Cổ Am là một ngôi chùa nhỏ nằm ở lưng chừng lè Hổ Lĩnh ở xã Diễn Minh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đi dọc theo quốc lộ 7, ngôi chùa nằm phía tay phải rất dễ nhận ra. Nơi đây được mệnh danh là “một trong mười địa điểm du lịch không thể bỏ qua nếu bạn đến Nghệ An”.
Chùa nằm trong quần thể di tích lịch sử lèn Hai Vai . Hai Vai là một khối đá tự nhiên khổng lồ có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Lèn gồm nhiều đỉnh, trong đó có đỉnh chính, ngọn lớn có tên là lèn Hai Vai (Lưỡng Kiên Sơn, hay lèn Dặm) và ngọn nhỏ (Hổ Lĩnh Sơn) nổi hẳn lên giữa cánh đồng mênh mông thuộc địa phận 3 xã: Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng. Hiện nay do phong hóa của thời gian và tác động của con người nên lèn Hai Vai bị sụt lún không còn như hình dạng ban đầu. Một vai phía Đông bị mất.
Quần thể lèn Hai Vai gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất này. Từ những năm 1964 các nhà khảo cố học đã tìm ra những xương người hóa thạch ở nới đây. Nơi đây từng là chiến trường ác liệt của triều Lê Mạc. Hiện nay nơi đây còn mộ của thế tử Mạc Đăng Bình và vợ. Khu vực lèn Hai Vai ngược lên Đồng Thành ( Yên Thành) là nơi Nguyễn Xuân Ôn cùng với một số văn thân như Phó bảng Lê Doãn Nhạ (1837-1888), Tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành (1825-1887), các cử nhân Trần Quang Diệm (1837-1907), Đinh Nhật Tân (1836-1887) tập hợp tướng sĩ làm lễ tế cờ tại vườn Mới, thôn Quần Phương quê ông, sau đó kéo lên Đồng Thông lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Từ Yên Thành, địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng ra các huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Nghi Lộc… Nghĩa quân có trên 2000 người, được huấn luyện chu đáo, ngay từ buổi đầu đã đánh các trận phục kích hiệu quả ở Yên Lý, Cầu Bùng, tiếp đến là các trận bao vây diệt viện ở Cửa Lộng, Đồng Mờm, Tràng Thành, Bảo Nham… làm cho kẻ thù bao phen khốn đốn. Cuối năm 1886, nghĩa quân táo bạo thọc sâu xuống, tấn công chớp nhoáng đồn Pháp gần chợ Si (cạnh Quốc lộ 1) thuộc Diễn Châu rồi lui về giữa Đồng Thông. Năm 1887, nghĩa quân còn đánh nhau với giặc mấy trận ở vùng Sừng, Mọ, xóm Hố thuộc vùng Tây Bắc huyện Yên Thành.
Thời Cách mạng vùng đất này là nơi in ấn tài liệu, giấu vũ khí và lương thực. Nhân dân trong vùng kiên cường bất khuất, một lòng kiên trung với Cách mạng. Đây được coi là vùng đất học có tiếng của huyện nhà.
Chùa Cổ Am được xây dựng vào thời hậu Lê (giữa thế kỷ XV). Ban đầu, chỉ có một am nhỏ để nhân dân đến lễ bái nên được gọi là Sơn Am Tự. Vào cuối thời Hậu Lê, chùa được nhân dân chuyển xuống chân lèn và đổi tên là Hương Phúc Tự. Tuy nhiên, trong thời gian ấy, làng gặp nhiều rủi ro về mặt tâm linh không thể lý giải, nên vào đời vua Minh Mạng thứ 11, chùa được chuyển về vị trí cũ với tên gọi Cổ Am Tự như ngày nay. Trong chiến tranh ngôi chùa như là một nhân chứng chứng kiến sự anh dũng kiên cường, những mất mát đớn đau đến tận cùng của nhân dân quê tôi. Những trận bom, biết bao nhiêu người ngã xuống, ngôi chùa trở nên linh thiêng hơn bao giờ hết khi từng tấc đất ngọn cỏ nơi đây có máu và nước mắt của nhân dân bao đời. Trong lòng núi là nơi cất dâu quân nhu của nhân dân kháng chiến…Ngôi chùa Cổ ở lừng chừng lèn thấp thoáng giữa tán cây xanh. Vào những buổi sớm, ngôi chùa mờ ảo trong làn sương trắng mờ. Nhân dân gọi đó là “Am mây” – cái tên thật đẹp và nên thơ.
Khi xưa xung quanh chân lèn là ao nhỏ, ruộng sâu con đường lên chùa cổ năm trên đường làng được đánh dấu bằng cây đa cổ thụ mà đến người già nhất làng cũng không biết tuổi của cây. Đường lên chùa dốc nằm dưới các tán cây leo chằng chịt. Hiếm có ánh nắng. Mùa hè đi dưới con đường này mát rượi. Những mùa gió Lào nóng người dân tập trung dưới chân lèn hay lên tận sân chùa ngồi cho mát.
Năm 2011, đại đức Thích Tâm Thành đã về đây bắt đầu hành trình “hoằng dương chánh pháp”. Những khó khăn ban đầu không thể kể hết được. Khi đó nơi đây là vùng quê chiêm trũng thu nhập chính dựa vào nông nghiệp lại cách xa trung tâm huyện nhà. Người dân vốn đi chùa theo thói quen tín ngưỡng. Ai ai cũng ngạc nhiên khi thấy các thầy rồi kinh kệ. Phản ứng đầu tiên của phần đa dân làng là bài xích, là ngại ngần. Rồi dần dần có những người đầu tiên vượt qua nhưng rào cản để đến với chùa. Quý thầy cùng với những Phật tử ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho hành trình phục dựng. Những tiếng cười giọng nói vang vọng trong đêm khi đổ đất làm đường, san lấp mặt bằng, rồi những khu nhà được dựng lên tạm bợ để cho mọi người nghỉ ngơi khi mệt nhọc. Mùa hè cái nóng của gió Lào bỏng rát mặt người, mùa đông thì lạnh cắt da những con người tuyệt vời ấy đã thắp lên ngọn lửa tình yêu với Phật pháp. Ánh sáng của đức Phật đã sáng lại trên vùng đất này. Sự mầu nhiệm vô cùng đến giờ Phật tử vẫn truyền nhau.
Vào năm 2013, ngôi chùa được đầu tư phục dựng với quy mô lớn hơn. Chùa được xây dựng và mở rộng quy mô với các công trình được quy hoạch thành một quần thể khép kín rộng gần 7ha. Sau khi chùa được mở rộng, ngay dưới sân bên hông chính điện, nhà chùa mở một con đường đi lên chùa cổ, qua tháp linh. Con đường này hơn 200 bậc được hoàn thành có sự công quả của nhân dân trong vùng và Phật tử các nơi. Con đường đi lên chùa Cổ, lên động Như Ý rồi men theo triền núi sang tượng Quan Âm ba mặt. Đây là bức tượng lớn nhất xứ Nghệ. Vào ngày 29/11/2016 chùa khởi công xây dựng đại tượng Quan Âm ba mặt cao 23m hướng về ba phía khác nhau. Tượng mẹ Quan Âm dược dựng lên với mong muốn sự đại từ đại bi của Người có thể quán chiếu khắp mọi nơi và che chở cho nhân dân trong vùng. Một mặt hướng về vùng đồng bằng để bảo hộ cho mùa màng tốt tươi nhân dân no ấm, một mặt hướng về quốc lộ gia trì cho mọi người và các phương tiện đi đường được bình an, một mặt hướng về chùa gia hộ cho ngôi Tam Bảo như lắng nghe những lời cầu nguyện của thập phương của thiện nam tín nữ khi về chùa. Đây cũng là biểu tượng để du khách từ xa có thể nhìn thấy vị trí và xác định được đường vào chùa.
Vào trong sân chùa, chúng ta cảm nhận thấy một không gian sạch sẽ thoáng mát. Bên hông chính điện là vườn La Hán với tượng 18 vị bằng đá xanh. Ở vách núi cao có tạc tượng Phật Thích Ca cao 4,3 m. Vườn chùa được trồng cây ăn quả và hoa xanh tốt, rực rỡ 4 mùa. Những buổi sáng hay chiều về từng đàn chim ùa xuống sân chùa để ăn. Chúng quen thuộc đến mức các sư thầy chỉ cần gõ chuông nhè nhẹ là từng đàn sà xuống. Những con chim làm tổ ngay trong vách đá cheo leo càng tô thêm sự kỳ bí nhưng vô cùng hài hòa của con người và cảnh vật nơi đây.
Những nhánh cây ngọn cỏ đến giếng nước cổ quanh năm nước trong vắt hay đến những Phật tử đến chiêm bái lễ Phật đều cảm nhận được sự thanh tịnh nhẹ nhàng chốn thiền môn. Từ trên cao nhìn xuống thấy những kiến trúc của chùa thấp thoáng xen kẽ trong màu xanh của cây cối, màu của núi đá vôi, màu của ruộng đồng bốn mùa xanh tốt. Một quần thể đẹp đến nao lòng. Vào đến sân chùa, chúng ta như trút bỏ được những muộn phiền, xô bồ ngoài kia để lòng mình tĩnh lại, để tâm thanh thản, để sống với hiện tại…Mọi chỗ trong khung cảnh chùa đều thể hiện sự tỉ mỉ, nâng niu của quý thầy, Phật tử nơi đây.
Hàng tháng, chùa mở ra các ngày dạy giáo lý, các ngày tu niệm Phật, nhằm giúp cho bà con Phật tử xa gần có điều kiện trau dồi kiến thức Phật học, tìm hiểu những giáo lý mầu nhiệm của đạo tỉnh thức từ đó áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem đến sự an lạc cho bản thân và những người xung quanh để xây dựng một cuộc sống “Từ bi” và “ Trí huệ” ( Hai chữ sẽ dễ nhận thấy nếu bạn vào bái Phật ở khu vực Chánh điện ) . Những buổi thuyết giảng của Sư phụ đã thu hút hàng nghìn Phật tử. Sư phụ dặn dò: “ Tu là chuyển nghiệp. Không có một phép màu nào hơn sự tu tập của mỗi người”. Lời thầy như định hướng cho quý Phật tử trong hành trình tu học. Để mọi người thoát khỏi mê lầm đi theo con đường chánh đạo.
Chùa còn quan tâm đến việc giáo dục thể chất cũng như tinh thần cho giới trẻ bằng việc mở ra các lớp võ Karate, các lớp học hè để các em về tham dự và học tập. Nhiều cuộc thi võ thuật được tổ chức, văn nhân về tọa đàm ngày thơ Việt Nam… ai ai cũng yêu mến cảnh chùa. Cảnh sơn thủy hữu tình làm cho lòng người trở nên bình yên, thanh sạch và bao dung…Vào đêm thanh vắng, hay một buổi sáng tinh sương tiếng chuông chùa vang vọng như thể hiện của sự bình yên, no ấm của một vùng đất, tâm ta thấy bình yên lạ thường.
Hằng năm, chùa con tổ chức các ngày lễ lớn như: Cầu an đầu năm, Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan Báo hiếu, Lễ kỷ niệm ngày sinh của đức Phật A Di Đà, Lễ kỷ niệm ngày thành đạo của đức Phật Thích Ca…Mỗi buổi lễ đều có một ý nghĩa riêng, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn giá trị của đạo Phật, giúp chúng ta tìm về với cội nguồn đạo đức tâm linh, tìm về với chân hạnh phúc.
Từ khi chùa được tôn tạo mở rộng, được quý thầy về trụ trì, quê hương đã có những chuyển mình rõ rệt về kinh tế, văn hóa xã hội. Vùng quê thuần nông ấy được nhân dân cả nước biết tới, ngôi chùa đã nâng cánh ước mơ cho nhiều em học sinh qua hội thiện nguyện “ Tâm bồ đề”… Rồi những cảnh đầm ấm hòa thuận của biết bao gia đình … đều in dấu ấn nhiệm mầu của Phật pháp.
Ngôi chùa trở thành một biểu tượng của quê hương tôi. Nhân dân trong làng luôn giữ một thói quen đến chùa vào ngày rằm, mùng một. Đặc biệt, trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, tất cả mọi người trong làng (và các xã lân cận) đều đến chùa thắp hương xin lộc, cầu bình an và may mắn. Bao thế hệ đã lớn lên từ vùng quê nghèo, dù đi đâu ở trong nước hay làm ăn định cư nước ngoài vẫn luôn hướng về quê hương với lòng biết ơn sâu sắc.. Từ khi ngôi chùa chỉ là một am nhỏ, đơn sơ nằm lưng chừng lèn, người dân nơi đây người nối người, đời này qua đời khác hương khói không bao giờ dứt. Hiện nay chùa Cổ Am trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc trong bản đồ du lịch của tỉnh nhà.