó đi từ hồi sinh viên. Chợ đầy hoa mai vàng, đào cũng có nhưng đào đá là nhiều, đào gốc như miền Bắc thì hiếm. Xuân năm nay người xem hoa thưa thớt, ai cũng giấu mình sau lớp khẩu trang, ý nhị cười qua khóe mắt. “Cành mai này bao nhiêu?” “Dịch bệnh buồn quá, các bác mua ủng hộ”… Nó thấy chùng lòng lại vì những câu nói rất thật vì hoàn cảnh thời sự, kế sinh nhai bị bóp lại với thu nhập nhỏ giọt, chẳng đáng kể, khi dịch bệnh đang căng thẳng trở lại. Bất giác, nó thấy một người cha chở con đi ngược lại, đứa bé ngồi trước, trong tay cầm một cành mai bé xinh. Vẻ mặt rực rỡ hạnh phúc của họ lướt qua, nó chợt tua lại trong trí nhớ của nó một miền Tết năm nào, hồi vẫn thường cùng bố đi sắm Tết.

Trong thời khắc đó, nó nghe pháo nổ xa xa, tiếng nhạc xuân vang từ con hẻm nào đó. Nó thấy hiện ra khung cảnh con phố cũ, căn nhà yêu dấu nuôi lớn nó suốt hai mươi năm đời. Nó nhìn thấy khói đang bay lên cao mang theo hương nước lá dong thơm dịu. Nồi bánh đang sôi, mọi người đang ngồi cùng nhau lùi ngô, khoai vào trong than củi, thi thoảng có ai đó cất tiếng cười sảng khoái. Nó thấy nó ngã nhào ra sân nhưng lại đứng lên bay tiếp bằng đôi cánh lá dong. Mọi thứ… mọi thứ hiện lên như lời nhắc về một góc chưa bao giờ mất đi, trong nó.

Má nó ấm nóng, ảo ảnh tan ra thành bong bóng. Tiếng còi xe phía sau giục giã, kéo nó về với thực tại. Nó đưa mắt nhìn, nhưng vẫn chưa đi ngay. Để yên cho gã tài xế nổi điên trên xe, tiếp còi gấp rút, nó lấy điện thoại, bấm số và gọi đi. Chưa đến ba hồi chuông, máy đã thông.

– Alo… đầu dây hơi phân vân.

– Chúc mừng năm mới, bố mẹ…

Tất cả dường như biến mất, điều duy nhất còn lại là một đứa con nhớ nhà, cô độc. Nó bật khóc, sau thật nhiều năm cố giấu đi. Gia đình đang ở phía sau nó, và nó biết nó luôn có một nơi để trở về.